Chúa Nhật XXVIII Thường Niên – Năm A


CN.28.A

(Is 25,6-10a; Pl 4,12-14.19-20; Lc 11,27-28)

Thứ tư ngày 11-10, ngày kính thánh Giáo hoàng Gioan XXIII. Chúng ta chiêm ngắm ngài, một hình ảnh Thiên Chúa nhân hậu trong lời Chúa hôm nay.

 Đức Thánh Cha Gioan XXIII là người đã triệu tập Công Đồng Vatican II, mở cánh cửa Giáo Hội ra với thế giới bên ngoài, và đem một sinh khí mới vào đời sống của Giáo Hội.

Triệu tập Công đồng là một công việc vĩ đại, phát xuất từ nhiều lo lắng cho tương lai Giáo Hội với quá nhiều vấn đề khó khăn, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII lại vẫn thường cầu nguyện rất đơn sơ nhẹ nhàng trước giờ đi ngủ: “Lạy Chúa, Giáo Hội là của Chúa, con chỉ là tôi tớ. Giáo Hội mạnh yếu thành đạt là trách nhiệm của Chúa. Con đã làm bổn phận của con, giờ này đến giờ con đi ngủ, xin Chúa ban phúc lành cho con.” Nói thế rồi, Ngài đi vào giấc ngủ ngon. Như vậy, dù thường xuyên suy tư trăn trở cho Giáo Hội, ngài lại rất thực tế sống tinh thần phó thác – giống như chỉ chuyên chăm hoàn tất bổn phận hằng ngày của mình với “Mười Điều Tâm Niệm” mà ngài đã đề ra cho mình:

1.Ngày hôm nay, tôi sẽ sống tích cực trọn vẹn, chứ không tìm cách giải quyết mọi vấn đề của đời mình.

2.Ngày hôm nay, tôi sẽ chú ý đặc biệt đến dáng vẻ của mình: ăn mặc đơn sơ, không lớn tiếng, lịch sự trong cách ứng xử; tôi sẽ không phê phán ai; tôi cũng sẽ không đòi ai phải ứng xử hoặc kỷ luật ai, trừ ra chính con người của mình.

3.Ngày hôm nay, tôi vui sướng tin chắc rằng tôi được tạo dựng để sống hạnh phúc, không chỉ cho đời sau mà ngay cả từ đời này.

4.Ngày hôm nay, tôi sẽ sống theo hoàn cảnh của mình, mà không đòi hỏi hoàn cảnh phải phù hợp với những ước muốn của tôi.

5.Ngày hôm nay, tôi sẽ dành 10 phút để đọc điều gì thật hữu ích, và luôn nhớ rằng lương thực cần cho cuộc sống như thế nào thì đọc điều hữu ích cũng cần thiết để nuôi dưỡng cho linh hồn mình như vậy.

6.Ngày hôm nay, tôi sẽ làm một điều tốt mà không kể cho ai nghe.

7.Ngày hôm nay, tôi sẽ làm ít nhất một điều tôi không thích: và nếu tôi bị tổn thương, thì tôi cũng không cho ai biết điều này.

8.Ngày hôm nay, tôi sẽ hoạch định một chương trình cho riêng tôi: tôi có thể không theo sát được từng chữ, nhưng tôi sẽ có một chương trình như thế. Và tôi sẽ đề phòng hai điều tai hại: cẩu thả và lừng khừng, không dám quyết tâm.

9.Ngày hôm nay, tôi tin chắc rằng, dù thế nào đi nữa, thì Thiên Chúa vẫn yêu thưong tôi như chỉ có mình tôi trên thế gian này.

10.Ngày hôm nay, tôi sẽ không sợ hãi gì. Tôi sẽ không ngần ngại thưởng ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên và tin tưởng vào lòng nhân ái của con người và cuộc đời.
Thực thế, trong vòng 12 tiếng đồng hồ, tôi chắc chắn có thể làm tốt điều mà tôi nghĩ rằng sẽ thật kinh hoàng nếu phải làm nó suốt cả đời.

Đức Gioan XXIII cũng thường được gọi là “Giáo hoàng Gioan nhân hậu”. Ngài coi mình là “con cái của Thánh Phanxicô” khi gia nhập Dòng Ba Phanxicô lúc còn là một chủng sinh. Vị Giáo hoàng khiêm tốn này thường bắt chước lời của ông Giuse ở Ai Cập (Cựu Ước) chào hỏi các thành viên của Dòng Ba Phanxicô: “Tôi là Giuse, người anh em của quý vị.”

Vị Giáo hoàng thứ 261 này có tên khai sinh là Angelo Giuseppe Roncalli, sinh tại làng Sotto il Monte, thuộc tỉnh Bergamo, vào ngày 25.11.1881, con trai đầu của ông Giovanni Battista Roncalli và bà Marianna Mazzola. Ngay buổi chiều hôm đó, trẻ sơ sinh Angelo được rửa tội. Người đỡ đầu là ông Zaverio Roncalli, một trong những người bác của ông bố Battista, rất đạo đức, ở độc thân, tự nhận lấy bổn phận dạy giáo lý cho nhiều đứa cháu. Sau này, Đức Gioan XXIII đã cảm động nhớ lại nhiều kỷ niệm và biết ơn về những lo lắng chăm sóc của ông.

Ngay từ thời thơ ấu, đã có một khuynh hướng nghiêm chỉnh về đời sống Giáo hội, nên sau khi học học bậc tiểu học, cậu chuẩn bị vào chủng viện giáo phận nhờ sự trợ giúp học thêm tiếng Ý và tiếng Latinh của một số linh mục trong khi theo học tại một trường có uy tín của Celana. Ngày 07-11-1892, cậu gia nhập chủng viện Bergamo. Sau khi hoàn tất tốt đẹp năm thứ hai của thần học vào tháng Bảy năm 1900, thầy được gửi về Roma vào tháng Giêng năm sau để vào chủng viện Apollinare, nơi có một số học bổng cho hàng giáo sĩ thuộc giáo phận Bergamo.

Ngày 13 tháng 7 năm 1904,  mới hai mươi tuổi rưỡi, thầy đậu tiến sĩ thần học. Ngày 10 tháng 8 năm 1904, thầy được thụ phong linh mục trong nhà thờ Đức Maria di Monte Santo; ngài cử hành Thánh Lễ đầu tiên vào ngày hôm sau trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô. Dịp này, ngài quyết tâm tận hiến hoàn toàn cho Chúa Kitô và hết lòng trung thành với Giáo hội.

Sau một thời gian ngắn về nghỉ tại quê nhà, vào tháng Mười, ngài bắt đầu theo học giáo luật tại Rôma, và rồi phải nghỉ học vào tháng Hai năm 1905, khi ngài được chọn làm thư ký của Giám mục mới của giáo phận Bergamo, Đức cha Giacomo Radini Tedeschi.

Ngoài nhiệm vụ thư ký, ngài còn kiêm nhiệm nhiều công việc khác. Từ năm 1906, ngài đảm nhiệm giảng dạy nhiều môn học trong chủng viện: Lịch sử giáo hội, Giáo phụ và Hộ giáo. Từ năm 1910, ngài cũng phụ trách môn Thần học cơ bản. Ngài nghiên cứu lịch sử địa phương, xuất bản tác phẩm viết về những chuyến viếng thăm mục vụ của thánh Carlo Bergamo (1575), một nỗ lực trong nhiều thập kỷ dài và tiếp tục cho đến những ngày trước cuộc bầu cử Giáo hoàng. Ngài cũng là chủ nhiệm tờ báo định kỳ của giáo phận “La Vita Diocesana” và kể từ năm 1910, ngài làm trợ úy cho Liên hiệp những Phụ nữ Công giáo.

Khi Thế chiến thứ I bùng nổ, vào năm 1915 ngài làm tuyên úy hơn ba năm với cấp bậc trung sĩ, chăm sóc thương binh trong các bệnh viện ở Bergamo. Vào tháng Bảy năm 1918, ngài dấn thân phục vụ cho những người lính bị bệnh lao.

Tiếp theo, ngài được giao phụ trách công việc của Bộ Truyền giáo tại Ý, đồng thời cũng làm linh hướng trong chủng viện. Ngài đã thực hiện một chuyến đi lâu dài ra ngoại quốc để thi hành kế hoạch của Tòa Thánh nhằm mang về Roma những tổ chức khác nhau để hỗ trợ cho công cuộc truyền giáo và viếng thăm một số giáo phận Ý để quyên góp nguồn tài trợ và giải thích về công việc mà ngài đang phụ trách.

Vào năm 1925, với sự bổ nhiệm làm Visitatore Apostolico tại Bulgaria, ngài đã bắt đầu giai đoạn phục vụ cho ngành ngoại giao của Tòa Thánh cho đến năm 1952. Sau lễ phong chức giám mục diễn ra tại Roma vào ngày 19 tháng 3 năm 1925, ngài khởi hành đi Bulgaria để giúp đỡ cho cộng đoàn Công giáo nhỏ bé và đang gặp nhiều khó khăn tại đó. Trong hàng chục năm, Đức cha Roncalli đã đặt nền móng cho việc thiết lập một Tông tòa mà ngài đã được bổ nhiệm làm vị đại diện đầu tiên vào năm 1931. Ngài phục hồi được mối quan hệ thân thiện với Chính phủ và Hoàng gia Bulgaria, mặc dù có đôi chút trở ngại vì đám cưới theo nghi lễ chính thống của vua Boris với công chúa Giovanna của hoàng gia Savoia, và đó cũng là dịp để khởi động những mối quan hệ đại kết đầu tiên với Giáo hội Chính thống Bulgaria.

Vào ngày 27-11-1934, ngài được bổ nhiệm làm Khâm sứ Tòa Thánh tại Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Các nước này chưa có quan hệ ngoại giao với Vatican. Với tính nhạy bén và năng động của mình, ngài đã tổ chức được một số lần gặp gỡ chính thức với Đức Thượng phụ Constantinople sau nhiều thế kỷ tách biệt với Giáo hội Công giáo.

Trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai, ngài đã thận trọng giữ được tính trung lập, giúp cho cả hàng ngàn người Do Thái khỏi thành nạn nhân diệt chủng, và giúp cho người Hy Lạp thoát khỏi nạn đói.

Ngài được bổ nhiệm về làm Khâm sứ tại Paris vào ngày 30 tháng 12 năm 1944. Một hoàn cảnh khá phức tạp đang chờ đợi. Chính phủ lâm thời buộc tội Giáo hội hợp tác với chính phủ Vichy và đòi Giáo hội phải thoái vị ba mươi giám mục. Nhờ sự bình tĩnh và linh động của vị tân sứ thần, chỉ có ba vị bị bãi nhiệm. Phẩm chất con người của ngài đã mang lại sự kính nể trong bối cảnh ngoại giao và chính trị tại Paris.

Sau khi lãnh tước vị hồng y, ngài được chuyển về Venice vào ngày 5 tháng 3 năm 1953 và hoàn thành nhiệm vụ giám mục tại đây cách tốt đẹp với những chuyến thăm viếng mục vụ, cử hành Công nghị giáo phận, thực hiện kế hoạch làm cho các tín hữu gần gũi với Kinh Thánh…

Ngày 28 tháng 10 năm1958, ngài được bầu chọn làm giáo hoàng. Một vị Giáo hoàng nhận chức khi đã bảy mươi bảy tuổi khiến nhiều người nghĩ rằng đây chỉ là một triều đại chuyển tiếp. Nhưng ngay từ đầu, Đức Gioan XXIII đã tỏ ra là một giáo hoàng của thời đại: khôi phục lại các hoạt động đúng đắn trong các cơ quan của giáo triều, viếng thăm các giáo xứ, bệnh viện và nhà tù của giáo phận Rôma, triệu tập Công nghị giáo phận…

Sự đóng góp lớn nhất của Đức Gioan XXIII là việc triệu tập Công đồng Vatican II, được loan báo trong Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô vào ngày 25 tháng 01 năm 1959. Các mục tiêu ban đầu của Công đồng được nêu rõ trong bài phát biểu vào lễ khai mạc ngày 11 tháng 10 năm 1962: không phải là để đưa ra những chân lý mới, nhưng để xác định lại các học thuyết truyền thống phù hợp hơn với sự nhạy cảm đương đại. Đức Giáo hoàng Gioan XXIII mời gọi Giáo hội, thay vì lên án và công kích, hãy hướng về lòng thương xót và ủng hộ việc đối thoại với thế giới, trong một nhận thức mới về sứ mệnh của Giáo Hội là đón nhận tất cả mọi người. Trong tinh thần cởi mở phổ quát ấy, các giáo hội Kitô khác cũng được mời tham dự vào Công đồng để khởi đầu một tiến trình xích lại gần nhau hơn.

Vào mùa xuân năm 1963, Đức Gioan XXIII được trao giải thưởng Balzan về hòa bình, xác nhận những nỗ lực của ngài đối với hòa bình qua việc ban hành Thông điệp Mater et Magistra (1961) và Pacem in Terris (1963), cũng như vai trò của ngài trong cuộc khủng hoảng tại Cuba vào mùa thu năm 1962.

Ngài qua đời vào tối ngày 3 tháng 6 năm 1963 và được phong thánh vào ngày 27-4-2014 lúc 10g tại Vatican.

Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay nói lên lòng nhân hậu của Thiên Chúa mà thánh Giáo hoàng Gioan 23 đã noi gương bước theo.

Bđ1 : Tiệc cánh chung chính là ngày Giavê đăng quang thết đãi thần dân của Ngài, chia sẻ cho họ hạnh phúc của mình. Đoạn văn này là những lời sấm về những ngày hết thử thách và chết chóc, về những ngày Giavê ban ơn tế độ cho dân Ngài (Vô danh, Trình Bày Lời Chúa Năm A, trang 355).

BTM : Thiên Chúa  là ông vua mở tiệc cưới cho con đã có ý mời người ta đến chung vui…Ngài đã sai đi mời bất cứ ai gặp được ở ngoài đường. Được như thế Ngài mới thỏa lòng (Sđd, trang 357).

Bđ2 : Trước nghĩa cử của giáo dân Philipphê, thánh Phaolô gửi lời ca ngợi sự chăm lo và lòng rộng rãi của họ đối với ngài. Ngài thật tình cám ơn họ đã tiếp tế cho ngài lúc cùng quẫn (Sđd, trang 359).

Mỗi người chúng ta xin Chúa giúp chúng ta sống bác ái nhân hậu theo gương Chúa, theo gương dân thành Philipphê và thánh Giáo hoàng Gioan XXIII (15-10-2007).

——————————————

CN.28.A

Hôm nay, ngày 9-10, Giáo Hội mừng kính thánh Denis (Đênít), bổn mạng của nước Pháp. Thánh Đênít sinh tại nước Italia vào thế kỷ III. Năm 250 Đức giáo hòang Fabianô sai ngài và 6 vị thừa sai sang giảng đạo tại xứ Gaulle, nước Pháp ngày nay. Thánh Đênít được chọn làm giám mục của thủ đô Pari. Công việc truyền giáo rất kết quả. Ngài xây được 4 nhà thờ : nhà thờ thứ I dâng kính Chúa Ba Ngôi, nhà thờ thứ II dâng kính hai thánh Phêrô và Phaolô, nhà thờ thứ III dâng kính thánh Têphanô, nhà thờ thứ IV dâng kính Đức Maria, tức là nhà thờ Đức Bà ngày nay.

Dân chúng trở lại đông đúc khiến người ngoại ghen tị. Hòang đế Maximilianô ra lệnh cấm đạo. Nhà vua bắt giám mục Đênít và các bạn của ngài. Bị đánh đòn, bị hành hạ dã man, các ngài không hề than vãn kêu ca. Thánh Đênít nói : “Chớ gì tôi chịu mọi cực hình cùng một lúc để tôi sớm được hạnh phúc với Chúa Kitô”.

Thánh Đênít và các bạn bị ném vào hang thú dữ. Các dã thú không cắn xé, còn đến bên liếm chân các ngài. Bị treo lên thập giá, thánh Đênít giảng cho mọi người về cuộc khổ nạn của Chúa Kitô. Các ngài bị đưa lên ngọn đồi và bị  chém đầu, rồi bị ném xuống dòng sông Seine. Giáo dân đã vớt được thi thể các ngài. Ngọn đồi các ngài bị xử trảm được gọi là đồi Montmartre, đồi Các Thánh Tử Đạo. Nhà thờ trên ngọn đồi này được Chúa hiện ra, tỏ cho thánh nữ Magarita Maria thấy Trái Tim Chúa.

Thánh giám mục Giêrusalem đã ca ngợi thủ đô Pari như sau : “Phước thay thành phố Pari ! Biết bao thành phố của nước Pháp rộng lớn hơn Pari, nhưng vì Pari có thánh Đênít, một kho báu vinh quang hơn mọi của cải vật chất, một vị thánh quan thày và bảo trợ. Thiên Chúa đã ban thánh nhân cho Pari, để ngài thánh hóa đòan dân Kitô hữu, để ngài thành động lực thiêng liêng và nguồn vui hạnh phúc”.

Bđ1 : Ngôn sứ Isaia trong bđ1 đã khích lệ những người Do Thái đang bị lưu đày ở Babylon là: ngày Thiên Chúa giải thóat họ, và các dân tộc sắp tới. Ngôn sứ nói : “Trên núi này Người sẽ xóa bỏ chiếc khăn tang che phủ mọi dân…, sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người…, sẽ xóa sạch nỗi ô nhục của dân Người…Ngày ấy trên núi này, Đức Chúa sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc” (Is 25,7.8.6).

BTM : BTM thánh lễ hôm nay cũng nói đến ơn cứu rỗi các dân tộc. Ông vua mở tiệc cưới cho con mình là Thiên Chúa. Con vua là Chúa Giêsu. Các quan khách được mời là dân Do Thái. Dân Do Thái từ khước, thì Thiên Chúa mời các dân tộc khác. Vua nói các đấy tớ : “Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. Vậy các ngươi đi ra khắp nẻo đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới” (Mt 22,8-9).

Phần kết của BTM khiến người đọc ngạc nhiên. Đó là khi vào phòng tiệc, vua thấy có người không mặc “áo cưới”, thì vua truyền “trói chân tay lại, quẳng ra chỗ tối tăm bên ngòai, ở đó phải khóc lóc nghiến răng’ (Mt 22,13). Họ đang ở ngòai phố thì được mời, làm sao có giờ để về nhà mà mặc áo cưới ?

“Áo cưới” thánh Mt muốn nói đến là “áo rửa tội”, tấm áo trắng chúng ta mặc khi được rửa tội. Khi được rửa tội, được làm con Chúa, thì phải sống xứng đáng là con cái Chúa. Gẫm thứ nhất của 5 Sự Sáng chúng ta đọc : “Đức Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Gióc-đan. Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa”.

Trong sách Khải Huyền, thánh Gioan kể : “Tôi thấy một đóan người thật đông đảo không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế… Một trong các Kỳ Mục lên tiếng hỏi tôi : ‘Những người mặc áo trắng kia là ai vậy ? Họ từ đâu đến ?’ Tôi trả lời : ‘Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên.” (Kh 7,9.14).

Bđ2 : Thánh Phaolô trong bđ2 là tấm gương soi đường dẫn lối. Ngài đã bắt bớ đạo thánh Chúa. Khi trở lại, ngài đi rao giảng cho các dân tộc ở Tiểu Á, nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay và cả cho nước Hy Lạp nữa. Ngài đã bị bắt giam tù ở Êphêsô. Đời sống trong tù dĩ nhiên là thiếu thốn khổ sở, nhưng vì Chúa ngài sẵn sàng chịu đựng. Ngài viết : “Tôi sống thiếu thốn cũng được, mà sống dư dật cũng được. Trong mọi hòan cảnh no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả. Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết” (Pl 4,12-13).

Thánh Đênít và các bạn đã từ Italia sang Pháp giảng đạo cho nước Pháp. Các ngài cũng phải chịu đựng biết bao gian lao, thậm chí đổ cả máu ra trên đồi Monmartre để tiếp nối công trình cứu rỗi muôn dân của Thiên Chúa.

Các thừa sai sang Việt Nam truyền đạo cũng chịu muôn nỗi khổ cực. Đức cha Valentinô Vinh, người Tây Ban Nha,  tử đạo ngày 1-11-1861 tại Hải Dương, đã viết thư về cho mẹ như sau : “Mẹ hỏi con sống thế nào ? Ăn uống làm sao ? Mẹ quí mến của con, con sống tươi vui lắm, con làm giám mục cơ mà. Thức ăn ngày nào cũng có. Đừng lo mẹ ạ. Chúng con chẳng đói đâu. Nhưng mẹ tưởng hễ làm giám mục là phải ngồi trên lưng ngựa sao ? Không, chúng con tuột giầy ra giữa đêm hôm tăm tối, nhòai hết chỗ lội này đến chỗ lội khác. Vậy mà cứ vui thôi… Tuy là giam mục, con cũng ướt như chuột lột và lấm bùn be bét…

        Xin Đức Mẹ Mân Côi giúp chúng ta giữ gìn chiếc  “áo trắng rửa tội” (9-10-2011).

————————————————- 

 

CN.28.A

Trong gia đình giây phút nào thiêng liêng nhất ? Giây phút nào làm cho mỗi người trong gia đình siêu thóat khỏi bụi trần, để như bay bổng vào cõi trời cao ? Đó là giay phút gia đình quây quần trước bàn thờ đọc kinh.

Năm nay, năm 2008, chúng ta mừng 150 năm Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức với thánh nữ Bênađétta. Gia đình thánh nữ tối nào cũng đọc kinh. Sau khi nhìn thấy Đức Mẹ hiện ra, tối nào thánh nữ cũng ngất trí như lúc nhìn thấy Đức Mẹ. Toa-nét, em gái của thánh nữ, kể lại như sau : “Sau mỗi chục kinh, Bênađetta đọc : ‘Lạy Đức Maria vô nhiễm nguyên tội, xin cầu cho chúng con đang chạy đến cùng Bà’. Lúc đó cô bé trở nên xanh như tầu lá y như trước hang đá vậy, mà những giọt nước mắt bắt đầu lăn xuống trên đôi gò má” (Marcelle Auclair, Thánh nữ Bênađétta, tr. 22).

Lần sau, được phép cha mẹ ra hang đá. Tới hang đá, thánh nữ bỗng thốt lên : “Ôi ánh sáng ! Cô kìa. Cô có một cỗ tràng hạt đeo ở cánh tay mặt. Cô mỉm cười. Cô ngước mắt lên trời và chào…(Sđd.37).Khi ở nhà mọi người bảo Benađétta đem nước thánh đi rẩy, biết đâu cô áo trắng hiện ra là ma. Bênađetta vẩy nước thánh hai lần,nhưng cô thiếu nữ áo trắng vẫn mỉm cười và chào (Sđd.37). Còn Bênađétta không cử động, cứng như đá(sđd.39).

Giây phút thiêng liêng nhất là giây phút gia đình đọc kinh. Còn giây phút nào gia đình vui cười hớn hở, mặt mũi rạng rỡ nhất ? Đó là giây phút gia đình ngồi bên bàn ăn. Bữa ăn cũng làm cho gia đình quên đi buồn phiền mệt nhọc. Nên người Việt Nam làm gì cũng có ăn : ăn mặc, ăn chơi, ăn cưới, ăn lễ, ăn giỗ, ăn Tết… Họp cũng ăn, mặc cũng ăn, cưới cũng ăn, thậm chí chết cũng ăn.

Bđ1 : Trong bđ1, Thiên Chúa cũng dùng hình ảnh bữa tiệc để diễn tả niềm vui ngày giải phóng của dân tộc Do Thái.

Năm 721 trước CN, quân Át-sua đem quân đánh nước Ít-ra-en. Nước Ít-ra-en thua, vua quan bị lưu đày sang Babylon. Thay mặt Thiên Chúa, ngôn sứ loan báo ngày giải thóat, ngày đó vui như bữa tiệc : “Ngày ấy trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế” (Is 25,6).

Bđ2 : Ở trong tù tuy sống thiếu thốn, khi được giáo dân Philíppphê thăm nuôi, thánh Phaolô vui mà ca ngợi : “Xin tôn vinh Thiên Chúa là Cha chúng ta đến muôn đời” (Pl  4,20).

BTM : Tiệc đã vui, tiệc cưới còn vui hơn, vui gấp hai, “song hỉ”. BTM thánh lễ hôm nay Chúa Giêsu cũng dùng hình ảnh tiệc cưới để diễn tả niềm vui Nước Trời : “Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia mở tiệc cưới cho con mình” (Mt 22,1-2). Ông vua trong tiệc cưới là Thiên Chúa, người con là Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu kể tiếp : “Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến” (22,3). Người Do Thái cho khách biết việc cưới hỏi, sau đó mới sai đầy tớ đi báo ngày giờ cưới hỏi. Đầy tớ Thiên Chúa sai đi mời đó là các tổ phụ, các ngôn sứ.

Thiên Chúa khác với con người. Loài người không đi thì thôi. Còn Thiên Chúa tìm đủ mọi cách lôi kéo. Chúa Giêsu kể tiếp : “Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi và dặn họ : Hãy thưa với quan khách được mời rằng : này cỗ bàn ta đã dọn xong, bò tơ thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quí vị đến dự tiệc cưới ! Nhưng uan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi : kẻ thì đi thăm nông trại, người thì đi buôn, còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà hành hạ và giết chết” (22,4-6).

Các đầy tớ Thiên Chúa sai đến lần này là thánh Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu. Khách mời không đến vì ham hố của cải thế gian. Cũng có khách giết chết thánh Gioan và Chúa Giêsu. Chúa Giêsu kể tiếp : “Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và tiêu hủy thành phố của chúng’ (22,7). Thánh Mt liên tưởng đến quân Rôma đến phá hủy Đền Thờ và thủ đô Giêrusalem năm 70. Dân Do Thái phải đi lưu lạc khắp tứ phương thiên hạ. Đó là hậu quả của việc dân Do Thái giết thánh Gioan và Chúa Giêsu.

Dân Do Thái từ chối thì Thiên Chúa kêu mời các dân các nước. Chúa Giêsu kể : “Nhà vua bảo đầy tớ : Tiệc cưới đã sẵn rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. Vậy các ngươi đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc ưới. Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận tốt xấu, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khác” (22,8-10).

Các đầy tớ đi mời lần thứ ba này là các tông đồ, các nhà truyền giáo của Giáo Hội. Các thực khác là các dân các nước, không phân biệt mầu da chủng tộc.

Nhưng kết thúc câu chuyện thật ngỡ ngàng. Đó là : “Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, mới hỏi người ấy : ‘Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới ?… Nhà vua liền bảo : Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngòai, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (22,11-13).

Người Do Thái thường đặt áo cưới ở ngoài phòng tiệc. Khách đến dự tiệc cứ việc lấy mà mặc. Khách không lấy mặc là khinh thường, bất kính.

Khách không mặc áo cưới, Chúa Giêsu muốn nói đến những người vào đạo nhưng không sống đạo, có đạo nhưng không giữ đạo.

Áo cưới cũng nhắc đến áo rửa tội. Người có Chúa phải sống thánh thiện để giữ cho áo rửa tội được trắng sạch.

Thánh lễ cũng lả bữa tiệc cưới của Chúa Giêsu. Đi dâng lễ chúng ta có ăn mặc đoan trang lịch sự không ?

Cả chỗ chúng ta ngồi cũng nói lên lòng chúng ta đối với thánh lễ (12-10-2008).

.

———————————————-

CN.28.A

Bài đọc 1 : Năm 587 trước TCGS, vua Babylon đem quân đánh nước Do Thái, phá hủy Đền thờ Giêrusalem, tàn phá thủ đô Giêsrusalem thành bình địa, và từ vua đến dân bị đem đi lưu đày.

Tv 79 đã mô tả ngày Giuđa đại bại như sau : “

Lạy Thiên Chúa,

Dân ngoại đã xâm lăng lãnh địa Ngài

Chúng làm ô uế cả nơi thánh điện

Phá hủy Giêrusalem thành đống tro tàn

Tử thi những người tôi tớ Chúa

Chúng đem liệng cho chim trời ăn

Xác những kẻ hiếu trung với Ngài

Lại quăng làm mồi cho dã thú…

Còn cuộc sống lưu đày tủi nhục đã được Tv 137 diễn tả :

Bờ sông Babylon

Ta ra ngồi nức nở mà tưởng nhớ Xion

Trên những cành dương liễu

Ta tạm gác cây đàn

Bài ca kính Chúa Trời

Làm sao ta hát nổi

Nơi đất khách quê người ?

Giữa cảnh nhục nhằn buồn tủi như thế ngôn sứ Isaia gióng lên tiếng nói, mà chúng ta vừa đọc trong bđ1 thánh lễ hôm nay :

 Trên núi này

Người sẽ xé bỏ chiếc khăn tang che phủ muôn dân…

Ngày ấy, trên núi này

Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc

Tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon.

 Bài Tin Mừng : Tiếng nói của ngôn sứ Isaia đã thành hiện thực, khi Thiên Chúa  sai Đức Giêsu, Con Ngài. Đức Giêsu xuống thế để xé bỏ chiếc khăn tang, để thết đãi một bữa tiệc, như dụ ngôn “Tiệc Cưới” trong bài Tin Mừng thánh lễ hôm nay : “Một vua kia mở tiệc cưới cho con mình. Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc.

Thế nhưng, dân Do Thái đã không đón nhận Chúa Giêsu. “Quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi : kẻ thì thăm nông trại, người thì đi buôn.” Có quan khách còn dã man giết các đầy tờ của vua, tức là giết các ngôn sứ, đóng đinh Chúa Giêsu. Hậu qủa là “Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu hủy thành phố của chúng”. Theo thánh Mt, năm 70 sau CGS quân Rôma tàn phá Giêrusalem, không còn hòn đá nào trên hòn đá nào là hậu qủa của việc dân Do Thái đóng đinh Chúa Giêsu.

Dân Do Thái không tin nhận Chúa Giêsu, thì Thiên Chúa quay sang các dân tộc trên khắp thế giới. Dụ ngôn kể tiếp : “Nhà vua bảo đầy tớ : các ngươi đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời  hết vào tiệc cưới, bất luận xấu tốt…”. Nhờ đó, chúng ta và mọi người biết đạo và theo đạo.

Thế nhưng, dụ ngôn kể tiếp : “Vua tiến vào bàn tiệc…thấy có người không mặc y phục lễ cưới…Vua hỏi : sao vào đây mà không có y phục lễ cưới…rồi vua trói chân tay, quăng ra ngồi…

Cũng hơi lạ, đã bảo mời hết, bất luận tốt xấu, sao bây giờ lại trách không có y phục lễ cưới ? Họ đang ở ngòai đường lấy đâu ra áo cưới ?

Thật ra là 2 dụ ngôn chứ không phải một dụ ngôn, dụ ngôn “tiệc cưới” và dụ ngôn “áo cưới”. Thánh Mt đã chép hai dụ ngôn làm một, vì thế làm chúng ta ngỡ ngàng và khó hiểu.

Với dụ ngôn “áo cưới” muốn nói rằng đi đạo phải sống đạo, đức tin phải có việc làm. Chiếc “áo cưới” đây chẳng khác gì chiếc áo “rửa tội”. Rửa tội xong, vị linh mục trao áo trắng và nói : “Con đã trở nên tạo vật mới, và đã mặc lấy Chúa Kitô. Vậy con hãy nhân lấy chiếc áo trắng này, và hãy mang lấy, và giữ nó tinh tuyền cho đến khi ra trước tòa Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta

Tấm “áo cưới” cũng có thể hiểu là khi đi dâng lễ, chúng ta phải ăn mặc cho đàng hòang. Phải nhận có người ăn mặc không đàng hòang khi đi dâng lễ. Lễ cưới ở đời thì mặc đẹp, lễ cưới Con Chiên Thiên Chúa thì ăn mặc bẩn thỉu, lôi thôi, lếch thếch.

Hay cũng có thể hiểu về thái độ khi  dâng lễ. Có người đứng ngòai nhà thờ. Có người không sửa soạn, đi trễ. Có người tới nhà thờ nói chuyện. Có người đi lễ cho xong luật buộc, không có lòng tin, lòng mến.

Ước gì mỗi lần chúng ta đi dâng lễ là mỗi lần chúng ta mặc “áo cưới” là được gặp Chúa, gặp anh chị em đồng đạo của mình, tăng thêm lòng mến, lòng tin cho cuộc sống đạo (9-10-2005).

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành