ĐHY Bo: Ngăn Chặn Chủ Nghĩa Cực Đoan Tôn Giáo
“Tại châu Á, cần phải nói về hoà bình, thúc đẩy hòa giải, thực hành phi bạo lực để chống lại chủ nghĩa cực đoan tôn giáo”, đây là những lời của ĐHY người Myanmar Charles Maung Bo, Tổng giám mục Yangon, chủ tịch Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC), nói với đại diện của các Giáo hội Á châu tại hội thảo về chủ đề “Kinh thánh và loan báo Tin Mừng ở châu Á” vừa qua tại Bangkok.
Đức hồng y đặc biệt trích dẫn ví dụ về nhà lãnh đạo lịch sử của cuộc đấu tranh vì tự do ở Ấn Độ, Mahatma Gandhi, được mọi người coi là “tông đồ của phi bạo lực”. Nhắc lại điều Gandhi đã nói “Mắt đền mắt làm cho cả thế giới bị mù”, Đức Hồng Y Bo liên hệ đến vụ thảm sát Phục sinh vừa qua ở Sri Lanka và chỉ ra rằng “Kitô hữu đã trở thành vật tế thần” của rất nhiều căng thẳng và lợi ích chính trị.
ĐHY Bo nói: “Tôi đến từ một quốc gia nơi chủ nghĩa cực đoan tôn giáo đã tạo ra bạo lực và tang tóc”. Ngài nhắc lại lời của Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu trong chuyến tông du tháng 11 năm 2017 tại Myanmar rằng: “đừng đáp trả hận thù bằng hận thù, nhưng hãy trở nên khí cụ hòa bình.”
Trước sự thúc giục của Đức Thánh Cha, Đức Hồng Y đã mời các tín hữu Công giáo trở thành “người của hy vọng”. Ngài nói, “chúng ta không thể để mình bị sợ hãi và bất động lấn át. Đây là thời khắc mà các mục tử phải bước đi trên nẻo đường của thập giá, mà không bao giờ được đánh mất hy vọng về một ngày mai tốt đẹp hơn, không chỉ cho dân chúng ta, mà còn cho những người đã từng là nạn nhân của sự ác”.
Nói với hãng tin Fides, Đức hồng y nhắc nhớ rằng “bạo lực là của kẻ yếu. Phi bạo lực và tha thứ mới thuộc về những người mạnh mẽ về đạo đức và tinh thần”, vì họ đầy Thần khí của Thiên Chúa.
Thêm vào đó, trong bài phát biểu của mình, chủ tịch HĐGM Á Châu đã không ngần ngại chỉ ra rằng “chủ nghĩa dân tộc, khủng bố, cực đoan tôn giáo, bóc lột và lèo lái cơn giận quần chúng” đang đe dọa sự sống của người dân Á Châu. ĐHY cũng nhắc lại những cam kết ngài đưa ra ngay sau khi được bầu là chủ tịch HĐGM Á Châu: quan tâm nhiều hơn đến sự phát triển xã hội và chăm sóc mục vụ cho các tín hữu; dấn thân, theo đường hướng của Đức Thánh Cha Phanxicô, để vượt qua những rào cản của bất công về kinh tế và môi trường. Đồng thời, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc cùng đồng hành với người dân bản địa và khẳng định quyền của họ trên các tài nguyên và truyền thống của họ.
Cuối cùng, Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng “hòa giải phải được coi là ưu tiên như là một phần của việc tái loan báo Tin Mừng tại châu Á”, đặc biệt tại những khu vực xung đột bạo lực triền miên. (CSR_3425_2019)
Văn Yên, SJ
Nguồn: Vatican News