Chúa Nhật XXXIV – Lễ Chúa Kitô Vua
SUY NIỆM I
Chúa Nhật XXXIV – Lễ Chúa Kitô Vua
Lời Chúa: 2Sm 5, 1-3; Cl. 1, 12-20; Lc. 23, 35-43
CHÚA GIÊSU, VUA THẬT TRONG CÕI LÒNG TA
Lm Giuse Nguyễn Quốc Quang
Ngày nay ai ai cũng biết đến mạng xã hội Facebook, quả thật Facebook đã “hớp hồn”, làm chết mê chết mệt nhiều người nhiều lưới tuổi cho nên rất nhiều người coi nó như thần tượng, là vua cõi lòng mình sẵn sàng sống chết với nó. Facebook là công cụ tuyệt vời cho việc kết nối tình nhân loại hôm nay. Facebook có những giá trị và thuận lợi cho việc truyền tải các thông tin cho cộng đồng nhân loại một cách nhanh nhất. Tuy nó cũng có mặt trái của nó đó là Facebook đang đưa nhiều người đến với một cuộc sống vô cùng ảo! Tại thế giới ảo này mọi giá trị, chuẩn mực được đo đếm bằng những nút like, share, hay những lượt comment. Người dùng Facebook sẵn sàng từ bỏ những mối quan hệ thật ở đời để cài cửa chat chit với những người ảo mà không biết một chút thông tin gì về những người đó. Cũng chính vì đam mê những giá trị ảo trên Facebook mà vô tình, người ta tự tôn Facebook thành ông vua ảo của cõi lòng mình để sống thực trong cuộc sống. Cho nên mới có biết bao nhiêu vụ lừa tình, lừa tiền cũng vì like nhau qua Facebook. Rồi mới đây, một bạn trẻ lên Facebook tuyên bố nếu bức ảnh của mình đủ 4k like thì anh sẽ tự thiêu rồi nhảy xuống cầu tự tử. Hay mới đây một cô bé học sinh cấp 2 chạy theo “Hội nói là làm” trên Facebook, cô bé câu like trên mạng kêu gọi đủ 10k like là đốt trường và cô bé đã đốt trường thật. Cho nên, người ta hôm nay có câu: “lên non mới biết non cao, lên face mới thấy biết bao não phiền”. Vì vậy, nếu chúng ta cho Facebook là vua cõi lòng chúng ta thì chúng ta cho rằng những người bạn ảo trên Face thân thiết hơn những người bạn đời thường, và đương nhiên nó khiến chúng ta mất đi tình cảm, yêu thương, sẻ chia tình người với những người đang sống thực sự với chúng ta.
Lời Chúa trong Thánh Lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ hôm nay vang lên một sứ điệp, một chân lý sống mà từ khi Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người thật, đã nói và vẫn còn sống mãi cho tới hôm nay và cho đến muôn đời rằng: Chúa Giêsu là Tình Yêu, là Sự Thật và là Sự Sống. Vì thế, chỉ có Chúa Giêsu mới nói: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8,12); “Tôi là sự Sống lại và là sự Sống. Ai tin vào tôi thì dù có chết cũng sẽ sống; và ai sống và tin vào tôi sẽ không chết bao giờ” (Ga 11, 25-26) và “Thiên Chúa là Tình yêu, Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (1Ga 4,7). Qủa thật, những câu nói của Chúa Giêsu không phải là những lời hay lý đẹp, Ngài đăng lên Facebook để câu like, để là người triệu like, người nổi tiếng trong thế giới ảo, mà Ngài nói bằng con người thật từ một “Người vốn vĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 4,6-8). Chúa Giêsu vô tội nhưng chết để làm gì? Lời Chúa trong bài đọc hai hôm nay trả lời rằng “để nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” một thế giới có thật (Cl 1,20).
Cho nên, chúng ta thấy rõ lý do tại sao trong ngày lễ Chúa Giêsu Kitô là Vua, mà các bài Lời Chúa không nói gì về việc làm vua của Chúa Giêsu mà nói đến cái chết của Chúa Giêsu trên thánh giá? Bởi vì chính cái chết của Chúa Giêsu chứng minh rằng Chúa Giêsu vị Vua Tình Yêu, rao giảng về tình và sống chết vì tình yêu thật sự trên trần gian này chứ không phải trên thế giới ảo. Một tình yêu chân thật đó là hy sinh cho người mình yêu. Cụ thể, Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa toàn năng, phép tắc, giàu sang phú quý nhưng lại sinh ngoài đồng, ăn đôn đả, ở ngoài đường và chết ngoài đồi để chỉ mong rao giảng cho mọi người biết Tình yêu của Chúa và Đạo lý của Ngài để ai sống với Đạo lý ấy thì được hạnh phúc và bình an ngày đời này và đời sống. Khi sống trên trần gian, Chúa Giêsu đã minh chứng cho điều Ngài rao giảng là yêu thương phục vụ những kẻ cô thế cô thế, người nghèo khổ, chữa lành bao bệnh tật, tha thứ cho người có tội, cho kẻ chết sống lại và lên Thiên đàng hưởng phúc đời đời rõ ràng trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu nói với tên gian phi kia rằng: “”Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”.
Qua lễ Chúa Giêsu Vua vũ trụ hôm nay, mỗi người chúng ta cần phải tự hỏi mình rằng chúng ta có để cho Chúa làm chủ, làm vua tâm hồn và đời sống của mình hay chưa? Chúng ta nhận Chúa là vua vũ trụ xem ra là một việc dễ dàng, còn việc để Chúa làm vua tâm hồn và đời sống của mình không phải là một việc dễ dàng tí nào, vì chúng ta còn quá nhiều lệ thuộc cho tự do ích kỷ của chúng ta, chúng ta còn nô lệ cho quá nhiều những cám dỗ đầy hấp dẫn của ma quỉ. Chúng ta là con cái Chúa, mà đã là con cái Chúa thì chắc chắn chúng ta chọn Chúa Giêsu là vua cõi lòng chúng ta. Và qua phép Rửa tội, mỗi người chúng ta được thông phần vào cái chết và sự sống của Chúa Giêsu, được tham dự vào chức năng làm vua của Chúa Giêsu Kitô. Vậy chúng ta phải làm cho vương quốc của Chúa Kitô cũng là vương quốc của chúng ta phát triển và lan toả trong cuộc sống chúng ta đồng thời danh Cha cả sáng, Nước Chúa trị đến bằng cách lắng nghe và thi hành Lời Chúa trong cuộc sống thực của chúng ta vì chỉ có Lời Chúa mới đem lại phúc trường sinh. Cho nên, vương quốc của Chúa khác với vương quốc ảo. Vương quốc của Chúa được xây dựng không bởi các lượt like, share hay comment nhưng bởi tình yêu thật sự giữa Chúa với mọi người và giữa mọi người với nhau trong cuộc sống bằng những việc làm yêu người như Chúa yêu. Chúa yêu chúng ta như thế nào, hãy nhìn lên cây Thánh giá hôm nay có dòng chữ: INRI, viết tắt của tiếng Do Thái là: Jesus Nazareus Rex Judaeorum: “Giêsu Na-da-rét, Vua của người Do Thái” nhưng đọc chung bốn chữ cái lại là: INRI. Có nghĩa là khi nhìn lên Thánh giá mình hỏi Chúa lạy Chúa con yêu người như thế nào? Chúa trả lời: hãy yêu INRI nhé, có nghĩa yêu là hy sinh thật sự cho người mình yêu, đó là tình yêu đích thực nhất.
Ước gì qua thánh lễ hôm nay, xin Chúa Kitô là Vua vũ trụ và là Vua của lòng trí chúng ta đổ tràn đầy tình yêu Chúa xuống trong tâm hồn mỗi người chúng ta để sẵn sàng sống chết cho Chúa và tha nhân qua việc thờ phượng Chúa một cách chân tình thật sự đồng thời biết yêu thương, hy sinh, phục vụ, tha thứ thật lòng cho những anh chị em sống bên cạnh chúng ta và nhờ đó mọi người nhận ra Vương quốc Chúa thật đang ngự trị ở giữa nhân loại chúng ta hôm nay. Trong niềm tin tưởng vào Chúa Giêsu Kitô là vua vũ trụ, chúng ta cùng nhau tuyên xưng đức tin…
SUY NIỆM II
VUA GIÊ-SU VÀ THÁNH GIÁ
Lễ Chúa Ki-tô Vua (Hội An 20/11/2022)
Lm Giuse Nguyễn Văn Thú
Hôm nay là Chúa Nhật cuối năm phụng vụ, Hội Thánh dành Chúa Nhật này để suy tôn Chúa Ki-tô là Vua của toàn thể vũ trụ, của Hội Thánh và của mỗi người. Hội Thánh thiết lập thánh lễ Chúa Giê-su Ki-tô Vua vào năm 1925, nhằm kỷ niệm 1600 năm khai mạc công đồng Nicêa (325), đồng thời tuyên xưng đức tin trong thời đại chủ nghĩa Phát-xít và chủ nghĩa thế tục chỗi dậy sau thế chiến thứ nhất, những chủ nghĩa tuyên bố Thiên Chúa đã biến mất, xem Thiên Chúa như là một huyền thoại và thế giới này từ nay thuộc quyền của con người. Người ta sợ Thiên Chúa làm vua của họ!
- Chúa Ki-tô Vua khác các vua trần thế
Ám ảnh về sự khắc nghiệt và độc đoán của các triều đại phong kiến và độc tài khiến người ta có thành kiến với các vua chúa. Tuy nhiên, Hội Thánh không tôn vinh Chúa là vua theo quan niệm trần thế, bởi Hội Thánh nhận thức Chúa Giê-su không muốn điều đó.
Những tường thuật trong Tin Mừng cho biết, Chúa Giê-su không làm vua theo quan niệm trần thế. Khi Chúa Giê-su làm phép lạ nuôi sống hàng ngàn người, đám đông phấn khích trước quyền năng của Chúa và họ vui mừng vì có Chúa ở giữa họ, nên họ tôn Chúa làm vua của họ, để từ nay, có Chúa giải quyết mọi nhu cầu của họ về vật chất cũng như tinh thần. Chúa Giê-su không là vua như thế, nên Ngài đã lẫn tránh đám đông. Thánh Phê-rô bất ngờ khi nghe Chúa nói Ngài phải lên Giêrusalem chịu chết, nên can ngăn Chúa, bởi Phê-rô và các tông đồ hy vọng Chúa làm vua giải thoát Israel khỏi ách đô hộ Rô-ma, nhưng Chúa đã trách Phê-rô: “Satan, lui lại đàng sau Thầy!”, vì Chúa Giê-su không là vua dùng gươm giáo và bạo lực để chiến thắng kẻ khác. Trong biến cố Chúa vào thành Giêrusalem, người ta trải áo xuống đường tung hô Chúa là vua dân Do Thái, nhưng Chúa muốn đám đông hiểu rằng Ngài không là vua với quyền lực thống trị hay với sự giàu có, mà là vua khác với quan niệm trần thế. Ngài không ngồi trên ngựa chiến oai hùng, mà ngồi trên một con lừa, loài vật các gia đình nghèo thường có để mang vác gánh nặng. Tại tòa án, quan Philatô rất muốn biết Chúa Giê-su là vua như thế nào, thì Chúa Giê-su xác nhận Ngài là vua, nhưng nước của Ngài không thuộc thế gian này. Nước của Chúa Giê-su không nhằm thống trị kẻ khác, nhưng cốt để phục vụ mọi người và cứu độ mọi người. Chúa Giê-su đã cho biết như thế khi trả lời với Giacôbê và Gioan, những người xin được tham dự vào trong quyền bính của Chúa.
Vì thế, trong thánh lễ hôm nay Hội Thánh không tôn vinh Chúa Giê-su như vị vua trần thế, mà là vị vua được sách Khải Huyền tung hô: “Vua các vua, chúa các chúa” (Kh 19,16). Hội Thánh xác tín Chúa Giê-su là Vua.
- Chúa Ki-tô Vua trên ngai thánh giá
Những người theo khuynh hướng chủ nghĩa thế tục sợ Chúa Giê-su làm vua của thế giới và của họ, vì sợ Chúa can dự vào cuộc đời của họ, làm phiền họ. Họ sống như thể không có Thiên Chúa, hay xem Thiên Chúa như một chọn lựa tùy vào mỗi người, khi thì chọn Chúa, khi thì bỏ Chúa. Khuynh hướng đó đang ảnh hưởng trên nhiều người của xã hội thực dụng này, ngay cả trên một số Ki-tô hữu. Họ nói họ là Ki-tô hữu, nhưng không để Chúa làm chủ cuộc đời họ, không hướng mọi quyết định của họ về với Chúa.
Ngược lại, Hội Thánh xác tín Chúa Giê-su là Vua vũ trụ, là Vua của mỗi tâm hồn. Niềm tin Chúa là Vua đã có nền tảng sâu xa trong Thánh Kinh và thần học, chứ không phải từ khi thiết lập lễ Chúa Giê-su Vua. Thiên sứ Gabriel đã loan báo Hài Nhi Giê-su “sẽ nên cao cả, sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Ngài ngai vàng vua Đa-vít” (Lc 1,32). Ngai vàng của Chúa Giê-su không ở Bạch Cung, Thanh Cung hay Hoàng Cung, mà ở trên thánh giá. Thánh sử Luca ghi lại điều hiển nhiên này: “Phía trên đầu Chúa có tấm bảng viết: người này là vua dân Do-thái” (Lc 23,38). Đối với những nhiều người, sự kiện Chúa ở trên thánh giá trở nên nguyên cớ cho họ chế giễu: Đấng là vua mà thế sao? Đấng đến cứu độ con người mà vậy sao? Ngay cả người trộm cướp bên tay tả Chúa cũng cho mình có quyền nhục mạ Chúa như thế. Nhưng đối với Hội Thánh, ở trên thánh giá, Chúa Giê-su hiến tế chính mình Ngài cứu độ nhân loại, cứu độ vũ trụ, ở trên thánh giá, nhân loại nhận thấy tình yêu của Thiên Chúa. Trên thánh giá, Chúa Giê-su biểu dương quyền lực của Ngài trên sự dữ và sự chết, biểu lộ vương quốc của Ngài và vương quốc tình yêu. Đó là lý do con người đến với Chúa không vì sợ hãi, nhưng với niềm vui được cứu độ, được tha thứ và được thuộc về Chúa. Người trộm cướp bên tay hữu Chúa được gọi là “người trộm lành,” vì anh đã nhận ra vương quyền tình yêu của Chúa trên cuộc đời của anh: “Xin nhớ đến tôi khi nào Ngài về Nước của Ngài.” Về sau các tông đồ đã hiểu chính ở trên thánh giá, lời Chúa Giê-su tỏ rõ: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy” (Mt 28,18).
Hội Thánh suy tôn Chúa Giê-su là Vua vũ trụ, Vua của Hội Thánh và của mọi tâm hồn. Còn chúng ta, Chúa Giê-su được làm Vua cuộc đời ta không? Chúng ta có mời Chúa đến ngự trị trong tâm hồn ta bằng cách rước Chúa vào lòng không? Ngài có là Vua trên miệng lưỡi của chúng ta để chúng ta dùng lời mình mà ngợi khen Chúa không? Ngài có là Vua của cặp mắt ta để ta biết chọn những hình ảnh, những tin tức trên TV hay trên internet cho xứng với người thuộc về Chúa không? Chúa có là Vua của hôn nhân anh chị em, của gia đình anh chị em, của nghề nghiệp của anh chị em không? Ước gì chúng ta cùng niềm tin của Hội Thánh, tuyên xưng và suy tôn Chúa Giê-su là Vua của chúng ta, là Đấng đến làm chủ thế giới và cuộc đời chúng ta.
Lạy Chúa, nếu chúng con để Chúa đến làm vua của chúng con, thì thế giới, Hội Thánh, giáo xứ và gia đình chúng con đã khác rồi. Chúng con sợ Chúa đến làm phiền chúng con. Nhưng nay, xin Chúa cứ đến, vì Chúa là Vua của chúng con và chúng con là con dân của Chúa.