ĐHY Koch: Sự Hiệp Nhất Giữa Các Kitô Hữu Là Một Ơn Của Chúa Thánh Thần
Trong cuộc phỏng vấn của Mạng lưới Đài Truyền hình Lời Vĩnh cửu hôm 18/1/2023, Đức Hồng y Kurt Koch khẳng định rằng sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu “luôn là một món quà tặng của Chúa Thánh Thần, và cách thế tốt nhất để nhận được quà tặng này là cầu nguyện.”
Hồng Thủy – Vatican News
Cuộc phỏng vấn Đức Hồng y Tổng trưởng Bộ Cổ võ Hiệp nhất các Kitô hữu diễn ra trong bối cảnh Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu, từ ngày 18 đến 25/1/2023.
Chúa Giêsu cầu nguyện cho sự hiệp nhất
Đức Hồng y Koch nhấn mạnh rằng “điều rất thú vị là Chúa Giêsu không ra lệnh cho các môn đệ phải hiệp nhất, nhưng lại cầu nguyện cho sự hiệp nhất”. “Và khi Chúa Giêsu cầu nguyện cho sự hiệp nhất, chúng ta không thể làm gì tốt hơn”.
Mối quan hệ giữa hiệp nhất và đa dạng
Trả lời câu hỏi của ông Andreas Thonhauser về những khác biệt trong Giáo hội, Đức Hồng y Koch chỉ ra rằng “trong Giáo hội Công giáo, chúng ta có mối quan hệ giữa hiệp nhất và đa dạng”.
Theo Đức Hồng y, “sự hiệp nhất và sự khác biệt, đa dạng không đối nghịch nhau, nhưng bổ sung cho nhau.” Ngài giải thích: “Đó không phải là chia rẽ, mà là dung hòa những khác biệt.”
Trách nhiệm của Kitô hữu
Đức Hồng y cũng cho biết rằng trong tuần này, chúng ta sẽ cầu xin hòa bình “giữa các Kitô hữu ở Ucraina và ở nhiều quốc gia”. Ngài than phiền rằng trong cuộc chiến này các Kitô hữu sát hại nhau, các tín đồ Chính Thống giáo sát hại các tín đồ Chính Thống giáo”. Do đó, “Các Kitô hữu có trách nhiệm làm những gì có thể để chấm dứt cuộc chiến này và tìm lại hòa bình trong hoàn cảnh rất khó khăn này”. (ACI Prensa 18/01/2023)
Đức Thánh Cha mời gọi cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu
Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 18/1, Đức Thánh Cha cũng mời gọi các tín hữu cầu nguyện và làm việc “để con đường tiến tới sự hiệp thông trọn vẹn ngày càng được khẳng định giữa tất cả những người tin vào Chúa Kitô”. Đồng thời, Đức Thánh Cha cũng khuyến khích các tín hữu dấn thân, với tất cả sự cống hiến và trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, để trở thành những người kiến tạo hòa giải và hòa bình”.
Đặc biệt Đức Thánh Cha tạ ơn Chúa về sự phục vụ của các tín hữu thuộc các hệ phái Kitô dành cho những người khốn khổ nhất. Ngài khẳng định rằng “Con đường bác ái này sẽ đưa chúng ta đến gần nhau hơn bao giờ hết, bằng cách yêu mến và noi gương Chúa Kitô là Mục Tử Nhân Lành.” (CSR_214_2023)