Chúa Nhật XXX Thường Niên – Năm B


CN.30.B

28-10-2018

Giáo Huấn số 48

MỘT TRÁI TIM LỚN (tt)

Lịch Giáo Phận trang 115

Sau hết, chúng ta không thể quên rằng trong gia đình lớn này còn có cả cha mẹ và tất cả bà con họ hàng của người bạn đời. Một sự tế nhị riêng của tình yêu là tránh nhìn họ như những đối thủ cạnh tranh, như những con người nguy hiểm, như những kẻ xâm lấn. Sự hợp nhất vợ chồng đòi phải tôn trọng những phong tục tập quán của họ, cố tìm hiểu ngôn ngữ của họ, hạn chế những lời chỉ trích, quan tâm đến họ và một cách nào đó mang họ vào trong trái tim của mình, ngay cả khi ta phải giữ gìn sự độc lập chính đáng và sự riêng tư của hai vợ chồng. Những thái độ đó cũng là cung cách tinh tế ta bày tỏ sự quảng đại dấn thân đầy yêu thương đối với bạn đời của mình (Niềm Vui Của Tình Yêu số 198).

————————————-

CN.30.B

(Gr 31,7-9; Dt 5,1-6; Mc 10,46-52)

Năm 1831, có một nhóm người ở Quảng Nam nổi dậy chống lại vua Minh Mạng. Người ta gọi nhóm này là “Giặc Đá Vách”, vì ẩn trong núi Đá Vách. Ai đi hành hương Trà Kiệu, khi lên hòn Bửu Châu, có thể trông thấy dẫy núi Đá Vách.

Vua Minh Mạng sai quan Phaolô Tống Viết Bường đem quân từ Huế vào Quảng Nam dẹp giặc. Sau khi đánh thắng, thay vì được lãnh phần thưởng, thì quan Phaolô Tống Viết Bường bị chặt đầu.

Vì ghen tương, một vị quan đã mật báo với nhà vua quan Phaolô là người có đạo. Chân ráo chân ướt từ chiến trường trở về, vào chầu vua, quan bị vua Minh Mạng giận dữ hỏi :

– Dẹp xong giặc, khanh có vào viếng thăm chùa Non Nước không ?

Quan Phaolô đáp :

– Giặc đâu có ở trong chùa để hạ thần phải đến.

Vua bảo :

– Lệ thường, dẹp xong giặc, thì phải vào chùa lễ bái, sao khanh không vào?

Quan Phaolô can đảm thưa :

– Là người Công giáo, hạ thần không phải vào chùa lễ bái.

Nghe quan trả lời, vua Minh Mạng nổi giận ra lệnh chém đầu. Vì là người có công với nước, vua Minh Mạng truyền chém vào ban đêm, để không ai thấy. Tới nhà thờ Thợ Đúc, quan Phaolô xin được chém tại nền nhà thờ.

Nhà thờ Thợ Đúc cùng với số phận các nhà thờ khác bị đập phá, chỉ còn cái nền đất hoang.

Lần chuỗi xong, quan bảo lính :

– Đầu tôi đây, các anh hãy chém đi !

Chém xong, lính lấy đầu treo lên cột bêu ba ngày, để người ta thấy mà sợ. Còn thi thể được giáo dân đem về an táng tại nhà thờ Phủ Cam, Huế. Đó là đêm ngày 23-10-1833.

Phép lạ Chúa Giêsu chữa anh mù Ba-ti-mê trong BTM chúa nhật hôm nay ở thành phố Giê-ri-khô, cuối chặng đường Chúa lên Giê-ru-sa-lem để chịu chết. Ở Bết-xai-đa, đầu chặng đường, Chúa cũng chữa một người mù được sáng mắt. Một phép lạ đầu đường và một phép lạ cuối đường.

Phép lạ Bết-xai-đa ở đầu đường chịu nạn, Chúa chữa hai lần : lần đầu anh chỉ lờ mờ thấy người ta như những hàng cây đi đi lại lại; lần thứ hai anh mới thấy rõ ràng. Và anh mù này vô danh (Mc 8,22-26). Phép lạ ở Giê-ri-khô, cuối đường chịu nạn, Chúa chỉ chữa một lần mắt đã sáng, và anh có tên là Ba-ti-mê.

Phép lạ ở đầu đường muốn nói rằng : lên đường mà chưa vác thập giá theo Chúa, thì  mắt chưa khỏi hẳn, mắt trông lờ mờ. Còn phép lạ cuối đường muốn nói rằng : lên đường mà vác thập giá theo Chúa thì mắt khỏi hẳn, sáng rõ.

Thánh Phaolô Tống Viết Bường đã can đảm vác thập giá đi theo Chúa , nên ngài  được đi theo Chúa lên núi Sọ với Chúa.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành