Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B


CN.32.B

11-11-2018

Giáo xứ Chính Tòa chầu Thánh Thể

Giáo Huấn số 50

Đối Thoại (tt)

Niềm Vui Của Tình Yêu số 137

Lịch Giáo Phận trang 120

Hãy dành thời gian, khoảng thời gian chất lượng để lắng nghe một cách kiên nhẫn và chú ý, cho tới khi người kia diễn tả hết mọi điều mà người ấy cần nói. Điều này đòi hỏi ta phải khổ chế bản thân để không lên tiếng khi chưa phải lúc. Thay vì đưa ra một ý kiến hay một lời khuyên, chúng ta cần bảo đảm rằng mình đã nghe mọi điều người kia muốn trình bày. Điều này bao hàm việc giữ im lặng nội tâm để lắng nghe người khác mà không bị tác động do tâm tưởng: đừng hấp tấp, hãy đặt qua một bên tất cả các nhu cầu và lo toan cấp thời riêng của bạn, và hãy dành chỗ để lắng nghe. Rất nhiều khi người bạn đời không cần một giải pháp cho vấn đề của người ấy, mà chỉ cần được lắng nghe. Người ấy cần cảm nhận rằng có người hiểu nỗi đau của mình, hiểu sự chán nản, nỗi sợ, cơn giận, những hy vọng và những ước mơ của mình. Tuy nhiên, chúng ta lại thường nghe những lời phàn nàn như  “Anh ấy không lắng nghe tôi”. “Ngay cả khi xem ra anh đang lắng nghe, nhưng thực ra anh đang nghĩ đến một việc gì kkhác”. “Tôi nói và tôi cảm thấy như cô ấy không thể đợi tôi nói hết ý của mình”. “Khi tôi nói với cô ấy, cô ấy cố đánh rống lảng, hoặc cô ấy chỉ trả lời cộc lốc để chấm dứt cuộc nói chuyện”

———————————————

CN.32.B

(1V 17,10-16; Dt 9,24-28; Mc 12,38-44)

Tháng 11, tháng các linh hồn, đã qua đi được 11 ngày, gần nửa tháng. Nửa tháng qua chúng ta có nghe tiếng kêu gào, tiếng cầu cứu, tiếng than thở của các linh hồn nơi luyện ngục không ?

Cha Sullivan viết : “Trên đời này, không có ai đói hơn, khát hơn, nghèo hơn, đau khổ hơn các linh hồn đang giam cầm trong lửa luyện tội; cũng không có sự đau đớn nào trên trần gian này có thể so sánh được với sự đau đớn của các linh hồn nơi luyện ngục. Bởi vậy, không có gì làm vui lòng Chúa hơn là sự bố thí, cầu nguyện, dâng lễ cho các linh hồn khốn khổ đó” (Paul O’Sullivan, Hãy Giúp Các Linh Hồn, trang 3).

Cha Alexandre de Rhodes, tên VN là Đắc Lộ, ra Miền Bắc truyền đạo từ năm 1627 đến năm 1630. Trong gần 3 năm, chắc chắn cha đã nói nhiều về các linh hồn nơi luyện ngục. Vì thế, có người đã chết  tử đạo vì các linh hồn.

Đó là ông Phanxicô, người thủ đô Thăng Long, Hà Nội, đã chết vì “chôn xác kẻ chêt”.

Chính cha Đắc Lộ đã kể lại như sau : “Một người tân tòng xứ Đàng Ngoài (tức là Miền Bắc) tuyên xưng đức tin một cách anh dũng cho đến chết và có một vài phép lạ. Ông tên là Phanxicô đã chịu phép rửa cùng với những người khác  hai năm trước đó. Người này hết sức chuyên cần làm việc lành phúc đức. Nhất là việc chôn cất kẻ chết. ông đích thân cõng người chêt trên mình.

Người ta kể lại sự việc cho em vua, là người chủ của ông Phanxicô. Vị này vốn không ưa người Công giáo. Ông Phanxicô bấy giờ ở trong đội khiêng kiệu cho vị hoàng thân ấy. Hoàng thân tức tối cho gọi Phanxicô và truyền cho ông phải bỏ đạo, nhất là không được đụng và vác xác người có đạo đi chôn. Ông nói rằng cứ chỉ đó bất xứng. Người khiêng anh em nhà vua không thể nào bị xác chết làm ô uế. Ông Phanxicô trả lời : “Bẩm ngài, tôi là người Công giáo, tôi phải giữ luật đạo. Do đó, tôi không có cách gì bỏ đạo được, cũng như không thể bỏ làm việc lành phước đức được. Tôi vẫn phục vụ ngài, nhưng đối với những điều đức tin và luật Chúa Kitô dạy, tôi muốn giữ trọn vẹn cho đến hơi thở cuối cùng của đời tôi.

Khi nghe những lời ấy, hoàng thân nổi giận, truyền đuổi Phanxicô ra khỏi dinh. Ông Phanxicô đành chịu mất việc, nhưng vẫn tiếp tục làm việc nghĩa. Mấy ngày sau, hoàng thân vẫn  còn tức giận, cho gọi ông Phanxicô vào dinh và bắt bỏ đạo. Ông Phanxicô trả lời cương quyết : “Làm sao tôi bỏ đạo Chúa tôi được ? Chỉ có đức tin mới giúp cứu độ tôi. Tôi không thể chối bỏ đức tin”.

Hoàng thân bừng bừng nổi giận, ra lệnh ném Phanxicô vào tù, rồi tra tấn và đánh đập. Vì ông Phanxicô vẫn trung kiên với đức tin của mình, nên hoàng thân cho lấy rìu đập vào đầu gối, và sau đó ra lệnh chém đầu” (Roland Jacques, Các Nhà Truyền Giáo Bồ Đào Nha…Tome 2, Định Hướng Tùng Thư 2004, trang 165-169).

Kinh “Thương  Người Có 14 Mối”, mối thứ mười là : chôn xác kẻ chết.

Ông Phanxicô đã chết vì chôn xác kẻ chết, vì thương các linh hồn.

Có nhiều việc đạo đức để cứu các linh hồn nơi luyện ngục.

Bà Maria Simma, người nước Áo. Bà sinh năm 1915, qua đời 3-2004, thọ 90 tuổi. Từ năm 1940, 25 tuổi, bà được các linh hồn hiện về. Năm 1997, khi 82 tuổi, nữ tu Emmanuel đã phỏng vấn bà về hiện tượng các linh hồn hiện về.

Các linh hồn hiện về cho bà biết : “Luyện ngục là nơi thiết tha mong ước Chúa, mong ước đến điên cuồng… Luyện ngục là nơi đau khổ vì thiếu Chúa…Tình yêu của Chúa vô cùng đẹp đẽ… Nhưng vì mình còn nhơ nhớp,  không xứng đáng chiêm ngưỡng và tận hưởng… cần phải được tắm rửa… Song các linh hồn nơi luyện ngục không thể làm gì được cho mình… Nếu người sống không giúp họ…

Có hình hồn hiện về xin bà dâng  lễ.

Có linh hồn hiện về cho biết : Nhỏ nước mắt khóc thương  không có ích gì, chỉ có lời cầu nguyện mới giúp được cho họ. Các linh hồn thường phàn nàn là nhiều người đi dự lễ an táng mà không đọc một kinh nào.

Có linh hồn cho biết : nhờ chuỗi Mân Côi, nhiều linh hồn được lên thiên đàng. Đức Mẹ thường xuống luyện ngục đưa các linh hồn lên thiên đàng, nhất là vào ngày lễ Giáng Sinh, lễ Các Thánh, Thứ Sáu Tuần Thánh, Lễ Thăng Thiên, lễ Mẹ Hồn Xác Lên Trời…

 Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay đã ca ngợi những bà góa có lòng bác ái.

Bđ1 ca ngợi bà góa Sa-rép-ta, nước Libăng ngày nay, tuy nghèo túng và ngoại giáo, đã cho ngôn sứ Ê-li-a phần ăn  của bà và con bà.

BTM ca ngợi một bà góa tuy nghèo, nhưng đã dâng cúng tất cả những gì mình có cho Đền Thờ Chúa.

Lòng bác ái của hai bà góa khích lệ chúng ta siêng năng làm các việc lành phúc đức, nhất là cầu nguyện cho các linh hồn.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành