Chúa Nhật XXX Thường Niên B


PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

(Gr 31,7-9; Dt 5,1-6; Mc 10,46-52)

Bài Ðọc I: Gr 31, 7-9

“Ta sẽ lấy lòng từ bi dẫn dắt kẻ đui mù và què quặt”.

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Ðây Chúa phán: Hỡi Giacóp, hãy hân hoan vui mừng! Hãy hò hét vào đầu các Dân ngoại, hãy cất tiếng vang lên, ca hát rằng: “Lạy Chúa, xin hãy cứu dân Chúa là những kẻ sống sót trong Israel”.

Ðây, Ta sẽ dẫn dắt chúng từ đất bắc trở về, sẽ tụ họp chúng lại từ bờ cõi trái đất: trong bọn chúng sẽ có kẻ đui mù, què quặt, mang thai và sinh con đi chung với nhau, hợp thành một cộng đoàn thật đông quy tụ về đây.

Chúng vừa đi vừa khóc, Ta sẽ lấy lòng từ bi và dẫn dắt chúng trở về. Ta sẽ đưa chúng đi trên con đường thẳng, băng qua các suối nước; chúng không phải vấp ngã trên đường đi: vì Ta đã trở nên thân phụ dân Israel, và Ephraim là trưởng tử của Ta.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6

Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan (c. 3).

Xướng: Khi Chúa đem những người từ Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan.

Xướng: Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: “Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng.” Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.

Xướng: Lạy Chúa, hãy đổi số phận của con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan.

Xướng: Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo; họ trở về trong hân hoan, vai mang những bó lúa.

 

Bài Ðọc II: Dt 5, 1-6

“Con là tư tế đến muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Tất cả các vị thượng tế được chọn giữa loài người, nên được đặt lên thay cho loài người mà lo việc Chúa, để hiến dâng lễ vật và hy lễ đền tội. Người có thể thông cảm với những kẻ mê muội và lầm lạc, vì chính người cũng mắc phải yếu đuối tư bề. Vì thế, cũng như người phải dâng lễ đền tội thay cho dân thế nào, thì người dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy. Không ai được chiếm vinh dự đó, nhưng phải là người được Thiên Chúa kêu gọi như Aaron.

Cũng thế, Ðức Kitô không tự dành lấy quyền làm thượng tế, nhưng là Ðấng đã nói với Người rằng: “Con là Con Cha, hôm nay Cha sinh ra Con”. Cũng có nơi khác Ngài phán: “Con là tư tế đến muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê”.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Lc 19, 38

Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến; bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. – Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 10, 46-52

“Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi thành Giêricô cùng với các môn đệ và một đám đông, thì con ông Timê tên là Bartimê, một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường, khi anh ta nghe biết đó là Chúa Giêsu Nadarét, liền kêu lên rằng: “Hỡi ông Giêsu con vua Ðavít, xin thương xót tôi”. Và nhiều người mắng anh bảo im đi, nhưng anh càng kêu to hơn: “Hỡi con vua Ðavít, xin thương xót tôi”.

Chúa Giêsu dừng lại và truyền gọi anh đến. Người ta gọi người mù và bảo anh: “Hãy vững tâm đứng dậy, Người gọi anh”. Anh ta liệng áo choàng, đứng dậy, đến cùng Chúa Giêsu. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo rằng: “Anh muốn Ta làm gì cho anh?” Người mù thưa: “Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy”. Chúa Giêsu đáp: “Ðược, đức tin của anh đã chữa anh”. Tức thì anh ta thấy được và đi theo Người.

Ðó là lời Chúa.

 

SUY NIỆM I

Để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Trong bài hát Kinh Hoà Bình của thánh Phanxicô Assisi, chúng ta hát lên: “Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa, để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục… Để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu”. Lời kinh này không chỉ là một lời cầu nguyện mà còn là một lời kinh diễn tả lối sống đích thực của mỗi người Kitô hữu. Như vậy bổn phận của chúng ta không phải chỉ là đem yêu thương vào nơi oán thù mà còn phải dọi ánh sáng vào nơi tối tăm.

Ánh sáng và bóng tối đó là gì? Thưa, ánh sáng và bóng tối của trời đất là điều mà ta chứng kiến mỗi ngày, nhờ nó mà ta phân biệt mọi thứ dễ dàng. Thế nhưng ánh sáng và bóng tối trong tâm hồn ta thì quả là phức tạp. Trong tâm hồn ta có những lúc đầy ánh sáng: ánh sáng của niềm vui, hạnh phúc, những ước mơ đơn sơ ngay lành, nhưng vẫn có những lúc và những vùng đầy bóng tối: bóng tối của buồn sầu chán nản, của ích kỷ tự mãn, của những mưu mô xảo trá gian tà, ghen ghét, hận thù, những thói quen xấu, đố kỵ… Cụ thể, trong đoạn Tin Mừng Máccô mô tả hôm nay cho ta thấy hai thực trạng này: Anh khiếm thị Ba-ti-mê, anh nhìn mọi sự vật xung quanh toàn là màu đen, bóng tối nhưng tâm hồn anh đầy ánh sáng: bình an, tin tưởng và đơn sơ khi nghe Chúa Giêsu đi ngang qua anh nhìn ra Chúa Giêsu là “Ánh sáng đã đến thế gian” (Ga 13,19) nên anh kêu cứu Ngài: Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!”, cũng có nghĩa rằng lạy Chúa hãy rọi ánh sáng Ngài vào cuộc đời tối tăm của con. Và cuối cùng, Chúa đã làm anh được như ý: sáng đôi mắt xác thịt. Ngược lại, cũng trong đoạn Tin Mừng, đám đông dân chúng bị bóng tối của ích kỷ và kỳ thị làm cho đôi mắt xác thịt tuy ánh nhưng tâm hồn trở nên mù tối nên không thấy Chúa Giêsu là Ánh đã đến thế gian và thấy người đau khổ đang cần họ rọi ánh sáng giúp đỡ yêu thương phục vụ sẻ chia.

Đức Giêsu trong cuộc đối thoại với ông Nicôđêmô đã cho chúng ta thấy rằng: “Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng”. Nói đến chuộng bóng tối có vẻ khó nghe, nhưng lắm lúc lại đúng với lòng mình. Có những lúc ta thấy mình cần chút bóng tối để nương náu, nhất là những lúc thất bại ê chề, những lúc hổ ngươi bẽ mặt, những lúc sai lầm lỗi phạm… Dường như bóng tối che chở ta và cho ta cảm giác an toàn. Ta thấy dễ chịu hơn khi bước đi trong bóng tối. Có những lúc bóng tối là môi trường thuận lợi để ta tự do làm điều mình muốn, sống điều mình thích. Điều đó nguy cơ dễ bị chìm vào bóng tối lội lỗi, xác cách Chúa. Hãy nhớ rằng, dù có bước đi với cảm giác an toàn trong bóng tối, ta vẫn là một người tội lỗi, kém lòng tin, khép kín, ích kỷ… Ta tưởng mình được bình an, nhưng thực sự đang bất an và tội lỗi.

Chỉ có một cách ra khỏi vùng bóng tối ấy là quay lại và ngước nhìn lên Thiên Chúa của dân Ít-ra-en xưa như Lời Chúa trong bài đọc 1, Tiên tri Giêrêmia nói: “Thiên Chúa đã cứu dân người, số còn sót lại của Ít-ra-en, trong chúng kẻ đui mù, người què, kẻ mang thai…ta sẽ an ủi và dân đưa tới dòng nước qua con đường thẳng băng”. Vâng, chỉ có một cách ra khỏi bóng tối tội lỗi và ích kỷ đời ta là quay lại và ngước nhìn lên con rắn đồng như dân Israel xưa. Rắn đồng là hình ảnh tiền trưng cho Đức Giêsu, Đấng cứu độ. Khi Ngài được treo lên, chính là lòng khoan dung tha thứ của Thiên Chúa đổ tràn xuống. Khi Ngài được treo lên, chính là lòng bao dung, bác ái phục vụ sẻ chia được rót vào đời sống ta được bình an, yêu thương, hoan lạc, an vui, thánh thiện, tin tưởng và phó thác. Từ đó, chúng ta“không còn bước đi trong bóng tối nữa” nhưng có một đích nhắm là ánh sáng của Đức Kitô, như Lời Thánh Phaolô xác tín: “Quả thật, xưa Thiên Chúa đã phán: Ánh sáng hãy bừng lên từ nơi tối tăm! Người cũng làm cho ánh sáng chiếu soi lòng trí chúng tôi, để tỏ bày cho thiên hạ được biết vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời trên gương mặt Đức Kitô” (2Cr 4,6). Vậy, giờ đây, chúng ta hãy hân hoan bước theo ánh sáng Đức Kitô đang dọi chiếu trên cuộc đời mình ngõ hầu mỗi người chúng ta là con cái của ánh sáng, phải ở trong ánh sáng và phải chiếu tỏa rọi ánh sáng vào nơi tối tăm cho những người đang sống trong cảnh tối tăm bằng những công việc bác ái như Lời Chúa dạy chúng ta: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

Là môn đệ Đức Kitô, chúng ta phải tự minh định đời mình là cây đèn cháy sáng. Vị trí của cây đèn là phải đặt trên đế để soi chiếu cho mọi người nhìn thấy đường đi (x. Lc 8,16-18). Kitô giáo tự bản chất là một điều gì phải nêu cao, phải phô diễn trong đời sống các tín hữu. Nếu đời Kitô hữu chỉ dừng lại ở cửa nhà thờ thôi thì chẳng ích lợi cho ai. Ánh sáng của chúng ta phải biểu lộ trong tương quan với mọi người, mọi sự: trong thái độ, cung cách, lời ăn tiếng nói, giao tiếp, ứng xử, đời sống đạo… Ánh sáng hay ngọn lửa mà Đức Kitô đã thắp lên trong đời ta khi chịu Phép rửa Tội thì nay vẫn luôn cháy sáng và lan tỏa trong thế giới mãi. Ngọn lửa tình yêu ấy vẫn âm ỉ và bốc cháy trong chúng ta. Đừng để ngọn lửa tắt lịm dần theo năm tháng, nhưng hãy cháy sáng mạnh hơn nữa trong sự gắn bó với Đức Kitô và tìm cách chiếu rọi đến tha nhân, nhất là trong sự phục vụ, hy sinh, tha thứ, yêu thương bác ái với hết mọi người từ trong gia đình ra xã hội. Trong ánh sáng của Đức Kitô, mỗi người chúng ta phải trở nên ánh sáng cho người khác trong một thế giới còn nhiều tối tăm, để tất cả được chiếu sáng trong sự Phục Sinh vinh hiển của Chúa. Đó là sứ mạng cao cả và là niềm vui lớn lao cho chúng ta hôm nay và mãi mãi. Amen.

 

SUY NIỆM II

TIẾNG KÊU BÊN VỆ ĐƯỜNG

Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật, OP

Chuyện xảy ra trên đường

Trên con đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu đi trước và các môn đệ theo sau. Một bầu khí sợ hãi và u tối bao trùm lấy các ông. Trên con đường đi theo Đức Giêsu, các môn đệ chưa hiểu được rằng Con Người phải chịu đau khổ và chịu chết. Các ông chưa khám phá ra rằng Đức Giêsu phải đi đến cùng của sự tự hạ, và chính ở đó, Người bày tỏ Người là Con Thiên Chúa.

Trình thuật chữa lành người hành khất mù Báctimê dường như cắt đứt mối liên tục luận lý của Tin Mừng: một câu chuyện phụ, cá biệt trong hành trình lên Giêrusalem và dường như chỉ lặp lại những điều người đọc đã biết qua các trình thuật trước đó về phép lạ. Thật ra, câu chuyện hôm nay lại là kết luận cho những trình thuật trên.

Trong những trình thuật này, Đức Giêsu không ngừng nỗ lực nâng cao tâm trí người đối thoại, hướng tầm nhìn của họ tới một nhãn quan mới về sự vật. Nhưng họ không hiểu. Ngay cả các môn đệ vẫn còn có thái độ khép kín trước giáo huấn của Người. Nói chung, họ là những người mù.

Vậy mà, những người mù vô ý thức này lại ngăn cản, quát mắng kẻ biết mình bị mù và đang xin cứu chữa. Người ta bắt anh phải im đi, trong khi anh biết rõ mình bị mù. Nhưng sự hiểu biết này gây phiền toái.

Lúc ấy, anh mù Báctimê càng kêu lớn tiếng. Tiếng kêu của anh là cả một giáo huấn: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” Lời kêu xin của anh quả là lạ thường, vì “Con vua Đavít” còn mang ý nghĩa là Đấng Mêsia. Lời cầu xin của anh mang tính cách đặc biệt. Anh không xin Đức Giêsu như những người khác, những người không làm gì hơn là bố thí cho anh một chút, để rồi anh vẫn ở trong cảnh mù loà. Anh đã nghe người ta đồn thổi về ông Giêsu với những điều kỳ diệu và tin rằng ông Giêsu chính là Đấng Mêsia, có khả năng cứu chữa anh khỏi cảnh mù loà, đưa anh thoát khỏi thân phận ngồi ăn xin bên vệ đường.

Như vậy, tiếng kêu của anh mù tóm tắt toàn bộ thái độ con người cần phải có trước Đức Giêsu: đặt tất cả hiện hữu, tất cả cuộc sống của mình trước Đấng là Sự Sống, là Ánh Sáng, Đấng có thể làm cho thấy, cho bước đi, và cho sống.

Sau đó, việc chữa lành người mù là một lời loan báo về việc chữa lành mà Đức Giêsu muốn đem đến cho mọi người. Nhưng Đức Kitô biết rằng những kẻ theo Người chỉ có thể được chữa lành khi họ nhất quyết loại trừ mọi ảo tưởng và can đảm chấp nhận thử thách là thập giá.

Như thế, anh mù Báctimê đã thoáng cho thấy hình ảnh viên đại đội trưởng chứng kiến cái chết của Đức Giêsu, cũng như tất cả những ai, vào lúc này, nhìn thấy rõ cái chết đó là gì: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39). Anh là một người mù, nhưng đã cho mọi người thấy điều mà đức tin đem lại: chính đức tin giải thoát con người khỏi tình trạng tật nguyền của mình. Và do đó, anh cho thấy ý nghĩa việc Đức Giêsu làm.

Ai là người mù?

Nhìn và nghe, điều nào quan trọng hơn? Theo bản năng, người ta phàn nàn vì mù hơn là vì điếc, vì con mắt cần thiết cho cuộc sống.

Đàng khác, từ “thấy” được sử dụng theo cả hai nghĩa thể lý lẫn tinh thần. Theo đó, ánh sáng cũng vừa có nghĩa bên trong, vừa có nghĩa bên ngoài.

Điều xảy ra với anh mù Báctimê nằm trong ý nghĩa đặc biệt này. Câu chuyện chữa lành người mù của thánh Máccô đầy những lời kêu xin. Nghe nói người đang đi ngang qua là Đức Giêsu, anh mù kêu lên: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” Người ta quát nạt bắt anh im đi, nhưng anh ta càng kêu to hơn. Đức Giêsu đứng lại và nói: “Gọi anh ta lại đây!” Cuối cùng là câu nói của đám đông, câu nói mở ra toàn bộ bản văn: “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!”

Tiếng kêu đã làm cho anh đến gần được Đức Giêsu. Và giờ đây, anh thực hiện một hành vi dứt khoát ra khỏi sự xa cách: vất áo choàng, nhảy chồm dậy và đến cùng Đức Giêsu. Thái độ này biểu lộ một niềm vui cực độ, một sự dấn thân không tính toán, và một niềm tin mạnh mẽ.

Anh đến gặp Đức Giêsu và được nhìn thấy.

Nếu đọc câu chuyện này và giải thích các từ ngữ theo nghĩa thiêng liêng, người ta sẽ nhận thấy những chi tiết thú vị. Người mù là kẻ không nhìn thấy rõ: anh ta không nhìn thấy con đường dẫn đến Sự Thật.

Người mù là kẻ không nhìn thấy thế giới: anh ta khép kín nơi chính mình với những ý tưởng có sẵn, với những nỗi thất vọng.

Nếu muốn được trợ giúp, người mù phải kêu lên. Thế nhưng tiếng kêu ấy lại làm phiền người khác, làm cho họ khó chịu, bởi vì người mù là kẻ đã bị gạt ra khỏi cuộc sống, không còn chỗ đứng trong xã hội. Do đó, người ta buộc anh phải im lặng. Cũng có khi người ta viện cớ muốn nhận ra tiếng kêu của Chúa để buộc anh phải im.

Thế nhưng, Đức Kitô cho gọi anh đến. Điều này có nghĩa là Người trao phó cho mỗi người một sứ mạng đi nói với kẻ mù, kẻ không nhìn thấy: “Cứ yên tâm, Người gọi anh đấy!”

Như thế, mỗi người được Đức Kitô trao phó cho một sứ vụ: nhắc lại lời mời của Người, nói với người khác rằng Thiên Chúa yêu thương họ và họ có chỗ đứng trong tình yêu Thiên Chúa.

Liệu rằng người ta cứ mãi ở trong tình trạng điếc trước lời mời của Đấng sai họ đi?

Kiểu mẫu cho người môn đệ

Anh mù ngồi ăn xin bên vệ đường đã nhận ra Đức Giêsu và tin vào Người. Anh mù về phương diện thể lý nhưng lại sáng về phương diện thiêng liêng. Anh đã bày tỏ xác tín của mình qua những tiếng kêu xin. Chính nhờ lòng tin này, anh đã được cứu chữa. Không những thế, anh còn bày tỏ sự dấn thân đầy năng động của mình: đi theo Đức Giêsu. Qua thái độ này, anh mù Báctimê chính là hình ảnh của cộng đoàn trung tín, đồng thời trở nên kiểu mẫu cho người môn đệ đích thực.

Trước kia, khi ngồi ăn xin bên vệ đường, anh mù Báctimê là hình ảnh của “những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần” (Lc 1,79). Giờ đây, anh trở thành kiểu mẫu cho tất cả những ai biết kêu cầu để thoát ra khỏi cảnh mù tối và cất bước lên đường.

“Có một Đấng giải thoát, tôi sẽ nói cho mọi người biết” (Pascal).

Đó là sứ điệp được anh mù loan báo cho người khác. Anh là người nhìn thấy tình yêu dưới dấu chỉ thập giá, nhìn thấy bàn tay dịu hiền của Thiên Chúa đang mở ra ngay giữa những khổ đau và chết chóc mà lý trí chưa hiểu được, nhìn thấy khuôn mặt của Con Thiên Chúa bên cạnh người nghèo, và nhìn thấy sự phục sinh đã được thực hiện qua những cuộc canh tân của Hội Thánh và của thế giới. Với sự trợ giúp của Con Thiên Chúa, chúng ta có biết gia nhập cộng đoàn những kẻ tin, những kẻ kêu cầu, những kẻ nhìn thấy không?

“Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.”

Chỉ khi nào chúng ta không còn đặt niềm tin nơi những điều vẫn thường làm ta tự hào, khi ấy, ta mới nhận ra có một niềm hy vọng sâu xa hơn, mãnh liệt hơn, vượt lên trên mọi phương tiện phàm trần.

Chúng ta vẫn thường hướng đến một mục đích, và có lúc không đạt được, có khi thất vọng. Nếu lúc ấy, chúng ta hướng về Chúa và kêu cầu Người, chắc chắn Thiên Chúa sẽ nhậm lời. Thiên Chúa luôn yêu thương và chờ đợi chúng ta. Như anh mù Báctimê, chúng ta được mời gọi can đảm đứng lên, bỏ mọi vướng bận, đến cùng Đức Kitô. Người sẽ cho ta thấy ánh sáng của sự thật, để rồi ta bước theo Người trong hân hoan. (theo A Bloom)

 

SUY NIỆM III

THẤY CHÚA VÀ ĐI THEO CHÚA

(Hội An 27/10/2024)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

Thánh sử Mát-cô thuật lại sự kiện Chúa Giê-su chữa lành anh mù Ba-ti-mê là sự kiện cuối cùng trước hành trình Chúa Giê-su lên Giêrusalem chịu chết. Vì vậy, việc chữa lành cho anh mù Ba-ti-mê như muốn tóm kết mục đích các cuộc chữa lành trước đây của Chúa và dẫn vào cuộc hiến tế thập giá của Chúa chữa lành cho toàn thể nhân loại, mục đích là cứu độ con người.

  1. Chúa Giê-su là Đấng cứu độ

 Câu hỏi của Chúa Giê-su dành cho Ba-ti-mê, cũng là câu hỏi dành cho đám đông chung quanh và cả chúng ta hôm nay: “Anh muốn Ta làm gì cho anh?” Chúng ta có thể xem câu hỏi của Chúa Giê-su rất thừa, bởi một người ăn xin đang gào thét là để được người ta chú ý, cho bữa ăn hay một ít tiền còm sống qua ngày. Họ không muốn gì hơn, chỉ ví mình như người đàn bà góa Ca-na đã tự xem mình là “chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống” (Mt 15,27), nghĩa là họ không còn ý thức phẩm giá làm người của mình, bởi không chỉ sự khốn khổ của họ, mà còn vì đám đông không còn tôn trọng phẩm giá của họ. Khác với tình cảnh của anh mù Ba-ti-mê mù lòa đói kém tự đánh mất phẩm giá của mình, lắm khi chúng ta cũng tự đánh mất phẩm giá mình không vì nghèo nàn, nhưng vì đeo đuổi những đam mê thấp hèn mà quên mất chúng ta là ai.

Với câu hỏi: “Anh muốn Ta làm gì cho anh?”, Chúa Giê-su muốn Ba-ti-mê nhớ rằng anh là một con người và là con Thiên Chúa. Anh được Chúa Giê-su thừa nhận và đối xử như một con người trọn vẹn, được đưa vào mối quan tâm của Chúa và đáng được Chúa cứu độ, bởi Chúa đến trần gian để cứu độ con người. Chúng ta cần lưu ý, thánh sử Mát-cô đã bày tỏ lòng tôn trọng của Chúa đối với phẩm giá của Ba-ti-mê khi kể rõ tên của ông, “Ba-ti-mê”, chứ không như người giàu có trước đó đến xin biết phải làm gì để được sống đời đời, anh ấy không được kể tên. Chúa thừa nhận chúng ta là con người và là con cái Chúa, còn chúng ta có nhận biết và tôn trọng phẩm giá của mình như Chúa đã ban cho chúng ta không?

  1. Được biết Chúa, được mời gọi đi theo Chúa

Trước câu hỏi tôn trọng của Chúa Giê-su, anh Ba-ti-mê thưa: “Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy.” Ba-ti-mê muốn thấy gì? Nếu Ba-ti-mê giống chúng ta, thì đây là danh sách thứ tự chúng ta muốn nhìn thấy: thấy gia đình, thấy người mình thương mến nhất, thấy bà con, bạn bè, thấy ánh bình minh và cảnh chiều hoàng hôn, thấy sinh hoạt của xã hội chung quanh, thấy thức ăn và cả những ổ gà chướng ngại từng làm mình vấp ngã v.v. Nhưng chúng ta nghi ngờ đó là những điều Ba-ti-mê ước muốn nếu được thấy, bởi Tin Mừng nói rõ: “Tức khắc, anh ta được nhìn thấy và đi theo Chúa” (Mc 10,52). Điều Ba-ti-mê ước muốn khi được có đôi mắt mới là được thấy Chúa và được đi đằng sau Chúa.

Ba-ti-mê không bị mù bẩm sinh. Anh đã từng thấy và nay bị mù. Anh đại diện cho những ai đã tin vào Chúa mà nay sống trong tối tăm. Đôi mắt đức tin của họ bị mù lòa như đôi mắt của Ba-ti-mê, chỉ khác một điều, trong Ba-ti-mê vẫn còn niềm hy vọng vào Chúa Giê-su, Đấng duy nhất chữa lành cho anh. Trong bóng tối, anh kêu cầu Chúa Giê-su với niềm tin Ngài là con vua Đa-vít. Bị thiên hạ ngăn cấm, Ba-ti-mê càng hét lớn tuyên xưng Chúa Giê-su là Đấng giàu lòng thương xót. Đức Bênêđictô nhận xét, lời van nài của Ba-ti-mê rất đơn sơ, xuất phát từ nỗi đớn đau của người không được thấy ánh sáng, nhưng lại rất chân thành xuất phát từ niềm tin vào Chúa Giê-su, giống như lời cầu xin của người thu thuế trong đến thờ: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội” (Lc 18,13). Chính niềm hy vọng còn lại, với đức tin thổn thức trong lòng, Ba-ti-mê có được cơ hội gặp gỡ Chúa Giê-su, Đấng duy nhất anh nương tựa và là Đấng phục hồi phẩm giá của anh. Anh được có lại cặp mắt mới và sống lại tình thân với Chúa Giê-su: “Đức tin của con đã cứu con” và anh thấy Chúa Giê-su. Đức tin không chỉ chữa lành anh, mà còn cứu lấy anh.

Và anh đứng dậy liền thực hiện bước đi của người môn đệ: đi theo Chúa. Đó là điều anh ước muốn khi có lại cặp mắt mới. Anh như Lê-vi bị Chúa Giê-su chinh phục, đứng dây đi theo Chúa, từ bỏ cuộc sống tối tăm để theo sau Chúa Giê-su.

Chúng ta cần nhìn lại bản thân và tình trạng đức tin của người trong gia đình và trong giáo xứ chúng ta, hiện tại có bao nhiêu người từng nhận lãnh đức tin mà nay đã đánh mất đức tin, xa rời Chúa Giê-su và xem Ngài không còn phù hợp với cuộc sống của họ nữa? Hiện tại có bao nhiều người cha mẹ hay người lớn gieo rắc những thứ tà giáo hay ngăn cản con cái học giáo lý, làm mù lòa đức tin của con cái bằng đời sống tục hóa và thực dụng của mình khi chỉ biết tiền của, tài sản? Chẳng phải chúng ta đã từng thấy Chúa, nay sống trong tình trạng tối tăm, mù lòa, đang không thấy Chúa trong cuộc đời mình đó sao? Chúng ta phải làm gì khi được bài Tin Mừng đặt anh mù Ba-ti-mê trước mắt chúng ta?

Trước hết, đối với những người đang sống trong ánh sáng đức tin, đang được nhìn thấy Chúa Giê-su, Tin Mừng mời gọi chúng ta sống bổn phận môn đệ Chúa Giê-su, cấp bách loan báo Chúa Giê-su cho những ai đang sống trong cơn mù lòa đức tin, đang xa Chúa Giê-su, dùng lời cầu nguyện và lời Chúa khơi dậy đức tin đang âm ỉ như than ấm trong lòng họ, nhờ đó, đức tin trong họ như ngọn lửa bừng sáng, họ sống lại tình thân với Chúa.

Đối với những người đang đánh mất đức tin, xin cho họ có cuộc gặp gỡ mới với Chúa, nhờ đó, họ được phục hồi phẩm giá, lại được biết Chúa, tin Chúa và đứng dậy đi theo sống đời môn đệ Chúa.

Xin Chúa cho chúng con thoát cảnh mù lòa đức tin, biết tựa nương vào Chúa, biết đi theo Chúa loan báo Tin Mừng cho mọi người.