Chúa Nhật XXXI TN – Năm C


Chúa Nhật XXXI TN – Năm C

3-11-2019

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Hòa Thuận

GIÁO HUẤN SỐ 49

Luật lệ và sự phân định (tt)

Lịch Giáo phận trang115

Bởi thế, một Mục tử không thể cảm thấy hài lòng chỉ bằng cách áp dụng cho những người sống trong những hoàn cảnh “bất qui tắc” các luật luân lí, như những viên đá thêm vào cuộc sống của con người. Đó là trường hợp của những cõi lòng khép kín, thường ẩn nấp sau những giáo huấn của Hội thánh, “để ngồi trên tòa ông Môsê và phán quyết đôi khi với thái độ tự tôn và hời hợt đối với các trường hợp khó khăn và những gia đình bị thương tích”. Cũng trong đường hướng đó, Ủy ban thần học quốc tế đã nói lên rằng : “Như vậy luật tự nhiên không thể được trình bày như là một tập hợp các qui tắc đã được thiết lập để áp đặt một cách tiên thiên vào chủ thể luân lý, nhưng là một nguồn cảm hứng khách quan cho tiến trình đưa ra quyết định hết sức riêng tư”. Vì những yếu tố hoàn cảnh chi phối  hay các yếu tố giảm khinh, trường hợp có thể xẩy ra là, trong một hoàn cảnh tội lỗi về mặt khách quan – mà không phải là một lỗi phạm chủ quan hoặc không phải lỗi phạm  hoàn toàn – người ta có thể sống trong ân sủng của Chúa, có thể yêu thương, và cũng có thể tăng trưởng trong đời sống ân sủng và bác ái, trong khi đón nhận sự giúp đỡ của Hội thánh vì mục đích ấy. Việc phân định phải giúp tìm ra những cách khả dĩ để đáp lại tiếng Chúa và để lớn lên qua các giới hạn. Trong khi nghĩ rằng tất cả chỉ có thể là trắng hoặc đen, đôi khi chúng ta đóng kín con đường của ân sủng và của sự triển nở và làm nản lòng người ta trên con đường nên thánh để vinh danh Thiên Chúa. Chúng ta hãy nhớ rằng “một bước nhỏ, giữa những giới hạn của con người, có thể làm đẹp lòng Chúa hơn là một cuộc sống đúng đắn bên ngoài êm ả trôi qua từng ngày mà không phải đối mặt với những khó khăn đáng kể nào”. Việc chăm sóc mục vụ cụ thể của các thừa tác viên và cộng đoàn không thể bỏ qua thực tại này (Niềm Vui của Tình Yêu số 305)

 —————————————

Chúa Nhật XXXI TN – Năm C

(Kn 11,22-12,2; 2Tx 1,11-2,2; Lc 19,1-10)

Thánh Phanxicô, người tỉnh Xaviê, nước Tây Ban Nha, được sai sang Á châu truyền giáo. Sau 13 tháng lênh đênh trên biển cả, ngày 6-5-1542 ngài tới thành phố Goa, nước Ấn Độ. Nhờ đời sống khắc khổ và cầu nguyện, thánh nhân đã lôi kéo được nhiều người Ấn đi theo Chúa. Sáu tháng sau, thánh Phanxicô đi tới nước Malaysia truyền giáo. Năm 1547 có một người Nhật Bản theo đạo, đặt tên thánh là Phaolô. Từ ngày ông Phaolô theo đạo, thánh Phanxicô hằng ước ao tới Nhật Bản giảng đạo. Tháng 6-1549 thánh nhân cùng với ông Phaolô và hai cha bạn lên tầu đi Nhật Bản.

Trên đường đi, tầu bị bão, phải cập vào Cửa Bạng, tỉnh Thanh Hoá, trú bão. Tại Cửa Bạng, thánh Phanxicô đánh rớt tràng chuỗi. Đang khi tiếc nhớ tràng chuỗi thì thấy một con cua lớn, miệng ngậm tràng chuỗi nổi lên bên mạn thuyền. Ngài cúi xuống xin lại tràng chuỗi. Để cám ơn con cua, ngài làm dấu Thánh Giá ban phép lành cho con cua. Từ đó đến nay, các con cua ở Cửa Bạng đều có hình Thánh Giá trên mu (Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, T.I, trang 28).

Qua câu chuyện thánh Phanxicô đánh rơi chuỗi Mân Côi, chúng ta thấy thánh Phanxicô đã  lần chuỗi Mân Côi, để đem các linh hồn về với Chúa.

Lòng thương các linh hồn của thánh Phanxicô là hình ảnh lòng thương của Chúa, được diễn tả qua Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay.

Bđ1 : Sách Khôn Ngoan trong bđ1 viết : “Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ ăn năn hối cải” (Kn 11,23).

BTM : Chẳng những Chúa không nhìn đến tội lỗi, mà Chúa còn tìm cách cứu người tội lỗi. Lòng Chúa đối với ông Da-kêu trong BTM thật tuyệt vời. Chúa nhìn lên cây sung gọi ông và Chúa vào trọ nhà ông : “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông” (Lc 19,5). Thấy vậy, mọi người xầm xì : “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng đến trọ” (19,7). Chúa phải nói : “Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (19,10).

Bđ2 : Thánh Phaolô đã khuyên các tín hữu Philipphê, một thành phố ở nước Hi-Lạp, hãy lấy Chúa làm mẫu gương : “Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (Pl 2,4).

Chúa còn dùng Đức Mẹ để cứu các tội nhân, và cứu các linh hồn nơi luyện ngục.

Khi hiện ra lần thứ hai ngày 15-8-1917 tại Fatima, Đức Mẹ dạy chúng ta lần chuỗi, sau mỗi chục kinh Kính Mừng, hãy đọc kinh : “Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa tha tội chúng con, xin gìn giữ chúng con khỏi lửa hoả ngục, xin dìu dắt mọi linh hồn lên thiên đàng, nhất là các linh hồn cần Chúa thương xót hơn”.

Chuỗi Mân Côi là phương thế hữu hiệu đưa các linh hồn lên thiên đàng.

Thánh Kolbê nói : “Bao nhiêu tràng chuỗi Mân Côi là bấy nhiêu linh hồn được cứu rỗi”.

Thánh An Phong sáng lập dòng Chúa Cứu Thế nhắn nhủ : “Nếu muốn giúp các linh hồn dưới luyện ngục, hãy lần hạt Mân Côi”.

Thánh Piô 5 dấu đanh khuyến khích : “Hãy lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ, để đưa các linh hồn ra khỏi luyện ngục”.

Thánh Pirrotti được đặc ân lần chuỗi Mân Côi với các linh hồn. Thánh Pirotti đọc “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà….”, thì các linh hồn đồng thanh đáp lại : “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời…”

Tháng Các Linh Hồn, chúng ta hãy siêng năng lần chuỗi  cầu cho các linh hồn.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành