Chúa Nhật XXX TN – Năm C


Chúa Nhật XXX TN – Năm C

27-10-2019

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Chính Trạch

GIÁO HUẤN SỐ 48

Luật lệ và sự phân định

Lịch Giáo phận trang 112

Quả là hạn hẹp khi chỉ dừng lại xét xem liệu hành động của một người có phù hợp với một khoản luật hoặc một qui tắc chung hay không, bởi lẽ điều đó không đủ để phân định và bảo đảm một sự trung tín trọn vẹn với Thiên Chúa trong cuộc sống cụ thể của một người. Tôi tha thiết xin chúng ta luôn nhớ điều thánh Tôma Aquinô dạy và học biết vận dụng vào việc phân định mục vụ của mình: “Dẫu rằng có sự tất yếu nào đó trong những nguyên tắc chung, nhưng càng đi vào những trường hợp riêng biệt, càng gặp thấy điều bất tất. {…} Trong lãnh vực thực hành, chân lí hoặc qui luật thực hành thì không như nhau đối với mọi người trong những áp dụng riêng, mà chỉ đúng cho các nguyên tắc chung thôi; và ngay cả nơi những người chấp nhận cùng một qui luật thực hành như nhau trong những trường hợp riêng, qui luật ấy cũng không phải được mọi người biết đến {…}. Và càng gia tăng điều bất định nếu càng đi sâu vào cái đặc thù”. Đúng là các qui luật chung nói lên một thiện ích mà chúng ta không bao giờ được xem thường hay bỏ qua, nhưng trong công thức, chúng không thể bao trọn tuyệt đối mọi hoàn cảnh đặc thù. Đồng thời, phải nói rằng, chính vì lý do này, những gì là thành phần làm nên sự phân định đích thực trước một hoàn cảnh riêng không thể nâng lên mức độ của một qui luật. Điều đó sẽ không những làm nảy sinh mọt kiểu giải nố không chấp nhận được, mà còn đe dọa các giá trị mà ta phải đặc biệt quan tâm gìn giữ (Niềm Vui của Tình Yêu số 304).

Chúa Nhật XXX TN – Năm C

(Hc 35,12-14.16-18; 2Tm 4,6-8.16-18; Lc18,9-14)

Chúa nhật tuần trước, chúng ta đọc cuộc đời của Đức cha Cassaigne. Chúa nhật hôm nay đọc riêng về cuộc đời cầu nguyện của ngài.

Đức Cha Cassaigne là một người chuyên tâm cầu nguyện. Mỗi ngày, người ta thấy Ngài đi lại, tay cầm chuỗi hạt hoặc cầu nguyện trước Thánh Thể. Thánh lễ là trung tâm một ngày sống của Ngài. Ngài không bao giờ bỏ qua việc chuẩn bị dâng Thánh Lễ và tạ ơn sau Hiệp Lễ. Nơi Ngài, không hề có sự khoe khoang bề ngoài. Ngài không ngừng cầu nguyện: đó là một con người quen với sự hiện diện của Thiên Chúa và Ngài múc lấy từ Thiên Chúa sức mạnh tinh thần mà Ngài ban lại cho người khác, đặc biệt là cho anh em bệnh nhân phong cùi.

Chúng ta hãy kể tên một số bạn hữu thiết nghĩa của Đức Cha Cassaigne. Trước hết, đó là Đức Trinh Nữ Maria. Khi nói đến Mẹ Maria, Ngài không quên tính hài hước. Ngài đã kể lại như sau về một giai thọai xãy ra ngay khi Ngài mới tới Di-Linh. Vị thừa sai – hẳn là chính Cha Cassaigne – đã mất công vô ích để lôi kéo thanh niên Thượng bằng thuốc hút, nhưng điều ấy chẳng đủ để đem họ trở lại đạo. Vị linh mục cất ống vố và lôi chuỗi hạt ra, nghĩ rằng chỉ có Đức Maria, cửa Thiên đàng, có thể mở lòng những con người đáng thương nầy giùm Ngài. Đức Trinh Nữ Maria đã nhận lời Ngài và được Chúa ban cho rất đông anh em Thượng trở lại đạo.

Đức Cha Cassaigne rất yêu mến Thánh Giuse, quan thầy của ba Ngài, nhưng cũng là quan thầy của Việt-Nam. Với vị thánh coi sóc Chúa Giêsu và Đức Mẹ trong cuộc sống hằng ngày nầy, Ngài đặc biệt hay kêu cầu mỗi khi có nhu cầu vật chất cần xin. Vì, như chúng ta đã nói, Cha Cassaigne luôn đi quyên xin tiền bạc để nuôi ăn, nuôi mặc và chăm sóc những con cái bị phong cùi của Ngài. Thánh Giuse rất quảng đại đối với Ngài. Người ta nhớ lại rằng lễ rửa tội đầu tiên cho người Thượng xãy ra đúng ngày lễ kính Thánh Cả Giuse, ngày 19-3-1930. Cùng với Thánh Giuse, Thánh Phanxicô Atxidi cho Cha Jean Cassaigne mùi vị của sự đơn sơ và lòng yêu thương người nghèo khổ (Tài liệu trên mạng Xuân Bích Việt Nam).

Đức cha Cassaigne cầu nguyện với Chúa, với Đức Mẹ, với thánh Giuse và cả với thánh Phanxicô Khó Khăn. Nhất là ngài cầu cho dân ngài.

Đức cha không chỉ dùng vật chất để lôi kéo họ, mà cậy nhờ vào chuỗi Mân Côi: “Vị thừa sai – hẳn là chính Cha Cassaigne – đã mất công vô ích để lôi kéo thanh niên Thượng bằng thuốc hút, nhưng điều ấy chẳng đủ để đem họ trở lại đạo. Vị linh mục cất ống vố và lôi chuổi hạt ra, nghĩ rằng chỉ có Đức Maria, cửa Thiên đàng, có thể mở lòng những con người đáng thương nầy giùm Ngài. Đức Trinh Nữ Maria đã nhận lời Ngài và được Chúa ban cho rất đông anh em Thượng trở lại đạo”.

Đức cha không xin cho mình, mà xin cho dân: “Ngài đặc biệt hay kêu cầu mỗi khi có nhu cầu vật chất cần xin. Vì, như chúng ta đã nói, Cha Cassaigne luôn đi quyên xin tiền bạc để nuôi ăn, nuôi mặc và chăm sóc những con cái bị phong cùi của Ngài”.

BTM: Bài Tin Mừng thánh lễ hôm nay, Chúa đã dùng hình ảnh người Pharisêu và thu thuế để dạy chúng ta cầu nguyện, nhất là cầu nguyện, để “tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác” (Lc 18,9).

Người Pharisêu không cầu gì, không xin gì. Đúng hơn người Pharisêu khoe khoang, báo cáo công trạng: “Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (Lc 18, 12).

Người Pharisêu khi cầu nguyện với thái độ tự mãn: “Người Pharisêu đứng thẳng” (Lc 11)

Người Pharisêu lại còn chê bai người khác, chê bai người thu thuế: “Con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia” (Lc 18,11).

Còn thái độ cầu nguyện của người thu thuế rất khiêm cung: “Người thu thuế đứng đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: Lạy Thiên Chúa xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13).

Cuối cùng, Chúa kết luận: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 18,14).

Bđ1: Sách Huấn Ca trong bài đọc 1, đề cao lòng Chúa thương người nghèo: “Người không vị nể mà làm hại người nghèo hèn, nhưng nghe lời kêu xin của người bị áp bức. Người không coi thường lời khấn nguyện của kẻ mồ côi, hay tiếng than van của người góa bụa…Lời nguyện của kẻ nghèo vượt ngàn mây thẳm” (Hc 35,13-14.17).

Bđ2: Bài đọc 2 là thư thánh Phaolô viết cho ông Timôthê nói đến sự bỏ rơi của con người, còn Thiên Chúa thì bênh vực: “Khi tôi đứng ra biện hộ lần thứ nhất, thì chẳng có ai bênh vực tôi. Mọi người đã bỏ mặc tôi…Nhưng có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi…Chúa sẽ còn cho tôi thoát khỏi mọi hành vi hiểm độc, sẽ cứu và đưa tôi vào vương quốc của Người ở trên trời” (2Tm 4,16.17.18).

Kinh Magnificat (Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa):

Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh

Dẹp tan phường lòng trí trí kiêu căng

Chúa hạ bệ những ai quyền thế

Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành