Chúa Nhật XXXI Thường Niên C
CN.31 TN. NĂM C
30-10-2022
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Khánh Thọ
GIÁO HUẤN SỐ 49
MỤC VỤ GIỚI TRẺ
Luôn luôn là những nhà thừa sai
Ở đấy tôi muốn chỉ ra rằng không quá khó khăn việc biến các bạn trẻ thành những nhà thừa sai. Ngay cả những bạn trẻ yếu đuối, ‘có vấn đề’ và phiền não nhất cũng có thể là những nhà thừa sai theo cách của mình, vì điều tốt lành luôn luôn có thể được chia sẻ, cho dù nó tồn tại bên cạnh nhiều sự giới hạn. Một bạn trẻ đi hành hương để cầu xin Đức Mẹ giúp đỡ, và mời một bạn cùng đi, thì đã tỏ ra là một thừa sai tốt rồi – chỉ bằng cử chỉ ấy thôi ! Gắn liền với một sứ vụ giới trẻ ‘đại chúng’ là một hoạt động thừa sai hoạt động sứ mạng thừa sai ‘đại chúng’ vốn luôn khẩn thiết, hoạt động này thấm nhập vào những cách làm và cách nghĩ thông thường của chúng ta. Chúng ta hãy đồng hành và khích lệ, nhưng đừng cố can thiệp quá vào hoạt động như thế (Tông huấn Đức Ki-tô hằng sống, số 239).
SUY NIỆM I
(Kn 11,22-12,2; 2Tx 1,11-2,2; Lc 19,1-10)
Lm Giuse Nguyễn Trung Thành
Thánh Phanxicô
Ngài làngười tỉnh Xaviê, nước Tây Ban Nha, được sai sang Á châu truyền giáo. Sau 13 tháng lênh đênh trên biển cả, ngày 6-5-1542 ngài tới thành phố Goa, nước Ấn Độ. Nhờ đời sống khắc khổ và cầu nguyện, thánh nhân đã lôi kéo được nhiều người Ấn đi theo Chúa. Sáu tháng sau, thánh Phanxicô đi tới nước Malaysia truyền giáo. Năm 1547 có một người Nhật Bản theo đạo, đặt tên thánh là Phaolô. Từ ngày ông Phaolô theo đạo, thánh Phanxicô hằng ước ao tới Nhật Bản giảng đạo. Tháng 6-1549 thánh nhân cùng với ông Phaolô và hai cha bạn lên tầu đi Nhật Bản.
Trên đường đi, tầu bị bão, phải cập vào Cửa Bạng, tỉnh Thanh Hoá, trú bão. Tại Cửa Bạng, thánh Phanxicô đánh rớt tràng chuỗi. Đang khi tiếc nhớ tràng chuỗi thì thấy một con cua lớn, miệng ngậm tràng chuỗi nổi lên bên mạn thuyền. Ngài cúi xuống xin lại tràng chuỗi. Để cám ơn con cua, ngài làm dấu Thánh Giá ban phép lành cho con cua. Từ đó đến nay, các con cua ở Cửa Bạng đều có hình Thánh Giá trên mu (Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, T.I, trang 28).
Qua câu chuyện thánh Phanxicô đánh rơi chuỗi Mân Côi, chúng ta thấy thánh Phanxicô đã lần chuỗi Mân Côi, để đem các linh hồn về với Chúa.
Lòng thương các linh hồn của thánh Phanxicô là hình ảnh lòng thương của Chúa, được diễn tả qua Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay.
Bđ1 : Sách Khôn Ngoan trong bđ1 viết : “Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ ăn năn hối cải” (Kn 11,23).
BTM : Chẳng những Chúa không nhìn đến tội lỗi, mà Chúa còn tìm cách cứu người tội lỗi. Lòng Chúa đối với ông Da-kêu trong BTM thật tuyệt vời. Chúa nhìn lên cây sung gọi ông và Chúa vào trọ nhà ông : “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông” (Lc 19,5). Thấy vậy, mọi người xầm xì : “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng đến trọ” (19,7). Chúa phải nói : “Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (19,10).
Bđ2 : Thánh Phaolô đã khuyên các tín hữu Philipphê, một thành phố ở nước Hi-Lạp, hãy lấy Chúa làm mẫu gương : “Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (Pl 2,4).
Chúa còn dùng Đức Mẹ để cứu các tội nhân, và cứu các linh hồn nơi luyện ngục.
Khi hiện ra lần thứ hai ngày 15-8-1917 tại Fatima, Đức Mẹ dạy chúng ta lần chuỗi, sau mỗi chục kinh Kính Mừng, hãy đọc kinh : “Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa tha tội chúng con, xin gìn giữ chúng con khỏi lửa hoả ngục, xin dìu dắt mọi linh hồn lên thiên đàng, nhất là các linh hồn cần Chúa thương xót hơn”.
Chuỗi Mân Côi là phương thế hữu hiệu đưa các linh hồn lên thiên đàng.
Thánh Kolbê nói : “Bao nhiêu tràng chuỗi Mân Côi là bấy nhiêu linh hồn được cứu rỗi”.
Thánh An Phong sáng lập dòng Chúa Cứu Thế nhắn nhủ : “Nếu muốn giúp các linh hồn dưới luyện ngục, hãy lần hạt Mân Côi”.
Thánh Piô 5 dấu đanh khuyến khích : “Hãy lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ, để đưa các linh hồn ra khỏi luyện ngục”.
Thánh Pirrotti được đặc ân lần chuỗi Mân Côi với các linh hồn. Thánh Pirotti đọc “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà….”, thì gôi Thiên Chúcác linh hồn đồng thanh đáp lại : “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời…”
Đức Mẹ nói với thánh Alan de la Roche : “Khi các con đọc kinh Mân Côi, các thiên thần vui mừng, Ba Ngôi Thiên Chúa hài lòng, Chúa Giê-su Con Mẹ cũng hãnh diện và chính Mẹ còn hạnh phúc hơn các con tưởng. Sau thánh lễ thì không còn gì trong Giáo Hội làm Mẹ yêu thích bằng kinh Mân Côi”.
Tháng Các Linh Hồn, chúng ta hãy siêng năng lần chuỗi cầu cho các linh hồn.
Cầu nguyện
Tv 144,13cd-14
Chúa thành tín trong mọi lời Chúa phán
đầy yêu thương trong mọi việc Người làm
Ai quỵ ngã Chúa đều nâng đỡ dậy,
kẻ bị đè nén Người cho đứng thẳng lên.
SUY NIỆM II
NIỀM VUI ĐƯỢC CHÚA THẤY
Tuần 31 Thường Niên (Hội An 30/10/2022)
Lm Giuse Nguyễn Văn Thú
Thánh Jose Maria Escriva, vị sáng lập Hội Opus Dei, đã nhắn nhủ các thành viên: “Cha khuyên các con đọc sách Phúc Âm mỗi ngày vài phút, tham dự vào mỗi cảnh huống trình thuật và nhập vai nhân vật trong cảnh huống đó. Cách đọc đó làm các con nhập thể vào Phúc Âm và để Phúc Âm ứng nghiệm trong cuộc đời của các con.” Vậy, chúng ta hãy nhập vào vai Gia-kêu, để tham dự vào cảm nghiệm gặp Chúa của Gia-kêu và để cho cảm nghiệm thiêng liêng đó trở thành cảm nghiệm của mỗi chúng ta.
1. Khát khao được thấy Chúa
Vào thời Chúa Giê-su, Israel bị người Rôma xâm chiếm. Có nhiều người Israel cộng tác với đế quốc Rôma để kiếm sống, trong đó có nghề thu thuế. Những người thu thuế rất tích cực tận thu, bởi họ có thể kiếm thêm phần phụ thu qua những khoản thuế, nên họ vừa giàu có, lại vừa lỗi công bằng với mọi người dân. Người Do Thái chê ghét những người phản bội dân tộc này. Gia-kêu là người trưởng ngành thu thuế, đương nhiên ông là người giàu có, đồng thời là người rất lỗi công bằng. Chính ông đã nhìn nhận điều này: “Nếu tôi chiếm đoạt của ai, tôi xin đền gấp bốn.”
Tuy nhiên, hôm nay là ngày trọng đại trong cuộc đời của Gia-kêu, ngày ông ước muốn gặp Chúa Giê-su. Nhiều người cho rằng Gia-kêu đến chỉ vì tính tò mò, chỉ để biết Chúa Giê-su là ai. Nếu chỉ vậy, Gia-kêu không phải là người ham muốn của cải, bởi ông không mất thời giờ là vàng bạc chỉ để nhìn thấy Chúa Giê-su. Vả lại, ông từng nghe biết Chúa Giê-su kêu gọi những người tội lỗi thay đổi đời sống, thì ông hứng thú gì đi tìm người đòi hỏi mình phải từ bỏ những gì mình ham thích. Có tay buôn lậu nào gia tài đang lên phơi phới mà lại tìm đến một người thầy dạy đáng kính để nghe lời khuyên từ bỏ lối làm ăn bất chính không? Như vậy, Gia-kêu tìm gặp Chúa Giê-su ít nữa vì ông không tìm thấy hạnh phúc và bình an trong những của cải và công việc ông đang làm, dù công việc đó hái ra tiền. Chúng ta hiểu, có nhiều lần trong đời ta, Thiên Chúa khơi dậy lòng quý mến những giá trị cao đẹp trong phần thâm sâu nhất của con người ta, những giá trị từng bị các tham vọng thấp hèn trói buộc ta trong công việc bất chính, trong mánh khóe bất công, trong thói quen ươn hèn, tưởng không thể thoát ra được. Trong trường hợp này, Gia-kêu tình nguyện đi gặp Chúa Giê-su và chấp nhận để Chúa can dự vào cuộc đời mình.
Gia-kêu cố tìm cách thấy Chúa. Tầm thước của ông thấp, đám đông thì chen lấn dọc đường Chúa đi qua, ông bèn trèo lên một cây sung để thỏa ước mong thấy Chúa. Dĩ nhiên, ông không màng gì đến những lời bàn tán của đám đông về một người giàu có trèo cây như trẻ con, mà vui mừng vì có cây sung để ông trèo. Ông nghĩ chỉ thấy Chúa khi có vị trí trên cây.
Chúng ta tự hỏi, Chúa đi qua cuộc đời ta trong gia đình, nơi làm việc và học hành, nơi giải trí và họp hội, mắt chúng ta có sáng lên vì tin vui đó, lòng ta có rạo rực mong thấy Chúa như Gia-kêu khát khao? Hay “một ngày như mọi ngày,” ta vẫn cứ vô tình mặc Chúa đi qua đời ta? Gia-kêu như đang nói với mỗi chúng ta: “Đừng sợ gặp Chúa.”
2. Niềm vui được Chúa thấy
Gia-kêu tưởng ông thấy Chúa, không ngờ, Chúa đã thấy ông. Chúa nhìn thấy Gia-kêu, Chúa biết rõ Gia-kêu khi gọi tên ông, Chúa muốn đến nhà ông và biến đổi cuộc đời ông.
Chúa biết rõ Gia-kêu, biết mọi sự thầm kín trong lòng ông, biết ông từ khi ông còn trong lòng mẹ (x. Tv 139,13-16). Chính Chúa Giê-su khơi dậy trong lòng Gia-kêu ước muốn thấy và nghe Chúa nói. Chính Chúa thấy Gia-kêu và gọi tên ông trước như đã thấy và nói với Nathanael: “Lúc anh còn ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi” (Ga 1,48). Thánh sử Luca dùng biến cố này để nói đến sứ mạng của Chúa Giê-su, đó là “đến thế gian để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10). Chúa tìm thấy Gia-kêu cũng như tìm thấy những người tội lỗi, bởi Chúa yêu từng con người. Chúa không yêu người cách chung chung, nhưng như thánh Augustinô kinh nghiệm: “Thiên Chúa yêu mỗi người chúng ta như thể chỉ có mình ta.”
Nếu các môn đệ đã cảm nghiệm được tình yêu Chúa và bỏ hết mọi sự để đi theo Chúa, thì Gia-kêu cũng được giải thoát khỏi những vướng bận của cải và nghề nghiệp tội lỗi để sống lại vẻ đẹp tinh khôi đã đánh mất: vui lòng bố thí và đền bù những thiệt hại đã gây cho người khác. Chúa “đến tìm và cứu” là đến biến đổi cuộc đời của Gia-kêu và của những ai ước muốn gặp Chúa. Vậy, tôi muốn Chúa thay đổi đời tôi để được phục hồi vẻ đẹp tâm hồn hay cứ để tâm hồn bị trói buộc vào mọi thứ bầy nhầy? Tôi có muốn gặp Chúa hay cứ giữ khoảng cách với Chúa?
Ông Gia-kêu tưởng ở trên cây là được thấy Chúa, nhưng ơn cứu độ của Chúa đến tận nhà ông. “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này” (Lc 19,9). Ông tưởng ơn gọi nên thánh của ông là ở một vị trí khác, nhưng Chúa cho ông biết, ông được mời gọi nên thánh và làm môn đệ Chúa trong đời sống giữa xã hội, giữa đời sống thường ngày trong gia đình.
Nhập vai Gia-kêu, chúng ta được Chúa mời gọi trút xuống những hổ thẹn mà mạnh dạn đến với Chúa, để cảm nghiệm tình thương Chúa dành cho qua việc Chúa đến giải thoát ta khỏi những ràng buộc tội lỗi, phục hồi vẻ tinh khôi thánh thiện bên trong chúng ta. Chúa còn hẹn gặp đến thăm nhà chúng ta và Chúa muốn chúng ta mời đón Chúa vào nhà, nơi chúng ta sống đời tông đồ và sống với Chúa.
Lạy Chúa, Chúa đã yêu con trước, trước khi con có thể yêu. Xin cho con sống xứng đáng được Chúa yêu, không chỉ trong nhà thờ, mà cả trong mọi hoàn cảnh gia đình, vì con biết Chúa yêu con và đến ở với gia đình con.