Chúa Nhật XXX Thường Niên Năm A
CHÚA NHẬT XXX MÙA THƯỜNG NIÊN.
Ngày 29/10/2023
Thánh vịnh tuần II.
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Chính Trạch
GIÁO HUẤN SỐ 49
TRONG ÁNH SÁNG CỦA TÔN SƯ
“Có thể có vô số lý thuyết về điều gì làm nên sự thánh thiện, với những giải thích và những sự phân biệt khác nhau. Suy tư như thế có thể hữu ích, nhưng không có gì khai trí hơn là hướng về để nghe lời của Chúa Giêsu và nhìn cách Người giảng dạy sự thật. Chúa Giêsu giải thích một cách vô cùng dung dị đâu là ý nghĩa của việc nên thánh khi Người trao cho chúng ta Các Mối Phúc (x. Mt 5,3-12; Lc 6,20-23). Các Mối Phúc giống như một căn cước Kitô hữu. Vì thế, nếu có ai hỏi: “Người ta phải làm gì để trở thành một Kitô hữu tốt?”, thì câu trả lời thật rõ. Chúng ta phải làm, mỗi người theo cách của mình, những gì Chúa Giêsu dạy chúng ta trong Bài Giảng Trên Núi. Trong Các Mối Phúc, chúng ta gặp thấy một chân dung của vị Tôn Sư, và chúng ta được mời gọi phản chiếu chân dung này trong đời sống hằng ngày của mình. Từ “hạnh phúc” hay “được chúc phúc”, vì thế, trở thành từ đồng nghĩa với “thánh thiện”. Nó diễn tả sự thật rằng những ai trung thành với Thiên Chúa và lời của Ngài, bằng cách trao hiến chính mình, thì đạt được hạnh phúc đích thực”. (Tông huấn Hãy Vui mừng Hoan hỉ, số 63 & 64).
PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
(Xh 22,20-26; 1Tx 1,5c-10; Mt 22,34-40)
Bài Ðọc I: Xh 22, 21-27
“Nếu các ngươi hà hiếp các cô nhi quả phụ, Ta sẽ nổi giận các ngươi”.
Trích sách Xuất Hành.
Ðây Chúa phán: “Ngươi chớ làm phiền lòng và ức hiếp khách ngoại kiều: vì các ngươi cũng là khách ngoại kiều ngụ trong đất Ai-cập. Các ngươi đừng làm hại cô nhi quả phụ. Nếu các ngươi hà hiếp những kẻ ấy, họ sẽ kêu thấu đến Ta, và chính Ta đã nghe tiếng họ kêu van. Ta sẽ nổi cơn thịnh nộ, sẽ dùng gươm giết các ngươi, vợ các ngươi sẽ phải goá bụa, và con cái các ngươi sẽ phải mồ côi.
“Nếu ngươi cho người nghèo khó nào trong dân cùng định cư với ngươi mượn tiền, thì ngươi chớ hối thúc nó như kẻ đặt nợ ăn lãi quen làm, và chớ bắt nó chịu lãi nặng. Nếu ngươi nhận áo sống của người láng giềng cầm cố, ngươi hãy trả lại cho kẻ ấy trước khi mặt trời lặn: vì nó chỉ có một áo ấy che thân, và không còn chiếc nào khác mặc để ngủ; nếu kẻ ấy kêu van đến Ta, Ta sẽ nhậm lời nó, vì Ta là Ðấng thương xót”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 17, 2-3a. 3bc-4. 47 và 51ab
Ðáp: Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa
Xướng: Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa, lạy Chúa là Ðá Tảng, chiến luỹ, cứu tinh.
Xướng: Lạy Chúa là Thiên Chúa, là sơn động chỗ con nương mình, là khiên thuẫn, là uy quyền cứu độ, là sức hộ phù con. Con xướng ca ngợi khen cầu cứu Chúa, và con sẽ được cứu thoát khỏi tay quân thù.
Xướng: Chúa hằng sống, chúc tụng Ðá Tảng của con, tán tụng Thiên Chúa là Ðấng cứu độ con. Ngài đã ban cho vương nhi Ngài đại thắng, đã tỏ lòng từ bi với Ðấng được xức dầu của Ngài.
Bài Ðọc II: 1 Tx 1, 5c-10
“Anh em đã bỏ tà thần trở về với Thiên Chúa để phụng sự Người và để trông đợi Con của Người”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.
Anh em thân mến, khi chúng tôi còn ở giữa anh em, anh em biết chúng tôi sống thế nào vì anh em. Và anh em đã noi gương chúng tôi và noi gương Chúa, đã nhận lấy lời rao giảng giữa bao gian truân, với lòng hân hoan trong Thánh Thần, đến nỗi anh em đã nên mẫu mực cho mọi kẻ tin đạo trong xứ Macêđônia và Akaia.
Vì từ nơi anh em, lời Chúa vang dội không những trong xứ Macêđônia và Akaia, mà còn trong mọi nơi; lòng tin của anh em vào Thiên Chúa đã quá rõ rồi, đến nỗi chúng tôi không còn nói thêm làm gì nữa. Vì người ta thuật lại việc chúng tôi đã đến với anh em thế nào, và anh em đã bỏ tà thần trở về với Thiên Chúa làm sao để phụng thờ Thiên Chúa hằng sống và chân thật, để trông đợi Con của Người từ trời mà đến, “Ðấng mà Người đã làm cho từ cõi chết sống lại”, là Ðức Giêsu, Ðấng đã giải thoát chúng ta khỏi cơn thịnh nộ sắp đến.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 14, 23
Alleluia, alleluia! – Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu thương người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. – Alleluia.
Phúc Âm: Mt 22, 34-40
“Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi, và yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, những người biệt phái nghe tiếng Chúa Giêsu đã làm cho những người Sađốc câm miệng, thì họp nhau lại, đoạn một người thông luật trong nhóm họ hỏi thử Người rằng: “Thưa Thầy, trong lề luật, giới răn nào trọng nhất?”
Chúa Giêsu phán cùng người ấy rằng: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Ðó là giới răn thứ nhất và trọng nhất. Nhưng giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy là: Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi. Toàn thể Lề luật và sách các Tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó”.
Ðó là lời Chúa.
SUY NIỆM I
MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang
Trong 1 tháng qua, chúng ta thấy ở Hà nội xảy ra 2 vụ án kinh hoàng: Một vụ bắt cóc bé 2 tuổi tống tiền nhưng không thành, người giúp việc đã sát hại bé 2 tuổi dã man rồi chính cô nhảy cầu tự tử. Rồi mới đây vụ người tình sát hại người yêu là á Khôi 17 rồi phân xác ra nhiều mảnh thả trôi trên Sông Hồng. Không những chúng ta thấy đây đó cảnh giết người vì tiền vì tình… mà còn chiến tranh các nước đã và đang xảy ra trên thế giới rất khốc liệt và tàng bạo. Dường như con người hay các nước ngày nay chỉ muốn giải quyết khó khăn tình tiề hay những tranh chấp, những xung đột lan tràn bằng bạo động, bằng vũ khí giết người mà quên rằng thế giới loài người chúng ta có một sức mạnh vạn năng của khí cụ vô cùng quý giá không tốn tiền mua nó, nó đã có sẵn trong mỗi người chúng ta đó lòng mến Chúa yêu người. Nếu chúng ta dùng khí cụ bình an và yêu thương này trong mọi giao tiếp, các quan hệ tình người và tình Chúa, trong các cuộc xung đột, các kỳ thị hay hiểu lầm.. từ trong gia đình ra xã hội, dân tộc này với dân tộc khác và từ nước này sang nước khác… thì nzAzmọi gia đình, xã hội, dân tộc hay quốc gia được hạnh phúc hòa thuận và thái bình thịnh trị đến muôn đời. Cụ thể, Mục sư Luther King, người da đen, đã sử dụng khí giới của tình yêu. Ông đã làm hàng triệu người da đen đã được đứng lên làm người như những người da trắng. Rồi, Thánh nữ Têrêsa thành Calcutta cũng dùng khí giới của tình yêu để những người không nhà không cửa, những người hấp dẫn hối đầu đường xó chợ được sống và chết như những con người. Gia đình Thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu đã dùng khí cụ tình yêu mà cả gia đình hạnh phúc, hòa thuận và được nên Thánh khi còn sống hay đã về với Chúa. Cho nên, Lời Chúa dạy rằng: “Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,7-8).
Qủa thế, Thiên Chúa là Tình Yêu. Vì yêu thương con người và muốn cho con người được sống tình bình an, hạnh phúc, hòa thuận và sống đời đời với Ngài và với nhau, Ngài xuống thế là người chịu nạn, chịu chết và sống lại hiển vinh. Cho nên, hôm nay Ngài dạy chúng ta điều luật tình yêu: mến Chúa yêu người. “Yêu Chúa với tất cả trái tim (Đnl 6,5) và yêu người như yêu mình” (Lv 19,18). Chúa Giêsu đã không đưa ra một điều gì mới mẻ. Nhưng cái độc đáo của Ngài đã cho thấy đâu là cái cốt yếu, cái quan trọng nhất của Luật Môsê: yêu Chúa hết lòng và yêu người như chính mình, cả hai điều luật đều có tầm quan trọng như nhau. Như thế, Ngài đã giải phóng con người khỏi một khối lượng lớn các điều răn (613 điều: 365 điều cấm làm, 248 điều phải làm), để rồi tập trung vào việc tuân giữ hai điều luật chủ yếu: Mến Chúa- Yêu người. Giữ được hai điều luật ấy là chu toàn tất cả pháp luật. Yêu người là thước đo lòng yêu mến Chúa. “Ai không yêu người anh em mình thấy trước mắt, tất cả cũng không thể yêu mến Thiên Chúa mà mắt mình không thấy được” (1Ga 4,20).
Thế nhưng, trong thực tế hằng ngày, có lẽ chúng ta thường quen tách rời Thiên Chúa ra khỏi yêu người; coi như hai điều luật hoàn toàn không liên hệ gì với nhau. Do đó, chúng ta có thái độ mâu thuẫn rõ rệt: làm việc gọi là đạo đức để yêu mến Chúa, nhưng đồng thời cũng làm những việc ám hại tha nhân để trục lợi hoặc ít ra cũng dửng dưng với những nhu cầu cấp bách của người khác. Chúng ta chỉ chú trọng đến việc gọi là mến Chúa mà không tha thiết gì đến việc thương người. Có khi chỉ mến Chúa yêu người vì có thể trục lợi được, chứ không phải vì đó là ý Chúa muốn, là bổn phận của con cái Chúa và vì là anh em với nhau. Cho nên, Lời Chúa trong bài đọc 1 dạy: “Người ngoại kiều, ngươi không được ngược đãi và áp bức. Mẹ goá con côi, các ngươi không được ức hiếp. Nếu ngươi cho một người trong dân Ta, một người nghèo ở với ngươi vay tiền, thì ngươi không được xử với nó như chủ nợ, không được bắt nó trả lãi. Nếu ngươi giữ áo choàng của người khác làm đồ cầm, thì ngươi phải trả lại cho nó trước khi mặt trời lặn. Ngươi không được nói phạm đến Thiên Chúa, không được nguyền rủa người đầu mục trong dân” (Xh 22,20-26).
Chúng ta đừng quên rằng tình yêu tha nhân phải được trên nền tảng tình yêu Thiên Chúa. Khi trái tim tôi thuộc trọn về Thiên Chúa thì ngay lúc ấy nó cũng thuộc trọn về tha nhân. Người ta chỉ có khả năng yêu tha nhân đến vô cùng khi được tình yêu Chúa chiếm hữu (Rm 5,5). Trong Chúa, tôi bắt gặp tha nhân là anh em tôi. Trong Chúa, tôi cảm nhận được phẩm giá đích thực và trọn vẹn của một con người, dù đó là một người bệnh tật hay già yếu, một phạm nhân, một người mất trí, một thai nhi còn trong bụng mẹ, một thiếu nữ lầm lỡ, một người mắc bệnh Sida… Trong Chúa, tôi yêu mến và phục vụ họ vì họ chính khuôn mặt của Chúa Giêsu đang đau khổ, đói khát, trần trụi, yếu đau, ở tù, cô thế cô thân… (Mt 25,35-36). Vì vậy, trong bức thư gửi cộng đoàn dân Chúa Việt Nam, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi người tin hữu Việt Nam: “Ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta cần thực thi bác ái một cách cụ thể, nghĩa là phải có một quyết định hành động cụ thể cho con người, như đã được thực hiện trong mầu nhiệm Vượt qua và được Hội Thánh không ngừng thể hiện trong suốt dòng lịch sử, vì “trong mọi nơi và ở bất kỳ hoàn cảnh nào, các Kitô hữu … được mời gọi lắng nghe tiếng than khóc của người nghèo khổ. Chính tinh thần này đã không ngừng thúc đẩy cộng đoàn Công giáo của anh chị em có những đóng góp tích cực và ý nghĩa để phục vụ dân tộc, đặc biệt trong đại dịch Covid-19”.
Tình yêu đích thực đối với Thiên Chúa thì đưa tôi về với anh em. Tình yêu đối với anh em lại đòi tôi phải trở về với Thiên Chúa, nguồn mạch tình yêu, để múc lấy ở đó sức mạnh hầu tiếp tục trao hiến. Đó là nhịp sống bình thường của người Kitô hữu đích thực. Chính nhờ nhịp sống này mà trái tim tôi được dần dần mở ra với tha nhân và trở nên giống như trái tim Chúa Giêsu trên Thập giá. Ước gì qua Lời Chúa hôm nay, xin Chúa ban cho chúng ta sức mạnh của Lời Chúa và Thánh thể Người để chúng ta: biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Để đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nới lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm, đem tin kính vào nơi nghi nan chiếu trông cậy vào nơi thất vọng, tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Xin Chúa mở rộng lòng chúng con và xin thương ban xuống chúng con lòng đầy thiện chí, ơn an bình. Amen.
SUY NIỆM II
YÊU THƯƠNG LÀ CHU TOÀN LỀ LUẬT
(Hội An 29/10/2023)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú
Người Sađucêô và người Pharisêu kết hợp với nhau để hỏi thử Chúa Giê-su: “Điều răn nào quan trọng nhất?” Họ hỏi thử Chúa, bởi họ nghĩ không ai có thể trả lời được câu hỏi này, vì luật Mô-sê có đến hơn 613 khoản luật, dù là những người thông thuộc mọi khoản luật như họ, nhưng họ biết không ai có thể giữ hoàn hảo các khoản luật này. Tranh luận giữa họ là khoản luật nào cần thiết nhất, giữ khoản luật nào là chu toàn lề luật? Có người bảo giữ ngày sabbat là quan trọng nhất, có người cho rằng lễ vật là chu toàn lề luật. Dẫu là câu hỏi thử Chúa Giê-su, câu hỏi: “Điều răn nào quan trọng nhất?” vẫn có giá trị mọi thời, cả cho chúng ta hôm nay.
- Yêu Chúa trên hết mọi sự
Chúng ta cũng muốn được biết điều gì Thiên Chúa muốn chúng ta làm, điều gì ưu tiên Thiên Chúa muốn Ki-tô hữu thực hiện? “Điều răn nào quan trọng nhất?”
Chúa Giê-su có thể cho một lời giải thích dài hay một bài giảng nặng tính thần học cho những người thông luật và chúng ta hôm nay biết điều răn quan trọng nhất, nhưng Chúa đi ngay vào câu trả lời: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi” (Mt 22,37) và “ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi”. Yêu Chúa và yêu người là điều răn quan trọng nhất, tóm gọn toàn thể lề luật. Đó là điều Thiên Chúa muốn chúng ta làm để chu toàn lề luật.
Trước hết, tình yêu dành cho Thiên Chúa phải là tình yêu hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn. Tâm lòng, linh hồn và trí khôn theo lối hiểu của thánh kinh là trọn vẹn con người. Tất cả mọi sự tốt xấu đều từ bên trong: “Lòng đầy miệng mới nói ra” (Lc 6,45). Từ tâm lòng, linh hồn và trí khôn, người ta yêu hay ghét Thiên Chúa. Hôm nay, lời Chúa nhắc mỗi chúng ta hãy yêu Chúa thật lòng, yêu toàn thể con người và cuộc sống chúng ta, chứ không yêu nửa vời. Chúng ta đang sống trong thời đại thích nửa vời, thích thay đổi, thích thời trang, ngay cả tình yêu giữa vợ chồng và giữa gia đình cũng tạm thời, nửa vời, vì thế, xu hướng nửa vời của thời đại cũng ảnh hưởng đến đời sống đức tin và lòng mến Chúa nơi chúng ta. Đôi khi chúng ta giới hạn lòng yêu Chúa chỉ với một thánh lễ ngày Chúa Nhật, không thể hơn được nữa, không thể thêm một việc gì nữa, như thể để khỏi sa hỏa ngục. Chúng ta không dám yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn, không dám để cho ngọn lửa yêu Chúa bừng lên thỏa thích trong linh hồn và lòng trí, ảnh hưởng từng ngày và suốt cuộc sống chúng ta. Khi nhìn vào cuộc đời của thánh Phanxicô, thánh Bonaventura đã viết: “Ngọn lửa tình yêu của Phanxicô đối với Chúa Giê-su nhân lành đã được thổi lên thành đám cháy mà bao nhiêu nước cũng không thể dập tắt được”. Ước gì ngọn lửa ấy cũng làm bùng cháy tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa như ước mong của Chúa: “Thầy những ước mong phải chi lửa ấy bùng lên” (Lc 12,49), để chúng ta yêu Chúa trên hết mọi sự.
Ngọn lửa tình yêu Chúa phải được thắp sáng từ Đấng là Tình yêu. Thiên Chúa là Tình Yêu. Thánh Gioan khẳng định: “Chúng ta yêu thương vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước” (1Ga 4,19). Đó là mầu nhiệm lớn lao của đức tin. Từ vĩnh cửu, chúng ta được dấu ẩn trong bóng cánh tay Chúa. Thiên Chúa yêu chúng ta trước khi bất cứ con người nào bày tỏ tình yêu dành cho chúng ta. Ngài yêu chúng ta bằng tình yêu vô điều kiện, muốn chúng ta trở nên con yêu dấu của Ngài và biết yêu như Ngài. Thiên Chúa còn yêu chúng ta đến cùng trên thánh giá, nên Thiên Chúa chờ đợi tình yêu đáp lại là tình yêu “hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn”. Mỗi khi tham dự thánh lễ, Ki-tô hữu cùng nhau cử hành tình yêu của Thiên Chúa. Đó là hình thức cao trọng của tình yêu và chóp đỉnh của đức tin. Vậy, mỗi khi tham dự thánh lễ, bạn có để cho tình yêu của bạn dành cho Chúa đến mức “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn” không? Hay vẫn cứ sống nửa vời với Chúa?
- Yêu người như Chúa yêu
Yêu mến Chúa còn phải yêu thương người. Đó là điều răn quan trọng thứ hai. Thánh Gioan quả quyết: “Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối… Đây là điều răn mà chúng ta nhận được: Ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình” (1Ga 4,19-21). Mến Chúa và yêu người không tách rời nhau. Thánh nữ Catharian thành Sienna chia sẻ: chúng ta không thể đáp trả cho Chúa tình yêu mà Ngài đòi hỏi ta, nhưng Ngài đã đặt bên cạnh chúng ta người anh em để cho phép chúng ta diễn tả tình yêu mà chúng ta không thể làm cho Ngài. Như vậy, hằng ngày Chúa cho nhiều người đi cạnh ta, để khi tiếp xúc với ta, họ cảm thấy an vui, được ủi an, vì có tình yêu Chúa trong chúng ta. Ở Nhật Bản, có hội “người yêu vợ” và họ chọn ngày 31/1 là ngày ghi nhớ. Trong ngày 31/1, các ông hét lớn: “Anh yêu em” và quyết tâm đi làm về đúng giờ để phụ việc nhà. Thể hiện tình yêu đôi lúc đơn giản như thế nhưng đầy thách thức. Có khi chỉ một nụ cười, một cái nhìn cảm thông, một lời an ủi cho người thân lại đòi hỏi ta bày tỏ tình yêu cao độ và thật lòng. Nhưng đó là cách thế chúng ta sống điều răn quan trọng nhất là yêu Chúa trên hết mọi sự và yêu anh em như Chúa yêu.
Ước gì chúng ta biết rõ điều chúng ta đang thiếu là yêu Chúa “hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn” và yêu anh chị em mình, để xin Chúa cho chúng ta khi sống luôn sống tận tình với Chúa và vui mừng không chỉ vì trở nên người biết yêu thương, mà còn vui mừng vì chúng quanh ta có bầu khí yêu thương.