Chúa Nhật XXX Thường Niên – Năm A
CN.30.A
(Xh 22,20-26; 1Tx 1,5c-10; Mt 22,34-40)
Tin Mừng Chúa nhật hôm nay dạy chúng ta mến Chúa và yêu người. Thánh Gioan Đạt tử đạo ngày 28-10-1798 dưới thời vua Cảnh Thịnh, là mẫu gương mến Chúa và yêu người.
Thánh Gioan Đạt sinh năm 1765 tại làng Khê Câu, Thanh Hóa. Mồ côi cha từ nhỏ. Lớn lên ngài xin đi tu ở với cha Loan xứ Đồng Chuối. Thấy ngài có ơn gọi, cha Loan gửi ngài vào chủng viện. Sau thời gian học hành, tu luyện, ngài được chịu chức linh mục tháng 4 năm 1798 và được sai làm cha xứ Hảo Nho, Thần Phù.
Thánh Gioan Đạt nhiệt tâm chu toàn nhiệm vụ. Cha Le Roy Lan, cha chính giáo phận Tây Đàng Ngoài (Hà Nội), đã khen : “Cha Đạt có nhiều nhân đức, nhất là đức vâng phục và thanh bần, nên Đức cha và các thừa sai quí mến. Lời cha giảng có sức thuyết phục và cảm hóa lòng người.”
Mới thi hành nhiệm vụ linh mục được nửa năm, thì lệnh bắt đạo đổ xuống tỉnh Thanh Hóa. Lính tráng tầm nã các làng có đạo. Cha Đạt phải trốn lên rừng. Cha vừa về dâng lễ an táng thì lính đến. Giáo dân dẫn cha ra sau nhà để cha chạy trốn. Tìm thấy áo lễ và chén thánh, lính hành hạ chủ nhà và các trùm trưởng. Thấy cảnh giáo dân bị đánh đập, cha không đành chạy trốn, cha ra trình diện. Cha nói với giáo dân : “Vẫn biết tôi có thể trốn thoát, nhưng như thế anh chị em phải khổ nhiều.”
Lính trói cha, đánh đập tàn nhẫn, cùng với thày Tâm và ba quí chức. Phe mình đông người, giáo dân muốn giải vây cho cha, cha ngăn lại, nói : “Cứ để tôi vâng theo thánh ý Chúa. Anh chị em ở lại bình an, kiên trung giữ đạo, và nhớ cầu nguyện cho tôi được vững đức tin đến cùng.”
Trên đường áp giải về thị trấn Thanh Hóa, ngang qua làng Kẻ Dừa, có bà cho cha cái nón, nhưng lính không cho nhận.
Hai tháng bị giam ở Đình Đang. Thấy cha bình tĩnh vui vẻ, mọi người bỡ ngỡ. Giáo dân đến thăm, khóc thương, cha nói chuyện vui, để họ bớt buồn. Cha nói : “Tử đạo là phúc cao trọng. An Nam, nước ta, chưa được mấy người. Nếu được tử đạo tôi mừng lắm.”
Lương dân gần trại giam cũng mến cha. Để cha sớm kết liễu đời khổ nhục tù đày, một thiếu phụ biếu cha một chai thuốc độc. Cha từ chối, nói : “Người Công giáo chân chính, dù trong hoản cảnh nào cũng không được tự tử.”
Cha còn cảm hóa những người lính canh. Mới đầu họ làm khó dễ. Mỗi lần đổi phiên gác, họ bắt giáo dân đút lót tiền bạc, nếu không họ hành hạ tù nhân. Sau thấy lòng bác ái yêu thương của cha, những người lính có thiện cảm với cha và dễ dãi với giáo dân. Có lần cha bênh vực người lính lấy nải chuối gửi cho cha. Lần khác cha nói với họ : “Khi nào tôi được vinh phúc trên trời, tôi sẽ không quên anh em dưới thế.”
Ông Thiềng, quan cai ngục, tỏ lòng quí mến cha đặc biệt. Gặp riêng, ông nói với cha : “Tôi thấy cụ khôn ngoan đạo đức, tôi muốn kết nghĩa lắm, ngặt vì cụ bị kết án tử rồi. Tôi xin biếu cụ cỗ quan tài, tỏ lòng quí mến cụ.”
Nhiều lần cha Đạt và các tín hữu bị quì trước tòa. Tay chân bị xiềng xích. Cổ bị đeo gông. Nguyễn Quang Thùy, em vua Cảnh Thịnh, đích thân chủ tọa phiên tòa, ông bắt các chứng nhân đức tin chối đạo, đạp lên Thánh Giá, nhưng ông thất bại. Một hôm, ông yêu cầu cha Đạt cắt nghĩa bức ảnh “Phán Xét Chung”, rồi nói cha đạp lên, thì sẽ được tha. Cha cúi xuống cầm ảnh và hôn kính.
Trong tuần tháng 10, hoàng đế gọi cha ra công trường và tuyên án tử hình. Ông nghĩ cha sẽ sợ hãi và chối đạo, không ngờ cha hân hoan vui vẻ. Về trại giam, cha thuật lại tin vui cho các bạn tù. Thấy vậy, quan tù khen : “Thày ở tuổi đang thì mà can đảm hơn đại tướng quân. Thật xứng là thày dạy dân.”
Cha Huấn, xứ Bạch Bát, giả làm thày đồ, bạn học, đến thăm, giải tội và đem Mình Thánh Chúa cho cha.
Đêm trước ngày xử án, cha đến gặp quan cai tù và nói : “Ngày lâm chung của tôi đã đến, tôi cám ơn quan lớn đã có lòng thương tôi. Thiên Chúa để vua kết án tôi, thì tôi vui lòng. Lòng tôi chẳng oán thù ai, chỉ xin quan thương bổn đạo trong tỉnh, để quan được phúc đời này và đời sau.” Cha trở về ngục cầu nguyện, chỉ mong trời sáng, để được hồng phúc tử đạo.
Trời sáng, mưa như trút. Cổ đeo gông, cha lẽo đẽo tiến ra pháp trường Chợ Rạ (Trịnh Hà). Giáo dân trải chiếu hoa, cha quì xuống cầu nguyện. Được quan cho phép, giáo hữu tuốn đến bên cha lãnh phép lành. Cha khuyên : “Là Kitô-hữu, chúng ta phải vâng lệnh vua quan trong những điều hợp pháp, nhưng trước hết phải tôn trọng lề luật Chúa.”
Ba hồi chiêng trống vừa dứt, lý hình vung gươm chém cổ cha. Giáo dân tuôn vào thấm máu và khiêng thi hài cha về chôn ở nhà thờ Phúc Nhạc. Hôm đó là ngày 28-10-1798, cuối tháng Mân Côi. Cha vừa được 33 tuổi.
Lời Chúa trong thánh lễ dạy chúng ta mến Chúa yêu người. Cha Gioan Đạt đã cố gắng sống.
Bđ1 : Bđ1 đọc sách Xuất Hành. Tuy bài đọc ở trong sách Xuất Hành, nhưng là trong bối cảnh dân Do Thái đang sống trong thời Thủ lãnh, thời định cư ở đất Canaan. Dân Do Thái được nhắc nhớ sống “mến Chúa yêu người”. Sách kể lại lời Chúa dạy :
“Mẹ goá con côi, các ngươi không được ức hiếp. Nếu ngươi ức hiếp mà nó kêu cứu Ta, ắt Ta sẽ nghe tiếng nó kêu cứu. Cơn giận Ta sẽ bốc lên, Ta sẽ cho gươm chém giết các ngươi : thế là vợ các ngươi sẽ thành goá bụa, và con các ngươi sẽ thành côi cút.
Một người nghèo ở với ngươi vay tiền, thì ngươi không được xử với nó như chủ nợ, không được bắt nó trả lãi.
Nếu ngươi giữ áo choàng của người khác làm đồ cầm, thì ngươi phải trả lại cho nó trước khi mặt trời lặn. Nó chỉ có cái đó để đắp, để làm áo che thân ; nó sẽ lấy gì mà ngủ ? Nó mà kêu cứu Ta, Ta sẽ nghe nó, vì Ta vốn nhân từ.
Ngươi không được nói phạm đến Thiên Chúa, không được nguyền rủa người đầu mục trong dân.” (Xh 22,21-26).
BTM : Với Chúa Giêsu, mến Chúa yêu người cũng là điều quan trọng. Thánh Mát-thêu kể lại : “Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng : “Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất v ?” Đức Giê-su đáp : “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là : ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy ” (Mt 22,25-40).
Bđ2 : Bài đọc 2 là thư thánh Phao-lô viết từ Côrintô khen ngợi giáo đoàn Thê-xa-lô-ni-ca ở Hy Lạp. Giáo đoàn đã sống lời Chúa : “Quả thế, từ nơi anh em, lời Chúa đã vang ra , không những ở Ma-kê-đô-ni-a và A-khai-a, mà đâu đâu người ta cũng nghe biết lòng tin anh em đặt vào Thiên Chúa, khiến chúng tôi không cần phải nói gì thêm nữa.” (1Tx 1,8)
Hôm nay là Chúa nhật cuối tháng Mân Côi. Xin Mẹ giúp chúng ta siêng năng lần chuỗi, để có sức mạnh sống Lời Chúa, sống Luật Chúa (Chợ Cầu 29-10-2017)
————————————–
CN.30.A
ĐỨC MẸ BETANIA, VÊNÊZUÊL
TỪ NĂM 1976
Venezuela là một trong những nước giầu nhất Nam Mỹ, giầu cả về tinh thần tôn giáo. Nước này tôn kính Đức Mẹ. Theo truyền thống, Đức Mẹ lần đầu tiên hiện ra tại Venezuela cho một vị tộc trưởng Côrômatô vào ngày 8-9-1652. Mẹ xin ông và bộ lạc của ông theo Chúa. Vị tộc trưởng ném cái đao vào Mẹ. Mẹ vẫn tiếp tục hiện ra với ông nhiều lần, nhưng mãi tới khi bị rắn độc cắn ông mới nghe theo lời Bà Đẹp trên trời. Ông được rửa tội trên giuờng bệnh và chỉ thị cho bộ lạc của ông theo gương ông.
Trong giáo xứ Đức Mẹ Mân Côi ở Bêtania, nước Venezuela, cách thủ đô Caracas chùng 2 giờ rưỡi lái xe, nhiều ngàn người bảo mình đã thấy và báo cáo về những cuộc hiện ra của Mẹ. Mẹ trông giống như Mẹ Lộ Đức, giống Mẹ Hay Làm Phép Lạ hay Mẹ Sầu Bi. Tại Bêtania, sự hiện diện của Mẹ mới quan trọng. Sự hiện diện của Mẹ là một sứ điệp. Thẩm quyền Giáo Hội công nhận việc Me ïhiện ra.
Ước chừng ¼ triệu người ở Bêtania là những người trông thấy Đức Mẹ. Họ nói họ đã thấy và còn đang thấy Mẹ hiện ra ở hang đá. Người ta chụp đủ kiểu hình các người trông thấy Đức Mẹ. Mỗi người diễn tả Mẹ khác nhau.
Lần đầu tiên Mẹ hiện ra là vào ngày 25-3-1976 trong hang Betania, gần thác và suối nước. Tại đây nhiều người được khỏi bệnh. Đức Mẹ hiện ra với nhiều hình dáng, nhiều nhất là giống Đức Mẹ Lộ Đức. Mẹ mặc áo dài trắng, thắt giây lưng xanh. Trước khi Mẹ hiện ra thường có chớp sáng và tỏa mùi thơm của hoa hồng. Thỉnh thoảng có những đàn bướm bay.
Nhiều người tụ họp bên hang đá nói đã được nghe tiếng hát của các thiên thần bên cạnh Đức Mẹ. Nhiều người cho rằng có “một ai đó” đã đưa họ hay giúp họ đi tới hang. Rồi bỗng “người đó” biến mất. Người ta thường hỏi : “Có phải là thiên thần đội lốt người không?” Nhiều người được chữa khỏi bệnh, kể cả bệnh ung thư và què quặt.
Mẹ hiện ra với sứ điệp. Mẹ nói :
Các con thân yêu,
Mẹ là Nữ Đồng Trinh Maria, là Mẹ và là Đấng Hòa giải mọi dân và mọi nước. Mẹ đến với Chúa Giêsu, Con của Mẹ mà Mẹ bồng trên tay, để hòa giải mỗi người chúng con. Hãy tha thứ cho nhau. Yêu thương nhau. Giúp đỡ lẫn nhau. Hãy cầu nguyện cho Giáo Hội. Cầu nguyện cho các linh mục. Hãy trở lại với các bí tích. Hãy xưng tội khi mặt trời còn chiếu sáng. Hãy hy sinh cầu nguyện cho các tội nhân và cho hòa bình trên thế giới. Tất cả chúng con là con cái của Thiên Chúa. Tất cả được Thiên Chúa yêu thương. Vì danh Chúa hãy yêu thương nhau. Hãy lần chuỗi Mân Côi để bước theo chân Con của Mẹ.
Các con thân yêu, bình an, chỉ có bình an.”
Đức cha Pio Ricardo, dòng Tên, là giám mục của giáo phận Los Teques. Ngài là một nhà thần học, có bằng tiến sĩ tâm lý. Sau khi tham khảo với Tòa Thánh Rôma, ngày 21-11-1987, ngài đã chính thức ra thông báo : “Sau khi điều tra những cuộc hiện ra của Đức Mẹ tại Betania, và đã cầu nguyện, cha tuyên bố : theo sự phán đoán của cha, những cuộc hiện ra của Đức Mẹ là chính xác và có tính cách siêu nhiên.”
Năm 1992, một linh mục ở Roma cùng với đoàn hành hương dâng lễ tại hang đá Betania thì Mình Thánh được truyền phép như có những bắp thịt của một trái tim bóp đập và chảy máu. Mọi người dâng lễ đều trông thấy. Mình Thánh lạ này tiếp tục chảy máu, và là máu loại AB, hiện còn được lưu giữ tại toà giám mục.
Những cuộc hiện ra của Đức Mẹ tại Betania, nước Venezuela đã được Đức Mẹ báo trước cho bà Maria Esperanza Medrano de Biancini. Bà sinh ngày 22-11-1928. Bà lập gia đình với một người Ý làm nghề dầu mỏ tại Venezuela. Hai người sinh được 7 người con và còn cha mẹ. Bà được trông thấy Đức Mẹ ngay từ nhỏ, lúc 6 tuổi. Thánh Têrêsa hài Đồng được thấy Đức Mẹ khi 5 tuổi.
Khi bà được 14 tuổi thì Đức Mẹ hiện ra để sửa soạn cho việc Mẹ hiện ra ở Betania vào ngày 25-3-1976. Gia đình bà đã biết, vì thế không có ai ngạc nhiên về việc Đức Mẹ hiện ra ở Betania vào ngày 25-3-1976 nơi hang đá, gần thác nước.
Trong lần hiện ra ngày 25-3-1984, Mẹ cầm chuỗi Mân Côi. Mẹ nói về mục đích của việc Mẹ hiện ra như sau :
“Mẹ là Mẹ và là Đấng Hòa Giải mọi dân tộc và mọi quốc gia. Hãy sốt sắng lần chuỗi. Hãy chân nhận rằng Chuỗi Mân Côi có thể thay thế cho những cơn khát báo thù nung nấu trong tim loài người. Chuỗi Mân Côi làm dịu bớt lòng tham tiền bạc của loài người. Hãy cảm nghiệm cái thực tế của việc Mẹ ở với các con.”
Hiện ra ở Betania, Mẹ hứa với mọi người : “Mẹ là Mẹ của các con. Mẹ là nơi nương náu của các con.”
Bài Tin Mừng thánh lễ hôm nay, Chúa Giêsu không những nói rằng : “Phải yêu người thân cận như chính mình.”, Chúa Giêsu còn nói : “Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy”, tức là giống điều răn thứ nhất “yêu Chúa”.
Như thế, Chúa Giêsu muốn nói : đã yêu Chúa thì phải yêu người, hay muốn yêu người thì phải yêu Chúa. Đúng vậy, nhiều người chúng ta không thể yêu nổi, nhưng chúng ta có thể yêu được vì vâng theo Chúa, yêu vì Chúa. Yêu Chúa trong con người đó. Yêu người không còn ở trên bình diện tự nhiên người với người; mà trên bình diện siêu nhiên, bình diện người với Chúa. Chỉ vì Chúa mới có thể yêu được.
Nhìn những cảnh khủng khố, ai cũng phải nhận : chẳng có cách nào chấm dứt nổi. Nhưng với Chúa thì mọi sự đều có thể. Đúng như Đức Mẹ nói ở Betania, Venezuela: “Chuỗi Mân Côi có thể thay thế cho những cơn khát báo thù mung nấu trong tim loài người. Chuỗi Mân Côi làm dịu bớt lòng tham tiền bạc của loài người.”
Không ngờ từ năm 1976 Đức Mẹ đã cho chúng ta giải pháp để chấm dứt chiến tranh khủng bố (23-10-2005).
——————————————
CN 30.A
Trong một giây phút rung cảm sâu đậm khi chiêm ngưỡng khuôn mặt của mình, ông Ernest Psichari, nhà văn người Pháp, đã thốt lên : “Tôi được một phép lạ lạ lùng là được làm người” ! Được làm người đối với Ernest Psichari là phép lạ.
Không hiểu được làm người thế nào mà ông lấy làm sung sướng đến thế ? Ông có giầu không ? Ông có giỏi không ? Ông có nhiều tài ba không ? Ông có nhiều quyền hành không ? Ông có được nhiều người thương yêu không ? Vì thực tế, nghèo, dốt, bất tài, có nhiều kẻ thù thì không thể bảo làm người là phép lạ. Trái lại phải coi đó là sự rủi ro, là khốn kiếp. Thà làm thân cỏ hoang nơi đồng nội còn hơn làm người.
Ngay khi cả những người nhiều tiền bạc, học giỏi, nhiều tài, được mọi người vị nể mà vẫn khổ. Nhà văn Jean Paul Sartre được giải thưởng Nobel văn chương, thế mà ông bảo đời là phi lý, chán nản, buồn nôn. Nghèo, bất tài, bị khinh chê làm sao có thể thốt lên như ông Ernest Psichari “Tôi được một phép lạ lạ lùng là được làm người” !
Vậy, được làm người là một phép lạ thì phải sống thế nào ?
Lời Chúa Giêsu dạy hôm nay là : “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Chúa của ngươi hết lòng” và “ngươi phải yêu người lân cận như chính mình”.
Yêu Chúa và yêu người là phương thế làm người trở nên phép lạ.
Nhưng yêu Chúa và yêu người. Đâu phải là dễ.
Leon Tolstoi, nhà văn vĩ đại của Nga, theo như chúng ta nghĩ, vợ chồng ông sẽ yêu nhau cho đến đầu bạc răng long, cho đến trọn đời. Thế mà cuối cùng ông đã phải trốn vợ trốn con, lang thang nay đây mai đó, nằm chết cong queo ở nhà ga xe lửa. Leon Tolstoi là một tên con đồ, lường gạt, vũ phụ, bị vợ con ghét bỏ, mà trốn đi thì cũng đáng. Đàng này, ông không những có tài mà còn có đức. Dân Nga phục tài ông, mến đức ông, phong ông là thánh. Khi quan tài ông được khiêng qua các đường phố Mátcôva, dân chứng đứng chật hai bên đường. Không ai bảo ai đều quì cả xuống mà khóc.
Leon Tolstoi lập gia đình khi đả 30 tuổi, nghĩa là cái tuổi đã biết suy nghĩ đắn đo, không còn bồng bột. Ông yêu bà, dầu lúc ấy bà mới 17 tuổi. Ông biết tuổi tác chênh lệch. Ông do dự suốt 3 năm. Sau 3 năm ông mới dám tỏ tình.. Khi tỏ tình ông vẫn ngượng ngùng e thẹn, chỉ lấy phấn viết những chữ đầu của mỗi từ ông muốn nói. Bà cũng đoán được và nhận lời.
Là một nhà văn, bạn bè nhiều; nhưng khi lấy bà, ông xa lánh hết bạn bè, chí thú viêt văn bên người vợ trẻ. Trong nhật ký năm đầu, ông viết : “Tôi sung sướng làm sao. Tôi sung sướng làm sao. Tôi yêu nàng biết bao…Hạnh phúc mênh mông…Nàng thật dễ thương…Tôi sung sướng đến nỗi ngạt thở.” Nhiều lần hai ông bà quì cầu nguyện cho được sống cảnh đó suốt đời. Bà mến tính ngây thơ và tài viết văn của ông, ông quí lòng trong sạch và tài quán xuyến của bà. Chẳng những bà giỏi việc nội trợ, mà còn khóe giúp ông, khuyến khích ông sáng tác. Bà thường tự hào : “Tôi thực đáng là vợ một nhà văn.” Quả đúng, vì khi ông sáng tác, ông đọc cho bà viết và chép lại bản thảo cho ông, như bộ “Chiến Tranh Và Hòa Bình” dầy cả 1000 trang, bà phải chép đi chép lại 7 lần.
Trước ông đã mất đức tin; nhưng khi lấy bà, ông đã lấy lại đức tin. Kinh Thánh là cuốn sách gối đầu giường của ông. Ngoài giờ viết văn, ông đọc Sách Thánh. Ông rút ra 3 nguyên tắc cho ông sống :
- Yêu Chúa và yêu người như chính mình.
- Không giận dữ.
- Không lấy ác báo ác.
Với 3 nguyên tắc đó, ông đã :
- Lấy tiền bán sách mở trường dạy miễn phí cho con nhà nghèo
- Ruộng vườn ông phân phát cho người nghèo
- Sống nghèo : quần áo mặc là vải thô; phòng ông nằm chỉ có một chiếc giường sắt, không trang hoàng.
Ông muốn tất cả cho người nghèo. Ông ước ao được như Chúa Giêsu đi lang thang hết nơi này đến nơi khác, bênh đỡ những kẻ bị bóc lột. Khi ông đau, được bác sĩ săn sóc, ông bảo : còn hàng triệu người chết đói, chết khát, không ai săn sóc cho. Ngay trước giờ chết, ông còn nói : “Trên thế giới có hàng triệu người đau khổ, sao bà con chỉ săn sóc một mình Leon Tolstoi này “ ?
Sau khi ông chết, gia đình tìm được một lá thư ông để trong hộc tủ. Ngoài phong bì đề hàng chữ : “Sau khi tôi chết, đưa lại cho nhà tôi”. Mở ra đọc, không ngờ lá thư này ông đã viết cách đây 4 năm. Cách đây 4 năm ông đã định bỏ trốn. Trong thư ông viết không trách móc gì vợ con, trái lại ông trách móc ông và xin vợ con tha thứ. Ông viết : “Em yêu, từ lâu rồi, anh đau khổ vì sự bất hòa giữa đời sống và niềm tin của anh…Anh không thể tiếp tục sống như anh đã sống trong 16 năm nay. Lúc thì chống cự lại với em và các con làm mọi người bực mình, lúc thì chịu thua những ảnh hưởng và quyến rủ hằng ngày ở chung quanh anh…Việc anh bỏ em không phải tại anh oán hận gì em đâu…Anh không trách em. Trái lại nhớ tới 30 năm đằng đẵng sống với nhau, anh thấy yêu em và biết ơn em lắm…”
Leon Tolstoi tài ba và đạo đức như thế mà bỏ nhà trốn đi và chết trên hè phố. Vợ con khi hay tin, lại nhà ga thì ông đã chết !
Làm người của Leon Tolstoi đúng là phép lạ. Ông yêu Chúa và yêu người như Chúa yêu. Chúa sẵn sàng chịu khổ, chịu chết vì yêu; Leon Tolstoi cũng sẵn sàng chịu khổ, chịu chết vì yêu (25-10-1981).
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành