Chúa Nhật XXXIII Thường Niên Năm A – Kính Trọng Thể Các Thánh Tử Đạo VIệt Nam
CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM A
Ngày 19/11/2023
KÍNH TRỌNG THỂ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Chính Tòa
GIÁO HUẤN SỐ 53
TRONG ÁNH SÁNG CỦA TÔN SƯ
Phúc cho những ai có tinh hần nghèo khó.
vì Nước Trời là của họ.
Sự khó nghèo thiêng liêng thì gắn chặt với điều mà thánh Inhaxiô Loyola gọi là sự ‘bình tâm thánh thiện’, vốn đưa chúng ta tới một sự tự do nội tâm ngời sáng: ‘Chúng ta cần tự rèn luyện để có thái độ bình tâm đối với mọi thụ tạo, trong ất cả những gì mà ý chí tự do của mình được phép, chứ không bị cấm cản; sao cho về phần mình, chúng ta không nghiêng chiều về sức khỏe hơn là đau ốm, giầu có hơn là nghèo khó, danh dự hơn là ô nhục, sống lâu hơn là mệnh yểu, và mọi điều tương tự như thế’. Luca không nói về sự nghèo khó ‘trong tinh thần’ nhưng đơn giản nói về những người ‘nghèo’ (x. Lc 6,20). Như vậy, vị thánh sử cũng mời gọi chúng ta sống một đời sống khổ hạnh và giản dị. Ngài mời gọi chúng ta chia sẻ đời sống của những người nghèo túng thiếu nhất, đời sống của các Tông đồ, nhất là nên đồng hình đồng dạng vời Chúa Giêsu, Đấng tuy giầu có đã ‘tự nguyện trở nên nghèo khó’ (2Cr 8,9). Nghèo khó trong tâm hồn: đó là thánh thiện’ (Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, số 69&70).
PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
Cn 31,10-13.19-20.30-31; 1 Tx 5, 1-6; Mt 25,14-30
Bài Ðọc I: Cn 31, 10-13, 19-20. 30-31
“Nàng cần mẫn dùng tay làm việc”.
Trích sách Châm Ngôn.
Ai tìm được một người vợ tài đức? Nàng đáng giá hơn ngọc ngà. Chồng nàng đặt lòng tin tưởng nơi nàng và chàng không thiếu thốn vật thực. Trọn đời, nàng sẽ mang lại cho chồng sự lành, chứ không phải sự dữ. Nàng tìm lông chiên và sợi gai, rồi nàng cần mẫn dùng tay làm việc. Nàng ra tay đưa thoi dệt vải, và ngón tay nàng cầm xe kéo sợi. Nàng rộng tay bố thí cho người nghèo khó, và giơ tay hướng dẫn kẻ bần cùng.
Duyên dáng thì giả dối và nhan sắc thì hão huyền: Người phụ nữ kính sợ Chúa, sẽ được ca tụng. Hãy tặng cho nàng hoa quả do tay mình làm ra, và sự nghiệp của nàng hãy ca tụng nàng tại các cửa thành.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 127, 1-2. 3. 4-5
Ðáp: Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa
Xướng: Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người. Công quả tay bạn làm ra bạn được an hưởng, bạn được hạnh phúc và sẽ gặp may.
Xướng: Hiền thê bạn như cây nho đầy hoa trái, trong gia thất nội cung nhà bạn, con cái bạn như những chồi non của khóm ô liu, ở chung quanh bàn ăn của bạn.
Xướng: Ðó là phúc lộc dành để cho người biết tôn sợ Thiên Chúa. Nguyện Thiên Chúa từ Si-on chúc phúc cho bạn, để bạn nhìn thấy cảnh thịnh đạt của Giê-ru-sa-lem, hết mọi ngày trong đời sống bạn.
Bài Ðọc II: 1 Tx 5, 1-6
“Ngày của Chúa bắt chợt anh em như kẻ trộm”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca.
Anh em thân mến, về thời nào và lúc nào, anh em không cần chúng tôi viết cho anh em. Vì chính anh em đã biết rõ ngày Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong đêm tối.
Khi người ta nói rằng: “Yên ổn và an toàn”, thì chính lúc đó tai hoạ thình lình giáng xuống trên họ, như cơn đau đớn xảy đến cho người mang thai và họ không sao thoát khỏi. Phần anh em, hỡi anh em thân mến, anh em không còn tối tăm, đến nỗi ngày đó bắt chợt anh em như kẻ trộm, vì tất cả anh em là con cái sự sáng, con cái ban ngày; chúng ta không thuộc về ban đêm và tối tăm. Vậy chúng ta đừng mê ngủ như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và điều độ.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Lc 21, 36
Alleluia, alleluia! – Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể xứng đáng đứng vững trước mặt Con Người. – Alleluia.
Phúc Âm: Mt 25, 14-30
“Vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi”.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.
Khi ấy, Chúa Giê-su phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: “Có một người kia sắp đi xa, liền gọi các đầy tớ đến mà giao phó tài sản của ông. Ông trao cho người này năm nén bạc, người kia hai nén, người khác nữa một nén, tuỳ theo khả năng của mỗi người, đoạn ông ra đi.
“Người lãnh năm nén bạc, ra đi và dùng tiền ấy buôn bán làm lợi được năm nén khác. Người lãnh hai nén cũng đi làm lợi được hai nén khác. Còn người lãnh một nén, thì đi đào lỗ chôn giấu tiền của chủ mình.
“Sau một thời gian lâu dài, ông chủ các đầy tớ ấy trở về và đòi họ tính sổ. Vậy người lãnh năm nén bạc đến, mang theo năm nén khác mà nói rằng: “Thưa ông, ông trao cho tôi năm nén bạc, đây tôi làm lợi được năm nén khác”. Ông chủ bảo người ấy rằng: “Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi”. Người đã lãnh hai nén bạc cũng đến và nói: “Thưa ông, ông đã trao cho tôi hai nén bạc; đây tôi đã làm lợi được hai nén khác”. Ông chủ bảo người ấy rằng: “Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi”.
“Còn người lãnh một nén bạc đến và nói: “Thưa ông, tôi biết ông là người keo kiệt, gặt nơi không gieo và thu nơi ông không phát: nên tôi khiếp sợ (mà) đi chôn giấu nén bạc của ông dưới đất. Ðây của ông, xin trả lại cho ông”. Ông chủ trả lời người ấy rằng: “Hỡi đầy tớ hư thân và biếng nhác, người đã biết ta gặt chỗ không gieo, thu nơi không phát: vậy lẽ ra người phải giao bạc của ta cho người đổi tiền, và khi ta trở về, ta sẽ thu cả vốn lẫn lời. Bởi thế, các ngươi hãy lấy nén bạc lại mà trao cho người có mười nén. Vì người có sẽ cho thêm và sẽ được dư dật, còn kẻ chẳng có, thì vật gì coi như của nó, cũng lấy đi. Còn tên đầy tớ vô dụng, các ngươi hãy ném nó ra ngoài vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng”.
Ðó là lời Chúa.
CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM A
SUY NIỆM I
ĐỪNG CHÔN GIẤU ƠN CHÚA BAN
(Hội An 19/11/2023)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú
Có thể chúng ta không thấy, nhưng hôm nay, Chúa cho chúng ta cơ hội thấy Chúa trang bị mọi điều, để hiện thực giấc mơ của Thiên Chúa khi cho chúng ta sinh ra đời và hoàn thành mục đích cuộc đời chúng ta ở trần gian. Những vốn liếng Chúa ban cho ta dưới dạng hạt giống và khi ta ra tay gieo hạt, sử dụng vốn liếng ấy, là lúc ta chuẩn bị cho mình mùa thu hoạch. Đó là lý do mọi người được nhắc nhở: đừng chôn giấu những vốn liếng Chúa ban và mỗi người phải trả lời với Chúa về số vốn Chúa giao.
- Ân sủng và tài năng do Chúa ban
Vào thời Chúa Giê-su, tài năng được xem tương đương với tài sản lớn, người có tài năng là người giàu có. Nhưng trong dụ ngôn được Chúa sử dụng ở đây không nói riêng về việc quản lý tiền của, mà với nghĩa rộng hơn, nói về mọi ân sủng và tài năng Chúa ban.
Trước hết, mọi ân sủng và tài năng chúng ta có là do Thiên Chúa ban. Thánh Phaolô đã hỏi: “Có gì bạn có mà đã không do lãnh nhận? Nếu lãnh nhận, tại sao lại vênh vang? (1Cr 4,7). Thánh Giacôbê giúp hiểu thêm: “Mọi ân lành và mọi phúc lộc đều do từ trên, đều tuôn xuống từ Chúa Cha” (Gc 1,17). Như người chủ trong dụ ngôn đã trao cho người thân tín, người thì năm yến, người thì hai yến, người thì một yến, Thiên Chúa trao ban cho mỗi người ân sủng và tài năng tùy theo khả năng của họ. Không ai có quyền buộc Thiên Chúa trao ban ân sủng. Do lòng thương, Thiên Chúa ban cho người nhiều, người ít, nhưng ai cũng đủ ân sủng và tài năng Chúa ban để sinh lợi. Thế mà, nhiều khi chúng ta trở nên người mất trí, không còn nhớ những ơn chúng ta có là nhờ Thiên Chúa, quên bẵng Đấng ban ơn và lại vô ơn cho rằng tài năng ta có là do ta nỗ lực tìm kiếm. Những gì chúng ta có được là do Thiên Chúa ban cho con cái là chúng ta. Đức Phanxicô khéo léo nhắn nhủ: sự hiện diện của trẻ nhỏ trước mặt chúng ta nhắc cho chúng ta vị thế chúng ta là con cái Thiên Chúa.
Mọi ân huệ từ Thiên Chúa, nên mọi ân huệ đều đáng giá, nhất là do cái giá Chúa Giê-su phải trả để ban ân huệ cho chúng ta. “Nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Mt 7,11). Vì thế, đừng một ai đánh giá thấp vốn liếng ân sủng và tài năng Chúa ban. Đó là lý do người chủ nổi giận vì một người đã không biết quý vốn liếng được trao. Người này chẳng lấy cắp của chủ. Ông ta chỉ thấy vốn liếng của mình ít ỏi, nên không sử dụng vốn liếng ấy nhằm sinh lợi. Ông ta không nghe lời Chúa nói: “Hễ ai được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn” (Lc 12,48), nên mặc cảm về số vốn chủ giao và chôn giấu, khiến vốn liếng ông ta nhận được trở nên vô ích. Chúng ta thường nhìn những người khác và thấy họ là những người có tài năng, rồi nảy sinh so sánh với bản thân: tôi không được đánh giá có khả năng solo, nên tôi không tham gia ca đoàn. Tôi không được giàu có như người khác, nên tôi không thể đóng góp thời giờ hay ít là đồng tiền xu như bà góa nghèo. Tôi không có được trí thông minh như người khác, nên tôi không thể học giáo lý, không thể đảm nhận trách nhiệm gì v.v. Chúng ta bị cám dỗ so sánh với người khác, mà không nhận thấy khả năng Chúa ban cho đủ để chu toàn bổn phận như người phụ nữ trong sách Châm Ngôn hôm nay, có đủ tài năng coi sóc gia đình, cộng tác với chồng và làm cho gia đình thăng tiến.
Hằng ngày và ngày cuối đời ta, không ai muốn nghe lời Chúa nói với ta: “Hỡi đầy tớ hư thân và biếng nhác” (Mt 25,26). Vì thế, gương của những người sử dụng ân sủng và tài năng Chúa ban để làm sáng danh Chúa luôn là gương sáng cho chúng ta.
- Đừng chôn giấu! Hãy đem tài năng ra phục vụ Chúa
Dù có khác biệt về tài năng, người nhận năm nén, người nhận hai nén, nhưng tất cả họ đều đem ân sủng và tài năng ra làm lợi cho chủ. Thánh Phaolô khẳng định: “Chúng ta có những đặc sủng khác nhau, tùy theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người. Được ơn ngôn sứ, thì phải nói sao cho phù hợp với đức tin. Được ơn phục vụ, thì phải phục vụ. Ai khuyên răn, thì cứ khuyên răn. Ai phân phát, thì phải chân thành. Ai chủ tọa, thì phải nhiệt tâm, Ai làm việc bác ái, thì vui vẻ mà làm” (Rm 12,6-8). Và Chúa đã nói: ơn Chúa đủ cho chúng ta (x. 2Cr 12,9). Vì thế, Đức Phanxicô nhắc nhở: “Đừng chôn giấu những tài năng là quà tặng Chúa ban cho bạn”.
Sử dụng những quà tặng Chúa ban để nhận biết Chúa hơn, yêu mến Chúa hơn. Chẳng lẽ chúng ta quên Đấng ban ơn cho chúng ta sao? Chẳng lẽ Chúa ban ơn để ta chốn giấu? Sao bạn không cảm tạ và thờ phượng Chúa? Trung thành phục vụ Chúa là mục đích Chúa ban mọi ơn cho chúng ta và sử dụng tài năng phục vụ Chúa là tặng quà lại cho Chúa. Vì thế, đừng mệt mỏi tìm hiểu tôi có bao nhiêu ơn Chúa, bao nhiêu tài năng, nhưng tốt hơn, hãy sử dụng ngay những gì chúng ta được ban.
Chúa đang chờ đợi bạn ra tay phục vụ, Giáo Hội và giáo xứ đang mong mỏi bạn tham gia việc chung, mọi người sẽ vui mừng vì có thêm một gia đình hăng hái cộng tác với anh chị em khác. Chúa không cho chúng ta biết ngày mai sẽ ra sao, vì muốn chúng ta làm điều tốt nhất phục vụ Chúa trong hiện tại. Chúng ta sẽ trả lời Chúa sao nếu chúng ta tiếp tục chôn giấu ân sủng và tài năng Chúa ban?
Xin Chúa cho chúng con tận dụng mọi cơ hội hiện tại để làm sinh lợi những gì Chúa đặt vào bàn tay con. Xin cho cuối cùng chúng con được nghe Chúa nói: “Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín… Hãy vào hưởng niềm vui của chủ ngươi” (Mt 25,21).
SUY NIỆM II
HÃY LÀM CHO ĐỨC TIN SINH LỢI CHO TỚI KHI CHÚA ĐẾN
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang
Qua dụ ngôn trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn dạy rằng người môn đệ phải bày tỏ lòng trung thành hăng hái tham gia tích cực phục vụ Thiên Chúa và tha nhân, tức là hãy làm cho đức tin và hồng ân Chúa ban cho mỗi người sinh lời; ngược lại nếu thụ động lười biếng, đức tin teo tóp và chết khô. Quả thế, tất cả chúng ta đều là những người tôi tớ của Thiên Chúa và được Ngài trao những nén bạc: thân xác và linh hồn, đức tin và ân sủng, sức khỏe và bình an, thời gian và trí khôn, tài năng… nói chung tất cả những gì chúng ta đang có và đang quản lý.
Vì thế, Trước hết là tôi tớ tốt, chúng ta phải là người nhanh nhẹn hăng hái làm sinh lợi vốn liếng ông chủ giao. Qua dụ ngôn mười yến bạc, Đức Giêsu muốn nói với chúng ta: Thiên Chúa trao cho mỗi người số nén bạc không đồng đều, kẻ nhiều người ít. Nhưng điều đó không quan trọng. Quan trọng là cách mỗi người sử dụng những nén bạc đó như thế nào. Bởi thế, người lãnh 5 nén và người lãnh 2 nén đều làm sinh lợi và đều được thưởng như nhau, là “vào hưởng sự vui mừng của chủ”. Còn người thứ ba, gói kỹ nén bạc đã nhận và đem cất giấu số vốn vẫn còn đó, không sinh lợi gì, anh lại còn cả gan lên án ông chủ là khắc nghiệt “đòi cái không gửi, gặt cái không gieo”. Kết quả, anh bị thu lại số vốn và bị nghiêm phạt nặng nề. Chúng ta cũng vậy, Thiên Chúa trao cho mỗi người nén bạc đức tin giống nhau nhưng người thì có trước, người có sau, người khi mới sinh ra được 1 tháng, người thì đến 20 tuổi mới có, người 40 tuổi…
Khi nhận bí tích Rửa Tội chúng ta được ghi dấu Thánh Giá trên thân xác và được đón nhận chiếc áo trắng như là được mặc lấy chính Chúa Giêsu Kitô. “Vậy như anh em đã nhận Đức Kitô Giêsu làm Chúa, thì hãy tiếp tục sống kết hợp với Người. Anh em hãy bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Kitô Giêsu” (Cl 2,6–7). Trong bối cảnh xã hội hôm nay, giữa một xã hội với nhiều ý thức hệ và khuynh hướng sống xa lìa Thiên Chúa, lạ lẫm với Chúa Giêsu, đức tin lụi tàn… Vì vậy, hôm nay chúng ta được mời gọi chú tâm sống kết hiệp với Chúa Giêsu với mọi hoàn cảnh để đức tin của chúng ta sống và sinh nhiều hoa trái thiêng liêng: tình yêu, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân từ, lương thiện, trung tín, hiền hoà, tự chủ. Cho nên, chúng ta phải bén rễ sâu vào Chúa Kitô bằng đời sống cầu nguyện, tham dự cử hành các bí tích như thế chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu cách riêng tư, cũng như sống mối tương quan rất thân mật và thật gần gũi với Ngài. Cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu sẽ mang lại cho cuộc sống chúng ta một năng động mới, sức sống mới, sức mạnh mới. Một khi gặp gỡ được Chúa Giêsu, Chúa cuốn hút mình qua Lời Chúa để rồi mỗi ngày khi Lời Chúa càng thấm vào mình, và từ toàn bộ con người mình sẽ được hoà điệu với chính Chúa và tinh thần sống của Chúa từ đó giúp chúng ta có thể bén rễ, xây dựng và củng cố đời sống đức tin vững bền, can đảm và trung kiên trong mọi gian nan thử thách của cuộc sống.
Hôm nay Giáo Hội Việt Nam mừng lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, trước tiên chúng ta hãy hợp cùng các Ngài để tạ ơn Chúa. Các ngài là cha ông của chúng ta đã từng sống trên mảnh đất Việt Nam thân yêu này, các ngài là những con người như chúng ta, cùng một phong tục, một văn hoá như chúng ta. Và xét về mặt con người, các Ngài cũng có những mặt tình cảm, mặt giới hạn, những yếu đuối như chúng ta. Nhưng các Ngài đã trung thành với ơn Chúa cho đến cùng, bất chấp mọi gian nan thử thách, bất chấp những cực hình dã man và các ngài đã dùng cái chết thảm thương của mình để can đảm trung thành và làm chứng cho đức tin. Nhờ đâu mà các ngài được can đảm và mạnh mẽ như thế? Chính nhờ sống bén rê sâu, củng cố và hiệp thông trong Chúa Giêsu mọi nơi mọi lúc. Chẳng hạn, Thánh Phanxicô Xavie Mậu, Thầy giảng, Vua dụ chối bỏ đức tin và cho làm quan triều đình, không một chút lưỡng lự, thầy trả lời vị tổng đốc: “Tôi không ham quyền, tôi chỉ muốn chết vì đạo.” Ngài bị xử giảo (thắt cổ) chết ngày 27.5.1900. Rồi, Thánh Augustinô Nguyễn Văn Mới là một nông dân. Ngài nổi tiếng vì lòng sốt sắng, và bác ái mặc dầu rất nghèo nàn. Ngài bị xử giảo (thắt cổ) chết vì từ chối không bước qua thập giá. Qủa vậy, nhờ ơn “Can đảm” mà các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã sống và làm chứng cho đức tin một cách ngoan cường. Can đảm của các Ngài không phải là liều mạng, nhưng là quyết tâm của những con người có Chúa ở cùng. Các ngài tự do và xác quyết trong những quyết định khôn ngoan của mình để can đảm và chết cho đức tin hầu làm cho đức tin sinh lợi cho Chúa và Giáo hội đúng như lời Thánh Tertulianô khẩn định: “Máu của Các Thánh tử đạo là hạt giống nảy sinh các Kitô hữu”.
Giáo Hội của Chúa là Giáo Hội của những người tin, và Giáo Hội chỉ hiện hữu thực sự khi có người dám làm chứng về đức tin đó. Trong ngày mừng lễ Các thánh Tử đạo hôm nay, mỗi người chúng ta nhìn gương sống đức tin của các Ngài, để qua đó chúng ta nhìn lại cuộc sống đức tin của chính mình, chúng ta khám phá ra rằng: đôi khi vì miếng cơm manh áo mà chúng ta đã chẳng dám giữ đạo vì sợ mất chức, hay chỉ giữ đạo một cách hời hợt; vẫn còn đó những người vì tiền mà bán rẻ lương tâm để tìm kiếm những đồng tiền bất chính; vẫn còn những con người thà bỏ Chúa chứ không bỏ tiền, thà bỏ Chúa chứ không bỏ danh vọng… Tuy nhiên, những tâm hồn khuất bóng theo kiểu thà bỏ Chúa… như trên sẽ là những “bóng khuất” của đêm tối đức tin, đức tin ấy sẽ bị tàn lụi, chết héo khô không sinh lợi gì? Vì chưng Chúa Giêsu nói: “Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?”. Lạy Chúa, các thánh Tử Đạo đã dùng máu đào để bảo vệ đức tin và làm đức tin sinh ích, xin Chúa giúp chúng con luôn trung kiên theo Chúa, dám khước từ danh lợi thú trần gian để nên làm cho đức tin của chúng con sinh nhiều hoa trái tốt cho Chúa và Giáo Hội trong cuộc sống hôm nay. Amen.
LỄ KÍNH TRỌNG THỂ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO
SUY NIỆM I
Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành.
BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II
TRONG NGÀY TUYÊN PHONG CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM 19.6.1988
2. Một cách đặc biệt tôi gửi lời chào tất cả anh chị em Việt Nam, hiện là thành phần giáo đoàn thế giới, hôm nay từ bốn phương trời: Mỹ Châu, Á Châu, Uc Châu và Au Châu, tuốn về địa điểm này. Tôi biết rằng anh chị em đang ôm nặng ước nguyện tôn vinh các vị Tử Đạo đồng hương, nhưng trong thâm tâm còn tự cảm thấy nhu cầu đứng chung quanh các vị thánh, để xe kết tình huynh đệ kết nghĩa, thương mến, hiện đang phập phồng trong đáy lòng vì nghĩ đến giang sơn gấm vóc ở xa. Hướng về quê hương này anh chị em hoài cảm, luyến ái, nhớ nhung, là vì giữa thời gian phiêu bạt, anh chị em cố tìm ra một giây phút cảm thông với nhau và cùng chung sống niềm hy vọng.
Lên tiếng với anh chị em để hô vang Chúa Kitô tử nạn thập giá, tất cả chúng tôi hôm nay để lời cám ơn anh chị em vì tấm gương nhân chứng đặc biệt các vị thánh tử đạo của Giáo Hội Việt Nam anh em đã nêu cao, bất cứ các ngài là con dân Việt Nam, hay là những vị thừa sai xuất xứ từ những nước đã in sâu mầm mống đức tin Chúa Kitô.
Làm sao kể lại cho hết? Tất cả là 117 vị Tử Đạo, trong số đó có 8 vị Gám Mục, 50 Linh Mục, 59 giáo dân, trong số đó có một phụ nữ, Thánh A-nê Lê Thị Thành, mẹ 6 người con?
Truyền thống còn ghi nhớ lịch sử chết vì đạo của Giáo Hội Việt Nam rất bao quát, phức tạp ngay từ lúc ban đầu. Từ năm 1533, nghĩa là từ lúc miền Đông Nam Á châu vừa được truyền đạo, Giáo Hội Việt Nam đã chịu bách hại suốt ba thế kỷ, trừ một vài năm cách quãng, giống hệt ba thế kỷ bắt bớ của Giáo Hội Âu Châu hồi xưa. Từng ngàn giáo hữu tử đạo, từng trăm số người đã chết lưu lạc trên núi, trong rừng sâu nước độc.
Để lấy một thí dụ: trong các vị Tử Đạo hôm nay, đi tiền phong có thánh Vinh-sơn Liêm, dòng Đa-minh, là người Việt tử đạo đầu tiên năm 1773. Rồi tới linh mục An-rê Dũng Lạc, sinh trưởng trong một gia đình rất nghèo khó, bên lương, từ nhỏ đã phải “bán” cho một thầy giảng dạy giáo lý, nhưng rồi Chúa cho tới chức linh mục năm 1823, được bổ nhiệm chính xứ và đương nhiên thành nhà truyền giáo trong nhiều địa hạt. Nhiều lần đã bị lao tù, nhưng vẫn được giáo dân tốt lành đem tiền chuộc về, trong khi bản thân ngài mong chờ được chết vì Chúa. Ngài nói: “Những người chết vì đức Tin thì lên thiên đàng thẳng băng, tại sao chúng ta cứ phải ẩn náu, phải tốn tiền đút lót cho quan quyền: thà để cho chúng tôi bị bắt và rồi tử đạo có phải hơn không!” Thực ra, vẫn một ý chí hăng say và được ơn Chúa nâng đỡ, ngài đã anh dũng chịu trảm quyết tại Hà Nội ngày 21 tháng 12 năm 1839.
3.Trong bài Phúc Am hôm nay nhắc lại những gì Chúa Kitô tiên đoán về sự kiện các tông đồ và những ai theo chân các ngài sẽ bị bách hại: “Họ sẽ lôi chúng con ra tòa công nghị, sẽ đánh đập chúng con giữa hội đường, sẽ điệu chúng con ra trước vua chúa quan đuyền vì danh Cha, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại” (Mt 10:17-18). Chúa tiên báo cho các tông đồ và cho các môn đệ các ngài trong mọi thời đại, và Chúa tiên báo một cách hết sức rõ rệt, không có úp mở. Chúa không đưa đẩy với những lời hứa hẹn xa gần, nhưng với thói quen nói thẳng lời chân lý toàn diện, Chúa chuẩn bị tâm hồn các ngài trước nguy cơ: “Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên tố cáo làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Cha, chúng con sẽ bị mọi người ghét bỏ, nhưng ai bền chí đến cùng sẽ được cứu độ” (Mt 10:21-22).
4. Tuy nhiên Thầy chí thánh không bỏ rơi các tông đồ và các người tin theo các tông đồ trong những cơn bách hại: “Khi bị nộp vào tay họ, chúng con đừng lo phải nói thế nào và nói gì, lúc đó sẽ dạy chúng con những điều phải nói. Vì thực ra không phải chúng con nói, nhưng là Thần Linh của Chúa Cha nói trong các con” (Mat 10:19-20)…
xxx
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là hình ảnh ‘người nữ đảm đang’ trong bđ1, là ‘những đầy tớ biết ‘tỉnh thức sẵn sàng’ trong bài Tin Mừng, và là ‘con cái ánh sáng’ trong bài đọc 2.
Bài đọc 1 (Cn 31,10-13.19-20.30-31) : Sách Kinh Thánh 2011 của nhóm CGKPV viết về ‘người nữ đảm đang’ của sách Châm Ngôn như sau : Đây là một bài thơ gồm hai mươi hai câu, mỗi câu bắt đầu bằng một mẫu tự dựa theo đúng thứ tự của bản mẫu tự Híp-ri. Chủ đề người vợ đảm đang đã được nói đến nhiều lần (11,26 ; 12,4 ; 18,22 ; 19,14) nên ta không lạ khi thấy sách Cn được kết thúc bằng hình ảnh một người vợ lý tưởng. Nếu như sách Dc (7,1-10) nhấn mạnh đến sắc đẹp, thì ở đây người phụ nữ lại nổi bật vì sự khôn ngoan và đảm đang. Nàng biết buôn bán làm ăn (cc. 14.16.24), giỏi dệt vải (cc. 13.19.22.24), biết lo cho mọi người trong nhà (cc. 15.21) và người nghèo (c.20). Nàng là nội tướng (cc. 15c.26.27a), để chồng lo việc công (c.23). Nàng đảm đang, nhưng hơn nữa nàng còn biết kính sợ Đức Chúa (c.30), chính vì thế nàng được chồng con và mọi người ca ngợi (cc. 28-31)
Bài Tin Mừng (Mt 25,14-30) : Cha Nguyễn Công Đoan viết về BTM: ‘Sự tỉnh thức chờ đợi của chúng ta còn một chiều kích khác mà Chúa nêu lên qua dụ ngôn ‘những yến bạc’. Chúa đưa ra ba mẫu tôi tớ được chủ trao những yến bạc, tùy khả riêng mỗi người : năm yến, hai yến và một yến. Rồi ông chủ ra đi. Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ. Người lãnh năm yến đã làm lợi được 5 yến, người lãnh hai yến đã làm lợi được 2 yến. Cả hai được chủ khen là tài giỏi và trung thành, hứa trao nhiều hơn và gọi ‘vào hưởng niềm vui của chủ ngươi’. Cuối cùng người lãnh một yến tiến lên, mở đầu bằng một nhận xét về ông chủ ‘Tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi’. Với nhận thức đó về ông chủ, anh đã làm gì với yến bạc ? ‘Vì thế tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy’. Anh này đã hành động ngược với đức khôn ngoan : ‘Kính sợ Đức Chúa là bước đầu của sự khôn ngoan’ (Cn 9,10). anh này sợ thì hóa ra khờ, tê liệt…
Ông chủ tỏ ra là người quảng đại, chứ không như tên đầy tớ tồi tệ nói. Ông đâu có lấy lại yến bạc. Nguời đã làm lợi được năm yến bây giờ có mười yến trong tay, và được thêm yến bạc từ tay tên đầy tớ tồi tệ và lười biếng. Số phận của tên đầy tớ tồi tệ và biếng nhác thì không có gì gây nhạc nhiên. Nhưng chuyện ông chủ truyền trao yến bạc từ ay hắn cho người đã có 10 yến thường gây thắc mắc. Ông chủ đã trao tùy theo khả năng mỗi người và mỗi người phải làm theo khả năng của mình với số vốn được trao. Chúa trả lời chúng ta nguyên tắc : ‘Ai đã có thì được cho thêm và sẽ có dư thừa, và ai không có thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy đi’. Cái được trao là của ông chủ, khi nào biết đón nhận và làm cho sinh hoa kết quả thì mới là của mình. Ông Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu đều dùng hình ảnh cây và trái ‘cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa’ (Mt 3,10; 7,15-20); cây mà chỉ có là, mà không có trái thì bị chết khô (Mt 21,18-19). Trong Tin mừng Gioan Chúa dùng hình ảnh cây nho, cành nào không sinh trái sẽ bị chặt đi và quăng vào lửa (Ga 15,6). Yến bạc tượng trưng cho tất cả những gì Chúa trao cho chúng ta mà chúng ta nhận biết nhờ đức tin chân chính. . ‘Đức tin không có việc làm là đức tin chết’ (Gc 2,17); nên đọc cả c.1 và c.2 để hiểu rõ hơn. Cuối bài giảng trên núi, Chúa đã nói đến khôn và dại : người nghe Lời Chúa và đem ra thực hành ví được như người khôn xây nhà trên đá’, còn ai nghe mà chẳng đem ra thực hành thì ví được nghư người ngu đại xây nhà trên cát’. Đức tin sinh hoa trái nhờ đức ái (x. 1Co 13,1-3). Chúng ta sẽ thấy rõ hơn ý nghĩa này trong dụ ngôn cuối ‘cuộc phán xét chung’ (Tĩnh Tâm Với Sách Tin Mừng Mát-thêu, trang 194-195).
Bài đọc 2 (1Tx 5,1-6) : Sách KT 2011 của nhóm CGKPV viết về bđ2 như sau : Ánh sáng tượng trưng cho sự sống, hạnh phúc và vui mừng ; tối tăm là hình ảnh của sự chết, khốn khổ và đau thương, G 30,26 ; Is 45,7. Ánh sáng nói lên ơn cứu chuộc của Chúa Giê-su, và chính mình Người : Ga 1,9 ; 9,1-39 ; 12,35 ; 1 Ga 2,8-11. Tối tăm là sự diệt vong của Xa-tan : 2 Cr 6,14-15 ; Cl 1,12-13 ; 1 Pr 2,9 ; Cv 26,18. Người đời chia thành con cái ánh sáng, và con cái tối tăm : Lc 16,8 ; 1 Tx 5,4-5 ; Ep 5,7-8 ; Ga 12,36 ; tuỳ theo lối sống của mình : Mt 6,23 ; 1 Tx 5,4… ; 1 Ga 1,6-7 ; 2,9-10. Cuối cùng, ánh sáng sẽ thắng tối tăm : Ga 1,5 ; 1 Ga 2,8 ; Rm 13,12.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, gương anh hùng bất khuất của Các Vị Tử Đạo cha ông chúng con cho chúng con hãnh diện kiên cường. Chúng con cảm tạ Chúa. Xin cho chúng con biết nói ‘không’ trước những cám dỗ, những cách sống bất chính, bất trung với niềm tin Công giáo trong xã hội, để chúng con xứng đáng là con cháu Các Ngài, đế chúng con xứng đáng lãnh hồng ân Cứu chuộc Chúa ban cho chúng con.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.
SUY NIỆM II
SỐNG ĐỜI TỬ ĐẠO MỖI NGÀY
Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (Hội An 24/11/2023)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú
Trong ngày trọng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Ki-tô hữu Việt Nam nhớ đến các vị đã được Giáo Hội tuyên dương ghi vào sổ bộ các thánh và đông đảo các vị hy sinh mạng sống để tuyên xưng đức tin vào Chúa Giê-su. Giáo Hội Việt Nam cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho dân tộc Việt Nam có nhiều chứng nhân đức tin. Giáo hội không vui mừng vì có nhiều người gây chết chóc cho đồng bào mình; Giáo Hội cũng không vui vì có nhiều người đổ máu và mất mạng sống, nhưng Giáo Hội vui mừng vì trong hoàn cảnh hận thù và khắc nghiệt đó, vẫn có nhiều tín hữu hy sinh mạng sống bày tỏ tình yêu đối với Chúa Giê-su, đối với Giáo Hội và đối với mọi người, mà không một chút oán thù những người làm hại mình. Nhân dịp trọng đại này, chúng ta tự hỏi: khi ngày nay ý nghĩa chữ “tử đạo” không còn trong sáng, còn cần Ki-tô hữu tử đạo không? Làm thế nào sống đời tử đạo?
Quả thật, ý nghĩa chữ “tử đạo” ngày nay đang bị vấy bẩn, không còn trong sáng. Những hiện tượng trên thế giới gần đây khiến người ta nghĩ rằng tử đạo là liều mình tự sát giữa những người mà họ muốn phải chết cùng họ, càng nhiều càng thành công. Giáo Hội không hiểu như thế. Trong Giáo Hội, không hề có chỗ trên bàn thờ cho một người nào cố tình giết chết người khác hay tôn vinh người nào giết được nhiều người, dẫu nhân danh đức tin.
Để hiểu “tử đạo” là gì theo Giáo Hội, chúng ta cần trở lại thời kỳ đầu của Giáo Hội. Vào thời kỳ ấy, các vị tử đạo là thành phần không thể thiếu trong Giáo Hội. Các ngài liều mất mạng sống để minh chứng đức tin và bảo vệ đức tin vào Chúa Giê-su. Thánh Phê-rô, thánh Phaolô, thánh nữ Perpetua và Felicita được Giáo Hội tôn vinh bởi các ngài hy sinh mạng sống vì danh Chúa Giê-su và thánh tích của các ngài được lưu giữ cách cung kính trong Giáo Hội. Không chỉ vậy, ngay cả nơi các ngài chịu khổ hình và chịu chết, nay đã trở thành đất thánh. Vào thế kỷ 18, Đức Bênêđictô 14 đã công bố đấu trường Rôma (Colosseum) là đất thánh, vì nơi đó Ki-tô hữu đã đổ máu tử đạo.
Tại Việt Nam, các thánh tử đạo đông đảo hơn 130.000 vị, mà con số 117 vị là tiêu biểu, đều là những vị hy sinh mạng sống vì đức tin vào Chúa Giê-su. Thánh Đaminh Bùi Văn Úy nói trước quan quyền: “Nếu tôi bước lên thánh giá, thì tôi xúc phạm đến Chúa và bất hiếu với cha mẹ, vì song thân tôi dạy tôi trung thành với đức tin cho đến chết”. Thánh Phê-rô Cao thì cầu xin Chúa: “Xin cho con chịu đau khổ vì Danh Đức Ki-tô”. Thánh Giuse Nguyễn Văn Lựu dõng dạc nói:” Đạo đã nhập vào xương tủy tôi, làm sao tôi có thể bỏ được”. Còn thánh Phaolô Hạnh, dù có quá khứ không mấy tốt đẹp vẫn tuyên xưng đức tin: “Tôi là Ki-tô hữu và Ki-tô hữu cho đến chết”. Giáo Hội tôn vinh các ngài và khẩn cầu các ngài phù giúp. Trong những giáo xứ có các vị tử đạo, thánh tích các ngài được cung kính lưu giữ. Nơi các ngài chịu tử đạo luôn được xem là đất thánh. Chẳng hạn, pháp trường Phước Kiều. Như vậy, nơi được gọi là chỗ tắm máu, nay trở nên biểu tượng của đức tin, của lòng thương xót và hòa giải.
Tuy nhiên, nhà thần học Karl Rahner nhận định, tử đạo còn là hành động quyết liệt liều mất mạng sống để bảo vệ các giá trị Ki-tô giáo nữa. Quả thế, từ thế kỷ 16 đến nay, các vị chịu chết vì sự hiệp nhất Giáo Hội được tôn vinh, như trường hợp thánh Tôma More. Đến thế kỷ 20, có vị được tôn vinh là thánh vì bị giết chết do bênh vực và bảo vệ người nghèo, người chịu bất công, chẳng hạn trường hợp thánh Oscar Romero ở El Salvador, hay như thánh tử đạo Maximilian Kolbe nêu gương yêu thương chết thay cho người khác.
Như vậy, “tử đạo” nay được hiểu là các vị hy sinh mạng sống làm chứng cho đức tin, tử đạo làm chứng cho công lý, tử đạo làm chứng lòng bác ái. Nói cách khác, tử đạo là chịu chết vì sống theo sát và nên giống Chúa Giê-su.
Trước tòa án Philatô, Chúa Giê-su tuyên bố Ngài đến làm chứng cho sự thật: Ngài từ Chúa Cha mà đến. Chúa Giê-su còn cho biết sứ mạng của Ngài đến trần gian là phục hồi sự công chính: loan Tin Mừng cho người nghèo khó, công bố tin vui được tha cho kẻ bị giam cầm, trả tự do cho người bị áp bức (x. Lc 4,18). Chúa Giê-su còn là chứng nhân của tình yêu. Ngài đã nói: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài” (Ga 3,16). Đó là niềm xác tín của thánh Phaolô: “Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,8). Không chỉ tin nhận Chúa Giê-su chịu chết vì Tin Mừng, vì loan báo công lý, loan báo tình yêu, các vị tử đạo mọi thời còn được Chúa Thánh Thần soi sáng hiểu ý nghĩa cuộc hiến tế của Chúa Giê-su và hiểu lời mời gọi vác thánh giá theo Chúa. Đó cũng là con đường hôm nay của mỗi Ki-tô hữu.
Thánh tử đạo Oscar Romero hướng dẫn: “Chúng ta sẵn sàng chết vì đức tin ngay cả khi Chúa không ban cho chúng ta vinh dự này… Hiến dâng mạng sống không chỉ là mất mạng sống, mà còn là dâng hiến trong thinh lặng, trong cầu nguyện, trong trung thành việc bổn phận, âm thầm dâng hiến từng lúc, từng lúc.” Chúng ta hiểu đó là cuộc tử đạo mỗi ngày. Như vậy, mỗi ngày chúng ta có nhiều cơ hội tử đạo theo gương Chúa Giê-su và các thánh tử đạo Việt Nam: cơ hội chiến thắng tội lỗi và nết xấu để nên thánh, cơ hội từ bỏ ý riêng của mình để thuận theo lời Chúa, cơ hội yêu thương người mà ta đang ghét bỏ, cơ hội bênh vực người thân cô, thế cô, cơ hội dành thời giờ phục vụ Chúa và Hội Thánh. Quá nhiều cơ hội Chúa cho chúng ta mang thương tích tử đạo, nhưng cũng là một thách thức lớn đối với Ki-tô hữu khi sống giữa thời đại ngại hy sinh, nếu không muốn nói loại trừ hy sinh. Một tín hữu thi sĩ lớn trong thế kỷ vừa qua, ông Eliot, đã viết ba câu đáng ghi nhớ: “Trong một thế giới của kẻ chạy trốn/ Người đi ngược chiều/ Sẽ bị coi là kẻ đang chạy trốn”. Các vị tử đạo xưa và nay bị xem là những kẻ đi ngược thời đại. Nhưng xin Chúa cho chúng con là người can đảm đi ngược chiều thời đại, mà hướng ngược chiều của chúng con là con đường các thánh tử đạo Việt Nam đã đi, là hướng về Chúa, Đấng yêu thương và chịu chết vì chúng con.