Đại Hội Ở Kazakhstan Là Một Cơ Hội Để Tìm Ra Con Đường Chung Cho Nhân Loại
Ngọc Yến – Vatican News
Trong một cuộc phỏng vấn tại sự kiện vào ngày 14/9 với Mạng lưới Truyền hình Lời Vĩnh cửu (EWTN), Đức Hồng Y Tagle nhấn mạnh về một chiều kích rộng lớn hơn đối với cuộc họp của các nhà lãnh đạo tôn giáo. Ngài nói: “Mỗi khi có một không gian để mọi người đến với nhau, và trong trường hợp này là các nhà lãnh đạo tôn giáo, theo tôi đó không chỉ là không gian của con người, nhưng là không gian của Thiên Chúa, nơi mọi người. Thực vậy, trong sự đa dạng của Đại hội, mọi người có thể nói về một điều gì đó rất sâu sắc, chứ không phải chỉ là để bàn thảo những chủ đề trong thế giới của chúng ta ngày nay. Đó là cách mà Chúa, hay điều mà một số người gọi là thần linh, sẽ dẫn chúng ta đến kế hoạch hòa hợp của Thiên Chúa trong thụ tạo qua con người. Vì vậy, đối với tôi, đây không chỉ là một cuộc tụ họp. Tôi hy vọng mọi người sẽ trải nghiệm nó như một không gian của Thiên Chúa”.
Về sứ vụ hòa bình mà Đức Thánh Cha đã nói trong bài phát biểu khai mạc, Đức Hồng Y Tagle đề cập đến Thông điệp Pacem in terris, năm 1963 của Thánh Gioan XXIII về thiết lập hòa bình phổ quát trong sự thật, công lý, bác ái và tự do. Đức Hồng Y Bộ trưởng nói: “Thánh Giáo Hoàng đã nói hòa bình trước hết là hồng ân Thiên Chúa, vì vậy phải cầu nguyện cho hoà bình, và chúng ta phải chú ý đến vị trí của chúng ta. Chúng ta phải cộng tác với Chúa. Chúng ta không được phát minh nhãn hiệu hòa bình của riêng mình. Nhưng hòa bình là thành quả của công lý, sự thật, tôn trọng lẫn nhau, tình thương. Hòa bình sẽ đến; nhưng nếu không có tất cả những điều đó, chúng ta sẽ không có hòa bình”.
Cũng tại Đại hội, Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, Ngoại trưởng Toà Thánh, cũng trả lời cuộc phỏng vấn và nói rằng Đại hội là “một cơ hội tốt để mọi người nhận ra rằng các lãnh đạo tôn giáo là những người đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh thế giới, chứ không phải bên lề, như một số người muốn nghĩ”.
Đức Tổng Giám Mục nói thêm: “Nhưng rõ ràng cũng có nhiều điểm khác biệt trong cách tiếp cận và tầm nhìn của mọi thứ. Vì vậy, tôi nghĩ chúng ta có thể nói rằng đây là một bước tiến tích cực… Tôi nghĩ đó là cơ hội tốt để các lãnh đạo gặp gỡ, trò chuyện với nhau, hiểu mọi thứ và có thể để thế giới rộng lớn hơn nhận thấy điều đó. Theo tôi, như Đức Thánh Cha đã nói trong bài phát biểu của ngài, điều quan trọng là các lãnh đạo tôn giáo, các cộng đồng tôn giáo, phải là một phần của giải pháp cho các vấn đề thế giới chứ không phải là một phần của chính vấn đề đó”.
Vì thế, đối với Ngoại trưởng Toà Thánh, với tư cách là một Giáo hội toàn cầu, Giáo hội Công giáo, có trách nhiệm “đặc biệt” trong việc đạt được hòa bình. Ngài kết luận: “Chúng tôi có truyền thống vượt qua biên giới và ranh giới, vì vậy tôi nghĩ tầm nhìn của Công giáo về hòa bình trên thế giới có khả năng rất lớn. Sự can thiệp của Đức Thánh Cha, sự tôn trọng mà ngài nhận được… mọi người đang lắng nghe, và điều đó quan trọng. Nếu mọi người lắng nghe, và sau đó hành động, thế giới chúng ta sẽ có được hòa bình”.