ĐHY Parolin: Cuộc Viếng Thăm Của ĐTC Đến Kiev Có Thể Thực Hiện


Nói với các nhà báo tại một cuộc gặp gỡ ở Roma, hôm thứ Năm 07/4, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh khẳng định rằng cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha đến Kiev “không bị cấm, có thể được thực hiện. Vấn đề là xem chuyến tông du này sẽ đem lại hiệu quả gì, có thể thực sự góp phần đưa chiến tranh kết thúc hay không”.

Trước hết, trả lời cho câu hỏi liên quan đến sự khẳng định gần đây của ông Jens Stoltenberg, Tổng Thư ký về một “Nato toàn cầu”, Đức Hồng y nhắc lại “nguyên tắc phòng vệ chính đáng”, nhưng nhấn mạnh “chúng ta phải làm mọi cách để tránh leo thang bạo lực ở Ucraina. Giáo lý của Giáo hội Công giáo dạy chúng ta, phản ứng vũ trang theo cách tỷ lệ với sự xâm lược có thể dẫn đến việc mở rộng xung đột và gây ra những hậu quả tai hại và chết người”. Đức Hồng y hy vọng “mọi người suy nghĩ lại và tìm ra con đường đàm phán để kết thúc cuộc mạo hiểm chưa có hồi kết này”.

Đối với những hình ảnh tàn bạo đến từ Bucha, và Đức Thánh Cha nói đó là “một cuộc tàn sát”, Đức Hồng y nhận xét: “Điều này đang diễn ra chống lại thường dân và không thể giải thích. Tôi thực sự tin rằng, như nhiều người đã chỉ ra những sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc chiến. Và tôi hy vọng điều này đánh dấu theo nghĩa tích cực, tức là nó làm cho mọi người suy nghĩ về việc cần phải chấm dứt giao tranh càng sớm càng tốt và không được dẫn đến những lập trường cứng rắn hơn, như một người số lo sợ”.

Cuối cùng, khi được hỏi về khả năng chuyến tông du của Đức Thánh Cha tới Kiev, Quốc vụ khanh Toà Thánh trả lời: “Cần phải có các điều kiện. Điều này dường như là có thể, bởi vì về phía Ucraina, chúng tôi luôn được đảm bảo chắc chắn rằng sẽ không có nguy hiểm. Chúng tôi đã tham khảo các chuyến đi của các nhà lãnh đạo khác vẫn đang được thực hiện, như chủ tịch Nghị viện châu Âu đã đến và chủ tịch của Ủy ban sẽ đi”.

“Tôi tin rằng cuối cùng một chuyến đi đến Kiev không phải là điều cấm, nó có thể được thực hiện”, Đức Hồng y Parolin khẳng định, tuy nhiên theo ngài, cần phải xem xét đến kết quả đạt được. Một trong những điều cần quan tâm đó là tương quan với Giáo hội Chính thống Nga, là một điều “tế nhị”. Ngài nói rõ: “Chắc chắn Đức Thánh Cha sẽ không đi đến một vị trí tạo thuận lợi cho bên này hay bên kia, như ngài đã luôn làm trong tình huống này. Tuy nhiên, khía cạnh này cũng phải được tính đến trong việc xem xét toàn cầu về khả năng thực hiện chuyến đi hay không”.

BÀI LIÊN QUAN: