Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B
CHÚA NHẬT 32 NĂM B
7-11-2021
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Tiên Phước, Giáo họ Tam Lãnh
GIÁO HUẤN SỐ 50
NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CỦA TUỔI TRẺ
Lớn lên và trưởng thành (tt)
Những người trưởng thành cũng phải chín chắn hơn mà không đánh mất các giá trị của tuổi trẻ. Mỗi giai đoạn của đời sống là một ân phúc thường hằng, với giá trị vững bền của nó. Kinh nghiệm về một tuổi trẻ được sống tốt luôn luôn còn đó trong tâm hồn chúng ta. Nó tiếp tục lớn lên và sinh hoa trái ở tuổi trưởng thành. Người trẻ thường được lôi cuốn bởi một chân trời vô hạn mở ra trước mắt họ. Đời sống của người trưởng thành, với những sự an toàn và tiện nghi của nó, có thể có nguy cơ kéo lùi chân trời này, và đánh mất niềm phấn khích của tuổi trẻ. Rất nên xảy ra điều ngược lại: khi chúng ta trưởng thành, trở nên già hơn và ‘cứng nếp’ hơn trong đời sống, chúng ta đừng bao giờ đánh mất sự nồng nhiệt và cởi mở đối với một thực tại bao giờ cũng rộng lớn hơn. Tại mỗi phút giây trong đời sống, chúng ta có thể làm mới lại nét tươi trẻ của mình. Khi tôi bắt đầu sứ vụ giáo hoàng, Chúa đã mở rộng các chân trời của tôi và ban cho tôi một nét trẻ trung mới. Điều tương tự có thể xảy ra với một đôi vợ chồng đã cưới nhau nhiều năm, hay với một đan sĩ trong đan viện của mình. Có những thứ mà chúng ta cần buông bỏ theo thời gian, nhưng tiến trình trưởng thành có thể cùng vận hành với một ngọn lửa không ngừng được thắp lại, với một trái tim mãi trẻ trung (Tông huấn Đức Kitô hằng sống số 160).
———————
CN 32 TN NĂM B
(1V 17,10-16; Dt 9,24-28; Mc 12,38-44)
Ông Raphael Rhodes
Chúng ta đã lược qua gia đình cụ An-rê, công chúa Ngọc Liên, hôm nay là ông Raphael Rhodes, những người con của Thanh Chiêm, Phước Kiều.
Không biết qua lời giới thiệu của ai và vào lúc nào, nhưng cha Deydier biết ông Raphael Rhodes (1610-1687). Chúng ta cũng đã biết ông Rhodes này. Đó chính là chú bé đã dạy cha Đắc Lộ tiếng Việt. Cha đã rửa tội cho em và để tỏ tình yêu mến, cha lấy tên mình đặt cho em. Chuyện xảy ra ở Thanh Chiêm, lúc cha Đắc Lộ mới đến Đàng Trong (1624-1626). Trước khi rời Đàng Trong về Ma-cao. Cha Đắc Lộ giao chú bé Rhodes lại cho một người Bồ Đào Nha chăm sóc. Ngày 31-7-1643, anh Rhodes vào hội Thày Giảng; sau đó đi hoạt động truyền giáo ở Xiêm và Lào. Khi trở về, ông lập gia đình với bà góa Pia, làm thông dịch viên cho người Hà Lan, Bồ Đào Nha với chính quyền Đàng Ngoài. Ông rất sốt sắng với việc đạo, giúp các cha thừa sai Pháp. Nhà ông trở thành Nhà thờ, nơi đọc kinh, hội họp… gọi là nhà thờ Giuse. Trong việc buôn bán, ông rất được lòng chúa Trịnh. Sau cha Deydier, có cha Bourges cũng đến trọ nhà ông.
Ông có soạn 2 tập thơ về thánh Giuse và ông Tôbia. Ông rất quí các linh mục. Năm 1668, ông tặng cho hai cha mới; cha Hiền và cha Huệ, mỗi người một bộ áo lễ đủ loại.
Khi các cha hoặc tín hữu có gì lấn cấn với chính quyền, bị chính quyền bắt tội vì theo đạo, ông thường bỏ tiền ra chuộc. Ông cũng cho các tín hữu nghèo vay mượn tiền để làm ăn sinh sống.
Năm 1676, ông bị tù 1 tháng vì đạo. Trong tù, ông vui vẻ, ca hát, cầu nguyện làm sáng Danh Chúa, nên có nhiều người trở lại đạo; Quan phủ doãn Thăng Long cũng có ý định này.
Ông bị liệt giường 7 năm trước khi chết. Vào năm cuối đời, thân mình ông run rẩy, chỉ còn cử động được hai tay, miệng nói được vài tiếng. Ông qua đời ngày 29-6-1678.
Cha Deydier nhờ anh Giuse, người mà cha rửa tội trong thuyền khi đi Đàng Ngoài, đem thư đến cho ông Raphael Rhodes báo tin cha đã đến. Vừa nhận được tin, ông Raphael vội đi thuyền đến gặp cha Deydier ngày 15-8. Hai người thật mừng rỡ. Ngày 18-8 thuyền buôn đến Phố Hiến. Ngày 20-8, sau khi xem xét tình hình không lấy gì khó khăn mấy, cha Deydier trốn lên bờ, đến nhà ông Raphael, tối về thuyền trở lại. Sau đó, thấy tình hình không căng thẳng mấy, cha ở luôn nhà ông Raphael.
Trước tiên cha Deydier nhờ ông Raphael viết một lá thư bằng tiếng địa phương gửi cho các tín hữu Đàng Ngoài. Nội dung gồm hai vấn đề chính:
- Cha Deydier tự giới thiệu, mình đến đây đại diện cho Đức cha Lambert và Đức cha Pallu, làm cha chính điều khiển giáo hội Đàng Ngoài.
- Mời một số tín hữu đến họp trong nhà ông Raphael Rhodes
Cha nhờ một thày giảng và một người Hoa được rửa tội ở Macao, giúp cha dịch thư của hai Đức cha Lambert và Pallu ra tiếng Đàng Ngoài.
Sau buổi họp cha nắm được tình hình giáo hội Đàng Ngoài: ở Thăng Long có khoảng 400 tín hữu và cả Đàng Ngoài chỉ còn 15/50 thầy giảng và kẻ giảng.
Cha cũng nhờ ông Rhodes viết thư mời các thày giảng về gặp cha. Khi các cha dòng Tên bị trục xuất, có tất cả là 10 thày, nay chết mất 2, chỉ còn 8. Các thày phải chăm sóc giáo dân cả một vùng lớn, có sự công tác của các chú và kẻ giảng. Các thày sống rất chật vật vì không có qui chế về tài trợ. Ông Raphael tốt bụng cho các thày vay 200 quan tiền, mua một chiếc thuyền để các thày chuyên chở sinh nhai, đồng thời có dịp gặp nhau. Tại Kẻ Chợ, tức Thăng Long, có thày Gioan Văn Huệ va thày Bênêđíctô Hiền cùng hoạt động truyền giáo. Thày Huệ là người đã biên thư cho Đức cha Lambert.
Ngày 3-9 chính quyền Đàng Ngoài cho những người trên tàu được lên bờ tự do đi lại. Cha Deydier công khai gặp các tín hữu, mặc dầu vẫn còn dưới lớp thương gia (Nguyễn Văn Trinh, Lich Sử Giáo Hội Việt Nam, tập 3, trang 162-164).
Lòng đạo đức và rộng rãi của ông Raphael Rhodes là hình ảnh bà góa Xa-rép-ta trong bđ1, là hình ảnh bà góa nghèo bỏ hai đồng vào thùng tiền trong BTM và là hình ảnh Đức Ki-tô thượng tế đổ máu xóa bỏ tội lỗi cho loài người trong bđ2.
Bài đọc 1 (1V 17,10-16) : Cha Hồ Thông viết về bà góa Xa-rép-Ta như sau: “Một bà góa Xa-rép-ta nhận ra người khách lạ xin bà một chút nước và miếng bánh là một người Do Thái, bà trả lời: ‘Có Đức Chúa, Thiên Chúa hằng sống của ông, tôi thề là tôi không có bánh. Tôi chỉ còn nắm bột trong hủ và chút dầu trong vò. Tôi đang đi lượm vài thanh củi về nhà nấu nướng cho tôi và con tôi. Chúng tôi sẽ ăn rồi chết ” (1V 17,12).
Được đặt lại vào trong bối cảnh sứ vụ của ngôn sứ Ê-li-a, tình tiết này mang đến một lời chứng đáng chú ý khác về những người khiêm hạ mà các ngôn sứ Cựu Ước luôn luôn nói đến. Nhưng ngoài ra, tình tiết này nêu bật sự tương phản giữa thái độ của một bà góa nghèo ngoại giáo xứ Xa-rep-ta, bà bày tỏ trọn niềm tin tưởng vào Đức Chúa khi phó thác vào lời hứa của vị ngôn sứ của Ngài, và cách hành xử của một người phụ nữ ngoại đạo khác, hoàng hậu I-da-ven, bà này dùng quyền lực và sự giầu có của mình để lôi kéo dân Chúa chọn sa vào tội bội giáo. Bà góa ngoại giáo xứ Xa-rép-ta sẽ được trích dẫn trong Tin Mừng như báo trước cuộc hoán cải của lương dân (Lc 4,25-26).
Mặt khác, được đặt lại vào trong khung cảnh của cuộc khủng hoảng tôn giáo khắp vương quốc Ít-ra-en, cuộc mạo hiểm của ngôn sứ Ê-li-a đến Xa-rép-ta cung cấp cho vị ngôn sứ một dịp chứng tỏ rằng chính Đức Chúa – chứ không thần Ba-an – là Đấng phân phát đích thật những của cải trần gian và Ngài ban cho những ai tin tưởng phó thác vào Ngài, ngay cả vào lúc túng thiếu (Phụng Vụ Lời Chúa Năm B, trang 294).
Bài Tin Mừng (Mc12,41-44): Cha Nguyễn Công Đoan viết về bà góa nghèo như sau: “Đức Giê-su thảnh thơi ngồi quan sát xem đám đông bỏ tiền vào thùng tiền dâng cúng ra sao. Người thấy một cảnh đối chọi chát chúa: có những người giầu có bỏ thật nhiều tiền (thấy tay họ cầm và nghe tiếng tiền leng keng trong thùng), lại cũng có ‘một bà góa nghèo, đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một đồng xu Rô-ma’. Phản ứng của Đức Giê-su thật là đặc biệt: ‘Người liền gọi các môn đệ lại mà nói’. Lần trước ‘Người ngồi xuống gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói’ (Mc 9,35) là để sửa dạy các ông, vì khi đi dọc đường các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn nhất, trong khi các ông không hiểu và không dám hỏi lại về những lời Người loan báo Cuộc Thương Khó. Hôm nay Người ngồi sẵn đó, Người gọi các môn đệ lại chỉ cho các ông thấy bà góa nghèo này và nói. Tại sao hình ảnh bà góa này dâng cúng hai đồng kẽm, đáng giá một phần tư đồng xu Rô-ma, lại kéo sự chú ý của Người như thế? Nghe kỹ lời bình luận của Người: ‘Mọi người rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà bỏ vào đó; còn bà góa này thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình’. Những người khác bỏ nhiều tiền vào thùng, nhưng rút rừ tiền dư bạc thừa, nên tuy bỏ nhiều, nhưng chưa đụng tới đời sống của họ. Còn bà góa này rút từ cái túng thiếu của mình, bỏ vào đó’ tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuối sống mình’. Số tiền này chỉ đủ mua bánh mì ăn một bữa.
Trong cuộc hỏi đáp với ông kinh sư. Người vừa đọc lại điều răn thứ nhất. Bây giờ Người gặp bà góa nghèo này đang thực hành điều răn ấy triệt để. Điều răn bảo ‘yêu mến bằng tất cả trái tim, tất cả mạng sống và tất cả những gì ngươi có’. Bà góa này túng thiếu, không có dư thừa, bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình, thế là bà đã yêu mến bằng tất cả những gì mình có, bằng cả mạng sống. Có yêu bằng tất cả trái tim hay không thì làm sao có thể kiểm chứng được. Nhưng yêu mến bằng tất cả những gì mình có và bằng tất cả mạng sống thì chứng minh được, như bà góa này vừa làm. Đã yêu mến như thế thì chắc chắn là yêu bằng tất cả trái tim rồi.
Hôm ở Ga-li-lê, Nhóm Mười Hai đã hành động ngược với Cuộc Thương Khó của Người. Còn hôm nay, Đức Giê-su đã nhận ra ở bà góa này hình tượng của bản thân Người: Người cũng đang đi tới Cuộc Thương Khó, trên thập giá Người sẽ bày tỏ lòng yêu mến Chúa Cha bằng tất cả trái tim, tất cả mạng sống và tất cả những gì Người có. Tin mừng Gio-an kể chuyện sau khi Người trao hơi thở, một người lính đâm thủng cạnh sườn Người, máu và nước chảy ra (Ga 19,14) như để chứng tỏ Người đã yêu bằng tất cả trái tim, đến giọt máu, giọt nước cuối cùng còn đọng trong tim.
Bài đọc 2 (Dt 9,24-28): Cha Hồ Thông viết : ‘Tác giả thư gửi các tín hữu Do Thái tiếp tục chứng minh chức tư tế của Chúa Ki-tô cao trọng hơn bội phần chức tư tế Cựu Ước. Viễn cảnh của tác giả được đinh vị trên hai bình diện: bình diện ‘trên trời’: Đức Ki-tô vinh quang là Đấng trung gian bên cạnh Chúa Cha, bình diện ‘dưới thế’: chức vụ vinh quang đòi hỏi Đức Ki-tô phải vượt qua cuộc tử nạn.
Như trước đây, tác giả sử dụng những so sánh của mình, mặc nhiên hay minh nhiên nghi lễ Đền Tội ở đó vị thượng tế cầu nguyện và dâng hy lễ lên Thiên Chúa để cầu xin Thiên Chúa tha thứ tội lỗi cho mình và toàn thể cộng đoàn con cái Ít-ra-en vì đã trót phạm (sđd, trang 294).
Cầu nguyện Tv 145,8
Ca tụng đi, hồn tôi hỡi
Chúa giải phóng những ai tù tội
Chúa mở mắt cho kẻ mù lòa
Chúa cho kẻ bị dìm xuống đứng thẳng lên
Chúa yêu chuộng những người công chính
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành