Đền Thánh Anrê Phú Yên Phước Kiều – Trung Tâm Hành Hương Năm Thánh Tôn Vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Tại Giáo Phận Đà Nẵng
Phước Kiều là danh xưng của một họ đạo nhỏ bé, nay là giáo họ biệt lập Phước Kiều, giáo hạt Hội An, giáo phận Đà Nẵng (thuộc xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) gắn liền với tên tuổi của vị Chứng nhân đức tin tiên khởi của Hội Thánh Việt Nam là Chân Phước Thầy Giảng Anrê Phú Yên, đã được phúc tử đạo trong khu vực nguyên là Dinh Trấn Thanh Chiêm nổi danh một thời vào ngày 26/7/1644, khoảng 29 năm sau thời điểm các Thừa Sai dòng Tên đặt chân đến Cửa Hàn – Hội An (18/01/1615) khai mở công cuộc truyền giáo tại Việt Nam. Trên khuôn viên nhỏ bé của địa danh lịch sử này tọa lạc một ngôi nhà nguyện đơn sơ nhưng từ ngày 26/7/2007 nhân dịp kỷ niệm sinh nhật trên trời lần thứ 363 của Ngài, đã được Bản Quyền Giáo phận Đà Nẵng nâng lên hàng Đền Thánh với tước hiệu Anrê Phú Yên để tôn vinh vị anh hùng Tử đạo tiên khởi đã được Giáo hội nâng lên hàng Chân Phước vào ngày 05/3/2000, và được đặt làm Thánh Bổn mạng của Giáo lý viên giáo phận.
Mục Lục Bài Viết
PHƯỚC KIỀU – DINH TRẤN THANH CHIÊM: VÙNG ĐẤT GHI DẤU TÍCH TRUYỀN GIÁO, HỘI NHẬP VÀ TUẨN ĐẠO
Chính sách mở cửa ngoại thương làm giàu xứ Đàng Trong đã được các vị chúa nhà Tiền Nguyễn hết sức coi trọng. Đàng Trong mỗi ngày một thịnh vượng. Tàu buôn các nước Trung Hoa, Bồ Đào Nha, Nhật Bản… thường xuyên lui tới.
Người Bồ Đào Nha, với tên gọi người Hoa Lang đã xin phép mở thương điếm tại Đàng Trong vào năm 1613, vào giai đoạn Nhật Bản bế quan tỏa cảng và ban hành những chỉ thị bách hại đạo công giáo. Nhiều thương gia Nhật Bản công giáo đã đến đây buôn bán, giữ đạo và thành hôn với các phụ nữ bản xứ. Bên cạnh Cửa Hàn Touron, Hoài Phố Faifoo, Dinh trấn Thanh Chiêm cũng là một thủ phủ quan trọng. Nhận thấy việc cần giúp đỡ những tín hữu nầy sống đúng luật đạo, ngày 18 tháng 01 năm 1615, một phái đoàn truyền giáo Dòng Tên chính thức được phái đến Đàng Trong, Bề trên là linh mục Francesco Buzomi, linh mục Diego Carvalho và ba thầy trợ sĩ Bồ Đào Nha và Nhật Bản. Họ dừng chân tại Cửa Hàn (Touron) nơi có một cộng đồng Nhật Bản sinh sống và sau đó đến Hội An (Hải Phố, Hoài phố, Faifo…) dạy giáo lý, rửa tội và hợp thức hóa các đôi hôn phối Việt Nhật. Trước giai đoạn nầy cũng đã có một số tín hữu Công giáo người Việt, không nhiều lắm như mẹ con bà Phanxica và Gioanna đã được rửa tội sinh sống tại dây.
Năm 1617, cha Bề trên tỉnh Dòng Tên Nhật Bản tại thành phố Ma Cau (Áo môn) gửi Cha Francisco de Pina và tiếp đó là Cha Cristoforo Borri đến Đàng Trong để giúp Cha Buzomi. Thời kỳ nầy, cha Buzomi thành lập cơ sở Nước Mặn, Qui Nhơn. Cha Pina cũng vào sinh sống tại đó ít lâu, sau được chuyển về giúp đỡ Nhật kiều Công giáo tại Hội An. Nhận thấy người Việt đón nhận Tin Mừng dễ dàng và giữ đạo sốt sắng, Cha Pina quyết định chuyên tâm giúp đỡ người Việt. Khoảng năm 1619-1621, cha lên ở hẳn tại Dinh Trấn Thanh Chiêm, mua nhà và học tiếng Việt. Năm 1624, cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) và Jeronimô Majorica đã sống ở đây, học tiếng Việt với cha Pina và nhiều người khác. Đặc biệt với một thiếu niên người Thanh Chiêm 13 tuổi được đặt tên là Raphaen Rhodes. Với một đội ngũ trí thức thánh thiện, uy tín và năng động như thế, đạo Công giáo đã bén rễ sâu chỉ sau một thập niên.
Dinh trấn Thanh Chiêm là trung tâm giao dịch thương mại và văn hóa của Đàng Trong, nơi tập trung nhiều bậc trí thức, khoa bảng. Một thế hệ nho sĩ và các nhà hoạt động tôn giáo đang hướng về những cái mới từ Tây phương mang đến: khoa học và triết học, thần học. Việc tiếp nhận đức tin của họ giúp đỡ rất nhiều cho công việc truyền giáo. Họ phiên dịch kinh nguyện, trình bày giáo lý, sáng tác thơ văn, truyền bá chân lý. Ngược lại, họ cũng tiếp thu những kiến thức khoa học mới về thiên văn, địa lý, kiến trúc, hội họa phương tây qua các Kitô hữu Bồ Đào Nha và các nhà truyền giáo uyên bác như Borri, Pina… Lịch sử còn ghi lại vị lão nho uy tín Quảng Nam tinh thông Việt ngữ, am tường văn hóa Việt Nam, sau khi tranh luận và âm thầm tìm hiểu đã phục lý và đã được Rửa tội với tên thánh Giuse. Cụ còn lôi cuốn vị quan về hưu Phêrô, sư cụ danh tiếng Manuêlê, cụ Phaolô, cố vấn pháp luật của hoàng tử Kỳ vào đạo “Thiên Địa Chân Chúa”.
PHƯỚC KIỀU – DINH TRẤN THANH CHIÊM THẤM MÁU TỬ ĐẠO CỦA THẦY GIẢNG ANRÊ PHÚ YÊN
Phước Kiều là danh xưng của một làng đúc đồng nổi tiếng tiếp giáp làng Thanh Chiêm. “Phước Kiều là làng nổi tiếng về đúc đồng. Làng có nhà thờ Công Giáo được xây dựng vào thời các Chúa Nguyễn. Giáo sĩ Francisco de Pina chính thức trở thành cha bề trên quản nhiệm trú sở này. Người có công đầu trong việc khai sinh chữ Quốc Ngữ (a,b,c), ông mất vào ngày 16/12/1625” (Đinh Trọng Tuyên và Đinh Bá Truyền, Dinh Trấn Thanh Chiêm Quảng Nam, trang 243).
Trong thời gian xuôi ngược Đàng Trong – Đàng Ngoài, các vị Thừa Sai dòng Tên đã tạo lập một đội ngũ trợ tá cho các ngài trong công cuộc rao giảng Tin Mừng tại những nơi các ngài có thể rao giảng. Năm 1630, Cha Đắc Lộ lập hội Thầy Giảng tại Đàng Ngoài và nhận lời khấn của 3 Thầy giảng Phanxico, Inhaxio và Anrê. Đến năm 1643, Cha Đắc Lộ trở lại và lập hội Thầy Giảng tại ĐàngTrong.
Chúa Nguyễn Phước Lan nghe lời Tống thị quyết loại trừ thầy giảng Inhaxio, một cánh tay đắc lực của Cha Đắc Lộ. Người thừa hành án lệnh là ông cai bạ Quảng Nam có tên gọi là ông nghè Bộ. Ý Chúa nhiệm mầu, người chứng thứ nhất không phải là thầy Inhaxio mà lại là một giáo lý viên trẻ tuổi được gọi là Thầy giảng Anrê (quê xứ Ranran – Phú An phủ).
Qua các bản tường trình, chúng ta biết rõ ràng từng chi tiết cuộc hiến tế đầu mùa của thầy Anrê. Tại Dinh Cham tức Dinh trấn Thanh Chiêm, thầy đã bị xét xử, bị kết án tử hình và bị giết chết trong vòng 24 tiếng đồng hồ vì cương quyết “giữ nghĩa cùng Đức Chúa Giêsu cho đến hết hơi cho đến trọn đời”. Hôm đó là ngày 26 tháng 7 năm 1644, ông Nghè Bộ đồng thời cũng bắt giam ông già Anrê Sơn (1579?-1648) là một vị quan nghỉ hưu, một cột trụ của giáo hội Đàng Trong. Biên bản các người Bồ Đào Nha chứng kiến cuộc xử án thầy giảng Anrê Phú Yên đã nói nhiều về vị chứng nhân đức tin này. Cuối cùng , tuy không bị giết, nhưng ảnh tượng và sách vở trong nhà ông bị tịch thu và bị đem đốt. Chắc hẳn đó là những cuốn sách đạo, sách giáo lý Đàng Trong bằng tiếng Việt, sáng tác thơ ca tôn giáo của ông và bạn bè đồng đạo. Tất cả tan theo tro bụi và thực sự là một tổn thất lớn về văn hóa và Đạo thánh. Một trí thức Công giáo đương thời là Linh mục Lữ-y Đang (Đương) cũng đã thực hiện một bản điều tra về thầy Anrê Phú Yên tử đạo (ký tên là Đươn); ngoài ra, tác phẩm Sấm Truyền Ca của ngài và có thể có cả thân phụ là ông Anrê Sơn còn để lại dấu ấn mạnh mẽ với gần 5000 câu thơ lục bát trong sáng, chữ thuần Việt, là một tác phẩm phiên dịch Kinh Thánh Cựu ước xuất hiện 100 năm trước truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du. Cột trụ cuối cùng của tín hữu vùng đất nầy là công chúa Maria Mađalêna Ngọc Liên (1596-1665). Bà theo chồng sống tại Dinh Trấn biên Phú An sau về hưu ở Dinh trấn Thanh Chiêm. Có thể do tư thù, nên quan trấn thủ mới là An võ hầu Tôn thất An bất chấp địa vị hoàng tộc của bà Maria, sỉ nhục và đàn áp đến nỗi vì không chịu nổi khát nước bà đã chối đạo “bề ngoài”, khi cha Louis Chevreuil, thuộc hội truyền giáo Paris trước khi rời Đàng Trong vào tháng 3/1665 đã đem bà trở về với Giáo hội.
Kể từ cái chết của Thầy giảng Anrê, vùng đất Thanh Chiêm – Phước Kiều đã trở thành nơi hành hình của nhiều lớp sĩ phu Công giáo. Điển hình là cái chết của Alêxù Dậu, một tín hữu danh tiếng có thân mẫu là người Việt và thân phụ là người Nhật Bản; ngoài ra, vào năm 1663 còn có một nhà trí thức là Gião Vượng (hoặc Gioan Thanh Minh) là bậc vị vọng nổi tiếng về văn thơ cũng chịu tử đạo tại đây.
Từ năm 1660 trở đi, Huế, Touron (Đà Nẵng), Hội An, Cacham (Kẻ Chàm) là nơi diễn ra nhiều cuộc bách hại. Các tín hữu Công giáo bị bắt bớ, cướp bóc của cải, bị tống ngục, giết chết nếu không từ bỏ đức tin và chà đạp Thánh giá. Thời đó, người ta muốn hạ bệ vua Bồ Đào Nha nên đồng hóa Thánh giá như là biểu tuợng vua Bồ Đào Nha (theo linh mục Vachet). Có khoảng 300 tín hữu Công giáo Nhật Bản sinh sống tại Hội An đã chối đạo, lôi kéo theo 130 người Công giáo giàu có tại Kẻ Chàm (Thanh Chiêm); tuy vậy, vẫn có nhiều tấm gương anh dũng làm chứng cho đức tin ngời sáng như trường hợp 4 cụ già, mấy phụ nữ và 4 trẻ em, trong đó có cô bé Lucia 13 tuổi. Cả một tập thể Công giáo có học thức, có địa vị và giàu sang đã vì Đạo Chúa mà phải lầm than khốn khổ. Tuy không có tên trong sổ bộ các Thánh nhưng có thể coi họ như là những vị thánh tử đạo tiên khởi người Việt Nam hoặc Nhật Bản trước mặt Thiên Chúa và loài người.
Những ngộ nhận, thành kiến của các vua chúa, quan quyền dưới các thời Trịnh – Nguyễn và Tây Sơn (từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 19) đã gây ra các cuộc bách hại Đạo Chúa, tàn sát các tín hữu tại các họ đạo dọc dài miền Trung (Đàng Trong). Các chúa nhà Tiền Nguyễn tiếp tục chống đối Đạo thánh. Năm 1750, toàn bộ giáo sĩ ngoại quốc bị trục xuất. Cuộc khởi nghĩa năm 1774 của Tây Sơn, cuộc tiến quân vào Đàng Trong của Chúa Trịnh và việc chống đỡ của Nhà Nguyễn biến vùng đất Quảng Nam trù phú thịnh vương thành bãi chiến trường và đói kém. Dinh Trấn Thanh Chiêm thành nơi giao tranh và hoàn toàn bị xóa sổ.
ĐỀN THÁNH PHƯỚC KIỀU GHI DẤU CHỨNG TÍCH TỬ ĐẠO VÀ TÔN VINH CHÂN PHƯỚC ANRÊ PHÚ YÊN
Đầu thế kỷ 20, môt số tín hữu Công giáo quy tụ về Hội An, Vĩnh Điện, Phước Kiều. Các linh mục Jean Baptiste Bruyere Nhơn, Pierre Auguste Gallioz Thiết và Joseph Lalanne Lân vừa lo cho giáo họ Trà Kiệu vừa chăm sóc Hội An, Phước Kiều. Sau khi di chuyển nhiều nơi như Lệ Sơn, Hộ Diêm, Cồn Dầu, năm 1930, cha Pierre Auguste Gallioz Thiết về Phước Kiều lập trụ sở, xây nhà thờ tại Phước Kiều và coi sóc họ Hội An và La Nang (Phong Thử). Đây là giai đoạn vàng son của Phước Kiều. Nghề đúc đồng thịnh vượng, dân cư giàu có văn minh.
Tiền bán thế kỷ 20, cơ quan hành chánh quan trọng của tỉnh Quảng Nam nằm ở làng La Qua. Ông Ngô Đình Khôi, Tổng đốc Nam Ngãi (Quảng Nam và Quảng Ngãi) đương thời là người Công giáo. Gia đình ông không dự lễ ở Hội An, nơi có công sứ Pháp mà thường dự thánh lễ tại nhà thờ Phước Kiều hoặc nhà thờ nhỏ bé La Nang. Ông ủng hộ việc các nữ tu Dòng Thừa Sai Phan Sinh Đức Mẹ (Franciscaines Missionnaires de Marie ) đến làm việc tại làng La Qua và chuẩn bị việc thành lập một trường nữ Trung học cho con em trong tỉnh Quảng Nam. Qua trung gian của Đức Cha Tardieu Phú, các nữ tu mua được một lô đất rộng gần hai mẫu tây giá 1.500 đồng bạc Đông Dương và bắt đầu xây dựng một trạm xá y tế. Các nữ tu làm việc rất đắc lực và được dân trong cả vùng Điện Bàn, Duy Xuyên mến mộ. Đến năm 1935, cha Pierre Auguste Gallioz Thiết được chuyển về họ đạo Hội An nhưng vẫn lo cho Phước Kiều.
Những biến cố chính trị tiếp nối đã ảnh hưởng trầm trọng đến sự tồn tại và phát triển của họ đạo Phước Kiều trong những năm 1945-1975 là: thế chiến thứ hai (1939-1945) khi Nhật Bản lật đổ người Pháp, các nữ tu và Cố Thiết buộc rời bỏ nhiệm sở; phong trào Việt Minh cướp chính quyền và chiến tranh Việt Pháp bắt đầu. Tình hình an ninh từ năm 1947 đến 1954 không thuận tiện cho việc thờ phượng tại nhà thờ Phước Kiều, nên vào năm 1948, nhà thờ Phước Kiều và tất cả trang thiết bị như chuông trống đã được linh mục Mollard Lễ chuyển về Vĩnh Điện, cách đó 3-4 cây số. Giáo họ Phước Kiều lại một lần nữa tan tác. Giáo dân tản cư khắp nơi: kẻ lên Trà Kiệu, người ra Đà Nẵng hoặc các thành phố lớn khác. Sau năm 1954, nhà thờ được xây dựng lại trên nền cũ nhưng không còn quan trọng như xưa, cho dẫu dân chúng làm ăn khấm khá nhờ nghề đúc đồng. Từ năm 1975, Phước Kiều – Gò Nổi trực thuộc giáo xứ Vĩnh Điện, mỗi tuần các cha đến dâng lễ, các em thiếu nhi về Vĩnh Điện học giáo lý.
Dịp Năm thánh 2000, Đấng Đáng Kính Anrê Phú Yên được Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nâng lên bậc Chân Phước, nhà nguyện Phước Kiều cũng được khởi sự trùng tu. Tháng 12 năm 2006, Bản quyền giáo phận Đà Nẵng quyết định sáp nhập Giáo họ Phước Kiều và Gò Nổi vào Giáo xứ Hội An.
Ngày 26 tháng 7 năm 2007, Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri, giám mục giáo phận Đà Nẵng nâng nhà nguyện Phước Kiều lên hàng Đền Thánh. Từ đó, hằng năm vào ngày 26/7, cộng đoàn dân Chúa giáo phận Đà Nẵng hành hương về đất thánh này để tôn vinh, cảm tạ và khẩn nguyện cùng Thiên Chúa nhờ lời chuyển cầu của Chân Phước và long trọng cử hành đại lễ mừng sinh nhật trên trời của Chân Phước Thầy Giảng Anrê Phú Yên. Ngoài ra, liên kết với Trung tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu, các đoàn hành hương Đức Mẹ Trà Kiệu cũng được hướng dẫn đến viếng Đền thánh, cảm nghiệm và học hỏi gương sống chứng tá đức tin của Đấng Chân phước trẻ tuổi tín trung.
Cũng để tạo cảnh quan và những tiện ích cho việc hành hương, khuôn viên Đền thánh được chỉnh trang, kể cả 3 ngôi mộ cổ phía sau nhà Nguyện (không rõ tông tích nhưng chắc chắn là của giáo dân Công giáo) cũng được tu bổ, tôn tạo. Một bức tượng Chân phước Thầy Giảng Anrê trong trang phục Việt Nam đã được thực hiện và đặt trước bàn thờ; ngay chính diện, thánh tích của Chân Phước cũng được trang trọng trưng bày để cộng đoàn dân Chúa tôn kính. Hơn thế, giáo phận cũng đã thu xếp để có được một khuôn viên sát tỉnh lộ thuận tiện cho các đoàn hành hương dừng chân chuẩn bị cho việc kính viếng Đền Thánh.
Đền Thánh Anrê Phú Yên hiện nay cũng là ngôi nhà thờ chính của giáo họ biệt lập Phước Kiều (bao gồm giáo họ Gò Nổi). Từ khi được thiết lập thành một giáo họ biệt lập, thường xuyên có 1 linh mục quản nhiệm lưu trú tại khuôn viên Đền thánh để coi sóc việc mục vụ, phụng tự cho khoảng hơn 300 giáo dân tại chỗ và khách hành hương Đền thánh; đồng thời cũng đảm trách việc chỉnh trang tu sửa Đền thánh và các cơ sở liên quan. Linh mục quản nhiệm hiện nay (kể từ tháng 6/2018) là Cha Giuse Nguyễn Thanh Tùng lo việc mục vụ cho giáo họ Phước Kiều, đồng thời phụ trách việc xây dựng, chỉnh trang khuôn viên và đón tiếp khách hành hương đến viếng thăm Đền Thánh.
Nhân dịp Năm Thánh tôn vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (19/6 – 24/11/2018), Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, giám mục giáo phận Đà Nẵng đã chỉ định Đền thánh Anrê Phú Yên tại Phước Kiều làm trung tâm hành hương Năm Thánh cho toàn thể cộng đồng Dân Chúa trong và ngoài giáo phận.
Hiện nay, tiến trình tôn phong Hiển Thánh cho Chân Phước Tử Đạo Anrê Phú Yên vẫn đang được tiến hành (đang chờ phép lạ thứ hai của Chân Phước để hoàn tất tiến trình tôn phong hiển thánh). Ước mong sẽ đến ngàyhoàn thành một ngôi Đền Thánh rộng rãi khang trang dâng kính “Hiển Thánh” Anrê Phú Yên tại nền đất thấm máu đào các vị anh hùng tử đạo thời sơ khai của công cuộc loan báo Tin Mừng trên quê hương Việt Nam; và cũng là nơi giới thiệu những đóng góp quý giá của các vị tiên nhân Công giáo chúng ta vào lịch sử hình thành và phát triển quốc ngữ Việt Nam khởi sự từ nỗ lực của các vị Thừa sai tiền phong thời danh: Pina và Alexandre de Rhodes.
“Chân Phước Anrê, Vị Tử Đạo tiên khởi của Việt Nam, hôm nay trở nên gương mẫu cho Giáo Hội tại quê hương của Ngài. Chớ gì tất cả môn đệ Chúa Kitô tìm được nơi Ngài sức mạnh và sức nâng đỡ trong thử thách và lo lắng giữ gìn vững chắc mối thân tình với Chúa, lòng hiểu biết các mầu nhiệm Kitô, lòng trung thành với Giáo Hội và tinh thần truyền giáo !”. (Trích bài giảng của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II trong Thánh Lễ Tôn Phong Chân Phước Anrê Phú Yên tại Công Trường Thánh Phêrô, Vatican 05.3.2000)
LM. Peter Hoàng Gia Thành
(theo tư liệu của cố LM Antôn Nguyễn Trường Thăng, nguyên quản xứ Hội An, quản nhiệm tiên khởi Đền Thánh Anrê Phú Yên Phước Kiều & một số tài liệu in ấn khác)