Chúa Nhật XXX Thường Niên – Năm B


CN 30 TN NĂM B

Chúa Nhật Truyền Giáo

24-10-2021

Góp Quĩ Truyền Giáo của HĐGMVN

CHẦU THÁNH THẺ

Giáo xứ Hòa Thuận

GIÁO HUẤN SỐ 48

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CỦA TUỔI TRẺ

Lớn lên và trưởng thành

 Nhiều bạn trẻ qua tâm đến thân thể mình, cố gắng tăng cường sức mạnh thể lý hay cải thiện ngoại hình. Nhiều bạn trẻ khác cố gắng phát triển các tài năng và trí thức của mình, để cảm thấy tự tin về mình hơn. Một số nhằm mục tiêu cao hơn nữa, cố gắng để dấn thân hơn và lớn lên về mặt tâm linh. Thánh Gioan nói: “Ta viết cho các con, những người trẻ, vì các con mạnh mẽ và lời Thiên Chúa ở lại trong các con (1Ga 2,14). Tìm kiếm Chúa, giữ lời Người, tín thác đời mình cho Người và lớn lên trong các nhân đức; tất cả những điều này làm cho trái tim các con mạnh mẽ. Đó là lý do các con cần giữ sự nối kết với Đức Giêsu, giữ liên lạc ‘online’ với Người, vì nếu chỉ với nỗ lực và trí tuệ của riêng mình, các con sẽ không lớn lên trong hạnh phúc và thánh thiện được đâu. Giống như các con cố gắng để không mất nối kết internet, hãy bảo đảm rằng các con luôn nối kết với Chúa. Điều này có nghĩa là đừng ngắt cuộc đối thoại, nhưng lắng nghe Người, chia sẻ đời sống các con với Người, và bất cứ khi nào các con không rõ mình nên làm gì, thì hãy hỏi Ngưới; “Chúa Giêsu ơi, Chúa sẽ làm gì trong trường hợp con ?” (Tông huấn Đức Kitô hằng sống số 158).

———————

CN 30 TN NĂM B

(Gr 31, 7-9; Dt 5,1-6; Mc 10,46-52)

Gia đình Cụ Anrê, Phước Kiều

Đà Nẵng là nơi đầu tiên hạt giống Tin Mừng được gieo vãi (18-1-1615). Dòng máu nóng của thầy Anrê cũng đổ ra trên mảnh đất này (16-7-1644). Mảnh đất Thanh Chiêm, Phước Kiều là “cái nôi” của chữ quốc ngữ, vì có cha Pina, có cha Đắc Lộ, có cậu bé Raphaen Rhodes, người Cây Trâm-Tam Kỳ, và còn là “cái nôi” của các nhà truyền giáo, vì có  gia đình cụ Anrê,  công chúa Ngọc Liên…

Cha Nguyễn Hồng viết lại lời cha Đắc Lộ khen ngợi gia đình cụ Anrê như sau: ‘Cụ thuộc vào sổ những người theo đạo trước hết, không những trong tỉnh Quảng Nam, quê quán của cụ, mà trong cả xứ Nam. Hơn nữa, cụ còn được hân hạnh là người chịu thử thách đầu tiên vì danh Chúa, không phải một lần mà bốn lần, mà lần nào cụ cũng can đảm chiến đấu, đứng về phía bên Thầy mình, vượt thắng những kẻ thù đức tin. Cụ là người đầu tiên được mang huy chương danh dự (gông), mà chúng tôi vẫn mệnh danh là thập giá của xứ Nam, huân công của người chiến sĩ Công giáo. Mỗi lần giao tranh, cụ đều thoát hiểm, và tuy không được phúc tử đạo, nhưng cụ không bao giờ trốn tử đạo.

Phu nhân của cụ tên là Inhaxu, bà sinh hạ được hai người con là cậu Emmanuel và Louis, thật là hai bức họa mô phỏng hoàn toàn hình ảnh nhân đức của bà.

Nhà ông bà là nơi trú ẩn của những người có đạo trong thời bình cũng như khi gặp cơn gió bão. Ông cụ đã cất một ngôi nhà thờ rộng rãi, nhiều người ngoại đã được lãnh Phép Rửa ở đó, được giáo huấn và được lĩnh nhận ơn sức mạnh của các bí tích. Cũng vì thế hai ông bà và các con luôn bị người ta làm phiền nhiễu, và khu nhà cụ cũng nhiều lần bị phá phách, nhưng tất cả những cái đó không làm cho cụ mất lòng mến Chúa Giê-su Ki-tô.

Là một vị quan liêu có địa vị và được kính nể trong vùng Quảng Nam, cụ đã biết yêu ô nhục của thập giá hơn những vinh dự của xứ Ai Cập. Ông nghẻ đô tri, sau khi đã ngược đãi làm phiền cụ mãi, cũng phải chán tay, còn riêng cụ thì cụ vẫn mong muốn được chịu khổ vì đạo. Từ đó cụ được yên tĩnh sống nhà, và theo những thư cuối cùng ở xứ Nam mà tôi nhận được viết vào khoảng năm 1648, thì cụ đã chết một cách thánh thiện tại tư gia của cụ, luôn bền vững trong đức tin và đầy vinh dự vì bao khổ nhục, cụ đã chịu đựng vì đạo Chúa” (Lich Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, tập I, trang 168-169).

Cha Nguyễn Hồng viết: “Một hôm, quan trấn, kẻ thù nổi tiếng của Đạo Ki-tô cho lính đến khám các nhà đàn anh trùm trưởng trong họ và tịch thu ảnh tượng. Ông Anrê và hai người con nhỏ với một số đàn anh bị dẫn ra cửa Hội An và bị phạt trượng (roi) ở nơi công cộng” (sđd, trang 151).

Cha Nguyễn Hồng kể tiếp : “Tháng 7-1644, Tống Thị ra lệnh cho quan trấn Quảng Nam bắt giam Thầy Anrê (Phú Yên). Vừa giải tới dinh, quan trấn liền ra lệnh tống giam thầy. Vào tù thy gặp cụ Anrê đã bị giam trong đó và cũng mới bị bắt ban chiều. Cả hai suốt đêm trao đổi những lời khuyến khích thúc giục nhau can đảm làm chứng cho Đạo và trông đợi chóng đến sáng để được dâng lễ hy sinh cùng nhau lên hưởng triều thiên hạnh phúc trên thiên quốc” (Sđd, trang 166).

Cha Bùi Đức Sinh viết : “Sáng hôm ấy, cha Đắc Lộ đến dinh trấn thì biết chuyện. Cha nhất định cùng với một số người Bồ đang buôn bán ở đó, vào xin quan trấn cho rút án lại. Là những người được thượng vương kính nể, đang tìm cách giữ mối giao hảo để mua súng ống đạn dược. Cha và những thương gia bồ tìm hết cách để yêu cầu quan trấn tha cho hai người vô tội. Có lúc đã đi đến đe dọa, nhưng ông nhất định không nhượng bộ. Cuối cùng ông rút án cho cụ Anrê vì có gia đình con cái; còn thầy Anrê, theo như ông nói: ‘cứng đầu cứng cổ đã dám thưa với ông rằng: dù có chết cũng nhất định không bỏ tên người có đạo, vì thế phải y án, để cho dân chúng biết phép chúa mà trọng” (Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, tập I, trang 188).

Cha Hồng viết tiếp: “Ít lâu sau cụ già An-rê được thả về, không được may mắn phúc tử đạo như thầy An-rê, nhưng suốt đời cụ với bao thử thách giam cầm, cụ thật xứng tên vị minh chứng đạo.

Ông bà Anrê còn rộng rải, góp tiền làm việc tông đồ : “Linh mục Rhodes đến Đàng Trong lúc lệnh trục xuất các thừa sai mới ráo mực, nên ông phải rất thận trọng… Trước hết ông đến Hội An, để tìm sự che chở và giúp đỡ của các kiều dân Nhật. Viên quan đứng đầu cộng đồng người Nhật không Công giáo và không mấy thiện cảm với Công giáo, nhưng nhờ được quà cáp hậu hĩ ông đã giúp đỡ rất tận tình. Viên quan Nhật Bản này đã hướng dẫn tôi một cách rất khéo léo và ông cũng nhờ bạn hữu của ông giúp tôi qua các cửa ải một cách dễ dàng… Tôi ra mắt nhà vương với những lễ vật cao quí nhất có thể có được. Nói thực là để mua các lễ vật đó, tôi đã xử dụng hầu như tất cả số tiền tôi mang theo để sống trong môt năm. Nhưng Thiên Chúa đã lo liệu cho, bởi vì một giáo hữu tốt lành tên là Anrê, cùng với vợ, đã gửi cho tôi tất cả số tiền cần thiết để trang trải cho tôi…

Nhất là cậu Louis, con ông bà, dâng mình cho Chúa, đi tu làm linh mục Cha Louis Đoan là một trong 4 linh mục đầu tiên của Giáo phận Đàng Trong. Chính Đức cha Lambert, giám mục đầu tiên, phong chức cho :

  • Năm 1668 hai cha Giuse Trang và Luca Bền
  • Năm 1672 cha Manuel Bổn
  • Năm 1676 cha Louis Đoan.

(Trương Bá Cần, Lịch Sử Phát Triển Công Giáo Việt Nam, tập 1, trang 132).

Cha Trương Bá Cần viết ở phần ghi chú: “Đây là linh mục Việt Nam thứ tư ở Đàng Trong. Trong thư đề ngày 20-6-1677, thừa sai Vachet viết: ‘Khi ở trong khu truyền giáo này (Quảng Ngãi) về, Đức giám mục hiệu tòa Béryle (Lambert) đã phong chưc linh mục cho Louis Đoan, một trong những thầy giảng kỳ cựu thông nho của vương quốc này’

Trong thư gửi Đức giám mục Lambert năm 1676, thừa sai Courtaulin viết: “Ngày lễ sinh nhật Đức Mẹ 8-9, linh mục Louis Đoan đã làm lễ mở tay ở Cacham (Thanh Chiêm) trong nhà của người em út, được trang hoàng lộng lẫy, có khoảng 500 giáo hữu ưu tú của tỉnh này tham dự” (Sđd, trang 224).

Cha Louis Đoan là văn sĩ, và là tác giả cuốn sách “Sấm Truyền ca”.  Sách “Sấm Truyền Ca” của cha được ca ngợi như sau : “Có thể nói thế kỷ XVIII văn thơ Nôm Công giáo nổi bật nhất với thi phẩm Sấm Truyền Ca của Linh mục Louis Đoan. Sấm Truyền Ca là đỉnh cao của văn thơ Nôm, văn chương trác tuyệt, một tác phẩm lớn về giá trị văn chương. Cha Louis  diễn đạt 5 sách đầu của Kinh Thánh: Sáng Thế, Xuất Hành, Lêvi, Dân Số, Đệ Nhị Luật,.. thành thể thơ lục bát, gồm 3596 câu, vào năm 1670” (Cao Thế Dung, Việt Nam Công Giáo Sử Tân Biên 1553-2000, Quyên II, trang 1353).

Nếp sống đạo của Gia đình cụ Anrê ở Phước Kiều, phản ánh niềm vui truyền giáo trong Lời Chúa thánh lễ hôm nay.

Bài đọc 1 (Gr 31, 7-9) : Bđ1 đọc sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a. Giê-rê-mi-a có nghĩa là “Đức Chúa nâng lên”.

Cha Hồ Thông viết về ngôn sứ: “Ngôn sứ Giê-rê-mi-a thi hành sứ vụ của mình ở Giê-ru-sa-lem vào khoảng những năm 626-587 tCN. Ông đã chứng kiến những năm tháng bi thương của đồng bào ông dưới gót giầy xâm lược của đế quốc Babylon, nào cảnh nước mất nhà tan, cảnh đổ nát của Thành thánh và cảnh hoang phế của Đền thờ Giê-ru-sa-lem. Đây là thảm họa mà ông có sứ mạng báo trước, nhưng đồng bào ông đã để ngoài tai” (Phụng Vụ Lới Chúa Năm B, trang 255).

Sách Kinh Thánh 2011 của nhóm CGKPV giới thiệu ông như sau: “Không ngôn sứ nào công bố và sống Lời Chúa khít khao như Giê-rê-mi-a. Tính tình ông dịu dàng và nhậy cảm, vậy mà ông được gọi để nhổ, để lật, để hủy, để phá (1,10). Thích yên hàn mà cứ phải đấu tranh, để cho người ta chống đối, cho cả nước gây gỗ với mình (15,10). Yêu quê hương, yêu đất nước mà không được cầu nguyện cho đồng bào (14,11), cứ phải cổ vũ sự thuần phục ngoại bang, để bị lên án là phản quốc (20,8; 38,4)…

Hơn mọi ngôn sứ khác, Giê-rê-mi-a phải gồng mình để chấp nhận Lời Chúa và chấp nhận chính mình trong tương quan với lời ấy. Những lời thố lộ tâm tình của ông với Thiên Chúa cho thấy rõ ý nghĩa của cuộc đời ông như một ngôn sứ; Tại sao con cứ phải đau khổ hoài ? (15,18) (trang 1665).

Thế nhưng rốt cục, cuộc đời sẽ tươi sáng như lời Thánh vịnh 125,2 :

Bấy giờ trong dân ngoại người ta bàn tán;

Việc Chúa làm cho họ vĩ đại thay!

Việc Chúa làm cho ta ôi vĩ đại

Ta thấy mình chan chứa một niềm vui.

 Bài Tin Mừng (Mc 10,46-52) : Cha Nguyễn Công Đoan viết về niềm vui trong BTM hôm nay như sau: “Giê-ri-khô là trạm nghỉ chân cuối cùng trên đường từ phía sông Gio-đan lên Giê-ru-sa-lem. Mác-cô kể câu chuyện người mù khi Đức Giê-su với các môn đệ và một đám đông ra khỏi thành Giê-ri-khô, lên đường đi Giê-ru-sa-lem.

Nhân vật này có vẻ được biết đến trong cộng đoàn sơ khai, nên Mác-cô cho biết cả tên của anh và tên của người cha. Anh ngồi ăn xin bên vệ đường. ‘Vừa nghe nói đó là Đức Giê-sau Na-da-rét’. Mác-cô không cho biết ai nói, nhưng có thể hiểu là thấy đám đông ồn ào khác thường thì anh ta lên tiếng hỏi cho biết. Anh ta bắt đầu lên tiếng rằng: ‘Lạy ông Giê-su Na-da-rét, con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương xót tôi’. Từ đầu sách tới giờ chưa có ai kêu cầu Đức Giê-su với danh hiệu ‘Con vua Đa-vít’. Do đâu anh biết và kêu bằng danh hiệu này ? Anh đi trước cả dân thành Giê-ru-sa-lem, vì khi Đức Giê-su tới Giê-ru-sa-lem, người ta sẽ tung hô Người như vậy.

Nhưng có những kẻ đang theo đoàn người cùng đi với Đức Giê-su lại quát nạt anh ta ‘im đi’. Cái thân ăn xin bên vệ đường thì đâu có đáng cho ai kiêng nể ! Anh ta không nản lòng, kêu to hơn. Người ta coi rẻ anh, nhưng Đức Giê-su dùng lại và nói: ‘Gọi anh ta lại đây’. Mọi người bỗng thay đổi thái độ với anh. Người ta gọi anh mù và bảo: ‘Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!’

Hãy nhìn anh. Anh như mọc cánh. Anh vất cái áo chòang bây giờ trở thành vật cản, vướng tay vướng chân anh, ‘đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su’. Người hỏi một câu giống với câu đã hỏi anh em nhà Dê-bê-dê; ‘Anh muốn tôi làm gì cho anh’  Anh mù đáp: ‘Xin cho tôi nhìn thấy được’. Người nói: ‘Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh’. Tức khắc anh thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.

Ở chương 8, Đức Giê-su đã trách các môn đệ ‘có mắt mà không thấy’. Anh mù xin một điều thôi: ‘Xin cho tôi nhìn thấy được’. ‘Lòng tin của anh đã cứu anh’. Anh thấy được Đức Giê-su là ai, và anh ‘đi theo Người trên con đường Người đi’ (Tĩnh Tâm với Sách Tin Mừng Mác-cô, trang 168-169).

Bài đọc 2 (Dt 5,1-6): Bài đọc 1 vui vì được giải thoát khỏi ách lưu đày: “Này Ta sẽ đưa chúng từ đất Bắc trở về”; bài Tin Mừng vui, vì được “sáng mắt”; bài đọc 2 vui, vì có một Thượng tế theo  phẩm trật Men-kê-si-đê. “Thánh vịnh 110 được ứng nghiệm nơi Đức Ki-tô, Ngài là vị Thượng tế biết cảm thông với những yếu đuối và tội lỗi của con người và Ngài là Đấng trung gian muôn đời bên cạnh Chúa Cha” (Hồ Thông, Phụng Vụ Lời Chúa Năm B, trang 259).

Ba bài đọc diễn tả niềm vui của sứ vụ truyền giáo. Câu đáp ca tóm gọn niềm vui ấy : “Việc Chúa làm cho ta ôi vĩ đại. Ta thấy mình chan chứa một niềm vui”.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành