Chúa Nhật XXVIII Thường Niên-Năm C


CN.28.C

(2V 5,14-17; 2Tm 2,8-13; Lc 17,11-19)

9-10-2016

Lễ Chúa Ba Ngôi năm 1629, Trịnh Tráng ra lệnh treo sắc chỉ trục xuất hai cha Marquez và Alexande de Rhodes (Đắc Lộ) ra khỏi Đàng Ngoài (xứ Bắc). Có lẽ vì ba lý do sau đây :

1- Luật hôn nhân một vợ một chồng : Một họan quan được một vương phi quyền thế sai đến nói với hai cha : “Hỡi các Tây giảng đạo trưởng, sao các ngươi lại đem đến gỉảng trong nước ta một đạo trái với tục đa thê trong nước ta ? Các ngươi chỉ cho phép thần dân của ta được có một vợ một chồng, khi mà ta muốn có thêm nhiều tôi trung” (NH,I,122).

2- Hoạn quan và các thầy cúng vu cáo các cha là những phù thủy giết người. Gặp người lớn và trẻ em sắp chết, các cha thường cố khuyên họ trở lại, hoặc xin đem về nuôi, lo chôn cất để được rửa tội trước khi chết. Họ vu oan các cha là những phù thủy giết hại các nhân tài, tướng giỏi (NH,I,123).

3- Họ bẻ tay chân các tượng trong chùa, vu oan cho các cha phá phách (NH,I,123).

4- Chúa Trịnh ở miền Bắc cũng như chúa Nguyễn trong Nam cho các cha ở lại giảng đạo, để được người nước ngoài đến buôn bán. Không thấy thyền buôn đến, thì trục xuất các cha (NH,I,123).

Năm đó mưa to gió lớn, tầu buôn người Bồ không đến. Chúa Trịnh Tráng cho người đến báo cho các cha biết nhà chúa sẽ cho thuyền chở các cha vào Nam. Các cha xuống thuyền đậu sẵn trên bến.

Giáo dân đứng chật hai bên bờ sông Hồng buồn bã khóc lóc. Cụ nghè Gio-a-kim tuổi đã quá 70, trước là quan đại thần trong triều cũng có mặt. Cụ mặc áo thụng xanh, tiễn các cha ra tận bến. Trước khi chia tay, cụ phục lạy các cha bốn lạy, dù các cha hết sức từ chối. sau mấy lời khuyên răn từ giã cuối cùng, con thuyền xa bến giữa những tiếng khóc của giáo dân. Lúc đó là vào cuối tháng 3-1629. Cùng đi với hai cha có thầy giảng I-nha-xu và bõ An-tô-ni-ô. Các cha để lại hai thầy Phan-xi-cô và An-rê-a để trông coi giáo đoàn (NH,I,127).

Giáo dân miền Bắc thời khởi đầu có lòng biết ơn như Lời Chúa dạy trong thánh lễ hôm nay.

Bđ1 : Sách Các Vua trong bđ1 kể lòng biết ơn của quan Na-a-man nước Sy-ri. Sau khi tắm dưới sông của người Ít-ra-en khỏi bệnh cùi, quan đã dâng quà tạ ơn, nhưng ngôn sứ Ê-li-sa không nhận. Quan Na-a-man nói : “Nếu ngài từ chối, thì xin cho phép tôi tớ ngài đây mang về một số đất vừa sức hai con lừa chở được, vì tôi tớ ngài sẽ không dâng lễ toàn thiêu và hy lễ cho thần nào khác ngoài Đức Chúa” (1V 5,17).

BTM : BTM kể lòng biết ơn của người cùi Sa-ma-ri. Sau khi đi trình diện các tư tế được khỏi bệnh, anh ta trở lại, sấp mình dưới chân Chúa Giê-su cám ơn. Còn 9 người Ít-ra-en cũng khỏi, nhưng không quay lại cám ơn Chúa.

Bđ2 : Thư cho ông Ti-mô-thê trong bđ2, thánh Phao-lô khuyên hãy trung tín với Chúa : “Nếu ta cùng chết vơi Người, ta sẽ cùng sống với Ngươi. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người. Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng chối bỏ ta” (2Tm 2,11-12).

Người trung tín chính là người biết ơn.

——————————-

CN.28.C

10-10-2010

Năm nay là Năm Thánh kỷ niệm 350 năm thiết lập hai giáo phận đầu tiên (1659-2010) và 50 năm thành lập hàng giáo phẩm (1960-2010). Ngày mai, 11-10, ngày lễ mừng kính Đức giáo hoàng Gioan XXIII, người đã ký sắc lệnh thiết lập hàng giáo phẩm VN.

Giáo Hội không chọn ngày sinh 25-11-1881, không chọn ngày chết 3-8-1963, cũng không chọn ngày phong chân phước 3-9-2000, song GH chọn ngày 11-10-1962, ngày khai mạc Công đồng Va-ti-ca-nô II, làm ngày lễ mừng kính. Như thế đủ biết Công Đồng Va-ti-ca-nô II là một công trình to lớn của Chân phước Gio-an XXIII.

Đức Gio-an XXIII được bầu làm giáo hoàng ngày 28-10-1958, sau 10 lần bầu phiếu. Khi đó ngài đã 77 tuổi. Ông già 77t mà mở Công Đồng, một công việc cả trong Giáo Hội và ngoài thế gian đều ngạc nhiên, trố mắt ngỡ ngàng.

     Báo La Croix số ra ngày 5 tháng 6 năm 1963 đã đánh giá về Đức Giáo hoàng Gio-an 23 như sau :

Nhiệm kỳ Giáo chủ ngắn ngủi này đã được bù lại bằng sự cô đọng sâu sắc. Trong thời kỳ đó, Giáo hội được hình dung bằng một hình ảnh mới, ít là với người ngoài Giáo hội. Giáo hội không còn là một pháo đài kiên cố, sừng sững trên nền đá, hãnh diện về thành lũy bất khả xâm phạm, chằng chịt những lệnh cấm và hàng rào phòng thủ, chỉ thích che chở cho những ai yên thân sống ở trong… Ngày nay Giáo hội xuất hiện như một con tàu, mà quê hương chân thật là sự thân thương với gió khơi, sóng nước và sao trời, để nối liền tình huynh đệ giữa những bến gần bờ xa… Nhờ Đức Gio-an XXIII, người đời biết được rằng, sự thật mà ở bên ngoài lòng yêu mến thì không phải từ Thiên Chúa”.

Ngài qua đời vào tối ngày 3 tháng 6 năm 1963 và được phong chân phước ngày 3-9-2000, phong thánh vào ngày 27-4-2014.

Đọc lại lịch sử GHVN, chúng ta cũng phải trố mắt ngạc nhiên: một ông già 77t làm một việc mà cả 278 năm (1678-1960) không vị giáo hoàng nào dám làm.

Khi Đức cha Francois Pallu, gíam mục đầu tiên của gíao phận Đàng Ngoài không thể đến nhận sở ở VN, ngài đến Rô-ma năm 1678, để đề nghị Đức giáo hoàng phong chức giám mục cho cha Giu-se Phước, linh mục VN.

Cha Giu-se Phước, quê Thanh Hoá. Ngài được gửi sang học Đại chủng viện Giu-se ở Thái Lan. Đức cha Louis Laneau, giám đốc Đại chủng viện, đã tường trình về Bộ Truyền Giáo ở Rô-ma về cha Phước như sau  : “Giu-se Phước, 26t, học ở Đại Chủng Viện Thái Lan từ 10 năm nay. Thầy có tâm hồn đơn sơ, nhẹ nhàng, khiêm tốn, nết na, rất chăm chỉ việc đạo đức, tiết độ, mau mắn vâng phục trong mọi sự cách vui vẻ, rất yêu mến đức khó nghèo, bằng lòng với mọi hoàn cảnh của sự thiếu thốn, luôn vững chí lúc mạnh khoẻ cũng như khi bệnh tật, rất nổi bật về lòng đạo đức và đức khiết tịnh nguyên tuyền. Thầy luôn gương mẫu về các đức tính khác, khiến ai nhận thấy cũng ca khen chúc tụng TC, nghĩa là trong mọi sự thầy luôn thể hiện một nếp sống thánh thiện, kết hợp với tinh thần đơn sơ. Suốt 10 năm qua, chưa hề thấy điều gì làm cho các giáo sư và bạn bè chủng sinh phải phiền lòng…Thầy là một chủng sinh xuất sắc của Thánh Bộ, là hương vị ngọt ngào của Chúa Kitô. Thầy khá thông thạo về thần học” (Lm Phêrô Nguyễn Thanh Tùng, Lịch Sử Thành Lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, tr.52-53).

Xứng đáng là giám mục, nhưng cha Phước vẫn bị các thừa sai Pháp phản đối cho là không xứng đáng, chỉ vì ngài là người VN, người Pháp mới xứng đáng làm giám mục. Cha về Việt Nam phục vụ tại Thanh Hoá, rồi Nghệ An. Năm 1717 cha bị bắt. Cha bị kết án tù chung thân. Ngày 10-2-1732 cha bị chết trong tù (Sđd, tr.52).

Mãi năm 1933 mới có ĐGM người VN. Đó là Đức cha Gio-an Bao-ti-xi-ta Nguyễn Bá Tòng, 255 năm sau đề nghị của Đc Pallu.

Và mãi 1960, Người VN mới làm chủ GHVN, 282 năm sau đề nghị của Đc Pallu.

Người VN làm chủ GHVN là do một cụ già 77t, ĐGH.G.XXIII.

Nhớ ngày 24-11-1960, ngày thành lập HGPVN, chúng ta nhớ đến công ơn của ĐGH.G.XXIII, đặc biệt thứ hai ngày mai 11-10, ngày lễ mừng kính ngài.

Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay dạy chúng ta một nhân đức quan trọng : đó là lòng biết ơn. Đối với người VN, biết ơn là không chỉ là một nhân đức, mà là một đạo, một tôn giáo, “đạo hiếu”.

Bđ1 : Bđ1 kể chuyện ông Na-a-man, tướng chỉ huy quân đội nước Sy-ri, nghe lời ngôn sứ Ê-li-sa, xuống tắm ở sông Gio-đan, bệnh cùi của ông được chữa khỏi. Ông dâng lễ vật để tạ ơn TC và ngôn sứ.

Bđ2 : Bđ2 là đoạn thư thứ 2 gửi ông Ti-mô-thê, người môn đệ yêu dấu, thánh Phao-lô đã tỏ lòng biết ơn Chúa Kitô, bằng cách chịu khổ vì Chúa. Ngài viết : “Tôi cam chịu mọi sự, để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn” (2Tm 2,10).

BTM : BTM kể phép lạ Chúa Giê-su chữa 10 người cùi được khỏi bệnh. 9 người không đến cám ơn Chúa, chỉ có một người đến cám ơn. 9 người vô ơn là người có đạo Do Thái; còn người biết ơn lại là người Sa-ma-ri, người ngoại đạo.

Tác giả Thánh Vịnh khuyên dạy chúng ta :

“Chúc tụng Chúa đi hồn tôi hỡi

 Chớ khá quên mọi ân huệ của Người” (Tv 103,2).

———————————

CN.28.C

14-10-2007

Hôm qua là thứ bảy, ngày của Đức Mẹ. Hôm qua cũng là ngày kỷ niệm 90 năm Đức Mẹ hiện ra lần cuối ở Fatima 13-10-1917. Thật là một ngày diễm phúc. Ai trong chúng ta sống thêm được 10 năm nửa, để kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra. Được sống đến hôm qua, để mừng 90 năm là diễm phúc rồi.

Trước ngày 13-10, người ta đã tuốn về tụ tập tại đồi Cova da Iria. Người ta đi bằng đủ loại phương tiện : xe hơi, xe ngựa, xe bò, xe đạp, mỗi thứ cả hàng trăm chiếc. Phần đông đi bộ. Người đông như kiến. Ước tính phải tới 50.000 người. Người ta còn mang theo thức ăn.

Trời mưa như trút nước. Đất đã trở thành bùn. Dù được che trong dù, người ta cũng ướt đẫm. Tuy rét mướt, người ta vẫn cầu nguyện và ca hát. Trong khi đó người ta vác ba em Lu-xi-a, Phan-xi-cô và Gia-xin-ta trên vai. Ba em cũng ướt. Dân chúng chen nhau để được chạm vào ba em, khiến em Gia-xin-ta khóc. Khi thấy ông Ti Mar-tô, ba của mình, chen lấn phía sau, em Gia-xin-ta kêu lên : “Hãy để ý đến ba con với”. Gia-xin-ta nhỏ nhất, mới có 7 tuổi. Lu-xi-a phải dỗ cho Gia-xin-ta khỏi khóc. Lu-xi-a không sợ, nhưng mẹ của cô thì sợ, nói với cô : “Không có phép lạ, chúng ta sẽ bị giết.” Luxia thưa lại : “Con không sợ. Đức Mẹ giữ lời hứa mà.

Khi gần tới cây sồi, mưa càng nặng hạt. Họ đặt ba em xuống bãi bùn lầy lội. Ba em qùi xuống, bắt đầu lần chuỗi, rồi lớn tiếng bảo mọi người : “Hãy hạ dù xuống !”. Chị Lu-xi-a nói với Phan-xi-cô và Gia-xin-ta : “Đức Mẹ đang tới ! Chị đã trông thấy chớp sáng”. Bà mẹ của Lu-xi-a hồ nghi về việc Đức Mẹ hiện ra, và đã nhiều lần đánh đòn Lu-xi-a, nên nói với Lu-xi-a : “Nhìn kỹ con ơi, cẩn thận kẻo lầm” ! Nhưng con bà đã xuất thần. Một làn mây trắng lan ra chung quanh ba em, cao hơn 5 mét.

Đức Mẹ hiện ra. Lu-xi-a hỏi Đức Mẹ : “Bà muốn con làm gì ?” Đức Mẹ bảo : “Ta muốn một nhà nguyện được xây cất ở đây để tôn kính Ta. Ta là Đức Mẹ Mân Côi. Hãy tiếp tục lần hạt hằng ngày. Chiến tranh sẽ chấm dứt và bình an sẽ trở lại gia đình.”  Người ta năn nỉ Lu-xi-a xin Đức Mẹ chữa các bệnh nhân đang ngồi, nằm la liệt trên mặt đất. Đức Mẹ nói : “Điều cần thiết là người ta cải đổi đời sống và xin Chúa tha thứ tội lỗi. Có người sẽ được chữa khỏi, nhưng cũng có người không.” Các em thấy mặt Đức Mẹ rất buồn . Đức Mẹ nói tiếp : “Người ta đừng xúc phạm đến Chúa nữa. Người ta xúc phạm đến Chúa quá nhiều rồi.” Nói xong, Đức Mẹ bay lên trời. Khi bay, Đức Mẹ chiếu những tia sáng về phía mặt trời.

Bỗng Lu-xi-a kêu lên : “Ô kìa, hãy nhìn lên trời !”. Người ta thấy mây đen xé ra từng mảnh và mặt trời hiện ra. Giữa trưa mà mặt trời không làm chói mắt như mọi ngày. Mặt trời dịu như mặt trăng. Ai cũng nhìn được. Mặt trời rung rung, di động qua lại trên bầu trời. Rồi mặt trời quay tròn như bánh xe bằng lửa vĩ đại, giận dữ  ném xuống những tia sáng mầu sắc rực rỡ. Sau mấy phút, mặt trời ngừng lại, và lại bắt đầu quay thành những đường xoắn ốc kỳ diệu, sáng chói và rực rỡ hơn trước. Mặt trời tách ra khỏi bầu trời, giống như một khối cầu lửa vĩ đại, lao xuống đất theo hình chữ chi. Người ta sợ hãi té ngã xuống bùn, la hét, khóc lóc tội lỗi, xin Chúa thương xót. Mặt trời dừng lại và trở lại bầu trời, chiếu sáng như bình thường. Người ta lấy lại tinh thần và thấy quần áo cùng mặt đất khô ráo. Rồi Thánh Giuse bồng ẵm Chúa Giêsu Hài Đồng hiện ra. Cả hai đấng mặc áo đỏ. Còn Đức Mẹ mặc áo trắng, choàng áo xanh. Thánh Giuse và Chúa Hài Đồng giơ tay làm dấu Thánh Giá, chúc lành cho thế giới. Cuối cùng Đức Mẹ cầm ảnh Áo Ca-mê-lô giơ cao.

Chứng kiến phép lạ vĩ đại ngày 13-10 này, một người đã kể lại : “Tôi chĩ biết kêu lên : Con tin, con tin. Nước mắt tôi trào ra. Tôi sửng sốt trong cơn say mê trước sự hiển hiện của Thiên Chúa uy quyền.. Ngay lúc đó tôi đã ăn năn trở lại…

Lời Chúa thánh lễ chúa nhật hôm nay cũng muốn chúng ta chú ý đến đức tin cứu rỗi, việc ăn năn trở lại.

Bđ1 : Sách Các Vua kể truyện tướng Na-a-man chỉ huy quân đội của nước Syri bị bệnh phong cùi. Nhờ đứa hầu gái người Ít-ra-en mách bảo, ông đã sang nước Ít-ra-en để gặp ngôn sứ Ê-li-sa. Ngôn sứ bảo ông xuống sông Gío-đan tắm 7 lần. Ông nghĩ bụng : “Nước sông ở Đa-mát chẳng tốt hơn nước sông ở Ít-ra-en sao ?” Ông không chịu xuống. Các người đi theo năn nỉ ông, ông mới xuống tắm. Ông được khỏi. Ông trở lại dâng 300 ký bạc, 60 ký vàng và 10 bộ quần áo, nhưng ngôn sứ Ê-li-sa không nhận. Ông nói với ngôn sứ : “Nay tôi biết rằng khắp mặt đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ ở Ít-ra-en.” Rồi ông trở về xứ. Người đầy tớ của ngôn sứ tiếc của, chạy theo xin lại một số vàng bạc và quần áo. Tướng Na-a-man cho cả. Đem về, ngôn sứ bảo : “Giờ đây mày đã nhận tiền bạc, mày có thể sắm quần áo, tậu vườn, vườn ô-liu và vườn nho, mua bò dê chiên cừu và tôi trai tớ gái. Nhưng bệnh phong của ông Na-a-man sẽ mãi mãi bám lấy mày và dòng dõi mày” (2V 5,26-27). Tướng Na-a-man, người ngoại, qúi trọng đức tin cứu rỗi phần hồn hơn của cải phần xác; còn chú đầy tớ, người Do Thái, lại qúi của cải hơn đức tin cứu rỗi.

BTM : 10 người phong cùi trong bài TM đều được khỏi. Nhưng chỉ có người phong gốc Samari dân ngoại được ơn cứu rỗi, vì anh ta trở lại sấp mình để đón nhận ơn cứu rỗi. Chúa Giê-su nói với anh : “Đứng dậy về đi ! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh” (Lc 17,19). Còn 9 người gốc Do Thái, dân có đạo, không trở lại với Chúa Giê-su, vì coi việc khỏi bệnh phần xác qui hơn ơn cứu rỗi phần hồn. 9 người đó có cái nhìn thiển cận, giống như chú đầy tớ của ngôn sứ Ê-li-sa.

Bđ2 : Thánh Phao-lô đã nhắc nhủ môn đệ yêu qúi của mình là thánh Ti-mô-thê về sự cao trọng của ơn cứu rỗi. Cao qúi đến nỗi phải mua bằng máu, nước mắt, đau khổ, và vất vả như  người lính chiến, vận động viên và nông dân. Chính cuộc đời của thánh Phao-lô đã là bằng chứng. Ngài nói : “Tôi cam chịu mọi sự, để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn, để họ cũng đạt tới ơn cứu độ trong Đức Giê-su Ki-tô, và được hưởng vinh quang muôn đời” (2Tm 2,10).

Ơn cứu rỗi, phần rỗi linh hồn qúi giá hơn vật chất, thế gian, phần xác. Chính vì thế, Đức Mẹ thương chúng ta, đã hiện ra ở Fatima, nhắc nhở chúng ta tránh xa tội lỗi để được ơn cứu rỗi. Đức Mẹ đã hiện ra 6 lần vào các ngày 13 từ tháng 5 đến tháng 10. Hầu như cả 6 lần Đức Mẹ đều nhắn nhủ : “Hãy ăn năn đền tội” và “lần chuỗi hằng ngày”.

—————————————-

CN.28.C

10-10-2004

Chúng ta đang sống trong tháng Mân Côi của Đức Mẹ. Chính tại Fatima, Mẹ đã cho biết Mẹ là Mẹ Mân Côi. Hiện ra lần thứ ba ngày 13-7-1917. Hôm đó có cả ngàn người tụ họp trước cây sồi ở đồi Cova da Iria. Một làn gío mát thổi. Mọi người ngã xuống im lặng. Bỗng có tiếng kêu vo ve. Mọi người nhìn thấy một đám mây nhỏ đậu trên cây sồi. Ba em Lu-xi-a, Phan-xi-cô và Gia-xin-ta xuất thần. Phan-xi-cô chỉ thấy Đức Mẹ, chứ không nghe Đức Mẹ nói; còn hai em Lu-xi-a và Gia-xin-ta vừa được thấy vừa được nghe Đức Mẹ nói. Đức Mẹ nói : “Đừng xúc phạm đến Chúa nữa, vì người ta xúc phạm đến Chúa quá nhiều rồi…Hằng ngày hãy lần chuỗi để tôn kính danh hiệu Thiên Chúa ban cho Mẹ là Mẹ Mân Côi…Hãy hy sinh đền tội cho những người tội lỗi”. Tội lỗi là chính là sự vô ơn, từ chối những ơn lành. Biết bao ơn lành Chúa và Đức Mẹ ban cho chúng ta. Chúng ta hãy nhớ và cám ơn Chúa và Mẹ.      

Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay nói lên một đức tính quan trọng của bất cứ ai, một khi đã làm người : đó là lòng biết ơn. Lòng biết ơn cao quí biết bao. Thánh lễ chúng ta dâng gọi là lễ tế tạ ơn. Biết ơn và tạ ơn cũng là đạo hiếu của người Việt Nam.

Bài đọc 1 : Bđ1 đọc trong sách Các Vua quyển thứ hai. Hai quyển sách Các Vua kể lại cuộc đời của 19 vua của vương quốc miền Bắc và 20 vua của vương quốc miền Nam. Trong đời các vua có các ngôn sứ Thiên Chúa sai đến để chỉ bảo, dạy dỗ các vua và dân chúng.

Bđ1 thánh lễ hôm nay kể câu chuyện ông Na-a-man, vị chỉ huy quân đội nước A-ram, tức là nước Xy-ri  ngày nay, được chữa khỏi bệnh phong hủi. Khi đi càn quyét Is-ra-el, vương quốc miền Bắc, quân đội Xy-ri bắt được một cô gái đem về làm đầy tớ cho vợ ông Na-a-man. Cô gái Is-ra-el này nói với bà chủ : “Ồ, phải chi ông chủ của con được giáp mặt vị ngôn sứ ở Sa-ma-ri, thì chắc ngôn sứ sẽ chữa ông khỏi bệnh phong hủi” (5,3).

Ngôn sứ ở Sa-ma-ri là ngôn sứ Ê-li-sa. Sa-ma-ri tức là thủ đô của vương quốc Is-ra-el. Sau khi được phép vua Xy-ri, ông Na-a-man lên đường, mang theo 300 ký bạc, 60 ký vàng và 10 bộ quần áo. Tới nơi, ông Na-a-man trình thư vua Xy-ri  cho vua Is-ra-el. Thư vua Xy-ri viết rằng : “Cùng với bức thư mà tôi gửi tới ngài đây, tôi sai Na-a-man, thuộc hạ của tôi, đến với ngài, để ngài chữa người này khỏi bệnh phong hủi” (5,6). Đọc thư xong, vua Is-ra-el xé áo mình ra và nói : “Ta đâu có phải là vị thần cầm quyền sinh tử, mà ông ấy lại sai người này đến nhờ ta chữa hắn khỏi bệnh phung hủi ? Các ngươi phải biết, phải thấy rằng ông ấy muốn sinh sự với ta” (5,7).

Nghe biết vua xé áo mình ra, ngôn sứ Ê-li-sa sai người đến nói với vua : “Sao vua lại xé áo mình ra ? Người ấy  cứ đến với tôi, thì sẽ biết là có một ngôn sứ ở Is-ra-el” (5,8). Ông Na-a-man đi ngựa tới nhà ngôn sứ Ê-li-sa. Ngôn sứ không ra tiếp, sai người ra nói : “Ông hãy đi tắm 7 lần trong sông Gio-đan. Da thịt ông sẽ trở lại như trước, và ông sẽ được sạch” (5,10).

Ông Na-a-man nổi giận, bỏ đi và nói : “Ta cứ nghĩ bụng là thế nào ông ấy cũng đích thân đi ra, rồi đứng mà cầu khẩn danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ông ta. Ông ta sẽ quơ tay lên đúng chỗ phung hủi mà chửa khỏi. Nước các sông A-va-na và Pac-pa ở Đa-mát không tốt hơn hơn tất cả nước sông ở Is-ra-el sao ? Ta lại không thể tắm ở các sông ấy để được sạch hay sao ?” (5,11-12). Các tôi tớ của ông nói : “Cha ơi, giả như ngôn sứ bảo cha làm một điều gì khó, chẳng lẽ cha lại không làm ? Phương chi ngôn sứ chỉ nói : ‘Ông hãy đi tắm, thì sẽ được sạch !” (5,13).

Ông Na-a-man xuống sông Gio-đan tắm 7 lần và bệnh phung hủi của ông được khỏi. Ông trở lại cám ơn ngôn sứ Ê-li-sa. Ông nói : “Nay tôi biết rằng : trên khắp mặt đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ ở Is-ra-el. Bây giờ xin ngài nhận món quà của tôi tớ ngài đây” (5,15). Ngôn sứ Ê-li-sa nhất mực từ chối. Ông Na-a-man nói : “Nếu ngài từ chối, thì xin cho phép tôi tớ ngài đây mang về một số đất vừa sức hai con lừa chở được, vì tôi tớ ngài sẽ không còn dâng lễ toàn thiêu và hy lễ cho thần nào khác, ngoài Đức Chúa” (5,17). Ông Na-a-man xin ít đất để ông về làm đền thờ, mà thờ phượng cám ơn Chúa, vì đất của Is-ra-el mới thiêng. Sau hết, ngôn sứ Ê-li-sa bảo : “Ông đi bằng an” (5,19).

Câu chuyện ông Na-a-man không những nói đến lòng biết ơn, mà còn nói đến lòng tin, như Chúa Giê-su phán : “Vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phung hủi ở trong nước Is-ra-el, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xyri thôi” (Lc 4,27).

Bài Tin Mừng : Thời ngôn sứ Ê-li-sa chỉ có ông Na-aman, người Sy-ri được khỏi bệnh phong hủi. Còn thời Chúa Giê-su lại chỉ có một người xứ Sa-ma-ri trở lại cám ơn Chúa. Người Sa-ma-ri và người Do thái là kẻ thù với nhau. Từ sau thời vua Sa-lô-môn hai miền Nam Bắc chia rẽ nhau. Đến năm 721 quân Át-xi-ri chiếm miềm Bắc và đem những đám nô lệ đến định cư tại miền Sa-ma-ri. Nên từ đó người Do thái miền Nam coi những người ở Sa-ma-ri miền Bắc là dị giáo, ngoại đạo, không chung sống với nhau. 10 người phong hủi Chúa Giê-su chữa khỏi, 9 người là Do Thái, chỉ  có một người là Sa-ma-ri. 9 người Do thái không trở lại cám ơn Chúa, chỉ có người Sa-ma-ri, ngoại giáo, trở lại cám ơn. Chúa hỏi : “Không phải cả 10 người đều đươc sạch sao ? Thế thì 9 người kia đâu ? Sao lại không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này ?(Lc 17,16-17).

Bài đọc 2 : Thánh Phao-lô đang bị tù ở Rôma. Biết cái chết gần kề, nên thánh Phao-lô đã viết thư để căn dặn, trăn trối với thánh Ti-mô-thê, người học trò thân yêu, người mà thánh Phao-lô đã đưa về với Chúa tại Lýt-ra, thuộc nước Thổ Nhĩ Kỳ, trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ hai. Khi thánh Phao-lô viết thư cho thánh Ti-mô-thê đang trông coi giáo đoàn Ê-phê-sô. Qua đoạn thư đọc trong thanh lễ hôm nay, thánh Phao-lô khuyên thánh Ti-mô-thê chịu cực, chịu khó với Chúa Kitô. Thánh Phao-lô viết : “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người” (2Tm 2,11-12).  Chính thánh Phao-lô đã nêu gương trước : “Vì Tin Mừng ấy, tôi chịu khổ, tôi còn phải mang cả xiềng xích như một tên gian phi…Tôi cam chịu mọi sự” (2,9-10).

Lòng biết ơn cũng chính là lòng trung tín. Bất tín, bất trung là dấu chỉ lòng vô ơn, bội phản.

Linh mục Nguyễn Trung Thành