Chúa Nhật XXXIII Thường Niên C – Kính Trọng Thể Các Thánh Tử Đạo Việt Nam


THÁNH GIÁ LÀ TIN MỪNG CHO DÂN THÁNH GIÁ

Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Tuần 33 Thường Niên (Hội An 13/11/2022)

Lm Giuse Nguyễn Văn Thú

Có thể nói hôm nay là ngày giỗ trọng thể trong đức tin của toàn thể Hội Thánh Việt Nam dành cho các vị thừa sai tử đạo trên mảnh đất Việt Nam thân yêu, dành cho tổ tiên, ông bà chúng ta và các tín hữu Việt Nam đã chịu tử đạo nêu gương cho con cháu. Vào ngày 19/6/1988, thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II tuyên phong 117 vị thánh Việt Nam đã chịu chết để tuyên xưng đức tin vào Chúa Giê-su trong suốt thế kỷ 19. Các ngài gồm 8 giám mục ngoại quốc, 50 linh mục gồm Việt Nam và ngoại quốc, 59 giáo dân. Các ngài thuộc mọi tầng lớp: làm quan có thánh Micae Hồ Đình Hy, thánh Đaminh Phạm Trọng Khảm, có vị làm cai đội, là chánh tổng, lý trưởng. Các ngài thuộc nhiều nghề nghiệp: thầy thuốc, thương gia, thợ may, thợ dệt, thợ mộc, dân chài, nông dân chiếm đa số (10 vị). Quan quyền vua chúa đặc biệt triều Tây Sơn, triều Nguyễn (Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức) đã dùng đủ lời dụ dỗ và nghĩ ra mọi hình khổ làm nhục các tín hữu, cốt để họ chối bỏ đức tin vào Thiên Chúa. Quan quyền dùng gông cùm, xiềng xích, đánh đòn, bỏ đói, voi dẫm, bá đao…, chặt đầu, xiết cổ các tín hữu cho đến chết. Hình phạt nhẹ cũng là phân sáp. Ấy là chưa tính số đông các vị tử đạo mà danh tính không được ghi chép đầy đủ, ước tính hơn 130.000 vị.

  1. Thánh giá là Tin Mừng

            Các thánh tử đạo Việt Nam là “dân thánh giá.” Những kẻ sát nhân đã gọi 21 Ki-tô hữu miền Copte, Ai Cập là “dân thánh giá” trước khi chặt đầu các ngài vào năm 2015. Các thánh tử đạo Việt Nam cũng là “dân thánh giá,” vì đối với các ngài, thánh giá là tin mừng và lòng yêu mến thánh giá nơi các ngài là dấu minh chứng các ngài là “dân thánh giá.”

            Đối với các thánh tử đạo, thánh giá là tin mừng. Thế gian đã xem thánh giá là sự ô nhục, là điều điên rồ, những ai không bước qua thánh giá mà chịu chết thì bị họ xem là những kẻ đáng thương hại! Nhưng các thánh tử đạo Việt Nam đã nhìn thánh giá với cái nhìn của người có đức tin vào Chúa Giê-su, Đấng cứu độ thế gian. Đối với các thánh tử đạo, đó là tin mừng cho những ai tin vào Chúa. Cái chết của Chúa Giê-su trên thánh giá ban lại cho trần gian ơn tha thứ như lời Chúa Giê-su thưa với Chúa Cha trong giây phút hấp hối: “Xin Cha tha cho họ.” Đó là tin mừng cho những ai đang bị ràng buộc vào tội lỗi.  Trên thánh giá, Chúa Giê-su lắng nghe tâm tình của người kẻ trộm bênh vực Ngài và Chúa đã thưởng cho anh phần thưởng Nước Trời, bởi nơi anh đã có cuộc sống mới: “Nội hôm nay, anh sẽ ở với tôi trên thiên đàng.” Đó là tin mừng cho những ai sống cuộc đời mới với Chúa Giê-su. Và cuộc phục sinh của Chúa Giê-su được mở ra khi Chúa nói lời sau hết trên thánh giá: “Mọi sự đã hoàn tất,” nghĩa là lời Thiên Chúa hứa ban ơn cứu độ cho dân Chúa được Chúa Giê-su thực hiện. Đó là tin mừng cho toàn thể nhân loại. Với con mắt đức tin đó, các thánh tử đạo không nhìn thánh giá là sự ô nhục; trái lại, thánh giá là tin mừng cứu độ và hạnh phúc cho các ngài. Như thánh Phaolô quả quyết, niềm vinh dự của ngài là thập giá Chúa Giê-su (x. Gl 6,14), đến nỗi thánh nhân chấp nhận mất hết mọi sự, miễn sao được biết Chúa Giê-su và rao giảng Chúa Giê-su thập giá và sống lại, thì cuộc tử đạo của các thánh tử đạo Việt Nam cũng là lời tuyên xưng đức tin cao độ đó và hãnh diện mình là “dân thánh giá.”

  1. Thánh Giá là Tin mừng cho dân thánh giá

            Có lẽ khi gọi các Ki-tô hữu Ai Cập là “dân thánh giá,” những kẻ sát nhân IS không ngờ những lời khinh miệt của họ dành cho các Ki-tô hữu lại trở nên danh xưng đầy vinh dự cho các vị tử đạo. Cũng thế, khi đối xử với những tín hữu Việt Nam như những kẻ phạm pháp trọng tội, có lẽ những vua chúa và quan quyền đã không ngờ rằng những nhục hình đó lại làm nổi bật đức tin và lòng yêu mến Chúa Giê-su nơi các ngài qua mọi thế hệ. Thánh Gioan Ven đã trả lời với quan: “Tôi đã suốt đời rao giảng thánh giá, nay tôi lại đạp lên thánh giá thế nào được? Tôi thiết nghĩ sự sống đời này đâu quý báu đến độ tôi phải bỏ đạo mà mua.” Ngay cả thánh Phaolô Hạnh, từng là một tên du đãng khét tiếng trong giới giang hồ, trong lúc chịu thánh giá của cuộc tử đạo đã khẳng khái tuyên bố: “Tôi là Ki-tô hữu và Ki-tô hữu cho đến chết.” Như vậy, “dân thánh giá” không chỉ là danh xưng như người ta khai trên căn cước: tôn giáo là Công giáo, dù đó đã là lời tuyên xưng đức tin giữa xã hội tục hóa, mà còn là một đời sống gắn kết với Chúa Giê-su thánh giá dẫu phải đổ máu. Nói cách khác, “dân thánh giá” là dân thuộc về Chúa Giê-su, nên giống Chúa Giê-su hy tế. Nơi các ngài không bao giờ có tiếng “nếu” hay tiếng “nhưng” nào như điều kiện để theo Chúa, mà chỉ có tiếng “xin vâng” theo Chúa Giê-su thập giá như Mẹ Maria, Nữ Vương các thánh tử đạo.

            Như vậy, đi theo Chúa Giê-su thánh giá là ơn gọi của mọi Ki-tô hữu. Sống cho đúng là “dân thánh giá” là đời sống mọi Ki-tô hữu phải thể hiện. Tuy nhiên, chúng ta không ngồi chờ để được ơn phúc tử đạo bằng máu như cách thế Chúa cho các thánh tử đạo, mà tinh thần tử đạo cần thường trực trong đời sống thường ngày của chúng ta, vẫn là một đời sống được đức tin gợi hứng. Tinh thần tử đạo đó thể hiện nơi các Ki-tô hữu luôn đặt Chúa làm trung tâm cuộc sống của mình hằng ngày. Tinh thần tử đạo đó đậm nét nơi những bậc cha mẹ quý trọng sự sống con mình từ trong bào thai để sống theo Tin Mừng sự sống, vui lòng chấp nhận khó khăn hơn khi có thêm một người con chào đời. Tinh thần tử đạo đó thể hiện nơi các tín hữu trung thành chu toàn bổn phận tham dự thánh lễ, cầu nguyện, đọc kinh trong gia đình, dẫu có những lúc mệt mỏi vẫn chu toàn để nêu gương cho con cái. Tinh thần tử đạo đó thể hiện nơi những Ki-tô hữu biết sống thánh theo lời Chúa dạy giữa một xã hội đầy cám dỗ. Tinh thần tử đạo đó thể hiện nơi các linh mục kéo dài hiến tế thập giá trên bàn thờ vào đời sống phục vụ của các ngài.

            Mọi cuộc tử đạo đổ máu chỉ có thể khi có cuộc tử đạo hằng ngày, khi có đời sống đạo hằng ngày. Xin Chúa cho chúng ta ý thức đời sống Hội Thánh luôn là đời sống tử đạo: tử đạo đổ máu như các thánh tử đạo Việt Nam, tử đạo bằng niềm vui được biết tin mừng thánh giá và hân hoan được gọi là “dân thánh giá” nhờ vào đời sống trung thành với Chúa Giê-su.