Chúa Nhật XXXI Thường Niên Năm A


CHÚA NHẬT XXXI TN A

Ngày 05/11/2023

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Khánh Thọ

GIÁO HUẤN SỐ 50

TRONG ÁNH SÁNG CỦA TÔN SƯ

Lội ngược dòng

Mặc dù những lời của Chúa Giêsu có thể trao cho ta ấn tượng đầy thi vị, những lời ấy rõ ràng đi ngược với cách người ta sống trong thế giới hôm nay. Ngay cả dù chúng ta nhận thấy sứ điệp của Chúa Giêsu đầy lôi cuốn, thế giới vẫn đẩy chúng ta về một lối sống khác. Các mối phúc không hề lỗi thời hay dễ dãi, mà hoàn toàn ngược lại như thế. Chúng ta chỉ có thể thực hành các Mối Phúc nếu Chúa Thánh Thần đổ  đầy trong chúng ta sứ mạnh của Ngài, và giải phóng chúng ta khỏi sự thấp hèn, ích kỷ, tự mãn và kiêu ngạo của mình.Chúng ta hãy lắng nghe Chúa Giêsu một lần nữa, với tất cả yêu thương và kính trọng mà vị tôn sư đáng nhận được. Chúng ta hãy cho phép những lời của Người làm xáo trộn chúng ta, thách đố và đòi hỏi chúng ta có một sự thay đổi thật sự  trong lối sống của mình. Nếu chẳng vậy, sự thánh thiện sẽ vẫn không là gì hơn một từ trống rỗng. Giò đây chúng ta tập chú vào từng  Mối Phúc trong Tin Mùng theo Thánh Máthêu (Mt 5,3-12) (Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan hỉ, số số 65-66).

 

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

Ml 1,14b-2,2b.8-10; 1Tx 2,7b-9.13; Mt 23,1-12

Bài Ðọc I: Ml 1, 14b – 2, 2b. 8-10

“Các ngươi đã đi sai đường lối, và làm cho nhiều người vấp phạm lề luật”.

Trích sách Tiên tri Malakhi.

Chúa các đạo binh phán rằng: Ta là Vua cao cả, và danh Ta đáng kính sợ trong các dân tộc. [Ta sẽ làm cho các ngươi phải túng thiếu.]

{Và bây giờ, trên các ngươi có án lệnh này, hỡi các tư tế: Nếu các ngươi không nghe, và nếu các ngươi không lưu tâm mà tôn vinh danh Ta, Chúa các đạo binh phán, Ta sẽ phóng (sự) chúc dữ xuống trên các ngươi; và Ta sẽ chúc dữ cho sự chúc lành của các ngươi.}

Các ngươi đã đi sai đường lối, làm cho nhiều người vấp phạm lề luật và huỷ bỏ giao ước Lêvi, Chúa các đạo binh phán như vậy. Bởi thế, Ta để cho các ngươi bị khinh rẻ và đốn mạt trước mọi dân tộc, vì các ngươi đã không tuân giữ đường lối của Ta, và vị nể trong khi thi hành lề luật. Chớ thì mỗi người chúng ta không có một người cha sao? Chớ thì không phải có một Thiên Chúa tạo thành chúng ta sao? Vậy tại sao mỗi người chúng ta lại khinh rẻ anh em mình mà phản bội giao ước của tổ phụ chúng ta?

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 130, 1. 2. 3

Ðáp: Lạy Chúa, xin giữ linh hồn con trong bình an của Chúa.

Xướng: Lạy Chúa, lòng con không tự đắc, và mắt con chẳng liếc nhìn cao, con cũng không lo nghĩ những việc lớn lao hay là những điều quá tầm trí mọn.

Xướng: Nhưng con lo giữ linh hồn cho thinh lặng và thanh thản. Như trẻ thơ sống trong lòng thân mẫu, linh hồn con cũng như thế ở trong con. –

Xướng: Israel hãy cậy trông vào Chúa, tự bây giờ và cho tới muôn đời.

 

Bài đọc II: 1 Tx 2, 7b-9, 13

“Chúng tôi muốn trao phó cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà còn mạng sống chúng tôi nữa”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

Anh em thân mến, chúng tôi đã trở thành như những kẻ bé mọn giữa anh em. Như người vú nuôi nâng niu con cái mình thế nào, thì chúng tôi yêu thương anh em đến nỗi chúng tôi rất vui lòng trao phó cho anh em không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà còn cả mạng sống chúng tôi nữa: vì anh em đã nên thiết nghĩa với chúng tôi. Anh em vẫn còn nhớ đến công lao khó nhọc của chúng tôi: chúng tôi phải làm việc ngày đêm để khỏi trở nên gánh nặng cho một ai trong anh em, khi chúng tôi rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa giữa anh em. Bởi thế chúng tôi không ngừng cảm tạ Thiên Chúa, vì anh em nhận lãnh lời Thiên Chúa do chúng tôi rao giảng, anh em đã nhận lãnh lời ấy không phải như lời của người phàm, mà như lời Thiên Chúa, và thực sự là thế, lời đó hoạt động trong anh em là những kẻ đã tin.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ep 1, 17-18

Alleluia, alleluia! – Xin Chúa Cha của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, cho mắt tâm hồn chúng ta được sáng suốt, để chúng ta biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi chúng ta. – Alleluia.

Hoặc đọc: Alleluia, alleluia! Anh em chỉ có một cha là Cha trên trời, anh em chỉ có một lãnh đạo là Đức Ki-tô – Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 23, 1-12

“Họ nói mà không làm”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng và các môn đệ rằng: “Các Luật sĩ và các người biệt phái ngồi trên toà Môsê: vậy những gì họ nói với các ngươi, các ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ: vì họ nói mà không làm. Họ buộc những bó nặng và chất lên vai người ta, còn chính họ lại không muốn giơ ngón tay lay thử. Mọi công việc họ làm đều có ý cho người ta thấy: vì thế họ nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là “Thầy”. Phần các ngươi, các ngươi đừng muốn được người ta gọi là Thầy, vì các ngươi chỉ có một Thầy, còn tất cả các ngươi đều là anh em với nhau. Và các ngươi cũng đừng gọi ai dưới đất là cha: vì các ngươi chỉ có một Cha, Người ngự trên trời. Các ngươi cũng đừng bắt người ta gọi là người chỉ đạo: vì các ngươi có một người chỉ đạo, đó là Ðức Kitô. Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi.

“Hễ ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.

Ðó là lời Chúa.

 

SUY NIỆM I

Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành

Bàn tay

Trong một lớp học cấp một, cô giáo cho bài tập về nhà cho học sinh ; “Các em hãy vẽ một hình ảnh, mà các em cho là, mình phải mang ơn nhất. Đề tài các em tự do chọn lựa”.

Cả lớp hăng hái về, em thì vẽ bàn cơm, em thì vẽ chiếc xe đạp… Có một hình đặc biệt làm cô giáo và cả lớp bỡ ngỡ. Đó là bức vẽ của em Duclas, một học sinh bệnh tật, mang nhiều mặc cảm. Em vẽ hình ‘bàn tay’. Cô giáo đưa cao hình của em hỏi : “Các em có biết hình này là bàn tay của ai không ?

cả lớp nhôn nhao trả lời : có em bảo là bàn tay của Chúa, Đấng ban ơn lành cho mọi người; có em cho đó là bàn tay người nông dân, làm ruộng, mang lại lúa gạo cho người… Cuối cùng cô giáo hỏi chính em Duclas. Em trả lời : ‘Thưa cô, đó chính là bàn tay của cô. Con mang ơn bàn tay của cô, vì hằng ngày khi con đến trường, cô đưa tay dắt con vào lớp. Trong lớp , cô dùng bàn tay nắm lấy tay con, tập con viết từng chữ. Con mang ơn bàn tay của cô.’

 Lời Chúa trong các bài đọc thánh lễ hôm nay nói đến: ‘làm’ : ‘Những gì họ nói với các ngươi, các ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ, vì họ nói mà không làm’.

Bài đọc 1 (Ml 1,14b-2,2b.8-10) : Bđ1 là lời ngôn sứ Ma-la-khi. Sách Kinh Thánh 2011 của nhóm CGKPV viết : Ngôn sứ lên án các tư tế : Yêu thương dân riêng của Người không phải là làm ngơ trước những việc xấu xa họ làm. Như một người cha đầy tình hiền phụ, Người răn đe và sửa dạy họ. Trước hết, Người sửa dạy các tư tế : Các ông đã dám dâng cho Người những con vật tàn tật làm lễ tế và đã xao lãng bổn phận được giao phó (1,6 – 2,9).

 Bài Tin Mừng(Mt 23,1-12) : Chúa lên án các biệt phái : ‘Họ nói mà không làm. Họ buộc những bó nặng trên vai người khác, còn chình họ không muốn giơ ngón tay lay thử’. Họ là người thích ‘chỉ tay năm ngón’. Giữa lới nói và việc làm của họ không có sự phù hợp.

Bài đọc 2(1Tx 2,7b-9.13) : Cha Vũ Phan Long viết về bđ2 : “Ngoài việc rao giảng, Thánh Phaolô cũng làm việc vất vả đêm ngày để khỏi thành gánh nặng cho một người nào (Tìm hiểu các thư của thánh Phaolô, trang 20).

 

SUY NIỆM II

CÙNG NHAU PHỤC VỤ TRONG KHIÊM TỐN

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

 Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần thứ XVI về chủ đề: “Hướng tới một Giáo Hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”. Điều đặc biệt là Các thành phần tham dự Thượng Hội Đồng có 464 người gồm đủ các thành phần dân Chúa trong Giáo Hội từ Đức Giáo Hoàng, hồng y, giám mục, linh mục tu sĩ nam nữ, giáo dân, phụ nữ, có người trẻ người già, người khuyết tật ngồi xe cũng có. Vì sao Hội thánh quy tụ đủ mọi thành phần? Vì Hội Thánh mong muốn mọi thành phần tham gia một cách cụ thể vào tính năng động của sự hiệp thông sứ mạng được biểu thị bằng từ ngữ “sinodo” (chung một con đường). Đây không phải là một hệ tư tưởng mà là một kinh nghiệm bắt nguồn từ Truyền thống Tông đồ cùng nhau bước đi, cùng nhau chia sẻ, cùng nhau phục vụ trong khiêm nhường. Cho nên, trong bức thư gửi Dân Chúa của Thượng Hội giám mục thế giới lần thứ 16 viết: “Lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi những người, nam cũng như nữ, nhờ bí tích rửa tội, được ngồi cùng một bàn để tham gia không chỉ vào các cuộc thảo luận mà còn vào các cuộc bỏ phiếu của Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục lần này. Cùng nhau, trong sự bổ túc cho nhau về ơn gọi, đặc sủng và sứ vụ của mình, chúng tôi đã chăm chú lắng nghe Lời Chúa cũng như lắng nghe kinh nghiệm của người khác. Sử dụng phương pháp trò chuyện trong Chúa Thánh Thần, chúng tôi khiêm tốn chia sẻ sự phong nhiêu và nghèo nàn từ các cộng đoàn của chúng tôi trên khắp các châu lục, cố gắng nhận ra những gì Chúa Thánh Thần muốn nói với Giáo hội ngày nay. Do đó, chúng tôi cũng đã trải nghiệm được tầm quan trọng của việc thúc đẩy trao đổi lẫn nhau giữa truyền thống Latinh và các truyền thống Kitô giáo Đông phương. Sự tham gia của các đại biểu huynh đệ từ các Giáo hội và cộng đoàn giáo hội khác đã giúp các cuộc tranh luận của chúng tôi trở nên phong phú một cách sâu sắc”.

Qủa thế, Lời Chúa trong các bài đọc hôm nay nhấn mạnh đến việc khiêm tốn phục vụ Thiên Chúa và tha nhân vì Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh em với nhau: “Tất cả chúng ta chẳng có cùng một cha sao? Chẳng phải cùng một Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta sao?” (Ml 2,10), (bài đọc 1). Cho nên, trong cuộc sống mọi người đều bình đẳng nhau vì chưng tất cả đều là người. Là người như nhau nên phải được kính trọng như nhau. Cũng thế, mọi người bình đẳng trước mặt Chúa vì mỗi người đều là hình ảnh của Thiên Chúa. Cùng là hình ảnh Thiên Chúa, nên mọi người phải kính trọng nhau. Từ đây, mọi người đều phải vâng phục Thiên Chúa và yêu thương anh em chung quanh mình.

Trong gia đình cha mẹ là quan trọng nhất, là người điều khiển gia đình. Nhưng chính cha mẹ lại phục vụ nhiều nhất. Cha lao động vất vả. Mẹ cực nhọc chăm sóc con thơ. Nhìn bề ngoài cha mẹ không khác người giúp việc. Nhưng cha mẹ điều hành gia đình trong khi phục vụ con cái thơ dại. Cha mẹ đã dùng quyền để yêu thương và phục vụ. Cũng thế, người có nhiệm vụ trong Giáo Hội và trong xã hội phải là người có lòng yêu mến anh em. Chu toàn nhiệm vụ với tình yêu thương sẽ giúp ta biết phục vụ bằng chức vụ của mình. Vì thế, Lời Chúa trong bài đọc 2, Thánh Phaolô xác tín: “Chúng tôi đã quý mến anh em, đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng sống của chúng tôi nữa, vì anh em đã trở nên những người thân yêu của chúng tôi. Đêm ngày chúng tôi đã làm việc để khỏi thành gánh nặng cho một người nào trong anh em, suốt thời gian chúng tôi loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa cho anh em. Anh em làm chứng, và Thiên Chúa cũng chứng giám, rằng với anh em là những tín hữu, chúng tôi đã cư xử một cách thánh thiện, công minh, không chê trách được. Anh em biết: chúng tôi đã cư xử với mỗi người trong anh em như cha với con; chúng tôi đã khuyên nhủ, khích lệ, van nài anh em sống xứng đáng với Thiên Chúa, Đấng kêu gọi anh em vào Nước của Người và chia sẻ vinh quang với Người” (1Tx 2,8-12).

Thế rồi, Bí tích Thánh Thể đưa ta về phòng Tiệc Ly nơi Chúa ăn bữa tối cuối cùng với các môn đệ. Trong khi ăn, Chúa đứng dậy, cầm chậu nước đi rửa chân cho từng môn đệ. Rồi Chúa nói: “Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân nhau. Thầy đã làm gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em?” (Ga 13,12b-15). Chúa truyền dạy chúng ta hãy dùng quyền bính, tài năng, sức lực… để phục vụ trong yêu thương khiêm nhường. Rõ ràng, Kkhông còn giải nghĩa nào sáng tỏ hơn hình ảnh Chúa quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Không còn lệnh truyền nào thuyết phục hơn, vì chính Chúa đã làm gương trước.

Bí tích Thánh Thể cho ta thấy sự hiến thân phục vụ của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu trở thành tấm bánh là để nên lương thực nuôi con người. Ngài không trở thành một tượng đài uy nghi để mọi người cung kính. Ngài không trở thành một trang sức quý giá để mọi người trân trọng. Nhưng Ngài đã trở thành tấm bánh để phục vụ con người trong yêu thương. Ngài trở thành lương thực nuôi sống ta và gần gũi với chúng ta nhất. Ngài trở thành lương thực là chấp nhận phục vụ sự sống: chịu nhỏ bé đi để người khác được lớn lên, chịu đau khổ cho người khác được hạnh phúc, chịu chết đi cho người khác được sống. Bí tích Thánh Thể là một mẫu gương về quyền bính phục vụ trong yêu thuơg. Thiên Chúa phục vụ con người lá thế. Người Cha hy sinh cho hạnh phúc của con cái là thế. Chúa tể vũ trụ hiến thân nuôi dưỡng loài thụ tạo là thế!

Ước gì qua Lời Chúa hôm nay và Thánh Thể Chúa mà chúng ta sắp rước Ngài vào lòng tăng thêm ý chí nghị lực và đức tin cho chúng ta quyết tâm thực hành bài học Chúa dạy chúng ta hôm nay: phục vụ trong khiêm tốn và tình yêu vì chưng ngày nay người ta nhận ra chúng ta là môn đệ Chúa Ki-Tô đích thực qua cuộc sống âm thầm phục vụ, yêu thương trong khiêm tốn đối với Chúa và tha nhân khi họ còn sống hay đã qua đời. Tháng 11, Giáo Hội nhắc nhớ chúng ta về sự mong manh và chóng tàn trong cuộc sống trần gian và cầu nguyện cho những người đã qua đời. Cái chết là ngưỡng cửa mở ra cho chúng ta bước vào cuộc sống mới, sự sống chân thật, sự sống vĩnh cữu… Vì thế, cầu nguyện cho những ngưòi đã khuất là chúng ta đang làm trọn Đạo Hiếu, Đạo Yêu Thương mà các ngài đang khát khao mong đợi… để ngày sau, trên quê hương Nước Trời, chúng ta sẽ sum họp cùng các Thánh, gia tộc thiêng liêng, những người thân yêu, mà ca tụng lòng từ bi lân tuất Chúa không hề ngơi… Amen.

SUY NIỆM III

THIÊN CHÚA LÀ CHA, ĐỨC KI-TÔ LÀ THẦY, LÀ VỊ CHỈ ĐẠO DUY NHẤT

Niên (Hội An 5/11/2023)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

            Chúa Giê-su khẳng định: “Anh em chỉ một một Thầy,… một Cha là Cha trên trời,… một vị chỉ đạo là Đức Ki-tô” (Mt 23,8-10). Lời khẳng định của Chúa đang bị thách thức giữa xã hội và  cả trong Giáo Hội hôm nay. Vậy, thách thức đó là gì? Và lời Chúa quả quyết trong Tin Mừng hôm nay khôi phục đức tin của Giáo Hội và của mỗi Ki-tô hữu thế nào?

  1. Cơn sóng chủ nghĩa tương đối thách thức đức tin vào Chúa Giê-su

            Theo nhận định của Đức Bênêđictô XVI, con người ngày nay, trong xã hội và trong Giáo Hội, đang “bị sóng đánh trôi dạt theo mọi chiều đạo lý” (x. Ep 4,14). Cơn sóng tai ác đó là cơn sóng “chủ nghĩa tương đối”, làm cho con người tân thời mê say, xem mọi sự là tương đối, không nhìn nhận bất cứ điều gì là vững vàng, kể cả đức tin và luân lý. Chủ nghĩa tương đối khích lệ con người đề cao tự do cá nhân trong mọi lãnh vực, cho rằng không ai có quyền đưa ra lề luật hay lời răn dạy nào, vì mỗi người tự quyền quyết định tốt xấu và mỗi người thoải mái làm những gì mình thích là đúng nhất. Nói cách khác đối với họ, tôi có cái đúng của tôi và tiêu chuẩn tối thượng duy nhất là chính tôi và những ước muốn của tôi. Kết quả là họ đang rơi vào tình trạng hỗn loạn về đạo đức, trong đó thật giả, đúng sai không còn quan trọng nữa, thánh thiện hay tội lỗi không còn là điều lưu tâm. Xã hội sa đọa đạo đức hôm nay mô tả cuộc khủng hoảng luân lý đó. Không chỉ vậy, họ còn lên án Giáo Hội là bảo thủ, là lỗi thời và kết án đức tin là thiếu khoan dung. Vì thế, người bị ảnh hưởng chủ trương tương đối không chấp nhận chân lý cứu độ nơi lời dạy của Chúa Giê-su qua Giáo Hội của Ngài, tìm cách triệt tiêu đức tin, hủy diệt Giáo Hội và xa rời Thiên Chúa. Tình trạng thờ ơ đời sống đạo được chẩn đoán là triệu chứng của cuộc khủng hoảng đức tin và luân lý, là dấu hiệu đồ đệ của chủ nghĩa tương đối.

            Giáo Hội cũng đang đối mặt với làn sóng đạo lý trôi dạt như thế. Suốt thời gian dài và cho đến hôm nay, nhiều người đòi hỏi phải cải tổ Giáo Hội, thay đổi những lời dạy của Chúa được Giáo Hội truyền lại, nghĩa là cải tổ đức tin cho phù hợp với đòi hỏi của con người thời đại, biến Giáo Hội thành chiếc rờ-moóc của thế gian, sống theo thời, không còn là cộng đoàn loan Tin Mừng, báo sự thật cứu độ nơi Chúa Giê-su. Thậm chí, một số người cùng với truyền thông đề xuất những điều hoàn toàn ngược với lời Chúa dạy, nhưng hùng hồn tuyên bố đó là do Chúa Thánh Thần soi sáng. Trước sự hồ đồ đó, Đức cha Fisher quả quyết, điều gì trái nghịch với Tin Mừng, thì đó không phải là của Chúa Thánh Thần.

            Nói đến đây, chúng ta nhớ lại câu hỏi của Philatô: “Sự thật là gì?” Sự thật là gì khi mỗi người tự cho mình là thầy dạy, là người chỉ đạo cho chính mình? Các kinh sư và Pharisêu tự cho mình quyền làm cha, làm thầy, làm người chỉ đạo sự thật, nhưng họ không tham chiếu vào Chúa Giê-su, Đấng là Sự Thật. Quả thật, thời buổi con người bị cám dỗ tự mình làm người chỉ đạo, làm thầy cho chính mình cũng là thời buổi lời Chúa “Anh em chỉ một một Thầy,… một Cha là Cha trên trời,… một vị chỉ đạo là Đức Ki-tô” đang bị thách thức.

  1. Bám rễ vào sự thật: Thiên Chúa là Cha, Chúa Giê-su là Thầy, là người chỉ đạo duy nhất

            Trước cuộc khủng hoảng đức tin và luân lý hôm nay, Ki-tô hữu phải làm gì? Để bị cơn sóng thời đại đánh trôi dạt sao? Ngủ vùi như các tông đồ trong vườn Cây Dầu sẽ ích lợi gì? Chọn sợ hãi chạy trốn như các tông đồ thì làm chứng được chi? Giữa thời giông bão nhiều bến bờ tạm bợ, Ki-tô hữu được Giáo Hội khuyên trở lại với Chúa Giê-su, Đấng “là đường, là sự thật và là sự sống” của nhân loại, Đấng mà thánh Phêrô trong cơn chới với đã đưa tay về phía Ngài và thưa: “Lạy Thầy, xin cứu con”. Ki-tô hữu bấy giờ sẽ nghe Chúa nói: “Chính Thầy đây, đừng sợ!”

            Đừng sợ, vì Chúa Giê-su là Thầy đích thực của chúng ta. Trong số 90 lần Chúa Giê-su được người ta gọi trực tiếp, thì đến 60 lần gọi Chúa là Thầy. Các tông đồ xưng Chúa là Thầy và Chúa Giê-su xác nhận Ngài là Thầy: “Các con gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa” (Ga 13,13). Ngài là vị Thầy không như các rabbi của Do Thái, mà là Vị Thầy đến từ Thiên Chúa. Nicôđêmô tuyên xưng: “Chúng tôi biết: Thầy là vị Tôn Sư được Thiên Chúa sai đến” (Ga 3,2). Vì thế, thánh Phêrô xác tín: “Chỉ Thầy mới lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68). Vậy, giữa giông bão khủng hoảng đức tin, ai là Thầy của chúng ta, nếu không phải là Chúa Giê-su, Đấng chúng ta phải bám rễ vào lời của Ngài và lấy sức sống từ lời của Ngài để cạnh tranh với mọi thứ sinh sôi sâu bệnh khác? Giữa sóng gió mà nhảy ra khỏi con thuyền Giê-su là chết.

            Đừng sợ, vì Chúa Giê-su là vị chỉ đạo của chúng ta. Chúa Giê-su nhiều lần nói: “Hãy theo Ta”, vì chính Ngài là Đường duy nhất, con đường sự thật và mang lại sự sống, chứ không có con đường nào khác. Vấn đề là làm sao chúng ta bước theo Ngài, chứ không ngã theo con đường nọ, con đường kia, bởi ơn cứu độ duy bởi nơi Chúa.

            Đừng sợ, vì Thiên Chúa là Cha của chúng ta. Chúa Giê-su loan báo Thiên Chúa là Cha và dạy chúng ta gọi Ngài là Cha. Mọi ân sủng chúng ta lãnh nhận đều nhờ lòng thương của Thiên Chúa là Cha. Vấn đề là làm sao chúng ta chạm đến lòng thương của Thiên Chúa là Cha chúng ta. Càng thờ phượng và yêu mến Thiên Chúa, chúng ta càng hưởng trọn niềm vui làm con Thiên Chúa như Chúa Giê-su đã được.

Chỉ Thiên Chúa là Cha, Chúa Giê-su là Thầy, là người chỉ đạo duy nhất, nên những ai khác được gọi là cha, là thầy, là người chỉ đạo phải qui chiếu vào Chúa Giê-su và những lời Ngài dạy.

            Xin Chúa cho các tín hữu đừng để mình bị đánh trôi dạt bởi những điều xa lạ với đức tin, bỏ mặt nạ của cuộc sống sai lạc. Xin cho mọi thành phần Giáo Hội biết bám rễ vào Thiên Chúa là Cha, vào Chúa Giê-su là Thầy, là người chỉ đạo duy nhất cuộc đời của tín hữu, điều mà thế gian muốn dập tắt trong lòng tín hữu.