Chúa Nhật XXX Thường Niên C – Khánh Nhật Truyền Giáo
CN 30 TN NĂM C
Chúa nhật Truyền giáo
23-10-2022
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Chính Trạch
GIÁO HUẤN SỐ 48
MỤC VỤ GIỚI TRẺ
Các lãnh vực cần phát triển (tt)
Những cơ hội này và nhiều cơ hội khác nữa cho việc Phúc âm hóa giới trẻ, không được làm chúng ta quên rằng bất chấp sự thay đổi của thời thế và của các cảm thức nơi giới trẻ, có những quà tặng của Thiên Chúa không bao giờ cũ đi, vì chúng chứa đựng một năng lực vượt trên thời gian và không gian. Đó là Lời Chúa luôn sống động và hữu hiệu, đó là sự hiện diện của Đức Ki-tô trong Thánh Thể, và bí tích hoà giải đem lại cho chúng ta tự do và sức mạnh. Chúng ta cũng có thể đề cập những kho tàng thiêng liêng bất tận được Giáo Hội gìn giữ trong chứng tá của các thánh và trong giáo huấn của các của tiến trình trưởng thành và có những lúc cần phải kiên nhẫn chờ đợi thời điểm thích hợp, chúng ta không thể không mời gọi các bạn trẻ đến uống từ những nguồn mạch này của sự sống mới. Chúng ta không có quyền tước khỏi họ nhữngđiều tuyệt hảo này. (Tông huấn Đức Ki-tô hằng sống, số 229).
SUY NIỆM I
CN 30 TN NĂM C
Chúa nhật Truyền giáo
Hc 35,12-14;2Tm 4,6-8.16;Lc 18,,9-14
(Lm Giuse Nguyễn Trung Thành)
Bổn đạo truyền giáo
Cha Đỗ Quang Chính viết : “Không phải bổn đạo xưa chỉ theo đạo, giữ đạo cho riêng mình, mà nhiều người còn đem Tin Mừng đến cho những người chung quanh, là họ hàng thân thuộc, hàng xóm láng giềng. Họ là những người trong vương tộc, là quan quyền, là thường dân… đã đại lượng, can đảm vượt nhiều thử thách đem Chúa đến cho đồng bào mình. Họ là những người thuộc dòng giống dân tộc Việt Nam anh hùng, thừa hưởng bao nhiêu tính tốt của giống nòi, trong đó có tính can đảm, hy sinh vì đại nghĩa để bảo vệ và phát triển những gì là cáo quí. Cho nên khi theo ‘đạo mới’ rồi, thì đa số vẫn kiên trì với niềm tin và mạnh dạn giới thiệu cho những người khác.
Cha kể về bà Ngọc Liên công chúa : “Theo đạo Đức Chúa Blời (Trời) đất là do bà Minh Đức dạy dỗ hay ít ra cũng được ảnh hưởng của Minh Đức, là người xét theo vai vế họ hàng, thì Ngọc Liên phải gọi bằng Bà. Vào năm 1646, khi cha Saccano đang có mặt tại Kim Long, lúc đó là vương phủ của chúa Nguyễn, thì chính bà Minh Đức mời cha đến nhà nguyện trong dinh của bà để ban phép Thánh tẩy cho hai cháu của bà sau khi bà đã dạy giáo lý cho các cháu.
Ngọc Liên là công chúa của Sãi vương Nguyễn Phước Nguyên. Công chúa được ảnh hưởng rất nhiều của bà Minh Đức về mặt tôn giáo. Ngọc Liên theo chồng là tướng Nguyễn Phước Vinh về ở tại Phú Yên năm 1629, vì từ năm đó chúa Nguyễn đã mở rộng biên thùy tới đây lập ra Trấn Biên dinh, trao quyền cho Nguyễn Phước Vinh. Ngọc Liên được chịu phép Thanh Tẩy năm 1636, thánh hiệu Maria Ma-đa-lê-na, sau khi chứng kiến một cuộc tranh luận công khai do tướng Nguyễn Phước Vinh chủ tọa về bói toán và ba hồn bảy vía giữa ông Giê-rô-ni-mô (Tập ?) và một người khác tin vào những điều trên. Ngay sau khi theo đạo Chúa, Ngọc Liên cho làm một nhà nguyện trong dinh của bà ở Phú Yên và bổn đạo có thể vào để đọc kinh. Năm 1641 cha Đắc Lộ ở trong dinh của tướng Vinh 4 ngày để giảng đạo và làm phép Thanh Tẩy cho 90 người, trong số này có cậu An-rê Phú Yên. Thời gian ở Phú Yên, Ngọc Liên dạy đạo cho nhiều người, nên năm 1641 Đắc Lộ đến đây làm phép Thanh Tẩy cho 1355 người. Từ năm 1643 tướng Vinh về hưu tại Thanh Chiêm, Ngọc Liên cũng theo về. Khi ông qua đời 1645, công chúa đến ở Hội An. Tại đây Ngọc Liên chẳng những lo truyền giáo trực tiếp mà còn lập nhà thương xót nơi nương náu cho những người nghèo khổ, neo đơn; đàng khác công chúa còn cung cấp lương thực cho 12 thầy giảng lúc đó (Tản Mạn Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, trang 64-66).
Lời Chúa trong ba bài đọc Chúa nhật truyền giáo hôm nay rõ ràng đề cao đến thái độ đẻ ý đến, lưu tâm đến người nghèo, người khổ. Như thế truyền giáo chẳng những có lòng kính mến Chúa, mà còn yêu người nữa, như công chúa Ngọc Liên vừa kính Chúa vừa yêu người.
Bài đọc 1 (Hc 35,12-14) : Chúng ta đọc lại mấy câu trong bđ1 :
Đức Chúa là Đấng xét xử
Người chẳng thiên vị ai.
Người không vị nể mà hại kẻ nghèo hèn
Nhưng nghe lời kêu xin của người bị áp bức.
Người không coi thường lời khẩn nguyện của kẻ mồ côi
Hay tiếng than van của người góa bụa (Hc 35, 12-14)
Lời nguyện kẻ nghèo vượt ngàn mạy thẳm (35, 17).
Qua những câu này, Thiên Chúa thương người nghèo, người khổ.
Bài Tin Mừng (Lc 18,,9-14) : Luca trình bày hai mẫu người khác nhau để làm cho ý tưởng ông hướng tới được nổi bật lên. Vì như câu chuyện ‘một người cha có hai người con’ (1511-22). Trong đoạn văn này Luca trình bày cách cầu nguyện của ông Pha-ri-sêu và người thu thuế. Ông Pha-ri-sêu cầu nguyện theo các công thức cầu nguyện Do Thái, nay vẫn còn ghi lại trong một số Thánh Vịnh như Tv 17,34;18,21-25; 26,3-12. Đúng ra những gì ông nói với Thiên Chúa ở đây là một kinh nguyện không thể chê được, trình bày những việc tốt ông đã làm. Nhưng trước mắt Thiên Chúa đó chưa phải là cầu nguyện, vì ông chỉ toàn là khoe khoang bản thân mình trước mặt Thiên Chúa, và coi khinh người khác. Còn người thu thuế thì thật sự khiêm cung cầu nguyện và xin ơn. Vậy nên anh ta được nên công chính. Sự công chính mà ông Pharisêu khoe khoang trước mặt Thiên Chúa là một sự chinh phục cá nhân, do sức con người. Còn sự công chính người thu thuế nhận được thì lại là một hồng ân được từ Thiên Chúa đầy lòng thương xót. Đây mới là sự công chính đích thực. Và Thiên Chúa luôn luôn ban ân huệ cho kẻ khiêm nhường biết ăn năn sám hối. Chúa Giêsu đã căn dặn ta như thế (Phạm Xuân Uyển tổng hợp Tin Mừng theo thánh Luca, trang 226).
Bài đọc 2 (2Tm 4,6-8.16) : Đức cha Sơn Lâm viết về bđ2 như sau : ‘Thánh tông đồ bây giờ không những đang ở tù mà còn biết sắp tử đạo. Như người ta có thói quen đổ rượu (hoặc nước hoặc dầu) trên của lễ trước khi dâng, máu ngài cũng sắp đổ ra trên cái chết của ngài. Do đó giờ ra đi lên đường của ngài đã đến.
Nhìn lại cuộc đời, Phao-lô đã thấy mình chiến đấu tốt, đã chạy đến cùng đích rồi. Nhưng không vì vậy mà ngài tư tin, tự phụ, vì ngài đã phấn đấu như thế chỉ để kiên giữ lòng tin vào Chúa và ngài đã chạy như vậy như thế dưới con mắt quan sát và trọng tài của Chúa. Ngài không làm gì cho mình, cũng như không phải để cho ai xem. Đối với ngài, tất cả chúng ta đều như các lực sĩ thao trường. Khán giả duy nhất là Chúa, Đấng phán xét chí công. Người sẽ ban triều thiên công chính cho hết mọi người đã đầy lòng yêu mến trong cuộc trông đợi hiển linh của Người mà chạy.
Như vậy chỉ có Chúa là lẽ sống của Phao-lô. Các phấn đấu của ngài là để được triều thiên công chính. Triều thiên công chính nằm nơi tay Chúa. Người sẽ ban nó cho hết thảy ai biết phấn đấu (Lời Chúa Các Chúa Nhật Năm C, trang 401).
Cầu nguyện
Tv 33,19-20
Chúa gần gũi với những tấm lòng tan vỡ
Cứu những tâm thần thất vọng ê chề
Chúa cứu mạng các người tôi tớ
Ai ẩn thân bên Chúa không bị phạt bao giờ.
SUY NIỆM II
CẦU NGUYỆN NHƯ LÒNG CHÚA MONG MUỐN
Tuần 30 Thường Niên (Hội An 23/10/2022)
(Lm Giuse Nguyễn văn Thú)
Thánh sử Luca ghi rằng Chúa Giê-su kể cho mọi người nghe dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện, nhưng những nhân vật này, nơi chốn họ cầu nguyện và tâm tình cầu nguyện của họ không xa lạ gì với Chúa Giê-su và những người nghe hôm ấy. Người Pharisêu và người thu thuế là những người Chúa Giê-su thường tiếp xúc, đền thờ là nơi họ đến cầu nguyện cũng quá quen thuộc với Chúa Giê-su, Đấng gọi đền thờ là nhà Cha của Ngài. Vì thế, dụ ngôn này không nặng tính ẩn dụ như dụ ngôn đồng tiền bị lạc mất hay như dụ ngôn chiên và dê; trái lại, rất thực nơi những ai khi cầu nguyện mà không nhận ra sự hiện diện của Chúa.
- Thói cầu nguyện xa lạ với Chúa
Đành rằng người Pharisêu có đời sống đáng ngưỡng mộ. Ông ta giữ Luật Lệ cách nhiệm nhặt: ăn chay mỗi tuần hai lần, đóng thuế thập phân cho đền thờ đầy đủ, không tham lam, bất chính hay ngoại tình. Nếu giữa thời đại tục hóa hôm nay, đời sống nhiệm nhặt như thế hết sức đáng khen. Tuy nhiên, mọi điều ông thực hành đó không đem lại ơn ích gì cho ông, vì ông không còn cần gì đến Chúa nữa.
Người ta không thể thêm một giọt vào chiếc ly đầy nước, cũng không thể rót một chút hiểu biết vào người tự mãn; cũng thế, không một ơn thiêng nào có thể được người Pharisêu này đón nhận, vì ông tự cho mình là người công chính. Bàn tay ông đã đầy rồi, không còn chỗ để đón lấy lòng thương xót của Chúa. Cứ nghe những lời ông nói về những việc tốt ông làm, người nghe nhận xét ông không còn cần đến Chúa.
Mặc dù ông cầu nguyện với Chúa, nhưng thực ra, ông nói về chính mình. Ông nói về những gì ông làm, về những gì ông có, về những điều thiên hạ nhận xét về ông. Ông đứng ở trong Đền Thờ, nhưng dường như ông không biết ông đang đối diện với Thiên Chúa, Đấng thấy suốt tâm hồn con người, nên ông cứ thỏa thích về những việc ông làm, như thể ông là chủ Đền Thờ. Đi xa hơn, ông tự cho mình có nhân đức vượt trội những người khác.
Vậy thử hỏi, người ta có thể cầu nguyện với lòng kiêu ngạo không? Người ta có thể tiếp xúc với Chúa mà không màng đến sự hiện diện của Chúa không? Đức Phanxicô nhận định, việc cầu nguyện bao nhiêu lần chưa quan trọng bằng cầu nguyện như thế nào, cầu nguyện với tâm tình nào dành cho Chúa.
Khi nhìn lại, chúng ta dễ nhận ra nhiều lần tôi đến thờ phượng Chúa, tôi cầu nguyện với Chúa mà lòng trống trải, tẻ nhạt đối với Chúa, hững hờ với những lời trên môi miệng. Thậm chí đang đứng trong nhà thờ, tôi vẫn cứ như thể nói với chính mình hơn là nói với Chúa. Vậy, Chúa Giê-su muốn chúng ta bắt chước gì nơi người thu thuế khi Chúa nói: “Người thu thuế này ra về được khỏi tội, còn người Pha-ri-sêu kia thì không” (Lc 18,14)?
- Lối cầu nguyện như lòng Chúa mong muốn
Nếu người Pharisêu không nhận ra mình đang đứng trước mặt Thiên Chúa, thì trong đền thờ đó, người thu thuế đã nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa đầy lòng xót thương. Ông đấm ngực thống hối tội lỗi, vì ông biết Đấng thánh thiện đang đối diện với ông, đang nhìn vào phía bên trong ông. Ông nghĩ, ông có thể lừa dối thiên hạ bằng cách tự tạo cho mình một chiếc mặt nạ để lòe mắt thiên hạ, bi đát đến mức cứ tưởng mặt nạ đó là mặt thật của mình, nhưng ông không thể đánh lừa Thiên Chúa, Đấng không nhìn theo diện mạo bên ngoài, mà thấy tận đáy lòng con người (x. 1Sm 16,7). Đó là lý do ông thưa với Chúa chỉ một lời: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” Lời thưa đó vừa gói gọn sự thật về chính con người của ông, vừa giao phó cuộc đời ông cho lòng thương xót của Chúa. Nói cách khác, bàn tay và tâm hồn của ông trống rỗng chờ ơn thiêng Chúa ban, như lời một bài hát “tuy tay con nhỏ bé, bao nhiêu cũng không vừa” (Hồng Ân Chúa – Thiện Cẩm).
Khẩn xin lòng thương xót Chúa là ước mong đón nhận ơn Chúa cứu độ từ thánh giá. Từ cạnh sườn bị đâm thủng trên thánh giá, Chúa đã để máu và nước chảy ra khơi nguồn các bí tích cứu độ, tuôn tràn lòng thương xót của Chúa, thì việc khẩn xin lòng thương xót Chúa sẽ dẫn đưa người thu thuế đến với Chúa Giê-su và Chúa sẽ dùng ơn Chúa làm mới lại cuộc đời của một con người bẩn thỉu, phá sản về đời sống đạo đức, vô ích trong đời sống cộng đoàn. Có lẽ đây là lần cầu nguyện đáng nhớ nhất trong cuộc đời người thu thuế, một lần cầu nguyện được Chúa khen và khi ra về được nhận ơn tha tội, được sống lại mối tương quan với Chúa. Có lần cầu nguyện nào đáng nhớ và đáng giá như vậy trong đời chúng ta chưa?
Chính Chúa Giê-su là Đấng làm khác biệt giữa lời và thái độ cầu nguyện của người Pharisêu và người thu thuế. Người Pharisêu không màng gì đến Chúa, còn người thu thuế phơi bày con người thật của mình với Chúa. Anh cần lòng thương xót, thì Chúa là Đấng thương xót. Anh cần được tha thứ, thì Chúa là Đấng hay tha thứ. Anh cần sự sống, thì Chúa là Đấng ban sự sống. Anh cần một tình bạn, thì Chúa là Đấng gọi anh là bạn hữu, chứ không gọi anh là tôi tớ. Quả thật, cầu nguyện là sống với Chúa.
Lạy Chúa, mỗi khi chúng con cầu nguyện, xin cho biết nhận ra sự hiện diện thánh thiện và đầy lòng xót thương của Chúa, để như một trẻ nhỏ, chúng con đến gieo mình vào lòng Chúa, để như người thu thuế ăn năn thống hối, chúng con đặt trọn cuộc đời con cho Chúa. Bàn tay con đang mở, xin thương ban tràn đầy ơn thiêng cho con. Trái tim con rộng mở, xin làm đầy ắp lòng thương xót Chúa cho con.