Chương Năm: Các Nẻo Đường Của Tuổi Trẻ
134. Sống những năm tháng tuổi trẻ của chúng ta trong ánh sáng biến đổi của Tin Mừng có ý nghĩa gì? Chúng ta cần nêu lên câu hỏi này, vì tuổi trẻ, vốn không phải chỉ là một nguồn tự hào, mà là một hồng phúc của Thiên Chúa: “Trẻ trung là một ơn thánh, một chúc phúc” [71]. Đó là một hồng phúc mà chúng ta có thể phung phí một cách vô nghĩa, hoặc tiếp nhận với lòng biết ơn và sống hết mình.
135. Thiên Chúa là người ban tuổi trẻ và Người đang làm việc trong cuộc đời của mỗi người trẻ. Tuổi trẻ là thời gian được chúc phúc đối với giới trẻ và là ơn thánh đối với Giáo hội và thế giới. Nó là niềm vui, một bài ca hy vọng và một chúc phúc. Tận dụng tối đa những năm tháng tuổi trẻ của chúng ta đòi hỏi phải xem mùa này của cuộc đời là đáng giá ngay trong nó, và không chỉ đơn giản là một khúc dạo đầu ngắn ngủi bước vào tuổi trưởng thành.
Mục Lục Bài Viết
Thời của những giấc mơ và quyết định
136. Thời Chúa Giêsu, việc chuyển tiếp từ thời thơ ấu là một bước quan trọng trong đời, một bước được cử hành hân hoan. Khi Chúa Giêsu hồi phục sự sống cho con gái một người kia, đầu tiên Người gọi em là “đứa bé” (Mc 5:39), nhưng sau đó gọi em là một “thiếu nữ” (Mc 5:41). Khi nói với em: “Hỡi thiếu nữ, hãy chỗi dậy (Talitha cum)”, Người làm em nhận trách nhiệm nhiều hơn với cuộc sống của em, mở ra trước em cánh cửa để bước vào tuổi trẻ.
137. “Tuổi trẻ, như một giai đoạn phát triển nhân cách, được đánh dấu bằng các giấc mơ đang dần dần thăng tiến, bằng các mối liên hệ ngày càng trở nên nhất quán và cân bằng hơn, bằng các dò dẫm và thử nghiệm, bằng các lựa chọn đang dần dần xây dựng một dự án sống. Vào thời kỳ sống này, người trẻ được kêu gọi tiến lên phía trước, không cắt đứt khỏi gốc rễ, xây dựng quyền tự lập của họ, nhưng không phải trong sự cô độc” [72].
138. Tình yêu Thiên Chúa và mối liên hệ của chúng ta với Chúa Kitô hằng sống không kìm hãm chúng ta khỏi mơ mộng; chúng không yêu cầu chúng ta thu hẹp các chân trời của chúng ta. Trái lại, tình yêu đó nâng cao chúng ta, khuyến khích chúng ta và gợi hứng cho chúng ta bước vào một cuộc sống tốt và đẹp hơn. Phần lớn các hoài mong hiện diện trong trái tim người trẻ có thể được tóm tắt trong hạn từ “bồn chồn”. Như Thánh Phaolô VI đã nói, “trong sự bất mãn mà các bạn thường cảm thấy… có một tia sáng hiện diện” [73]. Sự bất mãn bồn chồn, kết hợp với sự vui tươi hớn hở trước việc mở ra những chân trời mới, tạo ra một sự táo bạo dẫn các bạn đứng lên và đảm nhận trách nhiệm đối với sứ mệnh. Sự bồn chồn lành mạnh đầy tính đặc trưng của tuổi trẻ này tiếp tục hiện diện trong mọi trái tim vẫn giữ cho mình trẻ trung, cởi mở và quảng đại. Bình an nội tâm thực sự cùng hiện diện với sự bồn chồn sâu sắc đó. Như Thánh Augustinô đã nói: “Lạy Chúa, Chúa đã tạo nên chúng con cho chính Chúa, và trái tim chúng con bồn chồn cho đến khi chúng tìm được nghỉ ngơi trong Chúa” [74].
139. Cách đây không lâu, một người bạn đã hỏi xem tôi thấy gì nơi một người trẻ. Câu trả lời của tôi là “tôi thấy một người đang đi tìm đường đi của riêng mình, muốn bay bằng hai chân, đối đầu với thế giới và nhìn về phía chân trời với đôi mắt tràn đầy tương lai, tràn đầy hy vọng cũng như ảo ảnh. Người trẻ đứng bằng hai chân như người lớn, nhưng không giống như người lớn với hai chân song song, người trẻ luôn có một chân hướng về phía trước, sẵn sàng lên đường, phóng về phía trước. Luôn luôn chạy đua về phía trước. Nói về người trẻ là nói về lời hứa và nói về niềm vui. Người trẻ có rất nhiều sức mạnh; họ có thể nhìn về phía trước lòng đầy hy vọng. Một người trẻ là một lời hứa của cuộc sống ngụ hàm một mức độ ngoan cường nào đó. Họ đủ dại dột để đánh lừa bản thân, và đủ kiên cường để vực dậy từ sự tự đánh lừa đó” [75].
140. Một số người trẻ có thể ghét giai đoạn này của cuộc đời, vì họ muốn tiếp tục làm trẻ con hoặc kéo dài vô hạn thời niên thiếu và trì hoãn việc đưa ra quyết định. “Nỗi sợ điều dứt khoát do đó tạo ra một loại tê liệt làm họ không quyết định được. Tuy nhiên, tuổi trẻ không thể mãi là một thời gian lơ lửng: đó là tuổi của các lựa chọn và tính quyến rũ cùng nhiệm vụ lớn nhất của nó hệ chính ở điều này. Các người trẻ tuổi đưa ra quyết định trong các lĩnh vực chuyên nghiệp, xã hội, chính trị và các lĩnh vực khác có tính triệt để hơn, nhằm khuôn định đời họ” [76]. Họ cũng đưa ra quyết định về tình yêu, chọn bạn đời và bắt đầu một gia đình. Chúng ta sẽ xem xét các vấn đề này chặt chẽ hơn trong các chương cuối cùng, khi bàn đến các ơn gọi cá thể và việc biện phân ra chúng.
141. Nhưng trái ngược với những hy vọng và ước mơ tạo ra quyết định này, luôn có cơn cám dỗ phàn nàn hoặc đầu hàng. “Chúng ta có thể để điều đó cho những người tôn thờ ‘nữ thần than thở’… Nó vốn là một nữ thần giả dối: nó khiến các bạn chọn sai đường. Khi mọi thứ dường như đứng yên và trì trệ, khi các vấn đề bản thân của chúng ta gây rắc rối cho chúng ta và các vấn đề xã hội không đáp ứng bằng các giải đáp đúng đắn, đầu hàng sẽ không ích gì. Chúa Giêsu là đường: các bạn hãy chào đón Người vào ‘thuyền’ của các bạn và ra khơi! Người là Chúa! Người thay đổi cách chúng ta nhìn cuộc đời. Đức tin vào Chúa Giêsu dẫn đến niềm hy vọng lớn hơn, đến một sự chắc chắn không dựa trên phẩm tính và kỹ năng của chúng ta, mà dựa trên lời Thiên Chúa, trên lời mời phát xuất từ Người. Không cần các tính toán nhân bản, và không lo lắng về những điều thách thức an toàn của các bạn, hãy ra khơi. Ra khỏi bản thân các bạn” [77].
142. Tiếp tục theo đuổi hy vọng và ước mơ của các bạn. Nhưng hãy cẩn thận về một cám dỗ có thể giữ chúng ta lại. Đó là sự lo lắng xao xuyến. Lo lắng có thể chống lại chúng ta bằng cách khiến chúng ta bỏ cuộc bất cứ khi nào chúng ta không thấy kết quả ngay lập tức. Những giấc mơ tốt nhất của chúng ta chỉ đạt được qua hy vọng, kiên nhẫn và cam kết, chứ không vội vã. Đồng thời, chúng ta không nên do dự, ngại nắm bắt cơ hội hoặc sợ phạm sai lầm. Tránh sự tê liệt của người sống mà đã chết, những người không có sự sống vì họ sợ mạo hiểm, sợ phạm sai lầm hoặc sợ phải kiên trì trong các cam kết của mình. Ngay cả khi các bạn phạm sai lầm, các bạn vẫn luôn có thể đứng dậy và bắt đầu lại, vì không ai có quyền cướp đi hy vọng của các bạn.
143. Các bạn trẻ thân mến, các bạn hãy tận dụng những năm tháng tuổi trẻ này của các bạn. Đừng quan sát cuộc sống từ ban công. Đừng dành cuộc sống của các bạn cho màn hình. Dù bạn làm gì, đừng trở thành cảnh tượng đáng tiếc của một chiếc xe bị bỏ rơi! Đừng là chiếc xe đậu ở bãi đậu, nhưng hãy mơ ước một cách tự do và đưa ra các quyết định tốt. Hãy chấp nhận rủi ro, ngay cả khi nó có nghĩa là phạm sai lầm. Đừng đi qua cuộc sống như người bị gây mê hoặc tiếp cận thế giới như các khách du lịch. Hãy gây náo động! Hãy vứt bỏ những nỗi sợ làm tê liệt các bạn, để các bạn không trở thành những xác ướp trẻ. Hãy sống! Hãy hiến mình cho những điều tốt đẹp nhất của cuộc sống! Mở cửa lồng, thoát ra ngoài và bay xa! Xin vui lòng, đừng nghỉ hưu sớm.
Khát khao sống và trải nghiệm
144. Dù được lôi kéo hướng về tương lai và các hứa hẹn của nó, người trẻ cũng có khát khao mạnh mẽ muốn trải nghiệm thời điểm hiện tại, tận dụng tối đa các cơ hội mà cuộc sống mang lại. Thế giới của chúng ta tràn ngập vẻ đẹp! Làm thế nào chúng ta có thể coi thường rất nhiều hồng phúc của Thiên Chúa?
145. Trái ngược với những gì nhiều người vốn nghĩ, Chúa không muốn dập tắt những ham muốn có một cuộc sống trọn vẹn này. Điều rất tốt cho chúng ta là nhớ lại lời lẽ của một nhà hiền triết trong Cựu Ước: “Con ơi, nếu có của, hãy làm cho đời con được tốt đẹp, và tiến dâng lễ vật lên Đức Chúa sao cho xứng. Đừng từ chối hưởng một ngày vui, hoài bão của con, đừng để cho phần nào trôi đi mất” (Hc 14: 11,14). Thiên Chúa đích thực, Đấng yêu các bạn, muốn các bạn được hạnh phúc. Vì lý do này, Kinh Thánh cũng chứa đựng lời khuyên này cho người trẻ: “Này bạn thanh niên, cứ vui hưởng tuổi xuân của bạn, và làm cho tâm hồn được hạnh phúc trong những ngày còn trẻ… Hãy đẩy lui sầu não khỏi tâm hồn” (Gv 11:9-10). Vì Thiên Chúa, “Đấng cung cấp dồi dào mọi sự cho chúng ta hưởng dùng” (1 Tm 6:17).
146. Làm thế nào Thiên Chúa có thể vui nơi một người không có khả năng tận hưởng những phúc lành nho nhỏ hàng ngày của họ, một người không nhìn ra những thú vui đơn giản mà chúng ta tìm thấy xung quanh chúng ta? “Không ai tệ hơn kẻ làm hại chính mình” (Hc 14: 6). Khác xa với việc tìm kiếm những thú vui mới một cách đầy ám ảnh, khiến chúng ta không thể tận dụng tối đa thời điểm hiện tại, chúng ta được yêu cầu mở mắt và dành một chút thì giờ để trải nghiệm đầy đủ và biết ơn mọi hồng phúc nho nhỏ trong cuộc sống.
147. Rõ ràng, lời Chúa yêu cầu các bạn tận hưởng giây phút hiện tại, chứ không chỉ đơn giản chuẩn bị cho tương lai: “anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6:34). Nhưng điều này không giống như dấn thân một cách vô trách nhiệm vào một cuộc sống phóng đãng chỉ có thể khiến chúng ta trống rỗng và bất mãn vĩnh viễn. Thay vào đó, đây là việc sống trọn vẹn hiện tại, dành năng lực của chúng ta cho những điều tốt đẹp, vun sới tình huynh đệ, theo chân Chúa Giêsu và tận dụng tối đa các niềm vui nho nhỏ của cuộc sống như những hồng phúc của tình yêu Thiên Chúa.
148. Đức Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận, khi bị giam cầm trong một trại tập trung, đã từ chối không làm gì ngoài việc chờ đợi ngày mà ngài sẽ được tự do. Ngài đã chọn “sống trong giây phút hiện tại, lấp đầy nó bằng tình yêu”. Ngài quyết định: “tôi sẽ nắm bắt các cơ hội tự xuất hiện mỗi ngày; tôi sẽ hoàn thành những hành động bình thường một cách phi thường” [78]. Khi các bạn làm việc để đạt được ước mơ của mình, hãy tận dụng tối đa mỗi ngày và cố gắng hết sức để mỗi giây phút tràn ngập tình yêu. Ngày trẻ trung này cũng có thể là ngày cuối cùng của các bạn, và vì vậy thật đáng nỗ lực để sống nó một cách nhiệt tình và đầy đủ nhất có thể.
149. Điều này cũng có thể được áp dụng cho những lúc khó khăn, những lúc phải được trải nghiệm đầy đủ nếu chúng ta muốn học được sứ điệp mà chúng có thể dạy chúng ta. Theo lời các Giám mục Thụy Sĩ: “Thiên Chúa ở đó nơi chúng ta nghĩ Ngài đã bỏ rơi chúng ta và không còn hy vọng cứu rỗi gì nữa. Đó là một nghịch lý, nhưng đối với nhiều Kitô hữu, đau khổ và bóng tối đã trở thành… những nơi gặp gỡ Thiên Chúa” [79]. Mong muốn được sống trọn vẹn và trải nghiệm những điều mới mẻ cũng được cảm nhận bởi nhiều người trẻ bị khuyết tật về thể chất, tinh thần và giác quan. Mặc dù không phải lúc nào họ cũng có thể có những trải nghiệm giống như những người khác, họ vẫn sở hữu những nguồn lực và khả năng đáng kinh ngạc thường vượt xa mức trung bình. Chúa Giêsu ban cho họ những hồng phúc khác, mà cộng đồng được kêu gọi công nhận và đánh giá cao, để họ có thể khám phá kế hoạch tình yêu của Người dành cho mỗi người.
Trong tình bạn với Chúa Kitô
150. Cho dù các bạn sống bao nhiêu trải nghiệm trong những năm tháng tuổi trẻ này, các bạn sẽ không bao giờ biết ý nghĩa sâu sắc và đầy đủ nhất của chúng trừ khi mỗi ngày các bạn gặp người bạn thân nhất của các bạn, người bạn có tên là Giêsu.
151. Tình bạn là một trong những quà phúc của cuộc sống và một ơn thánh của Thiên Chúa. Qua bạn bè của chúng ta, Chúa tinh chỉnh chúng ta và dẫn chúng ta đến sự trưởng thành. Những người bạn trung thành, những người luôn sát cánh bên chúng ta trong những lúc khó khăn, cũng là một phản chiếu của tình yêu Chúa, sự hiện diện dịu dàng và đầy an ủi của Người trong cuộc sống của chúng ta. Kinh nghiệm tình bạn dạy chúng ta cởi mở, thấu hiểu và quan tâm đến người khác, thoát ra khỏi sự cô lập êm ái của chính mình và chia sẻ cuộc sống của mình với người khác. Vì lý do này, “Không gì đổi lấy được một người bạn trung thành” (Hc 6:15).
152. Tình bạn không phải là mối liên hệ thoáng qua hoặc tạm thời, mà là mối liên hệ ổn định, bền chặt và chung thủy và trưởng thành với thời gian. Một mối liên hệ âu yếm mang chúng ta lại với nhau và một tình yêu rộng lượng khiến chúng ta tìm kiếm điều tốt đẹp của bạn mình. Bạn bè có thể khá khác biệt với nhau, nhưng họ luôn có những điểm chung khiến họ gần gũi nhau hơn trong sự cởi mở và tin tưởng lẫn nhau [80].
153. Tình bạn rất quan trọng đến nỗi Chúa Giêsu tự gọi Người là một người bạn: “Thầy không gọi các con là đầy tớ, nhưng Thầy gọi các con là bạn bè” (Ga 15:15). Nhờ hồng phúc ơn thánh của Người, chúng ta được nâng cao một cách đến nỗi thực sự trở thành bạn bè của Người. Với cùng một tình yêu mà Chúa Kitô đã tuôn đổ cho chúng ta, chúng ta có thể lần lượt yêu Người trở lại và chia sẻ tình yêu của Người với những người khác, với hy vọng rằng họ cũng sẽ chiếm vị trí của họ trong cộng đồng tình bạn mà Người đã thiết lập. Và cả khi Người đang tận hưởng niềm hạnh phúc trọn vẹn của cuộc sống phục sinh, chúng ta, về phần mình, chúng ta có thể làm việc cách quảng đại để giúp Người xây dựng vương quốc của Người trong thế giới này, bằng cách mang sứ điệp của Người, ánh sáng của Người và trên hết tình yêu của Người, đến những người khác (x. Ga 15:16). Các môn đệ nghe Chúa Giêsu gọi họ là bạn của Người. Đó là một lời mời không gây áp lực cho họ, nhưng nhẹ nhàng kêu gọi sự tự do của họ. Chúa Giêsu nói với họ “Hãy đến mà xem”; vì vậy, “họ đã đến và thấy nơi Người ở, và họ ở lại với Người ngày hôm đó” (Ga 1, 39). Sau cuộc gặp gỡ bất ngờ và cảm động đó, họ bỏ mọi sự và đi theo Người.
154. Tình bạn với Chúa Giêsu không thể bị phá vỡ. Người không bao giờ rời xa chúng ta, mặc dù đôi lúc dường như Người giữ im lặng. Khi chúng ta cần Người, Người tự làm chúng ta thấy Người (xem Grm 29:14); Người vẫn ở bên chúng ta bất cứ chúng ta đi đâu (xem Gs 1: 9). Người không bao giờ phá vỡ giao ước của Người. Người chỉ đơn giản yêu cầu chúng ta đừng bỏ rơi Người: “Hãy ở trong Thầy” (Ga 15: 4). Nhưng ngay cả khi chúng ta lạc xa Người, Người vẫn trung thành, vì Người không thể chối bỏ chính mình” (2 Tm 2:13).
155. Với một người bạn, chúng ta có thể nói và chia sẻ những bí mật sâu sắc nhất. Với Chúa Giêsu cũng vậy, chúng ta luôn có thể có một cuộc chuyện vãn. Cầu nguyện vừa là một thách thức vưà là một phiêu lưu. Và thật là một cuộc phiêu lưu kỳ thú! Dần dần, Chúa Giêsu làm chúng ta đánh giá cao sự vĩ đại của Người và tiến lại gần Người hơn. Cầu nguyện cho phép chúng ta chia sẻ với Người mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta và tin tưởng nghỉ ngơi trong vòng tay của Người. Đồng thời, nó cho chúng ta tham dự vào cuộc sống và tình yêu của Người. Khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta “thổ lộ mọi điều chúng ta làm” với Người và chúng ta dành cho Người không gian” để Người có thể hành động, nhập cuộc và giành chiến thắng” [81].
156. Nhờ cách trên, chúng ta có thể trải nghiệm sự gần gũi liên tục với Người, lớn hơn bất cứ điều gì chúng ta có thể trải nghiệm với một người khác: “Không còn là tôi sống, mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2:20). Đừng tước đi khỏi tuổi trẻ các bạn tình bạn này. Các bạn sẽ có thể cảm thấy Người ở bên các bạn không chỉ lúc các bạn cầu nguyện, mà ở mọi thời điểm. Hãy cố gắng tìm kiếm Người, thì các bạn sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời khi thấy Người luôn ở bên các bạn. Đó là những gì mà các môn đệ Emmau đã trải qua khi, trong lúc họ đang bước đi một cách chán nản, Chúa Giêsu “tiến đến gần và cuốc bộ với họ” (Lc 24:15). Theo lời một vị thánh, “Kitô giáo không phải là một tập hợp các sự thật phải được tin, các quy tắc phải được tuân theo hoặc các cấm đoán. Nhìn cách này, nó làm chúng ta cụt hứng. Kitô giáo là một người yêu tôi vô cùng, người đòi hỏi và yêu cầu tình yêu của tôi. Kitô giáo là Chúa Kitô” [82].
157. Chúa Giêsu có thể mang mọi người trẻ của Giáo hội đến với nhau trong một giấc mơ đơn nhất, “một giấc mơ vĩ đại, một giấc mơ có chỗ cho mọi người. Giấc mơ mà Chúa Giêsu đã hiến mạng sống mình trên thập tự giá cho, mà Chúa Thánh Thần đã được tuôn tràn cho vào ngày Lễ Ngũ Tuần và mang lửa đến trái tim của mọi người nam nữ, đến trái tim của các bạn và của tôi. Người cũng đã mang ngọn lửa đó đến cả trái tim của các bạn nữa, với hy vọng tìm được chỗ cho nó phát triển và đơm bông. Một giấc mơ có tên là Giêsu, được Chúa Cha gieo trồng với niềm tin tưởng rằng nó sẽ lớn lên và sống trong mọi trái tim. Một giấc mơ cụ thể vốn là một con người, chạy khắp các huyết quản của chúng ta, làm rung động trái tim của chúng ta và khiến chúng nhảy múa” [83].
Tăng trưởng tới trưởng thành
158. Nhiều người trẻ quan tâm đến cơ thể của họ, cố gắng xây dựng sức mạnh thể chất hoặc cải thiện ngoại hình của họ. Những người khác làm việc để phát triển tài năng và kiến thức của họ, để cảm thấy chắc chắn hơn về bản thân. Một số nhắm cao hơn, tìm cách tham gia nhiều hơn và phát triển về thiêng liêng. Thánh Gioan đã nói: “Hỡi các bạn trẻ, tôi đã viết cho anh em: anh em là những người mạnh mẽ; “lời Thiên Chúa ở lại trong anh em” (1 Ga 2:14). Tìm kiếm Chúa, giữ lời Người, phó thác đời sống chúng ta cho Người và lớn lên trong các nhân đức: tất cả những điều này làm cho trái tim trẻ mạnh mẽ. Đó là lý do tại sao các bạn cần nối kết cới Chúa Giêsu”ở lại trực tuyến” với Người, vì các bạn sẽ không tăng trưởng thành người hạnh phúc và thánh thiện chỉ bằng nỗ lực và trí thông minh của riêng các bạn. Giống như các bạn đã cố gắng không để mất kết nối với internet, hãy chắc chắn rằng bạn vẫn kết nối với Chúa. Điều này có nghĩa là không cắt đứt cuộc đối thoại, lắng nghe Người, chia sẻ cuộc sống của các bạn với Người và, bất cứ khi nào bạn không chắc chắn về những gì bạn nên làm, hãy hỏi Người: “Lạy Chúa Giêsu, ở vị trí con Chúa sẽ làm gì”? [84]
159. Tôi hy vọng rằng các bạn sẽ đủ nghiêm túc về bản thân để nỗ lực phát triển về thiêng liêng. Cùng với tất cả những điều thú vị khác về tuổi trẻ, cũng có vẻ đẹp của việc tìm kiếm “sự chính trực, đức tin, tình yêu và hòa bình” (2 Tm 2:22). Điều này không liên quan đến việc để mất bất cứ điều gì thuộc tính tự phát, táo bạo, nhiệt tình và dịu dàng của các bạn. Trở thành người lớn không có nghĩa bạn phải từ bỏ những gì tốt đẹp nhất trong giai đoạn này của cuộc đời các bạn. Nếu các bạn làm thế, một ngày nào đó Chúa sẽ trách mắng các bạn: “Ta nhớ lại lòng trung nghĩa của ngươi lúc ngươi còn trẻ, tình yêu của ngươi khi ngươi mới thành hôn, lúc ngươi theo Ta trong sa mạc” (Grm 2: 2).
160. Người lớn cũng vậy, phải trưởng thành mà không đánh mất các giá trị của tuổi trẻ. Mỗi giai đoạn của cuộc đời là một ơn thánh thường hằng, với giá trị lâu bền của riêng nó. Kinh nghiệm của một tuổi trẻ được sống tốt luôn tồn tại trong trái tim của chúng ta. Nó tiếp tục lớn lên và sinh hoa trái suốt tuổi trưởng thành. Người trẻ tự nhiên bị thu hút bởi một chân trời vô tận mở ra trước mắt họ [85]. Cuộc sống trưởng thành, với các an toàn và tiện nghi của nó, có thể có nguy cơ thu hẹp chân trời đó và mất đi sự phấn khích trẻ trung đó. Điều ngược lại sẽ xảy ra: khi chúng ta trưởng thành, lớn tuổi hơn và lên cơ cấu cho cuộc sống của mình, chúng ta không bao giờ nên đánh mất sự nhiệt tình và cởi mở đối với một thực tại luôn lớn hơn. Tại mọi thời điểm trong cuộc sống, chúng ta có thể làm mới sự trẻ trung của mình. Khi tôi bắt đầu sứ vụ của mình với tư cách là Giáo hoàng, Chúa đã mở rộng các chân trời của tôi và ban cho tôi tuổi trẻ đổi mới. Điều tương tự có thể xảy ra với một cặp vợ chồng kết hôn đã nhiều năm, hoặc với một đan sĩ trong đan viện của ngài. Có những thứ chúng ta cần “buông thả” với năm tháng trôi qua, nhưng việc tăng trưởng có thể cùng tồn tại với một ngọn lửa không ngừng được nhóm lên, với một trái tim trẻ trung mãi.
161. Lớn lên có nghĩa là giữ gìn và trân trọng những điều quý giá nhất của tuổi trẻ chúng ta, nhưng nó cũng liên quan đến việc phải thanh lọc những điều không tốt và nhận những hồng phúc mới của Chúa để chúng ta có thể phát triển những điều thực sự quan trọng. Đôi khi, một mặc cảm tự ti nào đó có thể khiến bạn bỏ qua những khiếm khuyết và điểm yếu của mình, nhưng điều đó có thể kìm hãm bạn phát triển trong việc trở nên trưởng thành. Thay vào đó, hãy để mình được Chúa yêu thương, vì các bạn như thế nào Người cũng yêu các bạn như thế. Người trân trọng và tôn trọng các bạn, nhưng Người cũng tiếp tục ban cho các bạn nhiều hơn: nhiều tình bạn của Người hơn, nhiều nhiệt thành trong lời cầu nguyện hơn, nhiều khao khát lời của Người hơn, nhiều khao khát được tiếp nhận Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể hơn, nhiều mong muốn được sống theo Tin Mừng của Người hơn, nhiều sức mạnh nội tâm hơn, nhiều bình an và niềm vui thiêng liêng hơn.
162. Nhưng tôi cũng muốn nhắc nhở các bạn rằng các bạn sẽ không trở thành thánh thiện và tìm thấy sự thành toàn bằng cách sao chép người khác. Bắt chước các Thánh không có nghĩa là sao chép lối sống và cách sống sự thánh thiện của các ngài: “có một số chứng từ có thể chứng minh là hữu ích và gợi hứng, nhưng người ta không mong chờ chúng ta sao chép, vì điều này thậm chí có thể khiến chúng ta lạc xa nẻo đường chuyên biệt mà Chúa có ý dành cho chúng ta [86]. Các bạn phải khám phá ra các bạn là ai và khai triển cách nên thánh của riêng các bạn, bất kể người khác muốn nói hoặc nghĩ gì. Trở thành một vị thánh có nghĩa là trở thành chính các bạn một cách đầy đủ hơn, trở thành điều Chúa muốn mơ ước và tạo nên, chứ không phải một bản sao. Cuộc sống của các bạn phải là một kích thích tiên tri cho người khác và để lại dấu ấn trên thế giới này, dấu ấn độc nhất mà chỉ các bạn mới có thể để lại. Trong khi đó, nếu các bạn chỉ sao chép một ai khác, các bạn sẽ tước đi của trái đất này và của cả thiên đàng một điều gì đó không ai có thể cung hiến. Tôi nghĩ tới Thánh Gioan Thánh giá, người đã viết trong Ca Khúc Thiêng Liêng của ngài rằng mọi người nên được hưởng lợi từ lời khuyên thiêng liêng của ngài, “theo cách riêng của họ” [87], vì Thiên Chúa duy nhất muốn biểu lộ ơn thánh của Người “cho người này một cách và cho người khác một cách khác” [88].
Các nẻo đường huynh đệ
163. Sự tăng trưởng thiêng liêng của các bạn được biểu lộ trước hết bằng sự tăng trưởng của các bạn trong tình yêu huynh đệ, rộng lượng và nhân hậu. Thánh Phaolô đã cầu nguyện: “Xin Chúa làm cho anh em gia tăng và dồi dào trong tình yêu dành cho nhau và dành cho mọi người” (1 Tx 3:12). Thật tuyệt vời biết bao được trải nghiệm điều “xuất thần” ra khỏi con người chúng ta này và tìm kiếm điều tốt đẹp cho người khác, thậm chí đến hy sinh mạng sống của chúng ta.
164. Sở dĩ người ta gọi một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa là “xuất thần”, là bởi vì nó đưa chúng ta ra khỏi chính mình, nâng chúng ta lên và làm chúng ta choáng ngợp trong tình yêu và vẻ đẹp của Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể trải nghiệm sự xuất thần khi chúng ta nhận ra ở người khác vẻ đẹp tiềm ẩn, phẩm giá và sự vĩ đại của họ như hình ảnh của Thiên Chúa và con cái của Chúa Cha. Chúa Thánh Thần muốn làm cho chúng ta ra khỏi chính mình, để ôm lấy người khác một cách đầy yêu thương và tìm kiếm điều tốt cho họ. Đó là lý do tại sao luôn là điều tốt hơn khi sống đức tin với nhau và biểu lộ tình yêu của chúng ta bằng cách sống trong cộng đồng và chia sẻ tình âu yếm, thì giờ, đức tin và các rắc rối của chúng ta với các người trẻ khác. Giáo hội cung cấp nhiều khả thể khác nhau để sống đức tin của chúng ta trong cộng đồng, vì mọi sự sẽ dễ dàng hơn khi chúng ta làm điều đó cùng với nhau.
165. Những tổn thương mà các bạn đã kinh qua có thể cám dỗ các bạn rút lui khỏi người khác, tự quay vào chính mình và nuôi dưỡng các cảm quan tức giận, nhưng đừng bao giờ ngừng lắng nghe tiếng Chúa gọi tha thứ. Các Giám mục Rwanda nói rất rõ: “Để hòa giải với một người khác, trước hết anh chị em phải có khả năng nhìn thấy sự tốt lành nơi người đó, lòng tốt mà Thiên Chúa đã tạo nên nơi họ… Điều này đòi hỏi rất nhiều cố gắng để phân biệt hành vi phạm tội với người phạm tội; nó có nghĩa anh chị em ghét sự xúc phạm mà người đó vi phạm, nhưng anh chị em yêu người đó bất chấp sự yếu đuối của họ, vì nơi họ, anh chị em thấy hình ảnh của Thiên Chúa” [89].
166. Có những lúc khi mọi năng lực, ước mơ và nhiệt huyết trẻ trung của chúng ta có thể giảm sút vì chúng ta bị cám dỗ chỉ loay hoay với chính mình và những vấn đề của chính mình, những cảm xúc tổn thương và bất bình của chúng ta. Đừng để những điều này xảy ra với các bạn! Các bạn sẽ già trước tuổi. Mỗi tuổi đều có vẻ đẹp của nó, và những năm tháng tuổi trẻ của chúng ta cần được đánh dấu bằng những lý tưởng, hy vọng và ước mơ chung, những chân trời vĩ đại mà chúng ta có thể cùng nhau chiêm ngưỡng.
167. Chúa yêu niềm vui của người trẻ. Người muốn họ đặc biệt chia sẻ niềm vui của tình hiệp thông huynh đệ, niềm vui cao siêu của những người biết chia sẻ với người khác, vì, “cho có phúc hơn nhận” (Cv 20:35). “Thiên Chúa yêu người cho vui vẻ” (2 Cr 9: 7). Tình yêu huynh đệ nhân thừa khả năng trải nghiệm niềm vui của chúng ta, vì nó khiến chúng ta hân hoan trong điều tốt của người khác: “Hãy vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12:15). Mong sao sự tự phát trẻ trung của các bạn ngày càng được phát biểu qua tình yêu huynh đệ và sự sẵn sàng liên tục để tha thứ, rộng lượng và xây dựng cộng đồng. Như một câu ngạn ngữ châu Phi thường nói: “Nếu bạn muốn đi nhanh, hãy tự đi bộ. Nếu bạn muốn đi xa, hãy đi bộ với những người khác”. Chúng ta đừng để mình bị cướp mất tình huynh đệ.
Trẻ trung và dấn thân
168. Đôi khi, thấy một thế giới đầy bạo lực và ích kỷ, người trẻ có thể bị cám dỗ muốn rút vào các nhóm nhỏ, trốn tránh các thách thức và vấn đề do cuộc sống trong xã hội và trong thế giới rộng lớn hơn đặt ra. Họ có thể cảm thấy họ đang trải nghiệm tình anh em và tình yêu, nhưng thực tế nhóm nhỏ của họ có thể trở thành chỉ là một cánh tay vươn dài của chính bản ngã họ. Điều này thậm chí còn nghiêm trọng hơn nếu họ nghĩ tới ơn gọi giáo dân chỉ đơn giản là một hình thức phục vụ bên trong Giáo hội: phục vụ như những người đọc sách, thừa tác viên thánh thể, giáo lý viên, v.v. Họ quên rằng ơn gọi giáo dân trước hết được điều hướng sống bác ái trong gia đình và trong xã hội cũng như chính trị. Nó là một dấn thân cụ thể và dựa trên đức tin để xây dựng một xã hội mới. Nó liên quan đến việc sống giữa xã hội và thế giới để mang Tin Mừng tới khắp mọi nơi, hoạt động vì sự lớn mạnh của hòa bình, hòa hợp, công bằng, nhân quyền và lòng thương xót, và do đó mở rộng vương quốc Thiên Chúa trong thế giới này.
169. Tôi yêu cầu người trẻ vượt ra ngoài các nhóm nhỏ của họ và xây dựng “tình bạn xã hội, trong đó, mọi người làm việc vì lợi ích chung. Sự thù hận xã hội, mặt khác, có tính phá hoại. Các gia đình bị phá hoại bởi sự thù hận. Các quốc gia bị phá hoại bởi thù hận. Thế giới bị hủy diệt bởi sự thù hận. Và thù hận lớn nhất là chiến tranh. Ngày nay, chúng ta thấy thế giới đang tự hủy hoại chính mình bởi chiến tranh… Vì vậy, hãy tìm cách xây dựng tình bạn xã hội” [90]. Điều này không dễ dàng, nó luôn có nghĩa là từ bỏ một thứ gì đó và thương lượng, nhưng nếu chúng ta làm điều đó vì mục đích giúp đỡ người khác, chúng ta có thể có một trải nghiệm tuyệt vời về việc gạt khác biệt của mình sang một bên và cùng nhau làm một điều gì đó lớn lao hơn. Nếu, nhờ các cố gắng đơn giản và đôi khi đắt giá của mình, chúng ta có thể tìm thấy những điểm thỏa thuận giữa xung đột, xây dựng các cây cầu và tạo hòa bình vì lợi ích của mọi người, thì chúng ta sẽ trải nghiệm được phép màu của nền văn hóa gặp gỡ. Đây là điều các bạn trẻ có thể dám theo đuổi một cách say mê.
170. Thượng hội đồng nhìn nhận rằng, “mặc dù theo cách khác với các thế hệ trước, cam kết xã hội là một đặc điểm chuyên biệt của người trẻ ngày nay. Bên cạnh một số người thờ ơ, có nhiều người khác sẵn sàng tự dấn thân thực hiện các sáng kiến làm việc thiện nguyện, công dân tích cực và liên đới xã hội. Họ cần được đồng hành và khuyến khích trong việc sử dụng tài năng và kỹ năng của họ một cách sáng tạo, và được khuyến khích đảm nhận các trách nhiệm của họ. Sự dấn thân xã hội và tiếp xúc trực tiếp với người nghèo vẫn là những cách căn bản để tìm kiếm hoặc làm sâu sắc thêm đức tin của người ta và sự biện phân ơn gọi của họ… Người ta cũng ghi nhận rằng người trẻ sẵn sàng bước vào đời sống chính trị để xây dựng lợi ích chung [91].
171. Cảm ơn Chúa, hôm nay, nhiều người trẻ trong các giáo xứ, trường học, phong trào và các nhóm đại học thường ra ngoài, dành thì giờ với người già và người yếu ớt, hoặc đến thăm các khu dân cư nghèo, hoặc để đáp ứng nhu cầu của người ta qua “các đêm bác ái”. Họ rất thường xuyên nhận ra rằng ở những nơi đó họ nhận được nhiều hơn những gì họ cho đi. Chúng ta lớn lên trong sự khôn ngoan và trưởng thành khi chúng ta dành thì giờ tiếp xúc với nỗi khổ đau của người khác. Người nghèo có sự khôn ngoan tiềm ẩn và, bằng một vài lời đơn giản, họ có thể giúp chúng ta khám phá ra các giá trị bất ngờ.
172. Những người trẻ khác tham gia vào các chương trình xã hội xây dựng nhà cửa cho người vô gia cư, hoặc phục hồi các khu vực bị ô nhiễm hoặc cung cấp nhiều loại trợ giúp cho người túng thiếu. Sẽ rất hữu ích nếu năng lực chung này có thể được gom góp và tổ chức một cách ổn định hơn và với các mục tiêu rõ ràng, để có thể hữu hiệu hơn nữa. Các sinh viên đại học có thể áp dụng kiến thức của họ một cách liên ngành, cùng với các người trẻ của các giáo hội hoặc tôn giáo khác, để đề ra các giải pháp cho các vấn đề xã hội.
173. Như trong phép lạ của Chúa Giêsu, bánh và cá được cung cấp bởi người trẻ có thể được nhân thừa (x. Ga 6: 4-13). Như trong dụ ngôn, những hạt giống nhỏ được người trẻ gieo trồng có thể mang lại một vụ mùa bội thu (x. Mt 13: 23,31-32). Tất cả những điều này có nguồn sống của nó trong Bí tích Thánh Thể, trong đó bánh và rượu của chúng ta được biến đổi để ban cho chúng ta sự sống đời đời. Người trẻ phải đối đầu với những thách thức to lớn và khó khăn. Với đức tin vào Chúa phục sinh, họ có thể đối đầu với chúng một cách sáng tạo và đầy hy vọng, luôn sẵn sàng phục vụ, giống như những đầy tớ trong tiệc cưới, vô tình hợp tác trong phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu. Họ không làm gì khác hơn là tuân theo mệnh lệnh của Mẹ Người. “Hãy làm bất cứ điều gì Người nói với anh em” (Ga 2: 5). Lòng thương xót, óc sáng tạo và niềm hy vọng làm cho cuộc sống lớn mạnh.
174. Tôi muốn khuyến khích tất cả các bạn trong nỗ lực này, vì tôi biết rằng, trái tim trẻ trung của các bạn muốn xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Tôi đã theo dõi các bản tin thời sự về nhiều người trẻ trên khắp thế giới, những người đã xuống đường để bày tỏ mong muốn về một xã hội công bằng và huynh đệ hơn. Các bạn trẻ xuống đường! Các bạn trẻ muốn trở thành nhân vật chủ động của sự thay đổi. Xin vui lòng, đừng để người khác làm nhân vật chủ động của sự thay đổi. Các bạn là người nắm giữ tương lai! Qua các bạn, tương lai đi vào thế giới. Tôi yêu cầu các bạn cũng là nhân vật chủ động của việc biến đổi này. Các bạn là người nắm giữ chìa khóa mở cửa tương lai! Hãy tiếp tục đánh phá sự lãnh cảm và đưa ra một phản ứng Kitô giáo đối với các rắc rối xã hội và chính trị đang xuất hiện ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Tôi yêu cầu các bạn xây dựng tương lai, làm việc cho một thế giới tốt đẹp hơn. Các bạn trẻ thân mến, xin vui lòng, đừng là người ngoài cuộc trong cuộc sống. Hãy can dự vào! Chúa Giêsu không làm người ngoài cuộc. Người đã can dự. Đừng đứng cách biệt, nhưng hãy dìm mình vào thực tại cuộc sống, như Chúa Giêsu đã từng làm” [92]. Trên hết, bằng cách này hay cách khác, hãy đấu tranh vì lợi ích chung, hãy phục vụ người nghèo, hãy là các nhân vật chủ động của cuộc cách mạng bác ái và phục vụ, có khả năng chống lại các bệnh lý của chủ nghĩa tiêu thụ và chủ nghĩa cá nhân hời hợt.
Những nhà truyền giáo can đảm
175. Tràn đầy tình yêu Chúa Kitô, người trẻ được mời gọi làm chứng nhân Tin Mừng bất cứ họ ở đâu, qua cách họ sống. Thánh Alberto Hurtado từng nói rằng, “trở thành một tông đồ không có nghĩa là đeo một cái ghim cài áo; không phải là nói về sự thật mà là sống sự thật, hiện thân cho nó, được biến đổi trong Chúa Kitô. Trở thành một tông đồ không có nghĩa là mang một ngọn đuốc trong tay, sở hữu ánh sáng, nhưng là ánh sáng đó… Hơn một bài học, Tin Mừng là một điển hình. Một sứ điệp trở thành một cuộc sống được sống trọn vẹn” [93].
176. Tầm quan trọng của chứng nhân không có nghĩa chúng ta nên im lặng trong lời nói. Tại sao chúng ta không nên nói về Chúa Giêsu, tại sao chúng ta không nên kể cho người khác hay Người ban cho chúng ta sức mạnh trong cuộc sống, chúng ta vui hưởng việc nói chuyện với Người, chúng ta được hưởng ích từ việc suy nghĩ về lời nói của Người? Các bạn trẻ thân mến, đừng để thế giới lôi kéo các bạn vào những điều sai trái và hời hợt. Hãy học cách bơi ngược dòng, hãy học cách chia sẻ Chúa Giêsu và đức tin Người đã ban cho các bạn. Ước mong các bạn được thúc đẩy bởi cùng một thôi thúc không thể cưỡng lại đó, một thôi thúc từng khiến Thánh Phaolô nói: “Khốn cho tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng!” (1 Cr 9:16)
177. “Chúa Giêsu sai chúng ta đi đâu? Không có biên giới, không có giới hạn: Người sai chúng ta đi khắp nơi. Tin Mừng dành cho mọi người, không chỉ dành cho một số người. Nó không chỉ dành cho những người có vẻ gần gũi với chúng ta hơn, dễ tiếp thu hơn, chào đón hơn. Nó dành cho tất cả mọi người. Đừng ngại ra đi và mang Chúa Kitô vào mọi lĩnh vực của cuộc sống, đến các ngoại vi xã hội, đến với cả những người có vẻ xa cách và hờ hững nhất. Chúa tìm kiếm mọi người; Người muốn mọi người cảm nhận được sự ấm áp của lòng thương xót và tình yêu của Người [94]. Người mời chúng ta trở thành những nhà truyền giáo không sợ hãi bất kể chúng ta ở đâu và trong bất cứ môi trường nào: trong các khu phố của chúng ta, trong trường học hoặc thể thao hoặc sinh hoạt xã hội, trong phục vụ tình nguyện hoặc tại nơi làm việc. Bất cứ ở đâu, chúng ta luôn có cơ hội để chia sẻ niềm vui Tin Mừng. Các người trẻ thân mến, đó là cách Chúa ra đi gặp gỡ mọi người. Người yêu các bạn, vì các bạn là các phương thế để Người có thể lan tỏa ánh sáng và hy vọng. Người đang trông chờ vào sự can đảm, sự táo bạo và nhiệt tình của các bạn.
178. Đừng nghĩ rằng sứ mệnh này là nhẹ nhàng và dễ dàng. Một số người trẻ đã hy sinh mạng sống của họ vì mục đích ra đi truyền giáo. Như các giám mục Hàn Quốc đã nói: “chúng ta hy vọng rằng chúng ta có thể là những hạt lúa mì và dụng cụ để cứu rỗi nhân loại, noi gương các vị tử đạo. Mặc dù đức tin của chúng ta nhỏ bé như hạt cải, Thiên Chúa sẽ cho nó tăng trưởng và sử dụng nó như một công cụ cho công việc cứu rỗi của Người [95]. Các bạn trẻ thân mến, đừng đợi đến ngày mai để đóng góp năng lực, sự táo bạo và sự sáng tạo của các bạn để thay đổi thế giới của chúng ta. Tuổi trẻ của các bạn không phải là “một thời gian ở giữa”. Các bạn là lúc bây giờ của Thiên Chúa, và Người muốn các bạn sinh hoa trái [96]. Vì “lúc cho đi là lúc chúng ta nhận lãnh” [97]. Cách tốt nhất để chuẩn bị một tương lai tươi sáng là trải nghiệm hiện tại bao nhiêu có thể, một cách dấn thân và rộng lượng.