Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân gia đình


Sống Năm Mục Vụ 2017

CHUẨN BỊ CHO NGƯỜI TRẺ BƯỚC VÀO ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN GIA ĐÌNH

 

Mơ ước một gia đình êm ấm thuận hòa, mọi người ai nấy đều khỏe mạnh phần xác, an vui tinh thần là một ước mơ – nếu không muốn nói là khát vọng – của mọi người trong nhân loại. Từ bao đời nay, con người đã ra sức đầu tư nhiều để xây dựng một gia đình hoàn hảo: từ việc chuyện trò giữa ông mai bà mối, rồi đi “coi mắt” với việc phân định môn đăng hộ đối giữa hai gia đình, rồi tính toán việc chia ruộng chia nhà cho con, hướng dẫn con học nghề, học việc và tổ chức đình đám thật to với làng xã, dòng tộc  và xã hội để mong sao cho hai trẻ được hạnh phúc, gia đình yên vui. Cùng chia sẻ niềm vui và mối bận tâm của cộng đồng nhân loại trong việc chăm sóc cho các gia đình, Giáo hội cũng đã quan tâm nhiều và có những động thái tích cực trong việc chăm lo cho các gia đình và những người sống trong gia đình.

Cùng góp phần vào việc đồng hành với Giáo hội trong việc chăm lo cho các gia đình, bài viết này xin được gợi lên một vài ý tưởng để chúng ta cùng giúp nhau sống Năm Mục Vụ 2017 này

  1. Thực trạng gia đình hôm nay:

Theo Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa thì ở Việt Nam số vụ ly hôn hiện có khoảng 60.000 vụ/năm, tương đương 0,75 vụ/1.000 dân. Tỷ lệ ly hôn so với kết hôn 25%, có nghĩa trong 4 đôi đi đăng ký kết hôn thì 1 đôi ra tòa. Cuộc sống với nhiều mâu thuẫn khiến không chỉ các cặp đôi trẻ mà nhiều cặp đôi đã chung sống nhiều năm cũng đi đến quyết định này[1]. 

Ở một số liệu thống kê khác chúng ta nhận thấy trong năm 2000, cả nước  chỉ có 51.361 vụ ly hôn, thì đến 2005 con số này tăng lên 65.929 vụ, và năm 2010 lên tới 126.325 vụ[2]

Với con số thông kê như trên, chúng ta nhận thấy có một điều gì đó không ổn trong cuộc sống hôn nhân gia đình hôm nay. Tỷ lệ này không biết đến những năm 2017 và trở về sau nữa sẽ giảm hay tăng, nhưng là một con số đáng cho chúng ta suy nghĩ về đời sống gia đình.

Kinh nghiệm đời thường cho chúng ta thấy là có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này: nào là bạo lực gia đình, ngoại tình, vấn đề thay đổi cuộc sống do tình trạng di dân; thay đổi mô hình lao động từ nông thôn đến các dịch vụ lao động của nền kinh tế thị trường; thêm vào đó, chúng ta thấy mô hình gia đình hôm nay đã thay đổi từ đại gia đình – tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường –  sang từng gia đình hạt nhân riêng lẻ cũng là một nguyên nhân dễ làm tổn thương đến sự chung thủy của các thành viên trong mỗi gia đình.

Riêng với người công giáo, mặc dầu có giáo lý của Chúa Kitô và sự hướng dẫn kỹ lưỡng trong giáo huấn của Giáo hội, nhưng không ít lần chúng ta cũng chứng kiến những vụ bất hòa, xào xáo trong các gia đình Kitô hữu dẫn đến ly thân vợ chồng, và thậm chí có một vài trường hợp vợ chồng công giáo đem nhau ra ly dị ở tòa đời.

  1. Nhìn lại nền tảng giáo lý để tìm hướng đi tương lai:

Giáo hội Công giáo hiểu rõ và trân trọng tính thiêng thánh cũng như  sự cao quý của Bí tích hôn nhân, đồng thời cũng thấy được gia đình là nền tảng của xã hội và Giáo hội. Gia đình là chỗ dựa, là mái ấm yêu thương, là nơi đào luyện nhân cách và giúp phát triển hài hòa và quân bình cho mỗi con người… nên đã ra sức bảo vệ mối dây hôn phối của vợ chồng và gìn giữ sự bền vững của các gia đình. Hơn thế nữa, Giáo hội đưa ra nhiều cách thế với nhiều hình thức và sáng kiến để giúp cho các đôi vợ chồng sống mối dây liên kết hôn nhân cách trọn hảo nhất. Giáo hội luôn nhắc cho đôi vợ chồng ý định của Thiên Chúa và lời chúc phúc của Ngài cho đời sống hôn nhân được mặc khải trong Kinh thánh. Rồi các bài giáo huấn của các chủ chăn nhằm khích lệ, định hướng và đỡ nâng cho những người đang là vợ chồng. Giáo hội tổ chức các hội nghị bàn về đời sống hôn nhân và gia đình,  mà cụ thể hơn các chương trình chuẩn bị ngắn hạn, dài hạn cho những người sắp bước vào đời sống hôn nhân hay cho những người đang sống đời vợ chồng. Chính vì thấu hiểu được tầm quan trọng của đời sống gia đình mà Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã từng xác tín trong Tông huấn Familiaris Consoritio rằng : “Tương lai của thế giới và Giáo hội ngang qua gia đình[3].

Nhìn lại thực trạng gia đình như đã nêu trên, trong những năm gần đây Giáo hội đã có nhiều sự quan tâm rất tích cực để hướng dẫn, chia sẻ những bận tâm, nâng đỡ nhằm bảo vệ các gia đình và những ai đang sống đời gia đình hôm nay.

Một điểm lớn mà chúng ta nhận thấy trong những hành động của Giáo hội trong việc chăm lo cho các gia đình là việc tổ chức Thượng Hội đồng Giám mục thế giới vào năm 1980 với kết qua là sự ra đời của Tông Huấn Gia Đình (Familiaris Consortio). Và đầu năm 2016 vừa qua, Đức Giáo hoàng đương kim đã triệu tập Thượng Hội đồng về gia đình và ban hành Tông huấn  Niềm vui Tình yêu (Amoris Laetitia).

Tại Á châu, Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) cũng tiến hành đại hội toàn thể tại Srilanka vào cuối năm 2016 cũng bàn về chủ đề gia đình. Cách riêng tai Việt Nam, năm 2014 vừa qua, Giáo hội Việt Nam cùng nhau sống chủ đề “Tân Phúc Âm hóa đời sống gia đình”. Rồi đến hôm nay, ngay từ đầu năm 2017, chúng ta lại cùng nhau triển khai chương trình mục vụ 3 năm với chủ đề gia đình mà điểm nhấn của năm 2017 này là: “Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân gia đình”.

Với điểm nhấn này, Giáo hội Việt Nam muốn đưa ra một chương trình và mục tiêu cụ thể là “giúp cho các bạn trẻ thấy đích điểm không chỉ là ngày cưới mà là cả đời sống gia đình lâu dài sau này. Do đó phải giúp các bạn nắm vững được các yếu tố sau :

  • Hiểu biết ý nghĩa của ơn gọi hôn nhân trong chương trình của Thiên Chúa và theo giáo huấn của Hội thánh, khám phá phẩm giá và vẻ đẹp của hôn nhân, ý nghĩa sâu xa của tính dục, trách nhiệm xây dựng gia đình mới.
  • Với bí tích Hôn phối, giúp các bạn đón nhận bí tích cách xứng đáng và có khởi đầu vững chắc trong đời sống gia đình. Bí tích Hôn phối không chỉ là thời điểm khi cử hành hôn phối mà thực tại tác động toàn bộ đời sống đôi bạn, đồng thời giúp các bạn trẻ hiểu được ý nghĩa sâu xa của từng lới nói, cử chỉ trong việc cử hành.
  • Tạo cơ hội cho đôi bạn thảo luận về những mong chờ gì từ hôn nhân và từ người bạn đời; họ hiểu thế nào về tình yêu, về lời cam kết và trách nhiệm trong hôn nhân và điều sau cùng cần nhớ là giúp các bạn tìm hiểu những vấn đề và khó khăn có thể xảy ra trong gia đình sau này[4]

Nền tảng Thánh kinh và thần học có đó, ý tưởng và mục tiêu đã được đề ra. Nhưng từ tư tưởng cho đến hành động; và hành động thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất thì cả là một quá trình thật gian nan và không ít nhiêu khê trong thực tế.

Trước hết, chúng ta xác định đối tượng của chương trình mục vụ cho Năm Mục Vụ 2017 này:

  1. Người trẻ: họ là ai?

Với một xã hội nông nghiệp trước đây, mọi sự xem ra thật đơn giản, người trẻ chỉ quanh quẩn nơi xóm làng, nơi xứ đạo với những nếp sống ổn định, điều hòa. Nhưng khi xã hội phát triển, nền kinh tế mở cửa, cùng với sự hội nhập với các quốc gia và được tiếp cận với các nền văn hóa mới vô hình chung đã hình thành nên một cơn lốc xoáy cuốn trôi đi nếp sống an hòa và ổn định thường ngày của các làng quê, các xứ đạo, các gia đình nói chung và của người trẻ nói riêng. Kết quả mà người ta nhận thấy từ những thay đổi này là những mảng màu sáng tối trong xã hội và nơi gia đình với những tín hiệu đáng lạc quan và những mối bận tâm không ít; đồng thời sự thay đổi này cũng tiềm ẩn theo một vài tai họa khó lường…. Bởi lẽ, sự thay đổi này là một cơ hội tốt giúp cho người trẻ được thăng tiến, được mở rộng cuộc sống và cải thiện chính cuộc sống thường ngày. Nhưng sự thay đổi này ví như một cơn lốc xoáy (có thể) cuốn trôi đi những truyền thống đạo đức, làm xoay chuyển những giá trị sống, đảo lộn nếp sống và sinh hoạt thường ngày…

Trước sự thay đổi nhanh chóng của xã hội, của kỹ thuật, của chính sách kinh tế, của sự hội nhập… không ít người trong chúng ta từ các gia đình cho đến mỗi cá nhân cảm thấy choáng váng và “sốc” thật sự. Đứng trước “tình hình mới” này, các gia đình phải thay đổi cách làm, cách sống, cách nghĩ mới mong hòa nhập được với thời cuộc; những người trẻ cần phải liều mình mạo hiểm để dứt áo ra đi khỏi làng quê – xứ đạo, khỏi gia đình mới mong được tồn tại và phát triển trong đời sống mới. Và như vừa trình bày ở phần trên, đây là cơ hội để nhiều người, nhiều gia đình có được cơ may để hội nhập và phát triển và cũng là những thách đố mà không ít người trong chúng ta khó lòng vượt qua và phải chịu vấp ngã, thua thiệt…

Tất cả những điều đó đã tạo ra cho con người hôm nay và đặc biệt nơi các bạn trẻ một tâm lý mới, một kiểu sống mới, một suy nghĩ mới và điều này cũng tác động không ít đến các gia đình, đến quyết định kết hôn nơi các bạn trẻ và đến cách ứng xử trong đời sống hôn nhân và gia đình của chính họ.

Một vài nét chấm phá về bối cảnh xã hội và hoàn cảnh sống mà người trẻ hôm nay đang phải sống, phải đối diện. Chúng ta nhận diện được chân dung của người trẻ hôm nay để có kế hoạch, phương hướng cụ thể nhằm chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân gia đình.

  1. Chúng ta cần phải làm gì?

Trước hết cần nhắc lại với nhau lời dạy của các chủ chăn trong Giáo hội như là chuẩn mực, là nền tảng để chúng ta có những hành động phù hợp trong việc giúp các thế hệ em cháu của mình:

Kết hôn là một quyết định rất quan trọng, vì thế cần được chuẩn bị chu đáo hết sức có thể. Trong thực tế ngày nay, một số người trẻ chỉ quan tâm đế việc tổ chức lễ cưới thật lớn, mà không hiểu biết đầy đủ về trách nhiệm trong đời sông hôn nhân. Một số khác, vì vất vả mưu sinh, ít có thì giờ chuẩn bị kỹ lưỡng cho đời sống hôn nhân họ sắp bước vào. Vì thế cần khuyến khích người trẻ tham dự những lớp chuẩn bị hôn nhân, đồng thời các giáo xứ phải tổ chức chương trình cho chu đáo[5].

Hơn nữa, theo đức Giáo hoàng Phanxico cho biết, các Nghị phụ của Thượng Hội đồng đã khẳng định bằng nhiều cách khác nhau rằng : “cần giúp các bạn trẻ khám phá giá trị và sự phong phú của hôn nhân. Họ phải nhận ra sự hấp dẫn của một kết hợp trọn vẹn, một kết hợp nâng cao và kiện toàn chiều kích xã hội của cuộc sống, mang lại cho tính dục ý nghĩa cao trọng nhất của nó, và đồng thời cổ võ thiện ích của con cái và tạo cho chúng hoàn cảnh tốt nhất để được trưởng thành và giáo dục[6].

Với những mục tiêu và ý nghĩa quan trọng mà các bạn trẻ phải đảm nhận khi bước vào đời sống hôn nhân như chúng ta vừa đọc, thiết nghĩ việc chuẩn bị và có chương trình đào tạo cho những bạn trẻ sắp bước vào đời sống hôn nhân gia đình thật cần thiết biết bao.

Theo “Tông huấn Gia Đình”, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II có nêu ra tiêu chí để hướng dẫn chúng ta rằng, việc chuẩn bị chuẩn bị cho bạn trẻ kết hôn nên được tiến  hành tuần tự với 3 giai đoạn[7]: Chuẩn bị xa – Chuẩn bị gần – Chuẩn bị liền trước hôn lễ. Mỗi giai đoạn có những cách thức, những phương pháp huấn luyện khác nhau để giúp người trẻ có được sự chuẩn bị tốt nhất có thể khi bước vào đời sống gia đình.

Với sự hướng dẫn của Tông huấn Gia đình theo từng giai đoạn trong việc huấn luyện các bạn trẻ, cùng với thực tế của hoàn cảnh xã hội Viêt Nam mà các bạn trẻ Công giáo chúng ta đang sống, người viết xin có được có vài gợi ý sau đây để cùng với bạn đọc, chúng ta suy nghĩ và tùy nghi định liệu:

Chuẩn bị xa: Đối tượng của giai đoạn này không phải là các đôi bạn trẻ xin được kết hôn, mà là những thanh thiếu niên, sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường hay các bạn trẻ mới bước vào đời để đi làm mưu sinh. Như đã nói ở phần trên, môi trường các bạn đang sống là một môi trường đang bị ô nhiễm bởi chủ nghĩa thực dụng, sự ích kỷ, thói ham tiền và tính thích hưởng thụ của một xã hội đang chuyển mình… cho nên việc chuẩn bị xa cho các bạn trẻ trong giai đoạn này phải chăng là lấy lại các giá trị truyền thống, lập lại trật tự kỷ cương trong việc phân định các giá trị sống từng bị cơn lốc xoáy của cuộc sống mới đã một lần cuốn trôi? Phải nhắc nhớ và tập lại ngay cho các em  những đức tính nhân bản như là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín; hay là các ý niệm như lương tâm nghề nghiệp,nhân chi sơ tính bổn thiện”, … và điều gì đã là mất đi tính thiện, thì chúng ta chỉ vẻ cho em cháu mình biết mà trách xa, đừng làm hoen ố cuộc đời của chính mình. Các đức tính nhân bản như trung thực, nhân hậu, liêm khiết, biết sống nghĩa tình… thật cần thiết biết bao cho đời sống của một con người. Mà những con người đó, mai này sẽ là chồng là cha, là mẹ là vợ… và nếu trong cương vị này mà để thiếu đi những đức tính cần thiết của đời người như thế thì thật là mối nguy, nguy cho chính họ, cho những người liên hệ và cho cả xã hội sau này.

Song song vào đó, trong giai đoạn này, chúng ta không quên nhắc nhủ các em trung thành trong việc giữ đạo và chuyên cần trong đời sống thờ phượng. Có như thế, các em mới cảm nghiệm được đời sống đức tin là cần thiết, và Thiên Chúa có một chỗ đứng thật sự quan trọng trong cuộc đời các em. Điều này giúp các em dễ dàng chọn lựa bậc sống, cách sống và người bạn đời của các em sau này.

Chuẩn bị gần: Đây là giai đoạn các bạn trẻ chuẩn bị kết hôn. Ở giai đoạn này, bản thân hai bạn trẻ, gia đình hai bên và các mục tử có những chương trình, sắp xếp cách khẩn trương hơn để chuẩn bị cho ngày hôn lễ gần kề. Nhìn chung, các xứ đạo tại Việt Nam đã thực hiện khá tốt giúp cho các bạn trẻ trong giai đoạn này như mở các lớp giáo lý hôn nhân với những chương trình rõ ràng và bài bản bởi lẽ như Đức thánh Giáo hoàng Gioan – Phaolo II đã nói:

Kinh nghiệm cho thấy rằng, các bạn trẻ được chuẩn bị chu đáo cho đời sống gia đình, cách chung sẽ thành công hơn các bạn khác. Điều đó còn đúng hơn nữa cho hôn nhân Kitô giáo, vốn có sự ảnh hưởng rất rộng đối với sự thánh thiện của biêt bao người nam, người nữ. Vì thế, Hội thánh phải cổ võ những chương trình chuẩn bị hôn nhân phong phú và hữu hiệu, để hết sức loại trừ những khó khăn mà trong đó biết bao gia đình phải chiến đấu, và hơn nữa, để tích cực dẫn đưa cuộc hôn nhân đến chỗ thành công và trưởng thành trọn vẹn[8]. Với những kinh nghiệm được chắc lọc từ đời sống thực tế của từng địa phương, khu vực mà chương trình của các lớp dự bị hôn nhân hiện nay được sắp xếp khá đầy đủ và chuẩn mực. Lướt qua  chương trình của nhiều nơi với các nội dung từ tín lý, luân lý, giáo luật, tính dục, sinh sản, cũng như việc ứng xử trong các mối tương quan; và chương trình này được đảm nhận bởi các giáo viên và những nhà chuyên môn có đủ tâm, đủ tầm để giúp các bạn trẻ… Điều này là một cố gắng đáng trân trọng của các vị chủ chăn trong việc chuẩn bị cho các bạn trẻ  bước vào đời sống hôn nhân gia đình.

Tuy nhiên, cũng có một vài nơi, người ta nhận thấy – có thể –  là do các vị chủ chăn quá bận rộn với các công việc mục vụ khác nên chương trình đào luyện các bạn trẻ bước vào đời sống hôn nhân được khoán trắng cho một nữ tu già đạo đức thánh thiện hay giao cho thầy phó tế trẻ măng mới ra trường. Và với lòng yêu mến thế hệ trẻ cũng như trách nhiệm của mình, các vị sẵn sàng “bao luôn trọn gói” chương trình từ sản – nhi, rồi vấn đề hạn chế sinh sản cho tới các bệnh nhi khoa thường gặp…  các vị cứ vô tư mà giảng dạy; vui vẻ mà truyền đạt??!!

Về vấn đề này, chúng ta xem lại giáo huấn của Đức thánh cha: “Cùng với một mục vụ chuyên biệt hướng đến các gia đình, chúng ta thấy cũng cần có một công cuộc đào tạo phù hợp hơn cho các linh mục, phó tế, tu sĩ nam nữ, các giáo lý viên và các tác viên mục vụ khác. Các phúc đáp cho việc tham khảo ý kiên được gởi đến toàn thế giới nêu lên nhận định rằng, các thừa tác viên có chức thánh thường được đào tạo thiếu phù hợp để đối phó với các vấn đề phúc tạp hiện nay của gia đình[9]. Như thế, khi chúng ta giao việc chuẩn bị gần cho cuộc hôn nhân của các bạn trẻ cho những người không chuyên môn, ít kinh nghiệm là một việc làm mà các chủ chăn cần xem xét lại. Phải chăng, khi sống Năm Mục Vụ 2017 này, là lúc chúng ta xem xét, chỉnh đốn lại những chương trình và nhân sự cho công việc mục vụ này.

Chuẩn bị liền trước hôn lễ: Đây là thời điểm quan trọng trong cuộc đời bạn trẻ: Ngày lễ cưới. Lúc này, mọi chuẩn bị xem ra đã tạm ổn, việc còn lại là chuẩn bị tâm hồn thật chu đáo và xứng đáng cho hôn lễ nay mai sẽ được cử hành. Vai trò của cha sở lúc này thật to lớn trong hôn lễ của hai bạn trẻ này như lời Đức Giáo hoàng Phanxico : “Điều quan trọng là khai sáng cho đôi bạn hiểu rõ ý nghĩa của từng cử chỉ để họ có thể sống việc cử hành phụng vụ cách sâu xa nhất. Chúng ta nên nhớ rằng, trong trường hợp của hai người đã được rửa tội, sự cam kết trong đại như việc bày tỏ lời ưng thuận kết hôn, và sự kết hợp thân xác của hai người làm hôn nhân nên hoàn hợp chỉ có thể giải thích như là những dấu chỉ tình yêu của Con Thiên Chúa làm người kết hợp với Hội thánh trong giao ước tình yêu. Nơi những người được rửa tội, lời nói và cử chỉ được chuyển thành một ngôn ngữ diễn tả đức tin[10]. Và như vậy, đôi bạn trẻ cần được chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt đức tin và tâm linh để có thể hiểu và sống trọn vẹn bí tích mà họ sẽ cử hành. Linh thánh là vậy! huyền nhiệm là vậy! và việc cử hành này mang một dấu ấn sâu đậm và đi theo hai bạn trong suốt cuộc đời.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc chuẩn bị này với các đôi hôn nhân – hình như – được thực hiện tùy nơi, tùy thời theo phong cách của từng chủ chăn. Phải chân nhận rằng có nhiều cha sở rất kỹ lưỡng và chu đáo trong việc chuẩn bị tâm hồn cho hai bạn như hẹn ngày tĩnh tâm, giải tội cho hai bạn, tập nghi thức, dặn dò động viên khích lệ với những phận việc cuối cùng cho một nghi lễ hôn phối. Tuy nhiên, đó đây chúng ta vẫn còn thấy công việc chuẩn bị này, nhiều khi các cha không quan tâm đủ, và những công việc cuối cùng trước khi đám cưới được giao khoáng cho ông trùm, ông quản để ghi sổ, mua hoa, tập đứng tập ngồi… cho hai bạn; và có nhiều đôi cũng không được xưng tội trước ngày hôn lễ của mình, chứ nói chi đến việc tĩnh tâm hay có sự hướng dẫn, diễn giải cho hai bạn trẻ ý nghĩa của việc cử hành trọng đại này. Ước mong sao Năm Mục Vụ 2017 này là thời điểm thuận lợi để cả hai phía, từ chủ chăn cho đến các đôi bạn hôn phối có một sự điều chỉnh thích hợp và hưởng ứng nhiệt tình nhằm đem lại lợi ích cao nhất cho cả hai bên.

Tạm kết luận : Trong cuộc sống hôm nay, khi nhìn thấy một vài hiện tượng “bất thường” xảy ra liên quan đến người trẻ và các gia đình trẻ, nhiều người trong chúng ta lo ngại, ngao ngán và thầm trách móc về thái độ vô tâm, vô tình và vô trách nhiệm của người trẻ trong thời hiện đại. Thế nhưng nếu đặt câu hỏi rằng, chúng ta đây đã làm gì cho thế hệ trẻ, có chương trình, có sự chuẩn bị nào cho các bạn để giúp các bạn mạnh dạn và tự tin để bước vào cuộc đời?; thì thử hỏi rằng mấy ai trong chúng ta có được câu trả lời thỏa đáng cho vấn nạn này. Ước mong sao Năm Mục Vụ 2017 này là một cơ hội tốt để nhắc nhở chúng ta – là những người lớn – hãy có một động thái tích cực, hãy có một chương trình hành động cụ thể để CHUẨN BỊ CHO NGƯỜI TRẺ BƯỚC VÀO ĐỜI SÔNG HÔN NHÂN GIA ĐÌNH.                                                                                             

Mùa Chay 2017

Lm Fr. Lê Văn La Vinh,OP

————————————————————–

[1] báo http://vietnamnet.vn truy cập ngày 05/04/2014

[2] http:// congannghean.vn/gia-dinh-xa-hoi/201505….

[3]  ĐTC Gio-an Phao-lô II, Tông huấn Gia đình- Familiaris Consortio, số 86. Bản dịch của linh mục Âutinh Nguyễn Văn Dụ 

[4] Xc Thư Chung HĐGmVN 2016,  số 5

[5] Xc. Thư Chung HĐGmVN 2016, số 05

[6] ĐTC Phanxico, Tông huấn Niềm vui Tình yêu- Amoris Laetitia, số 205

[7] Xem thêm: Tông huần Gia đình- Familiaris Consortio, số 66

[8] ĐTC Gioan-Phaolo II , Tông huấn Gia đình- Familiaris Consortio, số 66

[9] ĐTC Phanxico, Tông Huấn Niềm Vui Tình yêu – Amoris Laetitia, số 202

[10] ĐTC Phanxico, Tông huấn Niềm vui Tình Yêu- Amoris Laetitia, số 213.