Chúa Nhật XXX Thường Niên – Năm A


CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN – NĂM A

25-20-2020

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Chính Trạch

GIÁO HUẤN SỐ 47

Những khao khát, những tổn thương, và những tìm kiếm (tt)

Trong thời đại chúng ta, những tiến bộ trong khoa học và trong các công nghệ và trong các công nghệ y khoa sinh học tác động mạnh mẽ trên những nhận thức về thân xác, dẫn tới ý tưởng rằng thân xác có thể mở ra cho sự biến đổi không giới hạn. Khả năng can thiệp vào ADN, khả năng đưa những yếu tố nhân tạo vào trong sinh vật (cyborgs) và sự phát triển của các khoa thần kinh cho thấy một nguồn lực lớn lao, nhưng đồng thời chúng cũng làm bật lên những vấn đề nhgiêm trọng về nhân học và đạo đức. Chúng có thể làm ta quên rằng sự sống là một quà tặng, và quên rằng chúng ta là thụ tạo với giới hạn cố hữu, rất dễ bị khai thác bởi những kẻ nắm giữ sức mạnh công nghệ. Hơn nữa, nơi một số nhóm trẻ, có một xu thế ngày càng tăng việc hành xử liều lĩnh, coi đó như một cách thăm dò chính mình, tìm kiếm cảm giác mình và lôi cuốn sự chú ý…Những thực tế này – vốn đang hoành hành nơi các bạn trẻ – là một chướng ngại trong tiến trình trưởng thành tự nhiên của họ (Tông huấn Đức Kitô Hằng sống, số 82).

—————

CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN – NĂM A

(Xh 22,20-26; 1Tx 1,5c-10, Mt 22,34-40)

Chuỗi Mân Côi với Đức Mẹ La Vang

Đức Mẹ hiện ra ở La Vang cũng là lúc giáo dân lần chuỗi van xin Mẹ. Năm 1798, vì những cuộc bắt đạo của nhà Tây Sơn, đoàn con của Mẹ phải chạy trốn vào rừng. Vừa sợ bị giết hại, vừa sợ thú dữ và nước độc núi rừng. Đoàn con Mẹ chỉ biết chạy đến với Mẹ. Họ tập họp dưới một cây đa, lần chuỗi cầu khẩn Mẹ. Mẹ đã hiện ra. Mẹ rất vui vẻ và xinh đẹp. Mẹ mặc áo trắng và có ánh sáng bao quanh. Hai trẻ đứng hai bên, mỗi trẻ cầm một bó đuốc. Mẹ đi đi lại lại nhiều lần trước mặt các con cái đang rất đỗi vui mừng. Chân Mẹ chạm đất. Rồi Mẹ đứng lại. Bằng một giọng dịu dàng, Mẹ nói: “Hỡi các con, các con hãy tin tưởng, các con hãy cam lòng chịu khổ. Mẹ đã nhận lời các con kêu xin. Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn cùng Mẹ ở chốn này, Mẹ sẽ nhậm lời ban ơn theo ý nguyện”. Rồi  Mẹ căn dặn hái lá cây chung quanh để chữa bệnh. Nói xong, Mẹ biến đi, và một luồng sáng bao quanh Mẹ.

Tháng Mân Côi sắp kết thúc và tháng Các Linh hồn sắp đến, chúng ta nghe lời khuyên của Đức Mẹ qua bà Maria Simma.

Bà Maria Simma chào đời năm 1915 tại Sonntag thuộc Grosswalsertal (Vorarlberg) bên nước Áo. Theo chương trình THIÊN CHÚA, bà nhận công tác tông đồ giúp đỡ Các Đẳng Linh Hồn nơi Lửa Luyện Ngục. Bà nói:Nhiều lần Đức Mẹ MARIA bày tỏ ước muốn rằng: Để cầu cho các tội nhân ăn năn trở lại thì mỗi ngày phải sốt sắng lần Chuỗi Mân Côi. Tràng Hạt Mân Côi là khí giới mạnh nhất có khả năng chống lại sức tàn phá khủng khiếp của ma quỷ.

Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay khuyên dạy chúng ta “mến Chúa yêu người”. Chúng ta cũng siêng năng lần chuỗi để thực hiện lời dạy này.

Bài đọc 1: bđ1 đọc sách Xuất Hành, nhóm CGKPV giới thiệu sách Xuất Hành như sau: “Đây là quyển thứ hai trong bộ Ngũ Thư …

Sách kể lịch sử dân Híp-ri từ khi ông Giu-se qua đời bên Ai-cập (1,6), cho tới lúc dựng Nhà Tạm dưới chân núi Xi-nai trong sa mạc, vào ngày mồng một tháng Giêng năm thứ hai, kể từ khi rời Ai-cập (40,2.17).

Với hai đề tài chính là: cuộc giải thoát khỏi Ai-cập (1,1 – 15,21) và việc lập Giao Ước tại Xi-nai (19,1 – 40,38), được ráp lại với nhau bằng một đề tài thứ ba là cuộc hành trình trong sa mạc (15,22 – 18,27), sách Xuất hành đúng là “Tin Mừng của Cựu Ước”, như có người đã gọi. Quả thế, sách loan báo biến cố nòng cốt là việc Thiên Chúa “đến thăm” một nhóm dân thiểu số sống nheo nhóc khổ cực bên Ai-cập (4,31) để giải phóng họ, dẫn họ đến khung trời tự do, rồi kết nạp họ thành dân riêng của Người (19,4-6); như vậy Người giữ trọn lời hứa với tổ tiên của họ (3,15-17).

Bài đọc 1 khuyên dạy chúng ta có lòng thương: không ngược đãi người ngoại kiều, không ức hiếp mẹ góa con côi, không bắt con nợ nghèo trả lãi, trả áo choàng cho người nghèo đã đem cầm, để đêm về có áo đắp.

Bài Tin Mừng: trong bài Tin Mừng Chúa nhật tuần trước, tuy những người Pharisêu không hợp tác với những người phe Hêrôđê, có khi còn thù ghét nhau; nhưng để hạ Chúa, họ đã bắt tay với phe Hêrôđê để hỏi câu hỏi có tính cách chính trị: là có được nộp thuế cho người Rôma không? Nếu Chúa nói nộp thì Chúa theo phe xâm lược và sẽ bị những người yêu nước từ bỏ; nếu nói không, có sẵn phe Hêrôđê theo chính quyền có mặt tố cáo Chúa chống đối chính quyền.  Chúa đã trả lời: “Của Xê-da trả về Xê-da, của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa”. Câu trả lời đó đã làm cho phe Pharisêu, phe chống chính quyền Rôma “kinh ngạc, bỏ ra về”, vì Chúa không chống chính quyền, nhưng Chúa chỉ đòi chính quyền Rôma trả lại quyền của Thiên Chúa, vì chính quyền đã tự phong mình là “thần thánh”, chiếm quyền Thiên Chúa.

Thấy phe Hêrôđê bị Chúa hạ, thì nay họ ra tay để bắt bẻ Chúa. Họ đặt câu hỏi: “Điều răn nào là điều răn trọng nhất” (Mt 22,36). Trong luật Do Thái có 613 điều luật: 248 điều tích cực, 165 điều tiêu cực (Vô danh, Trình Bày Lời Chúa Năm A, trang 369). Chúa trả lời: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn trọng nhất và là điều răn thứ nhất. Cón điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22,37-39).

Sách “Bốn Tin Mừng” trang 103 của nhóm CGKPV, viết : “Điểm độc đáo của Chúa Giêsu: 1. Gắn liền điều răn thương người với điều răn mến Chúa bằng cách cho cả hai có tầm quan trọng như nhau; 2. Tập trung tất cả luật vào hai điều răn đứng đầu này; 3. Nới rộng ý niệm “người thân cận” (trong Cựu Ước hiểu về người đồng đạo cùng thời Đức Giêsu với mình) thành “tha nhân” hiểu về mọi người, không trừ ai, như có thể thấy trong câu chuyện “người Sa-ma-ri nhân hậu” trong Lc 10,29-37).

Bài đọc 2: Bài đọc 2 đọc thư thánh Phao-lô gửi cho giáo đoàn Thê-xa-lô-ni-ca. Như đã nói trong Chúa nhật 29, lễ Truyền Giáo, đây là lá thư đầu tiên thánh Phao-lô viết, cũng là đoạn sách đầu tiên trong Tân Ước.

Trong bài đọc hôm nay, thánh Phao-lô đã khen cộng đoàn Thêxalônica : “Anh em đã bắt chước chúng tôi và noi gương Chúa, khi đón nhận Lời Chúa giữa bao gian truân với niềm vui Thánh Thần ban; bởi vậy anh em đã nêu gương cho mọi tín hữu ở miền Ma-kê-đô-ni-a và miền A-khai-a. Quả thế, từ nơi anh em, Lời Chúa đã vang ra, mà đâu đâu người ta cũng nghe biết lòng tin anh em đặt vào Thiên Chúa, khiến chúng tôi không cần phải nói gì thêm nữa” (1Tx 1,6-8).

Lạy Mẹ Trà Kiệu mến yêu, chúng con cám ơn Mẹ đã gìn giữ đức tin chúng con. Xin Mẹ giúp chúng con siêng năng lần chuỗi, để “mến Chúa yêu người” như Lời Chúa dạy trong thánh lễ hôm nay.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành