Chương Hai: Chúa Giêsu, Mãi Mãi Trẻ Trung


22. Chúa Giêsu “trẻ giữa người trẻ để trở thành tấm gương cho người trẻ và thánh hiến họ cho Chúa”[3] Vì lý do này, Thượng hội đồng nói rằng “tuổi trẻ là một giai đoạn độc đáo và đầy kích thích của đời sống, mà chính Người đã trải qua, do đó, đã thánh hóa nó”. [4]

Tuổi trẻ của Chúa Giêsu 

23. Chúa đã “tắt thở” (xem Mt 27:50) trên thập giá khi Người mới hơn ba mươi tuổi (x. Lc 3, 23). Điều quan trọng là phải nhận ra rằng, Chúa Giêsu là một người trẻ tuổi. Người đã hiến cuộc sống của mình khi Người, nói theo ngôn ngữ ngày nay, mới chỉ là một người trưởng thành trẻ. Người bắt đầu sứ mệnh công khai của mình trong thời kỳ đẹp nhất của cuộc đời, và do đó, “một ánh sáng đã bừng lên” (Mt 4:16), ánh sáng này sẽ tỏa sáng rực rỡ nhất khi Người hiến mạng sống mình đến tận cùng. Việc kết thúc đó không phải là một điều đơn giản xảy ra; đúng hơn, toàn bộ tuổi trẻ của Người, trong mọi thời điểm, là một sự chuẩn bị quý giá cho nó. “Tất cả mọi điều trong cuộc sống của Chúa Giêsu là một dấu chỉ sự mầu nhiệm của Người” [5]; thực vậy, “toàn bộ cuộc đời Chúa Kitô là một mầu nhiệm cứu chuộc” [6].

24. Tin Mừng không cho chúng ta biết gì về thời thơ ấu của Cúa Giêsu, nhưng có kể lại một số biến cố thời niên thiếu và tuổi trẻ của Người. Thánh Mátthêu đặt tuổi trẻ của Chúa giữa hai biến cố: gia đình của Người trở về Nadarét sau khi họ bị lưu đày và Chúa Giêsu chịu phép rửa ở Sông Giócđăng, khởi đầu thừa tác vụ công khai của Người. Những hình ảnh cuối cùng mà chúng ta có về Chúa Giêsu lúc còn bé là các hình ảnh của một người tị nạn tí hon ở Ai Cập (x. Mt 2: 14-15) và hồi hương ở Nadarét (x. Mt 2: 19-23). Hình ảnh đầu tiên của chúng ta về Chúa Giêsu như một thanh niên trẻ tuổi cho thấy Người đứng giữa đám đông bên bờ sông Giócđăng để được người anh em họ Gioan Tẩy Giả làm phép rửa, giống như bất cứ thành viên nào khác trong dân tộc của Người (x. Mt 3: 13-17) .

25. Phép rửa Chúa Giêsu chịu không giống như của chúng ta, vì phép rửa của chúng ta đưa chúng ta vào đời sống ơn thánh, nhưng phép rửa Người chịu là một sự thánh hiến trước khi Người bắt tay vào sứ mệnh cao cả của đời mình. Tin Mừng nói rằng lúc Người chịu phép rửa, Chúa Cha đã vui mừng và rất hài lòng: “Con là con yêu dấu của Cha” (Lc 3:22). Chúa Giêsu ngay lập tức xuất hiện tràn đầy Chúa Thánh Thần, và được Chúa Thánh Thần dẫn vào sa mạc. Ở đó, Người chuẩn bị để ra đi rao giảng và làm phép lạ, đem lại tự do và chữa lành (x. Lc 4: 1-14). Mọi người trẻ nào cảm thấy được mời gọi tham gia một sứ mệnh trong thế giới này đều được mời nghe Chúa Cha nói cùng những lời như thế trong trái tim mình: “Con là con yêu dấu của Cha”.

26. Giữa hai trình thuật này, chúng ta tìm thấy một trình thuật khác, cho thấy Chúa Giêsu như một thiếu niên, khi Người cùng cha mẹ trở về Nadarét, sau khi bị lạc và được tìm thấy trong Đền thờ (x. Lc 2: 41-51). Ở đó, chúng ta đọc thấy, Người đã vâng lời các ngài (xem Lc 2:51); Người không từ chối gia đình. Sau đó, Thánh Luca cho biết thêm, Chúa Giêsu “lớn lên trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ơn thánh trước mặt Thiên Chúa và người ta” (xem Lc 2:52). Tóm một lời, đây là thời chuẩn bị, khi Chúa Giêsu lớn lên trong mối liên hệ với Chúa Cha và với những người khác. Thánh Gioan Phaolô II giải thích rằng Người không chỉ lớn lên về thể chất, mà “còn có sự tăng trưởng về thiêng liêng nơi Chúa Giêsu” vì “sự viên mãn của ơn thánh tỷ lệ thuận với tuổi của Người: luôn luôn có một sự viên mãn, nhưng là một sự viên mãn gia tăng với việc gia tăng năm tháng cuộc sống” [7].

27. Từ những gì Tin Mừng nói với chúng ta, chúng ta có thể nói rằng, Chúa Giêsu, trong những năm còn trẻ, đang “được huấn luyện”, chuẩn bị để thực hiện kế hoạch của Chúa Cha. Thời niên thiếu và tuổi trẻ của Người đã đặt Người vào con đường tiến đến sứ mệnh cao siêu đó.

28. Ở tuổi thiếu niên và tuổi trẻ, mối liên hệ của Chúa Giêsu với Chúa Cha là mối liên hệ của người Con yêu dấu. Cuốn hút vào Chúa Cha, Người lớn lên lo lắng cho các vụ việc của Chúa Cha: “Há cha mẹ không biết con phải lo công việc của Cha con sao?” (Lc 2:49). Tuy nhiên, ta không nên nghĩ rằng, Chúa Giêsu là một thiếu niên lãnh đạm hoặc chỉ biết quan tâm đến mình. Các mối liên hệ của Người là các mối liên hệ của một người trẻ, biết chia sẻ đầy đủ cuộc sống của gia đình và dân của Người. Người học tay nghề của cha mình và sau đó thay thế cha làm thợ mộc. Tại một thời điểm trong Tin Mừng, Người được gọi là “con bác thợ mộc” (Mt 13:55) và một lần khác chỉ đơn giản là “chú thợ mộc” (Mc 6: 3). Chi tiết này cho thấy Người chỉ là một người trẻ tuổi khác trong thị trấn của Người, một người có liên hệ bình thường với những người khác. Không ai coi Người là bất thường hoặc tách biệt với những người khác. Vì lý do này, một khi Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng, người ta không thể tưởng tượng được do dâu Người có được sự khôn ngoan này: “ Há đây không phải là con trai của ông Giuse sao?” (Lc 4:22).

29. Trên thực tế, “Chúa Giêsu đã không lớn lên trong mối liên hệ hẹp hòi và ngột ngạt với Mẹ Maria và Thánh Giuse, nhưng sẵn sàng tương tác với gia đình rộng lớn hơn, họ hàng của cha mẹ và bạn bè của họ [8]. Từ đó, chúng ta có thể hiểu tại sao, khi Người trở về từ chuyến hành hương Giêrusalem, cha mẹ Người dễ dàng nghĩ rằng, khi còn là một cậu bé mười hai tuổi (x. Lc 2,42), Người đã tự do đi lang thang trong đám đông, mặc dù cả ngày họ đã không thấy Người: “cho rằng Người ở trong nhóm du khách, họ đã đi một ngày đường” (Lc 2:44). Chắc chắn, họ cho rằng, Chúa Giêsu ở đó, trà trộn với những người khác, đùa giỡn với người trẻ khác, kể cho người lớn những câu chuyện dỡn (tell stories) và chia sẻ niềm vui và nỗi buồn của nhóm. Thật vậy, chữ Hy Lạp mà Thánh Luca sử dụng để mô tả nhóm – synodía – rõ ràng gợi lên một “cộng đồng lớn hơn đang trên hành trình”, mà Thánh gia là một thành phần. Nhờ sự tin tưởng của cha mẹ, Người có thể tự do di chuyển và học cách lữ hành cùng người khác.

Tuổi trẻ của Người dạy chúng ta

30. Những khía cạnh của đời sống Chúa Giêsu có thể chứng minh có sức gây cảm hứng cho tất cả những người trẻ đang phát triển và chuẩn bị lãnh nhận sứ mệnh ở trong đời. Điều này liên quan đến việc lớn lên trong mối liên hệ với Chúa Cha, trong ý thức trở thành một phần của gia đình và dân tộc, và trong việc cởi mở để được đầy dẫy Chúa Thánh Thần và được dẫn tới việc thi hành sứ mệnh mà Thiên Chúa ban cho họ, ơn gọi bản thân của họ. Không nên bỏ qua bất cứ điều nào trong công việc mục vụ với người trẻ, kẻo chúng ta tạo ra những dự án cách ly những người trẻ khỏi gia đình và cộng đồng lớn hơn, hoặc biến họ thành thiểu số ưu tuyển, được bảo vệ khỏi mọi ô nhiễm. Thay vào đó, chúng ta cần các dự án có thể củng cố họ, đồng hành cùng họ và thúc đẩy họ gặp gỡ người khác, dấn thân vào việc phục vụ quảng đại, vào sứ mệnh.

31. Chúa Giêsu không dạy các các bạn, những người trẻ, từ xa hay từ bên ngoài, nhưng từ trong chính tuổi trẻ của các bạn, một tuổi trẻ Người chia sẻ với các bạn. Điều rất quan trọng đối với bạn là chiêm ngưỡng Chúa Giêsu trẻ trung như được trình bày trong các sách Tin mừng, vì Người thực sự là một trong số các bạn, và chia sẻ nhiều đặc điểm của trái tim trẻ của các bạn. Chúng ta thấy điều này, chẳng hạn, trong chi tiết sau: “Chúa Giêsu có niềm tin vô điều kiện vào Chúa Cha; Người duy trì tình bạn với các môn đệ và ngay cả trong những giây phút khủng hoảng, Người vẫn trung thành với họ. Người đã biểu lộ lòng trắc ẩn sâu sắc đối với những người yếu đuối nhất, đặc biệt là người nghèo, người bệnh, tội nhân và những người bị loại trừ. Người đã can đảm đối đầu với các thẩm quyền tôn giáo và chính trị thời bấy giờ; Người biết thế nào là cảm thấy bị hiểu lầm và bị từ chối; Người trải qua nỗi sợ đau khổ và Người biết sự yếu đuối của Cuộc Khổ Nạn. Người hướng ánh mắt về tương lai, phó mình trong bàn tay an toàn của Chúa Cha, trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Nơi Chúa Giêsu, mọi bạn trẻ đều có thể nhìn thấy mình”. [9]

32. Mặt khác, Chúa Giêsu đã trỗi dậy và Người muốn làm cho chúng ta trở thành những người tham dự vào sự sống mới của phục sinh. Người là sự trẻ trung thực sự của một thế giới đã trở thành già cỗi, sự trẻ trung của một vũ trụ đang chờ đợi “trong đau đẻ” (Rm 8:22) để được mặc lấy ánh sáng và sống sự sống của Người. Với Người ở bên cạnh, chúng ta có thể uống từ nguồn suối chân thực, nguồn suối giữ cho mọi ước mơ, dự án, lý tưởng tuyệt vời của chúng ta luôn sống động, trong khi thúc đẩy chúng ta công bố điều làm cho cuộc sống thực sự đáng giá. Hai chi tiết gây tò mò trong Tin mừng Maccô cho thấy những người trỗi dậy với Chúa Kitô được kêu gọi bước vào tuổi trẻ đích thực như thế nào. Trong cuộc khổ nạn của Chúa, chúng ta thấy một chàng trai trẻ muốn theo Chúa Giêsu, nhưng vì sợ đã chạy trốn trần trụi (xem 14: 51-52); anh thiếu sức mạnh để đánh cuộc mọi thứ mà theo Chúa. Thế nhưng, tại ngôi mộ trống, chúng ta thấy một người trẻ tuổi khác, “mặc một chiếc áo dài màu trắng” (16: 5), người nói với các phụ nữ đừng sợ hãi và công bố niềm vui của sự phục sinh (xem 16: 6-7).

33. Chúa đang kêu gọi chúng ta thắp sáng các vì sao trong đêm tối của những người trẻ khác. Người yêu cầu các bạn nhìn vào những vì sao đích thực, mọi dấu hiệu khác nhau mà Người ban cho để dẫn đường chúng ta và bắt chước người nông dân ngắm các vì sao trước khi ra ngoài cày ruộng. Thiên Chúa thắp sáng các vì sao giúp chúng ta tiếp tục bước đi: “Các tinh tú, mỗi ngôi ở vị trí mình, tưng bừng chiếu sáng. Người gọi chúng, chúng thưa: Có mặt, và hân hoan chiếu sáng” (Br 3: 34-35). Chính Chúa Kitô là ánh sáng hy vọng lớn lao và là người dẫn đường của chúng ta trong đêm tối, vì Người là “ngôi sao mai sáng lạn” (Kh 22: 16).

Tuổi trẻ của Giáo hội

34. Tuổi trẻ không chỉ đơn giản là một khoảng thời gian; nó là một trạng thái của tâm trí. Đó là lý do tại sao một định chế cổ xưa như Giáo hội có thể trải nghiệm sự đổi mới và trở lại tuổi trẻ ở những thời điểm khác nhau trong lịch sử lâu đời của mình. Thật vậy, vào những thời khắc bi thảm nhất trong lịch sử, Giáo hội cảm thấy được kêu gọi hết lòng trở lại với mối tình đầu. Nhắc lại sự thật này, Công đồng Vatican II lưu ý rằng, “trở nên phong phú với một lịch sử lâu dài và sống động, và tiến tới sự hoàn thiện nhân bản trong thời gian và những vận mệnh tối hậu của lịch sử và cuộc sống, Giáo hội là tuổi trẻ thực sự của thế giới”. Nơi Giáo hội, người ta luôn có khả năng gặp gỡ Chúa Kitô “người bạn đồng hành và là bạn bè của tuổi trẻ” [10].

Một Giáo hội cởi mở đối với đổi mới

35. Chúng ta hãy cầu xin Chúa giải thoát Giáo hội khỏi những người khiến Giáo hội già đi, giam cầm Giáo hội trong quá khứ, cầm chân Giáo hội hoặc giữ cho Giáo hội dậm chân tại chỗ. Nhưng chúng ta cũng hãy cầu xin Người giải thoát Giáo hội khỏi một cám dỗ khác: đó là cơn cám dỗ muốn nghĩ rằng Giáo hội trẻ bởi vì Giáo hội chấp nhận mọi thứ được thế giới mời mọc Giáo hội, nghĩ rằng Giáo hội được đổi mới vì Giáo hội gạt thông điệp của mình sang một bên và hành động như mọi người khác. Không! Giáo hội trẻ trung khi Giáo hội là chính mình, khi Giáo hội nhận được một lần nữa sức mạnh được sinh ra từ lời Chúa, từ Bí tích Thánh Thể, và sự hiện diện hàng ngày của Chúa Kitô và sức mạnh của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống của chúng ta. Giáo hội trẻ trung khi Giáo hội chứng tỏ mình có khả năng liên tục trở về nguồn của mình.

36. Chắc chắn, trong tư cách chi thể của Giáo hội, chúng ta không nên tách biệt với những người khác. Mọi người nên coi chúng ta là bạn bè và hàng xóm, giống như các tông đồ, những người “được hưởng thiện chí mọi người” (Cv 2:47; xem 4: 21,33; 5: 13). Nhưng đồng thời, chúng ta phải dám sống khác biệt, để nêu rõ các lý tưởng khác với các lý tưởng của thế giới này, làm chứng cho vẻ đẹp của lòng quảng đại, việc phục vụ, đức trong sạch, lòng kiên trì, sự tha thứ, lòng trung thành với ơn gọi bản thân, lời cầu nguyện, theo đuổi công lý và ích chung, tình yêu đối với người nghèo và tình bạn xã hội.

37. Giáo hội Chúa Kitô luôn có thể sa vào cơn cám dỗ để mất nhiệt tình vì không còn nghe thấy tiếng Chúa kêu gọi mình phải chấp nhận mạo hiểm đức tin, cho Giáo hội tất cả mà không tính đến các nguy hiểm; Giáo hội có thể bị cám dỗ trở lui tìm kiếm một hình thức an toàn giả mạo, trần tục. Những người trẻ có thể giúp giữ cho Giáo hội trẻ trung. Họ có thể ngăn Giáo hội khỏi thối nát; họ có thể giữ cho Giáo hội tiến về phía trước, ngăn Giáo hội kiêu căng và bè phái, giúp Giáo hội nghèo hơn và làm chứng tốt hơn, đứng về phía người nghèo và người bị ruồng bỏ, đấu tranh cho công lý và khiêm tốn để mình bị thử thách. Những người trẻ có thể cung hiến cho Giáo hội vẻ đẹp của tuổi trẻ bằng cách đổi mới khả năng của Giáo hội biết “vui mừng với những khởi đầu mới, hiến mình không dè dặt, đổi mới và lên đường thực hiện các thành tựu lớn lao hơn bao giờ hết”. [11]

38. Những người trong chúng ta không còn trẻ nữa cần tìm cách gần gũi với các tiếng nói và mối quan tâm của người trẻ. “Sáp lại gần nhau tạo điều kiện để Giáo hội trở thành nơi đối thoại và làm chứng cho tình huynh đệ mang lại sự sống”. [12] Chúng ta cần tạo thêm chỗ cho các tiếng nói của người trẻ được lắng nghe: “Lắng nghe làm việc trao đổi các ơn phúc trong bối cảnh đồng cảm trở thành khả hữu… Đồng thời, nó đặt ra các điều kiện để việc rao giảng Tin Mừng có thể đánh động trái tim thật sự, dứt khoát và hữu hiệu” [13].

Một Giáo hội lưu ý đến các dấu chỉ thời đại.

39. “Mặc dù đối với nhiều người trẻ, Thiên Chúa, tôn giáo và Giáo hội xem như chỉ là những hạn từ trống rỗng, nhưng họ rất nhạy cảm đối với khuôn mặt Chúa Giêsu khi Người được trình bày một cách hấp dẫn và hữu hiệu” [14]. Do đó, Giáo Hội không nên quá bận tâm về chính mình mà trên hết, phải phản ảnh Chúa Giêsu Kitô. Điều này có nghĩa: khiêm tốn nhìn nhận một số điều cần phải thay đổi một cách cụ thể, và nếu điều này xảy ra, Giáo Hội cần đánh giá cao viễn kiến và cả các lời chỉ trích của người trẻ.

40. Thượng hội đồng công nhận rằng, “một số lượng đáng kể người trẻ, vì mọi lý do, không yêu cầu Giáo hội bất cứ điều gì vì họ không thấy Giáo hội có ý nghĩa đối với cuộc sống của họ. Một số người thậm chí còn yêu cầu được để yên, vì họ thấy sự hiện diện của Giáo hội là một phiền toái, thậm chí là một điều gây khó chịu. Yêu cầu này không phải luôn luôn phát xuất từ sự khinh miệt không phê phán hoặc bốc đồng. Nó cũng có thể có những lý do nghiêm túc và dễ hiểu: các tai tiếng tình dục và tài chính; giáo sĩ không được chuẩn bị đầy đủ để tham gia hữu hiệu vào các nhạy cảm của giới trẻ; thiếu quan tâm trong việc sọan và trình bầy Lời Chúa; vai trò thụ động được giao cho giới trẻ trong cộng đồng Kitô giáo; khó khăn của Giáo Hội trong việc giải thích các lập trường tín lý và đạo đức của mình cho xã hội đương thời” [15].

41. Mặc dù nhiều người trẻ rất vui khi thấy một Giáo hội khiêm tốn nhưng tự tin vào các hồng phúc của mình và có khả năng cung ứng những lời chỉ trích công bằng và huynh đệ, nhiều người khác muốn có một Giáo hội biết lắng nghe nhiều hơn, làm nhiều điều hơn thay vì chỉ đơn giản lên án thế giới. Họ không muốn thấy một Giáo hội im lặng và sợ sệt lên tiếng, nhưng không phải là một Giáo hội luôn luôn tranh đấu một cách đầy ám ảnh trong hai hoặc ba vấn đề. Để được đáng tin cậy đối với những người trẻ, có những lúc Giáo hội cần lấy lại được sự khiêm nhường của mình và cần lắng nghe, nhìn nhận rằng những gì người khác nói có thể cung cấp một chút ánh sáng nào đó giúp Giáo hội hiểu Tin Mừng tốt hơn. Một Giáo hội luôn luôn ở thế phòng thủ, mất đi sự khiêm nhường của mình và ngưng lắng nghe người khác, không dành chỗ cho các câu hỏi, đánh mất tuổi trẻ của mình và biến thành một viện bảo tàng. Như thế, làm thế nào, Giáo Hội có thể đáp ứng các giấc mơ của người trẻ? Cho dù Giáo hội có sở hữu được sự thật của Tin Mừng đi nữa, điều đó không có nghĩa là Giáo hội đã hoàn toàn hiểu được nó; đúng hơn, Giáo hội được kêu gọi tiếp tục lớn lên trong việc nắm bắt kho báu vô tận này. [16]

42. Ví dụ, một Giáo hội quá sợ hãi và bị cột chặt vào các cơ cấu của nó có thể liên tục chỉ trích các nỗ lực nhằm bảo vệ các quyền của phụ nữ và liên tục chỉ ra những rủi ro và sai sót tiềm tàng của những yêu cầu này. Thay vào đó, một Giáo hội sống động có thể phản ứng bằng cách lưu ý đến các yêu sách chính đáng của phụ nữ muốn tìm công bằng và bình đẳng nhiều hơn. Một Giáo hội sống động có thể nhìn lại lịch sử và thừa nhận một phần quả mình sai lầm trong chủ nghĩa toàn trị, thống trị nam giới, nhiều hình thức nô dịch, lạm dụng và bạo lực tình dục. Với quan điểm này, Giáo hội có thể ủng hộ lời kêu gọi tôn trọng nữ quyền, và cung hiến sự hỗ trợ đầy thuyết phục cho tính hỗ tương lớn hơn giữa nam và nữ, dù không nhất trí với mọi điều được một số nhóm nữ quyền đề xuất. Dọc theo những đường hướng này, Thượng hội đồng đã tìm cách đổi mới cam kết của Giáo hội “chống lại mọi sự kỳ thị và bạo lực dựa trên cơ sở tính dục” [17]. Đây là đáp ứng của một Giáo hội biết giữ cho mình trẻ trung và cho phép bản thân được thách thức và thúc đẩy bởi sự nhạy cảm của người trẻ”.

Maria, người phụ nữ trẻ của Nadarét

43. Mẹ Maria tỏa sáng ngay tại trung tâm Giáo hội. Đức Mẹ là hình mẫu tối cao cho một Giáo hội trẻ trung tìm cách bước theo Chúa Kitô với lòng nhiệt tình và sự ngoan ngoãn. Khi còn rất trẻ, Đức Mẹ đã chấp nhận sứ điệp của thiên thần, nhưng Đức Mẹ không ngại đặt câu hỏi (x. Lc 1, 34). Với trái tim và linh hồn rộng mở, Đức Mẹ trả lời, “này, tôi là nữ tỳ của Chúa” (Lc 1:38).

44. “Chúng ta luôn bỡ ngỡ trước sức mạnh của tiếng ‘xin vâng’ của cô gái trẻ Maria, sức mạnh của những lời ‘xin hãylàm cho tôi’ mà ngài đã nói với thiên thần đó. Đây không chỉ là sự chấp nhận thụ động hay cam chịu, hay một tiếng ‘xin vâng’ yếu xìu như thể muốn nói ‘thôi thì hãy thử xem sao’. Đức Mẹ không biết những lời đó, ‘hãy thử xem sao’. Ngài đã quyết tâm; ngài biết điều này có nghĩa gì và ngài nói, ‘xin vâng’, không cần suy nghĩ hai lần. Tiếng xin vâng của ngài là tiếng xin vâng của một người sẵn sàng dấn thân, một người sẵn lòng mạo hiểm, sẵn sàng đánh cuộc mọi thứ ngài có, không có gì chắc chắn hơn là biết rằng ngài là người mang một lời hứa Vì vậy, tôi hỏi mỗi người trong các bạn: bạn có coi mình là người mang một lời hứa hay không? Lời hứa nào hiện diện trong trái tim tôi mà tôi có thể đảm nhận? Sứ mệnh của Mẹ Maria chắc chắn sẽ khó khăn, nhưng các thách thức không phải là lý do để nói ‘không’. Tất nhiên sự việc sẽ trở nên phức tạp, nhưng không giống như cách lúc sự hèn nhát làm chúng ta tê liệt vì sự việc biết trước là không rõ ràng hoặc không chắc chắn. Đức Maria đã không mua bảo hiểm! Ngài đã mạo hiểm, và vì lý do này, ngài mạnh mẽ, ngài là một ‘người gây ảnh hưởng’, ‘người gây ảnh hưởng’ của Thiên Chúa. Tiếng ‘xin vâng của ngài và mong muốn phục vụ của ngài mạnh mẽ hơn bất cứ nghi ngờ hay khó khăn nào’”. [18]

45. Không chịu trốn tránh hay ảo tưởng, ngài “đã đồng hành với sự đau khổ của Con mình; ngài hỗ trợ Người bằng ánh mắt và bảo vệ Người bằng trái tim. Ngài chia sẻ nỗi khổ của Người, nhưng không bị nó áp đảo. Ngài là người phụ nữ mạnh mẽ đã thốt ra tiếng xin vâng, người hỗ trợ và đồng hành, bảo vệ và ôm ẵm. Ngài là người bảo vệ tuyệt vời niềm hy vọng… Từ ngài, chúng ta học được cách nói ‘xin vâng’ trước sự bền bỉ chịu đựng và tính sáng tạo của những người, không nản lòng, luôn sẵn sàng để bắt đầu lại một lần nữa” [19].

46. Đức Maria là một phụ nữ trẻ có trái tim tràn ngập niềm vui (x. Lc 1,47), có đôi mắt, phản chiếu ánh sáng của Chúa Thánh Thần, nhìn đời bằng đức tin và trân qúi giữ gìn mọi điều trong trái tim trẻ trung của mình (x. Lc 2 : 19,51). Ngài tràn đầy năng lực, sẵn sàng lên đường ngay lập tức một khi biết rằng người chị em họ của mình cần mình. Ngài đã không nghĩ tới các kế hoạch của riêng mình, nhưng đã “vội vã” lên đường, đến vùng đồi núi (Lc 1, 39).

47. Khi con trai nhỏ của ngài cần được bảo vệ, Đức Maria đã lên đường cùng Thánh Giuse đến một vùng đất xa xôi (x. Mt 2: 13-14). Ngài cũng tham gia với các môn đệ khi chờ đợi sự tuôn đổ của Chúa Thánh Thần (xem Cv 1:14). Với sự hiện diện của ngài, một Giáo hội trẻ đã ra đời, khi các tông đồ lên đường hạ sinh một thế giới mới (xem Cv 2: 4-11).

48. Ngày nay, Đức Maria là người Mẹ luôn chăm sóc chúng ta, những đứa con của ngài, trên hành trình xuyên qua cuộc đời, thường mệt mỏi và thiếu thốn, lo lắng để ánh sáng hy vọng không bị dập tắt. Vì đó là mong muốn của chúng ta: rằng ánh sáng của hy vọng không bao giờ bị dập tắt. Đức Maria Mẹ của chúng ta hướng nhìn dân lữ hành này: một dân trẻ trung mà ngài yêu thương và tìm kiếm ngài trong sự im lặng của trái tim họ giữa mọi ồn ào, huyên thuyên và sao lãng của cuộc lữ hành. Dưới ánh mắt của Mẹ chúng ta, chỉ còn chỗ cho sự im lặng của hy vọng. Do đó Đức Maria chiếu sáng tuổi trẻ của chúng ta.

Các thánh trẻ

49. Trái tim Giáo hội cũng đầy những vị thánh trẻ đã hiến mạng sống mình cho Chúa Kitô, nhiều người trong số các ngài thậm chí đã chết cái chết tử vì đạo. Các ngài là những phản chiếu quý giá của Chúa Kitô trẻ trung; chứng tá rạng rỡ của các ngài khuyến khích chúng ta và đánh thức chúng ta khỏi sự thờ ơ của chúng ta. Thượng hội đồng chỉ ra rằng, “nhiều vị thánh trẻ đã để cho các đặc điểm của tuổi trẻ tỏa sáng trong mọi vẻ đẹp của chúng, và vào thời của các ngài, các ngài đã là những tiên tri thực sự của sự thay đổi. Gương sáng của các ngài cho thấy những gì người trẻ có khả năng thực hiện, khi họ mở lòng ra để gặp gỡ Chúa Kitô” [20].

50. “Qua sự thánh thiện của giới trẻ, Giáo hội có thể đổi mới nhiệt tâm thiêng liêng và sức sống tông đồ của mình. Dầu thơm thánh thiện phát sinh từ cuộc sống tốt đẹp của rất nhiều người trẻ có thể chữa lành các vết thương của Giáo hội và thế giới, đưa chúng ta trở lại với tình yêu viên mãn mà chúng ta luôn được mời gọi hướng tới: những vị thánh trẻ gợi hứng để chúng ta trở về với tình yêu đầu tiên của chúng ta (xem Kh 2: 4) [21]. Một số vị thánh không bao giờ tới tuổi trưởng thành, nhưng họ đã cho chúng ta thấy có một cách khác để sống tuổi trẻ của chúng ta. Chúng ta hãy nhớ lại ít nhất một vài vị trong số các ngài, mỗi vị theo cách riêng của mình và ở các giai đoạn lịch sử khác nhau, đã sống cuộc sống thánh thiện:

51. Vào thế kỷ thứ ba, Thánh Sebastian là một đội trưởng trẻ của Đội cận vệ Praetorian. Người ta nói rằng ngài đã liên tục nói về Chúa Kitô và cố gắng làm các đồng đội của mình trở lại, đến mức ngài được lệnh phải từ bỏ đức tin. Vì từ khước, ngài bị bắn bằng mũi tên, nhưng ngài sống sót và tiếp tục công bố Chúa Kitô một cách không sợ hãi. Cuối cùng, Sebastian bị đánh cho đến chết.

52. Thánh Phanxicô Assisi, khi còn rất trẻ và đầy những giấc mơ vĩ đại, đã nghe lời kêu gọi của Chúa Giêsu trở nên nghèo như Người và xây dựng lại Giáo hội bằng chứng tá của ngài. Ngài vui mừng từ bỏ tất cả những gì mình có và giờ đây là vị thánh của tình huynh đệ phổ quát, anh em của mọi người. Ngài ca ngợi Chúa vì tạo vật của Người. Thánh Phanxicô mất năm 1226.

53. Thánh Gioan Arc sinh năm 1412. Bà là một cô gái nông dân trẻ, mặc dù có những năm tháng dịu dàng, đã chiến đấu để bảo vệ nước Pháp khỏi những kẻ xâm lược. Bị hiểu lầm vì thái độ, hành động và cách sống đức tin của bà, Gioan đã bị thiêu sống.

54. Chân phúc Anrê Phú Yên là một chàng trai trẻ người Việt ở thế kỷ XVII. Ngài là một giáo lý viên và trợ giúp các nhà truyền giáo. Ngài bị cầm tù vì đức tin, và vì không chịu từ bỏ nó, ngài đã bị giết. Anrê chết khi thốt ra tên Chúa Giêsu.

55. Cũng trong thế kỷ đó, Thánh Kateri Tekakwitha, một người trẻ bản địa Bắc Mỹ, đã bị bức hại vì đức tin của mình và, để trốn thoát, đã đi bộ hơn ba trăm kilômét trong vùng hoang dã. Kateri tận hiến cho Chúa và chết trong khi nói, “Lạy Chúa Giêsu, con yêu Chúa!”

56. Thánh Đaminh Savio dâng tất cả những đau khổ của mình cho Đức Maria. Khi Thánh Gioan Bosco dạy ngài rằng sự thánh thiện hệ ở việc luôn vui vẻ, ngài đã mở lòng ra đón nhận một niềm vui lây lan. Ngài muốn gần gũi với người trẻ bị bỏ rơi và yếu đuối nhất. Đaminh qua đời năm 1857 lúc mười bốn tuổi, khi chết nói rằng: “Tôi đang trải nghiệm một điều kỳ diệu xiết bao!”

57. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu sinh năm 1873. Năm mười lăm tuổi, vượt qua nhiều khó khăn, bà đã thành công gia nhập tu viện Camêlô. Thánh Têrêxa sống theo con đường bé nhỏ hoàn toàn tin tưởng vào tình yêu của Chúa và quyết tâm dùng lời cầu nguyện quạt cho ngọn lửa tình yêu bùng cháy trong lòng Giáo hội.

58. Chân phúc Ceferino Namuncurá là một người Á Căn Đình trẻ tuổi, con trai của người đứng đầu một bộ lạc xa xôi của người bản địa. Ngài trở thành một chủng sinh Salêdiêng, tràn đầy ước mong trở về bộ lạc của mình, mang Chúa Kitô đến với họ. Ceferino chết năm 1905.

59. Chân phúc Isidore Bakanja là một giáo dân từ Congo, làm chứng cho đức tin của mình. Ngài đã bị tra tấn rất lâu vì đã đề xuất Kitô giáo cho những người trẻ khác. Tha thứ cho tên đao phủ của mình, Isidore chết năm 1909.

60. Chân phúc Giorgio Frassati, người qua đời năm 1925, “là một chàng trai trẻ tràn đầy niềm vui, lôi cuốn mọi điều theo với nó, một niềm vui thắng vượt cả nhiều khó khăn trong cuộc sống của ngài” [22]. Pier Giorgio nói rằng ngài muốn đáp trả tình yêu Chúa Giêsu mà ngài đã nhận được trong việc hiệp lễ bằng cách đến thăm và giúp đỡ người nghèo.

61. Chân phúc Marcel Callo là một chàng trai trẻ người Pháp đã chết năm 1945. Marcel bị giam cầm trong một trại tập trung ở Áo, nơi ngài củng cố các bạn tù của mình trong đức tin giữa lúc lao động khắc nghiệt.

62. Chân phúc trẻ Chiara Badano, người đã chết năm 1990, “đã trải nghiệm nỗi đau có thể biến đổi như thế nào bởi tình yêu… Chìa khóa của sự bình an và niềm vui của bà là niềm tín thác hoàn toàn vào Chúa và sự chấp nhận bệnh tật của bà như một biểu thức mầu nhiệm của ý chí Người vì lợi ích của bà và của những người khác” [23].

63. Xin các vị này và rất nhiều người trẻ khác, những người có lẽ trong im lặng và ẩn dật đã sống Tin Mừng trọn vẹn, cầu bầu cho Giáo hội, để Giáo hội có thể tràn đầy niềm vui, can đảm và những người trẻ dấn thân, những người có thể cung hiến cho thế giới những chứng từ thánh thiện mới mẻ.