Chúa Nhật XXVIII Thường Niên Năm C
CN 28 NĂM C
9-10-2022
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Đông Vinh
GIÁO HUẤN SỐ 46
MỤC VỤ GIỚI TRẺ
Các lãnh vực cần phát triển (tt)
Cũng quan trọng không kém, đó là cảm hứng của người trẻ đối với thể theo. Giáo hội không nên đánh giá thấp tiềm năng của thể thao rong việc giáo dục và đào tạo, thay vào đó hãy giữ một sự hiện diện vững chắc trong lãnh vực này. Thế giới thể thao cần được giúp đỡ vượt qua một số khía cạnh có vấn đề của nó, như việc thần tượng hóa các nhà vô địch, sư chao đảo trước các mối lợi thương mại và thứ ý thức hệ tìm thành công bằng mọi giá. Ở trung tâm của kinh nghiệm về thể thao là “niềm vui”, niềm vui tập luyện, niềm vui qui tụ với nhau, niềm vui sống và đón nhận những quà tặng mà Đấng Sáng Tạo ban cho chúng ta mỗi ngày. Một vài giáo phụ dùng ví dụ về việc huấn luyện các lực sĩ để khích lệ người trẻ phát triển sức mạnh của mình và vượt qua sự chầy ì và chán chường. Thánh Ba-si-li-ô Cả, viết cho người trẻ, đã lấy sự nỗ lực mà các lực sĩ phải có để minh họa giá trị của hy sinh xét như phương thế để lớn lên trong nhân đức. Các chàng trai ấy phải chịu khổ vô kể, họ dùng nhiều cách để tăng cường sức mạnh của mình, ho đẫm mồ hôi khi tập luyện… Nói tóm, họ tuân thủ kỷ luật bản thân nghiêm ngặt đến nỗi đời sống của họ trước cuộc thi đấu hoàn toàn là một sự chuẩn bị cho nó… chúng ta đã được hứa phần thưởng dồi dào và tuyệt diệu đến mức không lưỡi nào tả được, vậy làm sao chúng ta có thể nghĩ về việc thắng các giải thưởng ấy nếu chúng ta chẳng làm gì ngoài việc tiêu phí đời mình trong nhàn rỗi và chỉ làm việc cách hời hợt nửa với (Tông huấn Đức Ki-tô hằng sống, số 227).
SUY NIỆM I
CN 28 NĂM C
2V 5,14-17; 2Tm 2,8-13; Lc 17,11-19
(Lm Giuse Nguyễn Trung Thành)
Mẹ Fatima
Ngày 13-10-1917, ngày Đức Mẹ hiện ra ở Fa-ti-ma lần cuối, và cũng là ngày trọng đại nhất.
Ngày 13-9 Đức Mẹ tiên báo với chị Lu-xi-a : “Mọi người hãy tiếp tục lần chuỗi hằng ngày. Tháng 10 tới, Mẹ sẽ làm một phép lạ để mọi người tin Mẹ hiện ra…Thánh Giuse cùng với Chúa Giêsu Hài Đồng cũng hiện ra và sẽ ban bình an cho thế giới. Đức Mẹ Mân Côi và Sầu Bi cũng hiện ra”.
Đúng như lời Đức Mẹ tiên báo. Một tháng sau, ngày 13-10 Đức Mẹ hiện ra, với phép lạ mặt trời và thánh Giuse cùng Chúa Hài Đồng ban phép lành.
Chị Lu-xi-a kể lại cho Đức cha giáo phận Fa-ti-ma như sau : “Hôm đó chúng con ra khỏi nhà thật sớm, vì sợ có chuyện gì trục trặc xảy ra dọc đường. Trời mưa tầm tã. Má con đi bên cạnh luôn sợ hãi. Má con cứ nghĩ hôm nay là ngày cuối đời của con…Dù đường đi lầy lội bẩn thỉu, đám đông (gần 70.000 người) quì gối xuống đất cầu nguyện…Khi đến cây sồi, con xin mọi người hạ dù xuống và lần chuỗi. Một lát sau, con nhìn thấy một tia sáng lóe lên và Đức Mẹ đứng trên cây sồi.
Con hỏi Đức Mẹ : Mẹ muốn con làm gì ?
Đức Mẹ trả lời : Mẹ muốn người ta xây ở đây một nhà thờ kính Mẹ. Mẹ là Đức Bà Mân Côi. Người ta hãy lần hạt hằng ngày…
Con nói với Đức Mẹ : Con xin Mẹ nhiều điều. Xin Mẹ thương chữa lành các bệnh nhân và cho các tội nhân ăn năn trở lại…
Đức Mẹ đáp : có người được ơn Mẹ ban, có người không. Họ phải sửa đổi đời sống và xin ơn tha thứ.
Bỗng Đức Mẹ buồn và nói : Người ta đừng xúc phạm đến Thiên Chúa nữa. Người ta xúc phạm đến Thiên Chúa nhiều lắm rồi.
Sau đó Đức Mẹ mở rộng hai bàn tay. Một luồng sáng rực rỡ từ hai bàn tay chiếu lên mặt trời (Lm Nguyễn Hữu Thy, Sứ Điệp Fatima, trang 76-78)
Tiến sĩ José kể cảnh mặt trời quay như sau : “Khoảng 2 giờ chiều mặt trời giống như một cái đĩa sáng rực rỡ, nhưng không làm lóa mắt…Cái đĩa quay tròn với tốc độ nhanh khủng khiếp, sà xuống đất… Mọi người sợ hãi, kêu la thất thanh. Rồi mặt trời trở lại bầu trời…Quần áo, cây cối, đất đai khô ráo, không còn một giọt nước” (Lm Nguyễn Hữu Thy, Sđd 78)
Chị Lu-xi-a kể tiếp với Đức giám mục : “Đứng bên cạnh mặt trời là thánh Cả Giuse với Chúa Hài Đồng và Đức Mẹ mặc áo trắng khoác áo choàng mầu xanh. Thánh Giuse và Chúa Hài Đồng giơ tay làm dấu Thánh Giá ban phép lành” (Nguyễn Hữu Thy, sđd, trang 78).
Như thế, ngày 13-10, trước khi phép lạ mặt trời diễn ra. Đức Mẹ đã buồn và nói : “Người ta đừng xúc phạm đến Thiên Chúa nữa. Người ta xúc phạm đến Thiên Chúa nhiều lắm rồi”, nghĩa là người ta vô ơn bội nghĩa với Chúa nhiều rồi.
BTM : BTM thánh lễ hôm nay kể Chúa Giê-su cũng nói đến thái độ vô ơn của con người. Chúa chữa 10 người phong hủi được lành, nhưng chỉ có một người trở lại cám ơn Chúa. Người đó lại là người xứ Sa-ma-ri, người ngoại đạo. Còn 9 người Do Thái, người có đạo, thì vô ơn, không trở lại cám ơn. Chúa Giêsu nói : “Không phải cả 10 người được sạch sao ? Thế thì 9 người kia đâu ? Sao không thấy họ tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này ? (Lc 17,17).
Bđ1 : Sách Các Vua bđ1 cũng đề cao lòng biết ơn của ông Na-a-man, một ông tướng ngoại giáo của nước A-ram, tức là nước Sy-ri. Ông bị bệnh phong hủi. Theo lời dạy ngôn sứ Ê-li-sa, ông đã dìm mình xuống sông Gióc-đan và ông được khỏi. Ông lấy 300 ký bạc, 60 ký vàng và 10 bộ quần áo đa tạ ngôn sứ Ê-li-sa. Ngôn sứ không nhận.
Giê-kha-di, chú tiểu đồng của ngôn sứ tiếc rẻ, chạy theo xin lại 30 ký bạc và 2 bộ quần áo. Tướng Na-a-man cho gấp đôi : 60 ký bạc, và 2 bộ quần áo. Khi về, ngôn sứ hỏi : “Giê-kha-di mày đi đâu về ?”. Chú nói dối : “Tôi tớ ngài không đi đâu cả.” Ngôn sứ liền lên án tội tham lam của chú : “Bệnh phong của ông Na-a-man mãi mãi bám lấy mày và dòng dõi mày” (2V 5,1-27).
Bđ2 : Bđ2 thư Ti-mô-thê cho chúng ta biết lòng biết ơn của thánh Phao-lô. Sau khi được gặp gỡ Chúa Giê-su phục sinh trên đường đi bắt đao ở Đa-mát, thánh Phao-lô tạ ơn Chúa không chỉ bằng của cải vật chất, mà bằng cả cuộc đời. Thánh nhân viết : “Anh Ti-mô-thê thân mến, anh hãy nhớ đến Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã sống lại từ cõi chết, Đấng xuất thân từ dòng dõi Đa-vít, như tôi vẫn nói trong Tin Mừng tôi loan báo. Vì Tin Mừng ấy, tôi chịu khổ, tôi còn phải mang cả xiềng xích như một tên gian phi” (2Tm 2,8-9).
Có lẽ vì đã chứng kiến quá nhiều sự vô ơn trong xã hội và cuộc sống của con người, nên nhà văn người Nga Dostojewski đã mỉa mai nói rằng: « Tôi nghĩ rằng, câu định nghĩa hay nhất về con người là : Con người là con vật hai chân vô ơn ».
Cầu nguyện
Tv 97,4
Toàn cõi đất này đã xem thấy
ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta
Tung hô Chúa, hỡi toàn thể địa cầu
mừng vui lên, reo hò mừng hát.
SUY NIỆM II
TẠ ƠN THIÊN CHÚA LÀ HOA TRÁI ĐỨC TIN
Tuần 28 Thường Niên (Hội An 9/10/2022)
(Lm Giuse Nguyễn Văn Thú)
Khi nghe trình thuật Tin Mừng hôm nay về sự kiện Chúa Giê-su chữa lành cho mười người phung cùi, nhưng chỉ một người trở lại cảm tạ ơn Chúa, có lẽ ai trong chúng ta cũng cảm thấy khó chịu về chín người vô ơn kia và quyết không để con cái mình rơi vào tình trạng vô ơn như thế. Nhưng ở đây, Tin Mừng còn nói đến lòng biết ơn của người phung cùi Samaria là hoa trái đức tin của ông vào Chúa Giê-su.
- Cầu xin không hẳn là hoa trái đức tin
Không hẳn cứ cầu xin là thể hiện đức tin vào Chúa. Mười người phung cùi đều cầu xin khi Chúa đi đến với họ. Thay vì họ phải hét lớn lên “ô uế! ô uế” để Chúa phải tránh xa như luật Do Thái đòi hỏi, họ đã làm vang lớn lời cầu xin Chúa thương xót họ: “Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương xót chúng tôi.” Thoạt nghe, người ta tưởng họ có lòng tin vào Chúa Giê-su, nhưng thật ra, họ đang nài xin được chữa lành và dừng lại ở ơn được chữa lành, mà không vươn tới được Đấng thương xót và chữa lành cho họ. Cũng vậy, bao nhiêu người đến điểm hành hương này, đền thánh kia để xin ơn, thử hỏi, có bao nhiêu người thêm mạnh tin và có bao nhiêu người trong số họ trở nên Ki-tô hữu từ những lần họ được toại ý nguyện xin? Bao nhiêu lần chúng ta cần xin ơn Chúa, ơn sức khỏe, ơn có công ăn việc làm, ơn thuận lợi trong việc gia đình, học hành, tài chánh, tình duyên, ơn bình an và nhiều ơn khác, nhưng những ơn ấy có làm cho đức tin chúng ta mạnh mẽ hơn không? Hay cách cư xử của chín người phung cùi sau khi được ơn cũng là cách cư xử của chúng ta với Chúa, nghĩa là chấm dứt đức tin sau khi được Chúa ban ơn ích?
Đành rằng ơn Thiên Chúa luôn là niềm khao khát có mặt thật sự trong tâm hồn mỗi người khiến nhiều nỗ lực của con người thất bại khi muốn đàn áp hay tuyên bố Thiên Chúa đã chết, niềm khao khát đó không như cái máy kỹ thuật tự động phát sinh đức tin vào Thiên Chúa; trái lại, niềm khao khát ơn Chúa lẽ ra phải khơi dậy đức tin trong con người, một khi con người nhận ra Thiên Chúa là Đấng ban ơn cho mình và toàn bộ cuộc đời mình từ nay gắn bó không rời Thiên Chúa. Phải thú nhận rằng ngày nay con người tìm mọi cách che khuất Thiên Chúa như mặt trời bị mặt trăng che khuất trong hiện tượng nhật thực. Đối với chín người phung cùi không trở lại cảm tạ Chúa, thay vì đến và đặt niềm tin vào Chúa Giê-su, niềm vui được lành bệnh che khuất Đấng chữa lành họ. Đối với chúng ta, niềm vui được ơn này ơn khác cũng từng che khuất sự hiện diện của Đấng đầy lòng thương xót: được ơn bình an qua dịch bệnh, quên mất sống mật thiết với Chúa; được ơn an bình, quên mất cảm tạ Thiên Chúa; được ơn sống thuận hòa, quên mất cùng nhau thờ phượng Chúa; được ơn hằng ngày dùng đủ, quên mất Chúa đang đáp lại lời cầu xin của ta qua kinh Lạy Cha v.v. Chúng ta dừng lại những ơn nhận được mà không còn thấy Đấng ban ơn cho ta, nên không đến với Chúa mà cảm tạ Ngài. Đức Bênêđíctô nhận xét, con người trong xã hội hôm nay đang mang một chứng bệnh mất trí nhớ về Thiên Chúa, nên không nhận thấy Thiên Chúa và không có đức tin vào Ngài.
Vì thế, không hẳn có cầu xin là có đức tin.
- Tạ ơn là hoa trái đức tin
Lòng biết ơn và cảm tạ Thiên Chúa là kết quả của đức tin. Thánh sử Luca nhận ra chi tiết quan trọng, đó là mười người phung cùi cầu xin và được chữa lành, chỉ một người có đức tin, mà người ấy là người Samaria, nghĩa là người ngoài Do Thái, người chưa được nghe nhiều về Thiên Chúa. Dấu hiệu đức tin của anh là anh trở lại cám tạ Chúa, Đấng đã ban cho anh ơn lành bệnh và ơn tha thứ tội lỗi. Tướng Naaman người Syria cũng thế. Tất cả họ trở lại cám ơn Thiên Chúa. Thật bất ngờ! Đây không chỉ là nhân đức biết ơn của người có nhân cách, mà hơn thế, là cách họ diễn tả đức tin vào Đấng đã ban ơn cho mình.
Người phung cùi Samaria trở lại để bày tỏ đức tin vào Chúa Giê-su. “Anh lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa và sấp mình dưới chân Chúa.” Sấp mình là cách thế thờ phượng. Sách các Vua thuật chuyện nhiều người quỳ sụp trước thần Ba-an, vì họ thờ thần ấy. Ở đây, người phung cùi sấp mình và thờ phượng Chúa Giê-su. Ông nhận ra Chúa Giê-su là Đấng có lòng thương xót đã đáp lại ơn cầu xin thương xót của ông. Ông nhận biết Chúa Giê-su là Đấng yêu thương thân phận khốn khổ của ông. Ông tin nhận bằng kinh nghiệm đức tin rằng Chúa Giê-su luôn đoái nhìn đến ông trong mọi hoàn cảnh. Vì thế, những gì ông được hôm nay là quà tặng Chúa ban cho ông và đức tin ông có hôm nay là của lễ ông dâng cho Chúa. Người phung cùi Samaria này biết ơn Chúa và Chúa cho biết, lòng biết ơn đó là hoa trái của đức tin: “Đức tin của con đã cứu chữa con.”
Nhưng Chúa vẫn cứ hỏi: “Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa!” (Lc 17,17-18). Chỉ 1/10 sao? Nếu bảng thống kê này đại diện cho tình trạng Ki-tô hữu hôm nay, thì con số 9 người vô ơn và không sống đức tin tăng lên gấp bội. Có lẽ họ đang tổ chức bữa tiệc ăn mừng vì được ơn lạ, đang hớn hở vì được ơn đã xin. Nhưng nếu họ như người phung cùi Samaria trở lại gặp Chúa, tham dự thánh lễ tạ ơn Chúa, thay đổi đời sống cho đẹp lòng Chúa, chia sẻ niềm vui của người tín thác vào Chúa cho mọi người, thì đức tin của họ vừa tăng trưởng và đời sống của họ vừa là một cuộc đời cảm tạ ơn Chúa.
“Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa!” Câu hỏi của Chúa đang chất vấn mỗi chúng ta từ lúc này.