Cộng Đoàn Kitô Hữu Không Nói Xấu, Tìm Lợi Riêng, Nhưng Quan Tâm Đến Nhau


Trong bài giáo lý sáng thứ tư 26.06, ĐTC đề cao gương mẫu của cộng đoàn tiên khởi và mời gọi các tín hữu noi gương các Kitô hữu tiên khởi sống tình hiệp thông trong tinh thần và ngay cả vật chất, gần gũi chia sẻ với nhau, quan tâm cho nhau, không nói hành nói xấu.

Buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 26.06 là buổi cuối cùng trước khi ĐTC sẽ ngưng các hoạt động chính thức trong tháng 7 và bắt đầu lại vào đầu tháng 8. Khí hậu Roma cũng đã khá nóng vào cuối tháng 6, tuy thế cũng có khoảng 20 ngàn tín hữu hiện diện tại quảng trường để gặp gỡ ĐTC.

Trước khi đi xe mui trần tiến ra quảng trường gặp gỡ các tín hữu, ĐTC đã đến đại thính đường Phaolô VI để chào thăm và ban phép lành cho một số bệnh nhân tại đây. Các bệnh nhân này không thể tham dự buổi tiếp kiến ở quảng trường vì thời tiết quá nóng, họ đã tham dự buổi gặp gỡ với ĐTC qua các màn ảnh lớn.

Trong bài giáo lý, ĐTC trình bày về đời sống của cộng đoàn tín hữu sơ khai, tràn đầy tình yêu Chúa và chan hòa tình yêu tha nhân. Bài giáo lý của ĐTC dựa trên đoạn sách Công vụ Tông đồ 2, 42.44-45: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu”. Phụng vụ của cộng đoàn chính là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa và anh chị em.

Hoa trái của lễ Hiện xuống

Bắt đầu bài huấn dụ, ĐTC nhắc đến hoạt động của Chúa Thánh Thần vào ngày khai sinh Hội Thánh. ĐTC nói: Hoa trái của lễ Hiện xuống, sự tuôn tràn mạnh mẽ của Thần Khí Thiên Chúa trên cộng đồng Kitô giáo đầu tiên, đó là nhiều người cảm thấy tâm hồn họ được đánh động bởi tin vui – kerygma – về ơn cứu độ trong Chúa Kitô, và họ tự nguyện gắn bó với  Người bằng sự hoán cải, lãnh nhận phép rửa tội nhân danh Người và đón nhận món quà của Chúa Thánh Thần. Khoảng ba ngàn người trở thành thành viên của tình huynh đệ đó. Tình huynh đệ đó là môi trường sống của các tín hữu và là men nồng thúc đẩy công việc truyền giáo của giáo hội. Đức tin nồng nhiệt của những anh chị em trong Chúa Kitô này làm cho cuộc sống của họ trở thành sân khấu nơi các hoạt động của Chúa được thể hiện, qua các phép lạ và dấu chỉ mà các Tông đồ thực hiện. Điều phi thường trở thành bình thường và cuộc sống hàng ngày trở thành không gian để Chúa Kitô hằng sống tỏ mình ra.

Cộng đồng Kitô hữu tiên khởi là mô thức của mọi cộng đồng Kitô giáo

ĐTC nhấn mạnh rằng tường thuật của thánh sử Luca cho chúng ta thấy Giáo hội tại Gierusalem là mô thức của mọi cộng đồng Kitô giáo, là biểu tượng của tình huynh đệ hấp dẫn, điều không được thần thoại hóa nhưng cũng không được giảm thiểu. Tường thuật của sách Công vụ cho phép chúng ta nhìn vào các bức tường của căn nhà nơi các Kitô hữu đầu tiên tụ họp như một gia đình của Thiên Chúa; đó là không gian của koinonia, nghĩa là của sự hiệp thông tình yêu giữa anh chị em trong Chúa Kitô. Chúng ta có thể thấy rằng họ sống cách rất cụ thể: “họ chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện” (Cv 2,42).

4 yếu tố của một Kitô hữu tốt lành

ĐTC nếu lên 4 yếu tố của một Kitô hữu tốt lành. Ngài nói: Các Kitô hữu chăm chỉ lắng nghe giáo huấn của các tông đồ; họ thực hành rất tốt các mối quan hệ giữa các cá nhân cũng như thông qua sự hiệp thông về các giá trị tinh thần và vật chất; họ tưởng niệm Chúa qua việc “bẻ bánh”, nghĩa là Bí tích Thánh Thể, và họ đối thoại với Chúa trong cầu nguyện. Đây là các thái độ của Kitô hữu. Tôi muốn nhắc lại: Họ chuyên cần lắng nghe giáo huấn của các tông đồ. Thứ hai: họ thực hành chu đáo các mối tương quan giữa các cá nhân, cả qua việc hiệp thông về những tài sản thiêng liêng và vật chất. Thứ ba: họ tưởng niệm Chúa qua “việc bẻ bánh”, nghĩa là Thánh Thể. Thứ tư: họ trò chuyện với Thiên Chúa trong cầu nguyện. Đây là 4 yếu tố của một Kitô hữu tốt lành.

Cộng đồng Kitô hữu loại bỏ chủ nghĩa cá nhân

ĐTC nhận định rằng không giống như xã hội loài người, nơi người ta có xu hướng kiếm lợi ích của riêng mình, bất kể hoặc thậm chí với giá của người khác, cộng đồng tín hữu loại bỏ chủ nghĩa cá nhân để thúc đẩy sự chia sẻ và đoàn kết. Không có chỗ cho sự ích kỷ trong tâm hồn của một Kitô hữu: nếu tâm hồn bạn ích kỷ thì bạn không phải là Kitô hữu: bạn là người theo tính thế gian, người chỉ tìm ích lợi cho mình. Và thánh Lu-ca nói với chúng ta rằng các tín hữu ở cùng với nhau (x. Cv 2,44), nghĩa là sự gần gũi và hiệp nhất là cách sống của Kitô hữu: gần gũi, quan tâm cho nhau, không nói xấu nhau. Nhưng để giúp đỡ, để đến gần nhau.

Do đó, ân sủng của bí tích rửa tội cho thấy mối liên kết mật thiết giữa các anh em trong Chúa Kitô, những người được mời gọi chia sẻ, đồng hóa mình với người khác và chia “theo nhu cầu của mỗi người” (Cv 2,45), nghĩa là sự quảng đại, từ thiện bác ái, quan tâm cho người khác, thăm viếng bệnh nhân, những người thiếu thốn, những người cần được an ủi.

Giáo hội là hiệp thông

Và tình huynh đệ này, với lựa chọn con đường hiệp thông và quan tâm đến người túng thiếu, chính là Giáo hội; tình huynh đệ này, là Giáo hội, có thể sống một cuộc sống phụng vụ đích thực và thật sự. Thánh Luca nói: “Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. (Cv 2,46-47).

Tin tưởng vào Thiên Chúa và anh em: bí quyết phát triển của cộng đoàn

Cuối cùng, tường thuật của sách Công vụ nhắc chúng ta rằng Chúa bảo đảm sự phát triển của cộng đoàn (x. 2,47): niềm tin chắc chắn của các tín hữu vào giao ước đích thực với Thiên Chúa và với anh em trở thành một sức mạnh cuốn hút; nó hấp dẫn và chinh phục nhiều người (x. Evangelii gaudium, 14), một nguyên tắc mà nhờ đó cộng đồng các tín hữu của mọi thời đại sống động.

ĐTC mời gọi các tín hữu: Chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần làm cho các cộng đoàn của chúng ta trở thành nơi chúng ta có thể đón tiếp và thực hành cuộc sống mới, các hoạt động liên đới và hiệp thông, nơi mà phụng vụ là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, trở thành sự hiệp thông với anh chị em của chúng ta, nơi cánh cửa mở ra và dẫn đến thành Giêrusalem thiên quốc.

Hồng Thủy

Nguồn: Vatican News