Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm A


Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm A

8-11-2020

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Chính Tòa

GIÁO HUẤN SỐ 49

Những khao khát, những tổn thương, và những tìm kiếm (tt)

Nơi một số người trẻ, chúng ta có thể nhận thấy một khát vọng Thiên Chúa, dù vẫn còn mơ hồ và còn rất xa lạ với sự hiểu biết về vị Thiên Chúa của mặc khải. Nơi những người trẻ khác, chúng ta có thể thoáng thấy một lý tưởng về tình huynh đệ giữa con người, điều này không hề nhỏ nhoi chút nào. Nhiều bạn trẻ có một khát vọng chân thành muốn phát triển các tài năng của mình để cống hiến một cái gì đó cho đời. Nơi một số bạn trẻ, chúng ta thấy một sự nhạy cảm đặc biệt với nghệ thuật, hay một khao khát hòa điệu với thiên nhiên. Có lẽ nơi một số khác, ta thấy một mối quan tâm lớn với truyền thông. Nơi nhiều người trong họ, chúng ta gặp một khát vọng sâu xa muốn sống đời mình một cách mới mẻ. Trong tất cả những điều này, chúng ta có thể nhận ra những khởi điểm thật sự, nhưng nguồn lực nội tại đang chờ nhận được một lời kích hoạt, soi sáng và khích lệ (Tông huấn Đức Kitô Hằng Sống, số 84).

——————–

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm A

(Kn 6, 12-16; 1Tx 4,13-18; Mt 25,1-13)

Giáo hội hôm nay cho chúng ta đọc những bài Sách Thánh giúp chúng ta nhìn về sự chết, đời sau, để “sống cho trong sạch hơn”.

Chết

Người Rôma có câu ngạn ngữ và ghi câu này trên cuốn lịch treo tường: “Tất cả mọi giờ khắc đều làm cho người ta bị thương. Giờ cuối cùng thì chết”. Người Rôma muốn nói rằng mỗi lần đau khổ chẳng khác nào là một cái chết nhỏ, để bước vào cái chết lớn khi tắt thở xuôi tay. Suốt đời, từng giây từng phút chúng ta đi dần đến cái chết. Người già càng thấy điều đó hơn (Nghệ Thuật Sống, trang 192).

Nhà văn Nga Valentin Raxputin, trong tập truyện “Đám Cháy”, đã viết : “Bắt buộc thỉnh thoảng phải nghĩ đến cái chết, để sống cho trong sạch hơn”. Ông cho rằng không có gì, không có ai có thể làm cho người ta bỏ đàng tà, mà quay về đường ngay, chỉ có cái chết. Ông nói : “Cái chết, đó là người thầy đầy quyền lực !

Đời sau

“Sống gửi thác về”! Về đâu? Về đời sau. Có đời sau không? Hay chết là hết?

Nhà văn Pháp JJ Rousseau viết: “Nguyên một sự: thấy kẻ dữ được thịnh đạt, còn người lành phải khổ, đủ cho tôi tin rằng: hồn hằng sống. Chẳng cần một chứng minh nào khác. Hết sống chẳng phải là hết mọi sự. Chính lúc chết, mọi sự mới trở lại trật tự”.

Như thế, không có đời sau thì không có sự lành sự dữ, không có công bằng. Ăn ngay ở lành chỉ là thua thiệt, uổng phí cuộc đời.

Đức Hồng y Mercier, người Bỉ, viết: “Nếu tin rằng không có đời sau, thì chẳng cần phải ăn ngay ở lành. Ai ăn ngay ở lành là khờ dại mà thôi”.

Thánh Phaolô thì nói: “Nếu kẻ chết không trỗi dậy, thì chúng ta cứ ăn cứ uống đi, vì ngày mai chúng ta sẽ chết” (1Cr 15,32).

Nếu chỉ có đời này thì chẳng cần theo đạo. Thánh Phaolô viết cho các tín hữu Côrintô : “Nếu ta đặt mối hy vọng vào Đức Kitô vỏn vẹn lúc sinh thời này thôi, thì quả ta là người khốn nạn nhất trong thiên hạ” (1Cr 15,19).

Bài đọc 1 :

Bài đọc 1 đọc sách Khôn Ngoan. Đoạn sách này được sách Kinh Thánh của nhóm CGKPV giải nghĩa : “Bây giờ Đức Khôn Ngoan không còn chỉ là một giáo lý, đạo lý mà thôi (c.9), nhưng còn là một chân lý của Thiên Chúa chiếu sáng qua giáo lý và khích lệ con người tự trong thâm tâm (c.13 ; x. Ga 6,44 ; Pl 2,13 ; 1 Ga 4,19)”.

Chúng ta đọc một vài câu để thấy Đức Khôn Ngoan là chân lý của Thiên Chúa chiếu soi :

Ai từ sáng sớm đã tìm Đức Khôn Ngoan

Thì không phải nhục nhằn vất vả

Họ sẽ thấy Đức Khôn Ngoan ngồi ngay trước cửa nhà,

Để tâm suy niệm về Đức Khôn Ngoan

Là đạt được sự minh mẫn toàn thân (Kn 6,14-16)

Bài Tin Mừng

Dụ ngôn 10 trinh nữ trong Bài Tin mừng cho thấy cái khôn và cái dại của con người. Chúa Giêsu dùng cảnh sinh hoạt cưới hỏi thường tình của con người để diễn tả.

Cha Jeremias, một chuyên viên Kinh Thánh lỗi lạc, giải nghĩa dụ ngôn “Mười Trinh Nữ” như sau :

Vào buổi tối, khách dự tệc cưới liên hoan tại nhà cô dâu và chờ chàng rể đến. Giờ chàng rể đến là từ chặp tối tới nửa đêm. Khi đi có sứ giả đi trước hô to để loan báo cho nhà gái biết chàng rể đang đến. Chàng đến với các bạn phù rể trong một biển ánh sáng đèn đuốc. Khách dự tiệc nhà gái và các cô phù dâu, không có cô dâu, ra đón chàng rể ở dọc đường. Đoạn tất cả mọi người, tay cầm đèn sáng, theo chàng rể vào nhà gái để rước cô dâu về nhà trai. Tiệc cưới chính thức được cử hành tại nhà trai.

Sự chết cũng giống như chú rể đến bất thình lình. Khôn thì phải sẵn sàng như  năm cô trinh nữ khôn “vừa mang đèn vừa mang bình dầu theo” (Mt 25,4). Chuẩn bị sẵn sàng như thế thì sẽ được vào dự tiệc cưới Nước Trời, được lên thiên đàng. Còn dại mà không chuẩn bị, giống như năm cô trinh nữ dại “mang đèn mà không mang chai dầu theo” (Mt 25,3), thì sẽ không được vào dự tiệc cưới Nước Trời, không được lên thiên đàng.

Bài đọc 2

Bđ2 đọc thư Thứ nhất của thánh Phao-lô gửi cho cộng đoàn Thê-xa-lô-ni-ca. Thánh Phao-lô cho biết đời sau là “được Thiên Chúa đưa về củng Đức Giê-su : “Thưa anh em, về những ai đã an giấc ngàn thu, chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng . Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giê-su đã chết và đã sống lại , thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong  Đức Giê-su, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giê-su.” (1 Tx  4,13-14)

Kết luận

Trong hạnh thánh Phanxicô Girôlamô (11-5) có câu chuyện sau đây : Lúc thánh nhân giảng đạo tại thành Napôli, nước Italia, có một cô gái tội lỗi tên là Catarina không thèm nghe lời thánh nhân khuyên bảo, lại còn khinh thường, nhạo báng. Một hôm cô ngồi thổi sáo bên cửa sổ. Vô ý cô ngã đâm đầu xuống đất, vỡ sọ chết. Thánh Phanxicô đang giảng ở nhà thờ, được tin liền cắt ngang bài giảng và nói với giáo dân : “Thôi, chúng ta đến thăm người chết”. Gần 250 giáo dân đi theo. Tới nơi ngài cầm tay người chết hỏi : “Catarina, bây giờ con ở đâu ?” Lập tức người chết ngồi thẳng dậy và trả lời : “Con ở hỏa ngục”. Nói rồi cô nằm xuống và cứng đờ như gỗ. Hôm đó là ngày 4-4-1704. Cô Catarina là “người trinh nữ dại” trong BTM.

Lạy Mẹ Trà Kiệu mến yêu, xin Mẹ giúp chúng con luôn nghĩ đến sự chết mà sống “cho trong sạch hơn”, để khi chết chúng con được về sống với Chúa Giêsu, Con của Mẹ.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành