Công Bố Văn Kiện Của Tòa Thánh Về Nước
Hôm 30/3/2020 vừa qua, Bộ Phát triển nhân bản toàn diện đã công bố một văn kiện mới về nước, nhân dịp kết thúc tháng Ba trong đó có cử hành “Ngày Thế giới về Nước năm 2020”.
Văn kiện bằng tiếng Anh, dài 45 trang, chia làm 109 đoạn, được phổ biến trên trang mạng của Bộ Phát triển và có tựa đề: “Nước, nguồn mạch sự sống. Những hướng dẫn về nước: biểu tượng tiếng khóc của người nghèo và tiếng khóc của Trái đất” (Aqua fons vitae: Orientation on water: symbol of the cry of the poor and the cry of the Earth).
Ý tưởng nòng cốt của văn kiện là: con người, thiên nhiên và sự phát triển gắn liền chặt chẽ với nước, nhưng vẫn còn có quá nhiều người và nơi chốn không được nước. Văn kiện, – dựa trên Giáo huấn xã hội của các vị Giáo hoàng và hoạt động của Giáo hội tại các quốc gia, – đề cập tới các khía cạnh khác nhau và những thách đố gắn liền với đề tài nước, và văn kiện được Bộ coi như nằm trong khuôn khổ “cuộc chiến đấu cho sự sống”.
Ba khía cạnh liên quan tới nước
Văn kiện mới của Tòa Thánh phân biệt ba khía cạnh, hay ba chiều kích liên quan đến nước, đó là:
- Nước để con người sử dụng;
- Nước như tài nguyên được dùng trong nhiều hoạt động của con người, đặc biệt là nông nghiệp và công nghệ;
- Sau cùng là: Nước như diện tích, nghĩa là các sông ngòi, các mạch nước dưới đất, các hồ và nhất là các đại dương và biển.
Mỗi khía cạnh trên đây được văn kiện đề cập đến với những thách đố và những đề nghị hành động liên hệ, để gia tăng ý thức về vấn đề và khích lệ sự dấn thân hoạt động ở các địa phương.
Phần sau cùng của văn kiện trình bày một suy tư về vấn đề giáo dục và đặc tính toàn diện.
Chuẩn bị kế hoạch cho các cơ cấu y tế Công giáo
Ngoài ra, Bộ Phát triển nhân bản toàn diện cho biết đang xác định một chiến lược để đương đầu với tình trạng liên hệ tới nước, các dịch vụ và các cơ cấu vệ sinh, theo nghĩa rộng trong các cơ cấu y tế thuộc Giáo hội Công giáo. Quá nhiều cơ sở y tế tại các nước nghèo và các nước đang trên đường phát triển, không có đủ nước để đáp ứng những nhu cầu căn bản nhất về mặt tẩy rửa và vệ sinh. Nếu không có nước sạch, thuốc tẩy, xà bông, các nhà vệ sinh và các quy trình vệ sinh, thì hàng tỷ bệnh nhân, nhân viên chăm sóc và các gia đình sẽ bị nguy cơ, vì thiếu những nền tảng và hạ tầng cơ sơ để chăm sóc, chữa trị một cách xứng đáng, an toàn và có chất lượng. Các cuộc giải phẫu, sự nhiễm trùng và dịch tễ sẽ không được xử lý một cách chắc chắn, an toàn, nếu thiếu nước, và tình thế đặc biệt nguy hiểm trong những ngày nay với đại dịch Covid-19.
Liên minh giữa các tổ chức
Các nhà lãnh đạo trên bình diện thế giới, kể cả Liên Hiệp Quốc, ngày càng ý thức về vấn đề này. Đang có những liên minh giữa các tổ chức chính phủ, và các tổ chức tư nhân và từ thiện, để phát triển các kế hoạch hành động hầu đương đầu với vấn đề này một cách hết sức mau lẹ và hữu hiệu.
Hoạt động của các tổ chức của Giáo hội Công giáo
Văn kiện của Bộ Phát triển nhân bản toàn diện cũng nhắc đến truyền thống của Giáo hội, thường đi tiên phong và rất dấn thân trong lãnh vực sức khỏe, trợ giúp y tế tại các đại lục. Bộ Phát triển, sau khi tham khảo ý kiến của các dòng tu, các hội đồng giám mục, các cơ quan phát triển Công giáo và các chuyên gia, muốn khuyến khích và hỗ trợ những người đang tích cực tham gia cuộc chiến bảo vệ sự sống con người. Nhiều hệ thống từ thiện y tế Công giáo đã khởi sự những cuộc điều tra để xác định tầm mức rộng lớn và phức tạp của vấn đề, cứu xét một kiểu mẫu các cơ cấu y tế Công giáo. Bộ Phát triển, – cộng tác với một số cơ quan đối tác như, Cơ quan cứu trợ Công giáo Hoa Kỳ và tổ chức Nước Hoàn cầu 2020 (Global Water 2020)- đã quyết định khích lệ cố gắng này và góp phần bằng cách cổ võ các cuộc điều tra thêm tại một số nước. Kết quả các cuộc nghiên cứu ấy, cũng như kết quả các cuộc điều nghiên khác do các tổ chức Công giáo thực hiện gần đây, sẽ được sử dụng như điểm khởi hành để đề ra những kế hoạch hành động và gây quĩ hầu hỗ trợ các kế hoạch hành động.
(Sala Stampa 30-3-2020)