Chúa Nhật XXXI Thường Niên – Năm C
CN.31.C
(Kn 11,22-12,2; 2Tx 1,11-2,2; Lc 19,1-10)
Hôm nay ngày 31-10, ngày cuối tháng Mân Côi. Chúng ta kể nhau nghe “Tràng Chuỗi Mân Côi” của thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê.
Thánh Phan-xi-cô, người tỉnh Xa-vi-ê, nước Tây Ban Nha, được sai sang Á châu truyền giáo. Sau 13 tháng lênh đênh trên biển cả, ngày 6-5-1542 ngài tới thành phố Goa, nước Ấn Độ. Nhờ đời sống khắc khổ và cầu nguyện, thánh nhân đã lôi kéo được nhiều người Ấn đi theo Chúa. Sáu tháng sau, thánh Phan-xi-cô đi tới nước Ma-lê-si-a truyền giáo. Năm 1547 có một người Nhật Bản theo đạo, đặt tên thánh là Phao-lô. Từ ngày ông Phaolô theo đạo, thánh Phan-xi-cô hằng ước ao tới Nhật Bản giảng đạo. Tháng 6-1549 thánh nhân cùng với ông Phaolô và hai cha bạn lên tầu đi Nhật Bản.
Trên đường đi, tầu bị bão, phải cập vào Cửa Bạng, tỉnh Thanh Hoá, trú bão. Tại Cửa Bạng, thánh Phan-xi-cô đánh rớt tràng chuỗi. Đang khi tiếc nhớ tràng chuỗi thì thấy một con cua lớn, miệng ngậm tràng chuỗi nổi lên bên mạn thuyền. Ngài cúi xuống xin lại tràng chuỗi. Để cám ơn con cua, ngài làm dấu Thánh Giá ban phép lành cho con cua. Từ đó đến nay, các con cua ở Cửa Bạng đều có hình Thánh Giá trên mu (Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, T.I, trang 28).
Qua câu chuyện thánh Phan-xi-cô đánh rơi chuỗi Mân Côi, chúng ta thấy thánh Phan-xi-cô đã lần chuỗi Mân Côi, để đem các linh hồn về với Chúa.
Lòng thương các linh hồn của thánh Phanxicô là hình ảnh lòng thương của Chúa, được diễn tả qua Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay.
Bđ1 : Sách Khôn Ngoan trong bđ1 viết : “Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ ăn năn hối cải” (Kn 11,23).
BTM : Chẳng những Chúa không nhìn đến tội lỗi, mà Chúa còn tìm cách cứu người tội lỗi. Lòng Chúa đối với ông Da-kêu trong BTM thật tuyệt vời. Chúa nhìn lên cây sung gọi ông và Chúa vào trọ nhà ông : “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông” (Lc 19,5). Thấy vậy, mọi người xầm xì : “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng đến trọ” (19,7). Chúa phải nói : “Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (19,10).
Bđ2 : Thánh Phao-lô đã khuyên các tín hữu Phi-lip-phê, một thành phố ở nước Hi-Lạp, hãy lấy Chúa làm mẫu gương : “Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (Pl 2,4).
Chúa còn dùng Đức Mẹ để cứu các tội nhân, và cứu các linh hồn nơi luyện ngục.
Khi hiện ra lần thứ hai ngày 15-8-1917 tại Fatima, Đức Mẹ dạy chúng ta lần chuỗi, sau mỗi chục kinh Kính Mừng, hãy đọc kinh : “Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa tha tội chúng con, xin gìn giữ chúng con khỏi sa hoả ngục, xin dìu dắt mọi linh hồn lên thiên đàng, nhất là các linh hồn cần Chúa thương xót hơn”.
Chuỗi Mân Côi là phương thế hữu hiệu đưa các linh hồn lên thiên đàng.
Thánh Kol-bê nói : “Bao nhiêu tràng chuỗi Mân Côi là bấy nhiêu linh hồn được cứu rỗi”.
Thánh An-Phong sáng lập dòng Chúa Cứu Thế nhắn nhủ : “Nếu muốn giúp các linh hồn dưới luyện ngục, hãy lần hạt Mân Côi”.
Thánh Pi-ô V dấu đanh khuyến khích : “Hãy lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ, để đưa các linh hồn ra khỏi luyện ngục”.
Thánh Pi-rot-ti được đặc ân lần chuỗi Mân Côi với các linh hồn. Thánh Pi-rot-ti đọc “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà….”, thì các linh hồn đồng thanh đáp lại : “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời…”
Tháng Các Linh Hồn, chúng ta hãy siêng năng lần chuỗi cầu cho các linh hồn.
(31-10-2010)
—————————————–
CN.31.C
Hôm qua ngày 3-11 lễ ông thánh da đen, tức là lễ thánh Mác-ti-nô Po-rét, của nước Pê-ru. Nước Pê-ru và cả Nam Mỹ thời đó bị người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha xâm chiếm. Người Da Đỏ, người bản xứ, hầu như bị tiêu diệt, mất cả tiếng nói. Hiện nay miền Nam Mỹ chỉ nói tiếng Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha. Khi những người xâm chiếm mở mang các đồn điền trồng chuối, cà-phê, mía… thì họ mua những người da đen ở Phi Châu đem về lao động sản xuất. Mẹ của thánh Mác-ti-nô chính là người da đen. Tổ tiên của bà là những nô lệ da đen Phi Châu. Một ông quan người Tây Ban Nha da trắng đã ăn ở với bà và sinh ra Mác-ti-nô Po-rét. Da của thánh Mác-ti-nô Po-rét không trắng giống cha, mà giống mẹ đen như cột nhà cháy. Chính vì thế, hai mẹ con đã bị ông quan người da trắng đuổi ra khỏi nhà. Trong sổ rửa tội, thánh Mác-ti-nô Po-rét được ghi là “con của người vô danh”.
Khi lớn lên, có lần thấy một ông già da đỏ bị người Tây Ban Nha hành hạ, nằm rên rỉ bên vệ đường, thánh Mác-ti-nô tới gần giúp đỡ. Ông già da đỏ cự tuyệt và thốt ra những lời chê bai : “Cái thằng nô lệ…Thằng qủi đen…Bọn da đen tụi mày là kẻ thù của dân da đỏ”.
Người đời thường khinh chê như thế, nhưng Thiên Chúa thì yêu thương. Lời Chúa trong thánh lễ chúa nhật hôm nay minh chứng điều đó.
Bài đọc 1 : Sách Khôn Ngoan trong bđ1 chỉ có 8 câu thì cả 8 câu đều toát lên lòng yêu thương. Chẳng hạn những câu : “Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải” (11,23), “Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu, không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra, vì giả như Chúa ghét loài nào, thì đã chẳng dựng nên” (11,24), “Những ai sa ngã, Chúa sửa dạy từ từ. Chúa cảnh cáo họ, nhắc nhớ cho họ đã phạm tội gì, để họ bỏ điều ác mà tin vào Chúa” (12,2). Thật là những lời yêu thương ngọt ngào; chứ đâu có khinh thị, chê bai như như ông quan da trắng, cha của thánh Mác-ti-nô Po-rét, hay ông già da đỏ.
Bài đọc 2 : Các tín hữu của giáo đoàn Thê-xa-lô-ni-ca, một thành phố ở nước Hy Lạp ngày nay, bị bắt bớ, gặp cảnh gian truân. Họ mong ngày quang lâm của Chúa. Ngày quang lâm là ngày tận thế, ngày Chúa “bắt những kẻ gây ra gian truân phải chịu gian truân, và những kẻ gian truân được nghỉ ngơi” (2Tx 1,5-6).
Người ta đồn bảo nhau ngày tận thế gần tới rồi, tức là ngày Chúa phạt kẻ dữ sắp đến. Tin đồn này vừa làm làm cho người tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca phấn khởi, vừa làm cho họ bất động, ngồi chờ, không làm việc. Nên thánh Phao-lô trong bđ2 phải khuyên bảo : “Ai bảo rằng…ngày của Chúa gần đến, thì anh em đừng vội để cho tinh thần dao động, cũng đừng hoảng sợ” (2,2). Như vậy, người tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca mong chờ ngày tận thế để Chúa phạt những người bắt bớ, làm khổ họ. Mặc dầu ngày tận thế là ngày Thiên Chúa phán xét, song thánh Phao-lô cũng khuyên họ đừng nôn nóng, đừng vì tinh thần báo oán mà mong mỏi.
Bài Tin Mừng : Chúa thương người tội lỗi, người bị khinh miệt rất rõ ràng trong bài TM. Những người thu thuế bị người Do Thái khinh miệt ra mặt. Các nhà lãnh đạo Do Thái đã cấm dân chúng tiếp xúc với họ. Họ là hạng người vừa đáng ghét vừa đáng tội. Đáng ghét vì họ bóc lột đồng bào, họ thu thuế qúa mức. Đáng tội vì họ phản bội tổ quốc, cộng tác với quân xâm lược Rô-ma, kẻ thù của đất nước.
Ông Da-kêu là người thu thuế đáng khinh đáng ghét đó. Ông biết thân biết phận. Ông đâu dám chen lấn vào giữa đám đông người Do Thái để chiêm ngưỡng Chúa. Hơn nữa ông Da-kêu lại lùn. Nên ông phải xa tránh đám đông mà leo lên cây. Nhưng một sự lạ đã xảy ra. Ông chẳng bao giờ dám nghĩ tới. Đó là Chúa Giê-su ngước mắt nhìn lên ông và bảo : “Này ông Da–kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi ở lại nhà ông !” (Lc 19,5). Còn gì hạnh phúc bằng : “Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Chúa” (19,6).
Ông phải ở tít trên cây xa cách Chúa, thì nay Chúa đã đến nhà ông, ông được gần gũi Chúa.
Ông phải leo lên cây mà nhìn Chúa từ xa, thì nay Chúa ăn uống với ông, ông được mặt giáp mặt mà nhìn ngắm Chúa.
Ông là kẻ tội lỗi dơ bẩn, thì từ nay ông được Chúa rửa sạch tội, như tên Da-kêu của ông có nghĩa là “trong sạch”.
Song có ai chia sẻ niềm vui với ông đâu. Trái lại còn bị tiếng chì tiếng kẽm : “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ” (19,7).
Cả ngày nay chúng ta cũng đang sống trong một thế giới khinh miệt, một thế giới khủng bố, một thế giới chết chóc. Chúng ta bị soi mói bằng trăm ngàn con mắt khinh khi. Chúng ta phải hít thở trong những lời nhiếc móc chê bai.
Muốn thoát ra khỏi thế giới đó, chúng ta phải giống Chúa Giê-su : có một trái tim yêu thương, có một cái nhìn thông cảm và một lời nói dịu dàng.
“Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (19,10). Câu kết của bài TM chúa nhật hôm nay là thế đó, chứ không phải Chúa đến để loại trừ và phá hủy. (4-11-2007)
—————————————–
CN.31.C
Bài Tin Mừng chúa nhật tuần trước, hai người thu thuế và pha-ri-sêu lên Đền thờ cầu nguyện, Thiên Chúa đã thương nhậm lời cầu của người thu thuế. Bài Tin Mừng chúa nhật hôm nay, lại người thu thuế, ông Da-kêu, được Chúa Giêsu đến nhà ăn tiệc.
Bài Tin Mừng : Ông Da-kêu quê ở Giê-ri-khô. Giê-ri-khô là thành phố đầu tiên người Is-ra-el đánh chiếm khi từ Ai Cập vào Đất Hứa. Vào thế kỷ 6, quân Ba Tư xâm chiếm, Giê-ri-khô thành một thành phố hành chính. Rồi khi vào tay người Hy Lạp, Giê-ri-khô trở nên nơi nghỉ ngơi của Alexandre đại đế. Năm 30 trước TCGS vua Au-gus-tô, hoàng đế Rô-ma tặng cho vua Hê-rô-đê Cả. Vua đã xây đường dẫn nước và rạp hát, và trở nên nơi nghỉ mùa đông của vua.
Trên đường đi Giê-ru-sa-lem để chịu chết, Chúa Giê-su đã đi ngang qua Giê-ri-khô và ông Da-kêu đã ra đón Chúa. Ông là thủ lãnh của những người thu thuế, tức là một nhân vật quyền cao chức trọng. Ông đã nghe dư luận quần chúng nói về Chúa Giê-su, nhất là vừa đến gần Giê-ri-khô Chúa Giêsu làm phép lạ cho người mù ngồi bên vệ đường được sáng mắt (Lc 18,35-43). Ông Da-kêu “tìm cách để xem cho biết Chúa Giê–su là ai” (Lc 19,3). Nhưng tội nghiệp, dân chúng theo Chúa thì đông, mà ông lại lùn, lại thấp, thấp như thành phố Giê-ri-khô, quê hương của ông. Giê-ri-khô thấp dưới mặt nước biển 244m, là một thành phố thấp nhất thế giới. Nên “Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung, để xem Đức Giê–su, vì Người sắp đi qua đó” (19,4). Ông đâu ngờ “khi Chúa Giê–su đi tới chỗ ấy thì Người nhìn lên và nói với ông : Này ông Da–kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông” (Lc 19,5).
Đôi mắt Chúa đã gặp đôi mắt khao khát của ông. Chúa đã làm thỏa lòng khao khát của ông. Ông lùn, ông thấp, Chúa đã làm cho ông cao, cao như khi ông ở trên cây sung, và cao sang khi ông được làm con Chúa.
Ông là Da-kêu, nghĩa là “trong sạch”, nhưng ông tội lỗi đầy mình. Ông đã làm nghề thu thuế, nghề bóc lột đồng bào để làm giầu cho mình và cho quân Rô-ma xâm lược. Hôm nay Chúa Giê-su đã làm cho ông thành người trong sạch đúng như tên Da-kêu của ông. Làm sao ông không vui. “Ông đã vội vàng tụt xuống” (Lc 19,6). Ông là thủ lãnh, là cấp lãnh đạo, đường đường là bậc ăn trên ngồi trốc, thế mà giờ đây trước mặt Chúa, ông như đứa trẻ con, chơi trò leo cây hái trái. Ông đã trở nên hư vô, lòng ông trống rỗng. Ông chẳng có công trạng gì. Ông như người thu thuế lên Đền thờ cầu nguyện. Vì thế ông đã được Chúa nhận lời, ông được diễm phúc nhận lãnh ơn cứu độ của Chúa : “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này” (Lc 19,9).
Loài người thì xầm xì “nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ” (Lc 19,7). Còn Chúa thì “Con Người đến để tìm, và cứu chữa những gì đã mất” (Lc 19,10). Người ta thải ra, Chúa thì nhặt lại. Chỉ vì người lành cũng như người tội lỗi đều được Chúa dựng nên, đều là con cái Chúa.
Bài đọc 1 : Sách Khôn Ngoan hôm nay đã nói lên lòng thương của Chúa. Vũ trụ là gì, con người là gì ? Tác giả sách Khôn Ngoan đánh giá chỉ là hạt cát, giọt sương : “Lạy Chúa, trước Thánh Nhan, toàn thể vũ trụ ví tựa hạt cát trên bàn cân, tựa giọt sương mai trên mặt đất” (Kn 11,22). Chỉ là hạt cát, giọt sương, vậy mà Chúa đã tạo dựng : “Nếu như Ngài không muốn, làm sao một vật tồn tại nổi ? Nếu như Ngài không cho hiện hữu, làm sao nó có thể được duy trì ?” (Kn 11,25).
Chúa không những tạo dựng, mà còn tha thứ : “Nhưng Chúa xót thương hết mọi người, vì Chúa làm được mọi sự. Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi của loài người, để họ còn ăn năn hối cải” (Kn 11,23). Chỉ vì đó là loài Chúa đã làm ra “Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu, không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra, vì như Chúa ghét loài nào, thì Chúa đã chẳng dựng nên” (Kn 11,24). Hơn nữa, Chúa là Đấng yêu sự sống, chứ không yêu sự chết : “Lạy Chúa Tể là Đấng yêu sự sống, Chúa xử khoan dung với hết mọi loài, vì mọi loài đều là của Chúa” (Kn 11,26).
Còn lời nào dịu ngọt bằng lời cuối của đoạn sách Khôn Ngoan đọc hôm nay : “Lạy Đức Chúa, sinh khí bất diệt của Ngài, ở trong muôn loài muôn vật. Vì thế những ai sa ngã, Chúa sửa dạy từ từ. Chúa cảnh cáo họ, nhắc cho họ nhớ họ đã phạm tội gì, để họ bỏ điều ác mà tin vào Chúa” (Kn 12,1). Quả thật, Chúa như một người cha, một người mẹ sửa dạy con cái, nhưng “giơ cao đánh khẽ”.
An ủi biết bao, lòng Chúa khoan dung và tha thứ. Dù chúng ta tội lỗi tầy trời, Chúa vẫn tha thứ. Chúa như người chăn chiên đi tìm con chiên lạc, như người cha già đi tìm đứa con bỏ nhà đi hoang. Chúa là Đấng nhân hậu và từ bi, chậm bất bình và rất mực khoan dung.
Hôm nay là ngày cuối tháng Mân Côi. Hiện ra ở Fatima, Mẹ cũng biểu lộ lòng xót thương. Mẹ cũng đi tìm những đứa con tội lỗi.
Hiện ra lần thứ nhất ngày 13-5-1917, Đức Mẹ nói với Ba Em : “Chúng con có muốn dâng mình cho Chúa để chịu đựng mọi đau khổ không ? Chúa cho phép đó là một việc đền những tội người ta xúc phạm đến Chúa, và là lời nài xin cho những kẻ tội lỗi trở lại”. Mẹ nói tiếp : “Hãy lần chuỗi hằng ngày để thế giới được hoà bình và chiến tranh chấm dứt”.
Hiện ra lần thứ hai ngày 13-6-1917, sau mỗi chục Đức Mẹ bảo thêm lời kinh : “Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa tha tội chúng con, xin gìn giữ chúng con khỏi sa hoả ngục, xin dìu dắt mọi linh hồn lên thiên đàng, nhất là các linh hồn cần Chúa thương xót hơn.”
Hiện ra lần thứ ba ngày 13-7-1917, Đức Mẹ cho Ba Em thấy hỏa ngục. Mặt Mẹ buồn nói với các em : “Các con đã thấy hoả ngục nơi những người tội lỗi sa xuống. Để cứu họ, Thiên Chúa muốn người ta tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ. Nếu những điều Mẹ nói với chúng con mà người ta làm, nhiều linh hồn sẽ được cứu và thế giới sẽ hoà bình”.
Thánh Giá là thuốc của Chúa chữa các linh hồn. Còn chuỗi Mân Côi là thuốc của Đức Mẹ chữa các linh hồn. (PH.31.10.2004)
Linh mục Nguyễn Trung Thành