Chứng Từ Về Sứ Mạng Kỹ Thuật Số Trong Phiên Họp Khoáng Đại Thứ VIII


WHĐ (19.10.2023) – Tại Phiên họp khoáng đại thứ VIII hôm 13.10 vừa qua, bạn trẻ Jose Manuel de Urquidi Gonzalez và Sơ Xiskya Lucia Valladares Paguaga, RP đến từ Nicaragua, đồng sáng lập IMisión và giám đốc Ban Truyền thông của “Trung tâm Giáo dục Đại học Alberta Giménez” thuộc Đại học Giáo hoàng Comillas, đã đưa ra chứng từ về Sứ mạng kỹ thuật số: một không gian mới cho Giáo hội” trong phần giới thiệu phần B2 của Tài liệu Làm việc.

CHỨNG TỪ VỀ SỨ MẠNG KỸ THUẬT SỐ
TRONG PHIÊN HỌP KHOÁNG
 ĐẠI THỨ VIII

Anh chị em tham dự Đại hội Thượng Hội đồng thân mến,

Nhiều người trong anh chị em đã lên tiếng trong các tham luận của mình về tầm quan trọng của việc “Loan báo Tin Mừng trong môi trường kỹ thuật số”. Tôi tin rằng việc chia sẻ trải nghiệm mà chúng ta có được trong Thượng Hội đồng Kỹ thuật số có thể là một đóng góp cho việc phân định phần B2. Có tên “Giáo hội lắng nghe bạn”, dự án này là một sáng kiến do một mạng lưới các nhà thừa sai và các nhà rao giảng Tin Mừng kỹ thuật số thực hiện với sự hỗ trợ của Bộ Truyền thông và Ban Tổng Thư ký Thượng Hội đồng. Dự án là một cách diễn đạt mang tính sứ mạng của Thượng Hội đồng, bởi vì nó hướng tới những người ở ngoại biên, những người chưa đích thân tham gia vào Giáo hội.

Từ trải nghiệm của mình, chúng tôi xin chia sẻ 3 thành quả chính thu được từ dự án này:

Trước hết, sứ mạng kỹ thuật số đã trở thành một yếu tố quan trọng trong cuộc thỉnh vấn toàn cầu của Thượng Hội đồng từ tháng 10.2021. Trong giai đoạn đầu, kéo dài hơn hai tháng rưỡi, 250 nhà thừa sai đã tiến hành các quá trình lắng nghe ở 115 quốc gia và bằng 7 ngôn ngữ, nhờ đó tiếp cận được tổng cộng hơn 150.000 người muốn trả lời bảng câu hỏi, trong đó 30% không phải là tín hữu và những người xa rời Giáo hội. Mười lăm nhà thừa sai kỹ thuật số đã được mời đến các Đại hội châu lục khác nhau để chia sẻ sự phân định từ kinh nghiệm khi thi hành sứ mạng của họ. Hai người trong số họ cũng đang hiện diện trong Đại hội Thượng Hội đồng này.

Thành quả thứ hai là tạo ra nhận thức sâu sắc về chính sứ mạng kỹ thuật số. Mặc dù nhiều nhà thừa sai đã loan báo Tin Mừng trực tuyến trong một thời gian dài nhưng họ thực hiện việc này với sáng kiến cá nhân và rất ít người nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào mang tính thể chế. Họ là những người từ lâu đã cảm nhận được lời mời gọi loan báo Tin Mừng trên các mạng lưới và không gian kỹ thuật số như ơn gọi Kitô hữu của mình. Đối với dự án lắng nghe này, cần phải tạo ra những không gian, đó là một mạng lưới giữa những nhà thừa sai để chúng tôi có thể gặp gỡ và cùng nhau phân định. Do đó, việc nhận thức rằng chúng tôi là một phần của điều gì đó có thể được gọi là sứ mạng kỹ thuật số, được thực hiện bởi và trong Giáo hội, đã là thành quả cụ thể của hành trình hiệp hành. Hiện nay có gần 2.000 nhà thừa sai kỹ thuật số từ khắp nơi trên thế giới và con số này vẫn tiếp tục gia tăng.

Đồng thời, chủ yếu là giáo dân và người trẻ, chúng tôi khám phá ra ước muốn kết nối chặt chẽ hơn với các giám mục và giáo phận của chúng tôi, cũng như được đồng hành, nhìn nhận, và hội nhập tốt hơn vào sứ mạng tông đồ của Giáo hội. Một thời điểm quan trọng trong nhận thức ngày càng tăng này đã xảy ra trong dịp Ngày Giới trẻ Thế giới tại Lisbon, vào tháng 8 vừa qua, nơi lần đầu tiên chúng tôi tổ chức một cuộc gặp gỡ trực tiếp, bao gồm Thánh lễ và Lễ hội, với 577 nhà thừa sai đến từ 68 quốc gia.

Thánh lễ và phép lành của các nhà thừa sai và các nhà rao giảng Tin Mừng kỹ thuật số tại Lisbon phản ánh thành quả thứ ba của dự án lắng nghe hiệp hành này. Theo lời của Đức Hồng y Tagle tại Lisbon, Giáo hội ngày càng nhận thức rằng sứ mạng kỹ thuật số không chỉ đơn thuần là một công cụ để loan báo Tin Mừng, mà còn là “một không gian, một lãnh thổ… một thế giới mới đối với Giáo hội hiệp thông và sứ vụ”.

Thưa anh chị em, tôi muốn nhấn mạnh điểm này: Môi trường kỹ thuật số là một nền văn hóa, một “nơi chốn” mà mọi người – tất cả chúng ta – dành một phần đáng kể cuộc sống của mình. Môi trường kỹ thuật số không chỉ là một công cụ, mà, như Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong Tông huấn Christus Vivit, nó “tác động sâu xa lên khái niệm không gian và thời gian, lên cách nhận thức về bản thân, về tha nhân và về thế giới, lên cách giao tiếp, cách học hỏi, cách tìm hiểu thông tin, và cách tương quan với người khác” (Tông huấn Christus Vivit, 86). Giống như bất kỳ nền văn hóa nào, môi trường kỹ thuật số có ngôn ngữ riêng và cách hành động riêng. Và như trong mọi nền văn hóa, để hạt giống Tin Mừng phát triển ở đó, môi trường kỹ thuật số cần phải được hội nhập văn hóa.

Trong nền văn hóa kỹ thuật số này, chúng ta gặp thấy nhiều anh chị em khao khát được loan báo Tin Mừng; nhiều người cần niềm hy vọng, cần sự chữa lành những tổn thương, cần một bàn tay nâng đỡ, và cần Thiên Chúa. Đối với nhiều người, việc cho họ biết lịch trình Thánh lễ hoặc mời họ đến thăm viếng nhà thờ vẫn chưa đủ, nếu trước hết chúng ta chưa tham gia đối thoại với họ, gần gũi hơn với họ để lắng nghe họ. Đôi khi họ cảm thấy bối rối hoặc xấu hổ và họ cần một “người bạn đồng hành” nâng đỡ họ. Để trở thành người bạn đồng hành đó, chúng ta cần phải ra khỏi chính mình, ra khỏi lối suy nghĩ của mình, để gặp gỡ, lắng nghe, và đồng hành với họ.

Người ta nói rằng chúng ta đang ở vào thời điểm biến chuyển trong Giáo hội, mô hình được kế thừa không còn phù hợp để nói chuyện với thời đại kỹ thuật số nữa. Có ý kiến cho rằng, trong thời kỳ chuyển tiếp này, Giáo hội cần được xây dựng từ những vùng ngoại biên, tại vùng Galilê của những người không tin và những người bị tổn thương, nơi những người khao khát Thiên Chúa nhưng không biết kêu cầu Ngài như thế nào. Kinh nghiệm của chúng ta là nền văn hóa kỹ thuật số nắm giữ phần lớn “miền Galilê mới” này, và như Đức Thánh Cha Phanxicô có nói, Chúa ở đó, Người đi trước chúng ta và dẫn chúng ta tới đó.

Chúng ta cũng nhận thức được rằng, trong môi trường kỹ thuật số cũng có rất nhiều thứ không đến từ Thiên Chúa, nên chúng ta đừng ngây thơ. Trong bài Suy tư mục vụ tháng 5 với tựa đề “Hướng tới sự hiện diện tròn đầy” của Bộ Truyền thông đã phân tích kỹ về sự tương tác trên mạng xã hội, những thuật toán ước định và chắt lọc các mạng lưới nhằm đạt lợi ích kinh tế. Giống như các nhà thừa sai, chúng ta cần biết đâu là những cạm bẫy và thủ đoạn của internet.

Nhưng điều dẫn chúng ta đến lãnh thổ ấy chính là Thánh Thần, Đấng mà qua Thượng Hội đồng này, mời gọi chúng ta đón nhận sứ mạng đến vùng Galilê mới này. Chính sự khiêm tốn lắng nghe, đồng hành và đối thoại cùng với nhận thức đúng đắn về kho tàng đức tin của chúng ta, cho phép chúng ta tham gia vào cuộc đối thoại với một nhóm dân số mà chúng ta khó thấy họ trong nhà thờ. Họ là những người trong độ tuổi từ 18 đến 40 (30% không phải là tín hữu). Họ là những tín hữu nhưng “không thuộc về”, tức là những người xa cách và xa lánh Giáo hội. Họ là những người đã rời bỏ Giáo hội, tổn thương vì quá nhiều sự phân biệt đối xử; họ là những người cảm thấy chán với những bài giảng của chúng ta; họ là những người không hiểu ngôn ngữ của chúng ta; hoặc họ là những người có lẽ chưa bao giờ đặt chân đến nhà thờ. Nhưng họ vẫn tiếp tục tìm kiếm. Họ dành phần lớn thời gian trực tuyến vì họ “phần nào ẩn mình” ở đó. Sự ẩn danh đã cho phép họ vượt thắng sự xấu hổ và khoảng cách, hoặc chỉ để đặt câu hỏi. Tham gia đối thoại với họ đòi hỏi thời gian, sự kiên nhẫn và nhiều tình yêu thương.

Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh một điểm liên quan đến phần B2.2. Đối với sứ mạng loan báo Tin Mừng trong không gian kỹ thuật số, việc bạn là linh mục hay giáo dân, nam hay nữ, già hay trẻ đều không quan trọng: trong số 250 nhà thừa sai trong giai đoạn đầu, 63% là giáo dân, 27% là linh mục và 10% là tu sĩ nam nữ, mà quan trọng là khả năng lắng nghe và tham gia đối thoại của bạn. Điều đáng ngạc nhiên là sự tin tưởng được đặt vào con người, lời nói, và chứng từ của nhà thừa sai kỹ thuật số. Theo nghĩa này, Galilê mới của môi trường kỹ thuật số là một lãnh thổ lý tưởng đối với một Giáo hội thừa sai mang tính hiệp hành, trong đó tất cả những người đã lãnh phép Rửa đều đồng trách nhiệm đối với việc loan báo Tin Mừng.

Chúng ta cũng đã khám phá ra tầm quan trọng của những gì được đề cập tới trong Phiếu làm việc B 2.1, điểm (d), rằng những hạn chế và thất bại của các cộng đoàn Kitô hữu không phải là một trở ngại cho sứ mạng, mà trái lại, “chuyển động đi ra khỏi chính mình trong đức tin, đức cậy, và đức ái là một cách xử lý sự bất toàn này”. Trên mạng truyền thông, mọi thứ đều mang tính tạm thời, hay thay đổi, và bất toàn. Và ở đó, những gì chúng ta đem lại không phải là mặt tiền của một vương cung thánh đường vĩ đại mang tính lịch sử, mà là khuôn mặt của lòng xót thương, cố gắng hiểu ngôn ngữ để truyền tải Sự sống. Và từ cuộc gặp gỡ cơ bản đó, nhiều người tìm thấy sự can đảm và ước muốn để bước vào Vương cung thánh đường.

Chúng ta hãy cùng nhau mơ ước rằng một ngày nào đó tất cả các giáo phận đều có đội ngũ “các nhà thừa sai kỹ thuật số” do các giám mục sai đi; và tác vụ lắng nghe kỹ thuật số để tìm kiếm anh chị em đau khổ trở thành một phần bình thường trong đời sống Giáo hội. Và nếu giấc mơ trở thành hiện thực, chắc chắn trong tương lai người ta sẽ nói rằng chính Thượng Hội đồng về hiệp hành đã khiến điều đó trở nên khả thi.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vaticannews.va (13.10.2023)