Chúa Nhật XXXIV Thường Niên B – Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ


PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

(Đn 7, 13-14; Kh 1, 5-8; Ga 18, 33b-37)

Bài Ðọc I: Ðn 7, 13-14

“Quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu”.

Trích sách Tiên tri Ðaniel.

Trong một thị kiến ban đêm, tôi đã ngắm nhìn, và đây tôi thấy như Con Người đến trong đám mây trên trời, Ngài tiến đến vị Bô Lão, và người ta dẫn Ngài đến trước mặt vị Bô Lão. Vị nầy ban cho Ngài quyền năng, vinh dự và vương quốc: tất cả các dân tộc, chi họ, và tiếng nói đều phụng sự Ngài; quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu, không khi nào bị cất mất; vương quốc của Ngài không khi nào bị phá huỷ.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 92, 1ab. 1c-2. 5

Ðáp: Chúa làm vua, Ngài đã mặc thiên oai (c. 1a).

Xướng: Chúa làm vua, Ngài đã mặc thiên oai; Chúa đã vận uy quyền, Ngài đã thắt long đai.

Xướng: Và Ngài giữ vững địa cầu, nó sẽ không còn lung lay. Ngai báu của Ngài thiết lập từ muôn thuở, tự đời đời vẫn có Chúa.

Xướng: Lời chứng bảo của Ngài rất đáng tin, lạy Chúa, sự thánh thiện là của riêng nhà Ngài, cho tới muôn muôn ngàn thuở.

Bài Ðọc II: Kh 1, 5-8

“Người là thủ lãnh các vua trần thế: Người đã làm cho chúng ta nên vương quốc”.

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.

Nguyện chúc cho anh em được ân sủng và bình an của Chúa Giêsu Kitô, là chứng tá trung thành, là trưởng tử kẻ chết, là thủ lãnh các vua trần thế, là Ðấng đã yêu thương chúng ta, Người đã dùng máu Người mà rửa chúng ta sạch mọi tội lỗi, và đã làm cho chúng ta trở nên vương quốc và tư tế của Thiên Chúa, Cha của Người. Nguyện chúc Người được vinh quang và quyền lực muôn đời. Amen.

Kìa, Người đến trong đám mây, mọi con mắt đã nhìn thấy Người, và cả những kẻ đã đâm Người cũng nhìn thấy Người, các chủng tộc trên địa cầu sẽ than khóc Người. Thật như vậy. Amen.

Chúa là Thiên Chúa, Ðấng đang có, đã có, và sẽ đến, là Ðấng Toàn Năng phán: “Ta là Alpha và Ômêga, là nguyên thuỷ và là cứu cánh”.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 11, 10

Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến: chúc tụng nước Ðavít tổ phụ chúng ta đã đến! – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 18, 33b-37

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Philatô hỏi Chúa Giêsu rằng: “Ông có phải là Vua dân Do-thái không?” Chúa Giêsu đáp: “Quan tự ý nói thế, hay là có người khác nói với quan về tôi?”

Philatô đáp: “Ta đâu phải là người Do-thái. Nhân dân ông cùng các thượng tế đã trao nộp ông cho ta. Ông đã làm gì?” Chúa Giêsu đáp: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do-thái, nhưng mà nước tôi không thuộc chốn này”.

Philatô hỏi lại: “Vậy ông là Vua ư?”

Chúa Giêsu đáp: “Quan nói đúng. Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng Tôi”.

Ðó là lời Chúa.

SUY NIỆM I

SỰ THẬT LÀ GÌ?

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, Thánh Gioan kể cho chúng ta câu chuyện Chúa Giêsu bị điệu đến tổng trấn Philatô để xử án: “Lúc đó trời vừa sáng. Tổng trấn Phi-la-tô ra ngoài gặp họ và hỏi: “Các người tố cáo ông này về tội gì?” Họ đáp: “Nếu ông này không làm điều ác, thì chúng tôi đã chẳng đem nộp cho quan“. Ông Phi-la-tô bảo họ: “Các người cứ đem ông ta đi mà xét xử theo luật của các người“. Người Do-thái đáp: “Chúng tôi không có quyền xử tử ai cả“. Ông Phi-la-tô mới hỏi Chúa Giêsu: “Ông có phải là vua dân Do-thái không?” Đức Giê-su đáp: “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?” Ông Phi-la-tô trả lời: “Tôi là người Do-thái sao mà tôi biết, dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi và nói ông là vua. Ông đã làm gì?” Đức Giê-su trả lời: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này“. Ông Phi-la-tô liền hỏi: “Vậy ông là vua sao?” Đức Giê-su đáp: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi“. Ông Phi-la-tô nói với Người: “Sự thật là gì?” Thánh sử không viết câu trả lời này? Tại sao Chúa Giêsu không trả lời câu hỏi của Philatô?

Trước hết, chúng ta suy ngẫm câu trả lời Chúa Giêsu: “Nước tôi không thuộc về thế gian này”. Vậy, Nước Chúa là ở đâu? Rõ ràng, Chúa Giêsu nói Nước ấy ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian này, không nằm trên bản đồ thế giới. Nước ấy cũng không có binh lính chiến đấu để bảo vệ vua khi vua bị lâm nguy (x. Ga 18,10-11). Nước của Đức Giêsu không giống như các nước khác trên thế giới, nên Đức Giêsu làm Vua cũng hoàn toàn khác với những vị vua trần gian. Vì thế, Vương quốc của Chúa Giêsu là Vương quốc của sự thật và tình yêu.  Một vương quốc không có biên giới trên vũ trụ và bất cứ nơi đâu ai sống cho chân lý, sự thật và tình yêu thì người đó thuộc về Vương quốc của Chúa Giêsu hiển trị. Câu trả lời tiếp theo của Chúa Giêsu: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thậ”t. Sự thật là chi? Chúng ta cần hiểu rõ nghĩa ‘sự thật’ ở đây. Trong Phúc Âm theo thánh Gio-an, sự thật không chỉ là sự hiểu biết của trí tuệ phù hợp với điều có thật. Sự thật còn là thực tại của Thiên Chúa đến trong con người. Do đó con người được thấm nhuần thực tại thần linh của Thiên Chúa vào bản thể và tất cả đời mình. Thực tại của Thiên Chúa đó là đời sống của Ba Ngôi Thiên Chúa: sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa con người. Vì vậy, chúng ta nghênh đón Ba Ngôi Thiên Chúa vào con người và đời sống chúng ta không chỉ bằng trí tuệ mà cả bằng tấm lòng, bằng ý chí, bằng lòng tin, cậy, mến mà còn bằng tất cả con người và đời sống hằng ngày của chúng ta. Chúa Giêsu đến để làm chứng cho sự thật này, bởi vì trong tư thế một con người được thấm nhuần và biến đổi nhờ một cuộc thực nghiệm thần linh, nên Chúa Giêsu đề nghị với tất cả mọi người hãy tiến tới một sự hiệp thông có hiệu năng thần hóa, đó là sự hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi, vì lẽ Người đích thật là Con Thiên Chúa làm người. Vì thế, Chúa Giêsu là Vua đến thế gian này làm chứng cho sự thật. Sự thật mà Ngài tuyên bố là độc nhất, đó là ý định cứu rỗi của Thiên Chúa: Thiên Chúa đã sai Con Một Ngài đến để cứu độ thế gian. Cuộc đời và cái chết của Ngài diễn tả và làm chứng sự thật về ơn cứu độ của Thiên Chúa. Cụ thể, khi Chúa Giêsu chữa lành các bệnh nhân, khiếm thị, người khuyết tật, bất toại, bệnh phong… Ngài chứng tỏ cho dân chúng thấy vương quốc đã đến gần, tức là Thiên Chúa đang can thiệp. Cũng vậy bởi quyền năng của Thiên Chúa, Ngài trừ quỷ là Ngài minh chứng về sự hiện diện hữu hiệu của Thiên Chúa nơi dân Ngài. Khi Ngài lui tới với những người thu thuế, khi Ngài cứu người phụ nữ ngoại tình là Ngài biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa không muốn cho kẻ tội lỗi phải chết. Khi Ngài khóc thương Giêrusalem, Ladarô là Ngài biểu lộ lòng ưu ái của Chúa Cha đối với những nỗi khốn khó của loài người chúng ta. Và cuối cùng, Ngài làm chứng cho sự thật bằng chính cái chết của mình như Lời Chúa trong bài đọc 2, Sách Khải Huyền khẳng định: “Đức Giê-su Ki-tô là vị Chứng Nhân trung thành, là Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết chỗi dậy, là Thủ Lãnh mọi vương đế trần gian, ban cho anh em ân sủng và bình an. Người đã yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người” (Kh 1,5-6).

Đức Giêsu đã chiến thắng. Ngài là Đấng đầu tiên từ trong kẻ chết sống lại. Với chiến thắng, Đức Giêsu mở cửa vương quốc của Ngài. Đó là vương quốc của Sự Thật. Chỉ những ai thuộc về sự thật mới được vào. Và những ai thuộc về sự thật phải biết chiến thắng sự giả trá. Sự giả trá đó là sự chết, tội lỗi, lòng thù hận ghen ghét. Môt khi hiểu biết sự thật, chúng ta hãy đập tan sự dối trá trong ta lúc ấy chúng ta mới tiến vào Nước Sự Sống theo bước Đức Giêsu Kitô. Với chiến thắng sự chết, Chúa Giêsu thật sự là Đường dẫn đến Sự Thật và Sự Sống muôn đời. Lạy Đức Giêsu là Vua của chúng con, xin cho chúng con được làm dân của Chúa, được thuộc về Nước Chúa, Nước đầy tràn Sự Thật và Sự Sống, Nước công chính và tình yêu muôn đời. Amen.

 

SUY NIỆM II

CHÚA GIÊ-SU LÀ VUA VŨ TRỤ, VUA CỦA LÒNG TA

 (Hội An 24/11/2024)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

  1. Bối cảnh và ý nghĩa lễ Chúa Ki-tô Vua vũ trụ

            Đâu là bối cảnh và ý nghĩa của ngày lễ Chúa Ki-tô Vua? Thế chiến lần thứ I kết thúc không bao lâu, tình hình xã hội và tôn giáo rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng. Sau chiến tranh, dân chúng nhiều nơi lâm cảnh đói kém chết chóc, trật tự thế giới chưa được ổn định, lòng thù hận giữa các quốc gia lâm chiến càng gia tăng, tạo nên một thế giới hỗn loạn, lòng người khao khát niềm hy vọng về một thế giới tươi sáng và hòa bình. Về phía mình, Giáo Hội phải chịu đựng cuộc khủng hoảng dữ dội và tai hại.  Các phong trào vô thần và tục hóa dần dần loại trừ Giáo Hội ra khỏi đời sống xã hội. Ở Ý, Giáo Hội chỉ được sinh hoạt trong nhà thờ, tịch thu các cơ sở tôn giáo và cấm hành hương. Ở Đức, tình trạng xảy ra tương tự. Ở Pháp, chính phủ lên án Công giáo là tôn giáo ngu dân, giải tán nhiều tu viện, cho phép ly dị, bãi bỏ nghỉ ngày Chúa Nhật, cấm dạy giáo lý trong trường. Vì thế, một số phong trào nổi lên hứa đem lại cuộc sống ấm no, đề cao đời sống vật chất và coi giáo huấn của Giáo Hội đã lỗi thời, cho rằng Chúa Giê-su chỉ liên quan đến đời sống cá nhân chứ không liên quan gì đến gia đình và xã hội, người ta tìm cách loại trừ Thiên Chúa ra khỏi đời sống hằng ngày.

            Trong bối cảnh ấy, vào năm 1925, Đức Piô XI đã tuyên xưng đức tin trong kinh Tin Kính: “Nước Người sẽ không bao giờ cùng,” và thiết lập lễ Chúa Ki-tô Vua, nhấn mạnh “Chúa Giê-su Ki-tô là Vua của chúng ta,” vị Vua coi sóc chúng ta bằng tình yêu và sự thật, không chỉ là Vua trên các vua, mà còn là vị Vua vĩnh cửu, được tôn vinh bởi các thần thánh trên trời và Ngài sẽ trở lại phán xét toàn thể mọi loài. Đồng thời, Đức Piô còn cảnh báo chủ nghĩa duy thế tục (secularism) là một thứ “bệnh dịch xã hội,” sẽ làm sụp đổ nền móng luân lý trong xã hội.

            Vậy, trong thời đại hôm nay, niềm tin vào Chúa Giê-su và “Nước của Ngài sẽ không bao giờ cùng” còn cần thiết đối với chúng ta không? Chúa Giê-su có còn là Vua của cá nhân, gia đình chúng ta không? Làm sao để Chúa Giê-su Ki-tô là Vua toàn thể nhân loại ngày nay?

  1. Tuyên xưng và sống niềm tin Chúa Giê-su là Vua của chúng ta

            Tình trạng thế giới hôm nay không khác gì tình trạng thế giới sau thế chiến thứ nhất, nếu không muốn nói còn tệ hơn. Chiến tranh xảy ra nhiều nơi, với những thứ vũ khí giết người hàng loạt. Con người đầu tư thời gian, trí tuệ, của cải và sức sống vào việc tìm cách giết người kinh sợ hơn, giết được nhiều người hơn, gây được nhiều nỗi sợ hãi hơn. Ngày càng có nhiều phong trào tục hóa, trong đó con người thời đại tự hào về sự tự do về luân lý của mình, nghĩa là muốn con người làm chủ luân lý chứ không phải Thiên Chúa, thiện-ác, tốt-xấu dựa vào quan điểm của mỗi người, chứ không còn dựa vào những lời Chúa dạy và những nguyên tắc luân lý Chúa ban truyền. Tệ trạng đó hiển nhiên, nó tàn phá sự bình an trong gia đình và xã hội, gây lo sợ và nghi ngờ giữa các mối tương quan cá nhân. Cuối cùng, con người ngày nay như A-đam và Eva muốn chiếm vai trò của Thiên Chúa và loại trừ Thiên Chúa ra khỏi đời sống cá nhân và cuộc sống xã hội, như lời nhận xét của Đức Piô XI: “sự hiệp nhất và bền vững của gia đình bị xói mòn, xã hội bị lung lay đến tận gốc rễ và đang trên đường hủy diệt.”

            Vì thế, chúng ta hôm nay cần sống lại tính thời sự và khẩn thiết của niềm tin Chúa Giê-su Ki-tô là Vua của chúng ta và của vũ trụ. Tuyên xưng Chúa Giê-su là Vua có gì sai? Có chăng bởi chúng ta đồng nhất vua với quyền lực, của cải, ách thống trị đè trên người khác. Các vua trần thế sử dụng võ lực và giết người để đạt mục đích của mình. Với Chúa Giê-su thì không có điều nào trong những điều vừa kể. Vương quyền của Chúa Giê-su, Đức Bênêđictô khẳng định, “đó không phải là quyền lực của các vị vua chúa hoặc những người vĩ đại trên trần gian này. Đó là quyền lực thánh thiêng để ban sự sống đời đời, giải thoát khỏi sự dữ, đánh bại ách thống trị của sự chết. Đó là quyền lực của tình yêu có thể lôi kéo điều thiện từ điều ác, có thể làm tan chảy một trái tim chai đá,… thắp lên hy vọng trong bóng tối dày đặc nhất. Chúa đến “để làm chứng cho sự thật” như đã tuyên bố với Philatô: ai chấp nhận lời chứng của Chúa thì phục vụ dưới ngọn cờ của Ngài… Do đó, mọi lương tâm phải đưa ra chọn lựa quyết định. Tôi muốn đi theo ai? Thiên Chúa hay ma quỷ? Sự thật hay giả dối?”

            Chúa Giê-su là vua không thiết lập triều đại bằng vũ khí, tranh giành, nhưng bằng cái chết tự hiến trên thập giá; một vị vua không cai trị bằng thống trị, nhưng bằng tình yêu thương và phục vụ; một vị vua không có lãnh thổ trên bản đồ thế giới, nhưng nằm sâu trong trái tim con người; một vị vua đưa con người về với Ngài để tìm ra ý nghĩa và lẽ sống cuộc đời; một vị vua duy nhất dẫn dắt con người hoàn tất hành trình dương thế để đạt tới cuộc sống vĩnh cửu trên trời.

            Lễ Chúa Giê-su Ki-tô Vua đòi hỏi chúng ta phải có một chọn lựa, một quyết định vững chãi trước câu hỏi: Ai là vua của chúng ta? Chúa Giê-su có phải là Vua chúng ta không? Nếu Chúa Giê-su là Vua của chúng ta, thì chúng ta phải thuộc về sự thật. Chúa Giê-su đã trả lời với Philatô như thế: “Ai thuộc về sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37). Sự thật trước hết là sự thật về Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta, sự thật về Chúa Giê-su là “Đường là sự thật và là sự sống” của chúng ta. Sự thật của Ngài không phải là sự thật của loài người đồng ý với nhau, bởi sự thật của Ngài là sự thật đưa chúng ta đến sự sống đời đời, cứu chúng ta khỏi tội lỗi và đưa chúng ta sống trong bình an với Ngài. Sự thật nữa là sự thật về chúng ta, con người tội lỗi, thích nổi loạn chống lại Thiên Chúa để tự do sống thỏa thích mầm mống tội lỗi và hủy diệt lẫn nhau, phá nát nền tảng yêu thương của gia đình.

Cứ nhìn vào tâm hồn và cách sống một ngày của bạn để biết Chúa Giê-su có phải là Vua của bạn không. Cứ nhìn vào cách sống của gia đình bạn trong ngày với Chúa Giê-su thì câu trả lời sẽ rõ ràng. Xin Chúa cho chúng ta yêu thích nghe lời Chúa dạy và khiêm tốn sống thực hành lời Chúa, để niềm tin Chúa là Vua mỗi người, mỗi gia đình và xã hội được rõ ràng.

 

SUY NIỆM III

ÔNG VUA LẠ THƯỜNG

Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật. OP

Một chút bối cảnh

Tin Mừng Máccô không bao giờ đặt ra vấn đề vương quyền của Đức Kitô  Tin Mừng này chỉ khẳng định rằng vinh quang của Đức Giêsu được tỏ bày trên thập giá  Vì thế, trong ngày lễ kính Đức Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ, phụng vụ sử dụng một đoạn văn trích trong Tin Mừng Gioan: bản văn này là một suy tư rất phong phú về đề tài trên

Hai con người ở trước mặt nhau: một người là bị cáo, người kia là quan toà  Một cuộc gặp gỡ có vẻ bình thường như bao cuộc gặp gỡ khác của con người  Thế nhưng, đây lại là một cuộc đối thoại lạ lùng, có một không hai  Trong cuộc đối thoại này, vương quyền của người này lại là cơ hội và đối tượng để người kia đặt câu hỏi

Buổi sáng sớm...

Những người muốn nhân danh luật Do Thái để kết án Đức Giêsu điệu Người đến trước mặt tổng trấn Philatô  Đức Giêsu vừa trải qua một đêm đầy cực hình  Người đã bị tra vấn trước tòa Khanna rồi Caipha, và còn bị các lính gác hành hạ

Tổng trấn hỏi những người điệu Đức Giêsu: “Các người tố cáo người này về tội gì?” Một câu hỏi hợp lý, phù hợp với nghề nghiệp của vị tổng trấn, nhưng những người nghe câu hỏi này lại có cảm tưởng như ông khinh thường họ  Họ trả lời: “Nếu ông này không làm điều ác, thì chúng tôi đã chẳng đem nộp cho quan”. Họ la to để che giấu sự giả tạo đồng thời để tạo áp lực hầu vụ án mau kết thúc, vì lễ Vượt Qua đã gần tới

Chính vì gần đến lễ Vượt Qua mà những người Do Thái phải đứng ngoài cửa dinh tổng trấn  Họ sợ bị nhiễm uế và như vậy không được cử hành các nghi lễ ban chiều  Thật là lạ lùng  Họ không dám vượt qua ranh giới của nghi thức, nhưng họ lại không ngần ngại vượt qua ranh giới của sự dối trá, bất công và thù hận  Họ nghĩ rằng chỉ cần tuân giữ những nghi thức là lòng họ được trong sạch

Về phần mình, tổng trấn Philatô đá trả trái banh lại cho người Do Thái: “Các người cứ đem ông ta đi mà xét xử theo luật của các người”. Ông nghĩ rằng chẳng qua đây cũng chỉ là một vụ cãi vã về tôn giáo như đã xảy ra nhiều lần, và ông không nên xen mình vào  Nhưng những kẻ tố cáo biết rõ rằng nếu đem Đức Giêsu đi xử theo luật Do Thái, họ không có quyền giết chết Người  Họ trả lời ông: “Chúng tôi không có quyền xử tử ai cả”. Như thế, tổng trấn bị dồn vào chỗ đích thân ông phải xét xử, bởi vì ông có quyền ra lệnh xử tử  Tuy nhiên, ông không muốn kết án mà không biết lý do tại sao: án lệnh phải tương ứng với một tội trạng rõ ràng  Ông tự hỏi, tại sao người ta lại kết án con người này?

“Ông là Vua sao?”

Người Do Thái đã tố cáo Đức Giêsu: “Chúng tôi phát giác ra tên này sách động dân tộc chúng tôi, và ngăn cản dân chúng nộp thuế cho hoàng đế Xêda, lại còn xưng mình là Mêsia, là Vua nữa” (Lc 23,2)  Do đó, viên tổng trấn hỏi Đức Giêsu: “Ông có phải là Vua dân Do Thái không?”

Ông Philatô đặt mình vào vị thế chính trị: ông đặt mình vào vị thế mà các địch thù của Đức Giêsu đã đưa ra để khơi lên vụ án, vì họ biết rằng ông là người duy nhất có quyền đại diện, thay mặt hoàng đế  Như thói quen, Đức Giêsu đã trả lời ở một tầm mức cao hơn người hỏi  Câu hỏi xuất phát từ một viên chức, còn câu trả lời lại ngỏ với một con người: “Ngài tự ý nói điều ấy, hay có ai khác đã nói với ngài về tôi?” Đức Giêsu đáp lời Philatô, nhưng lại trở thành người đặt câu hỏi: Người buộc ông phải bày tỏ quan điểm của ông về sự việc: đó là quan điểm của một người luôn nghi ngờ, và chỉ tin vào quyền bính hữu hình

Trong thực tế, câu hỏi của Đức Giêsu cũng có liên hệ đến dân Do Thái nữa  Từ thời ngôn sứ Samuen, dân Do Thái đã đòi cho có một ông vua cai trị, và từ đó người ta đã đặt ra vấn đề bản chất của ông vua cũng như nhiệm vụ của ông (x  1Sm 8)  Từ thời kỳ ấy, vị ngôn sứ đã tố giác nguy cơ mà quyền lực có thể gây ra: ông vua là người nắm giữ vai trò của Thiên Chúa

Tuy nhiên, vị ngôn sứ đã nhượng bộ trước đòi hỏi của dân chúng, điều này cũng do lệnh Chúa truyền  Như thế, Kinh Thánh cho thấy rằng con người phải trải qua một bước đường cùng (vương quyền của Israel bị đem ra làm trò cười: Đức Giêsu bị treo trên thập giá và bị chế nhạo là “Vua dân Do Thái”  Thế nhưng, bước đường cùng cũng là thời điểm để sự thật được mặc khải cách trọn vẹn: chính trong hoàn cảnh bi đát nhất của mình, Đức Giêsu chứng tỏ Người thực sự là Vua, là người đại diện của Thiên Chúa, là tôi tớ làm chứng cho sự thật  “Giêsu Nadarét, Vua dân Do Thái” (Ga 19,19): tấm bảng mà ông Philatô cho treo trên thập giá không ngờ lại là một sự xác nhận: Đức Giêsu là Vua, nhưng theo một ý nghĩa khác

Đức Giêsu là Vua: vấn đề vẫn chưa được vượt qua  Vấn đề này vẫn còn được nêu lên mỗi ngày, nhất là ngày nay  Không chỉ người Do Thái hay ông Philatô, nhưng là tất cả mọi người, từng người đều được hỏi về ông vua của mình  Phải chăng ông vua là người dân chúng coi là toàn năng hay là người được đón nhận là đến từ Thiên Chúa và tự bày tỏ trong sự yếu đuối của nhân loại, nhưng lại trong sức mạnh của Thần Khí?

“Đây là Người”

“Vậy ông là Vua sao?” Ông Philatô đã nêu lên câu hỏi này với con người đang đứng trước mặt ông, một con người “cô đơn”, một con người “bị tước đoạt” tất cả  Con người trong tình trạng bi đát và tang thương nhất

Ông Philatô đã nhìn thấy điều gì trong đôi mắt của người bị kết án? Tại sao ông lại chần chừ, không muốn thỏa mãn ngay đòi hỏi của người Do Thái?

Tại sao con người ấy lại nhận mình là Vua?

Tại sao trong thời điểm mà mọi sự coi như mất hết, con người ấy lại nhận mình là Vua? Trong cuộc đời Đức Giêsu, đã có những thời điểm thuận lợi hơn nhiều: sau phép lạ hoá bánh ra nhiều, dân chúng đã đi tìm Đức Giêsu để tôn Người làm vua; nhưng Người đã trốn lên núi, một mình

Rồi khi các con ông Dêbêđê đến xin một chỗ tốt trong Vương Quốc, Đức Giêsu cũng chẳng nhận làm Vua

Đức Giêsu chưa khi nào muốn làm vua cả, thế mà giờ đây, trong giây phút muộn màng này, Người lại chấp nhận danh hiệu Vua, tại sao thế?

Tin Mừng Gioan giúp độc giả khám phá ra rằng con người này càng tự hạ, thì vương quyền của Người càng được bày tỏ  Vòng gai nhọn trở thành triều thiên  Cây sậy trở thành vương trượng  Sự thích thú của đám lính khi chế giễu con người này là hình ảnh báo trước niềm hân hoan tột cùng của tất cả những người được cứu độ  Cái áo choàng đỏ quân lính khoác lên mình Người trở thành long bào, thành áo choàng vinh quang, mang màu máu

Một con người bị khinh bỉ, không danh tính – “Đây là Người” (Ga 19,5) trở thành Con Người Vinh Quang, từ mây trời mà đến, như cách diễn tả của ngôn sứ Đanien  Cái ghế nơi ông Philatô ngồi để tuyên án trở thành ngai vàng để Đức Giêsu ngồi xét xử trần gian  Đức Giêsu càng tự hạ, Người càng được nâng cao

Đó là cách thế Người sử dụng để đi vào vương quốc của Người  Đó cũng là cách thế duy nhất để mỗi người có thể tiến vào vương quốc  Ngay từ những ngày đầu, Đức Giêsu đã tuyên bố: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó… hiền lành… sầu khổ… bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ mọi điều xấu xa, vì Nước Trời là của họ” (x  Mt 5,3-12)

Còn trong các dụ ngôn, Đức Giêsu là một “ông vua luôn mời gọi”  Những ai bước theo Người đều được cùng với Người trở thành vua, thành nữ hoàng

Chính vì thế, người tín hữu thường gọi Đức Maria là Nữ Vương

Chính vì thế, Hội Thánh được dẫn tới Quân Vương (Tv 44) và được gọi là Hiền Thê

Cũng vậy, tất cả những ai tham dự vào cuộc khổ hình của Chúa cũng đều trở thành những người ở trong vương quốc, những tư tế

Làm chứng cho sự thật

Nếu ta hiểu vương quyền của Đức Giêsu theo nghĩa chính trị như các kẻ tố cáo Người đã đưa ra, thì “Nước tôi không thuộc về thế gian này”  Đức Giêsu đến trần gian để làm chứng cho sự thật  Người là Vua với sứ mạng làm chứng cho sự thật  Chính vì điều này mà Người đã sinh ra và sắp chịu chết

Thế nhưng, Đức Giêsu làm chứng không phải cho thứ sự thật trừu tượng, thuộc ý niệm, cũng không phải để đem sức mạnh thiêng liêng của Người mà phục vụ những ý thức hệ của chúng ta, hay biến Tin Mừng thành động lực củng cố những tham vọng của nhân loại, nhưng là để làm chứng cho lòng trung tín của Thiên Chúa đối với thế gian luôn từ khước ơn cứu độ của Người

Đối với chúng ta ngày nay, khi chấp nhận sống theo ánh sáng và sự thật của Đức Giêsu là chúng ta được tham dự vào Vương Quốc mà Hội Thánh vẫn không ngừng quy tụ thêm giữa các nhóm xã hội khác nhau, và chúng ta trở thành những người làm chứng cho sự thật, như vị Vua của chúng ta