ĐHY Tagle: 7 Năm Với Đức Phanxicô Là Một Dụ Ngôn Về Sự Gần Gũi Của Thiên Chúa
Ngày 13/03 hôm nay là tròn 7 năm Đức Thánh Cha Phanxicô được Chúa chọn làm người kế vị thánh Phêrô để hướng dẫn Con tàu Giáo hội. ĐHY Luis Tagle, Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc định nghĩa 7 năm này như một dụ ngôn về sự gần gũi và cảm thông của Thiên Chúa. Và đối với ĐHY, mỗi vị Giáo hoàng mới là một món qua và lời hứa của Thiên Chúa dành cho Giáo hội và nhân loại.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho Vatican Media, ĐHY Tagle đã chia sẻ những kỷ niệm cá nhân của ngài với Đức Thánh Cha Phanxicô cũng như những chủ đề chính về triều đại Giáo hoàng của Đức Phanxicô.
1. Kính thưa ĐHY, 7 năm đã trôi qua kể từ cuộc bầu chọn Đức Giáo hoàng Phanxicô. ĐHY có kỷ niệm cá nhân gì về ngày 13/03/2013 không?
Tôi là một trong 6 Hồng y được phong Hồng y trong công nghị cuối cùng của Đức Biển Đức XVI vào ngày 24/11/2012. 3 tháng sau, tôi là thành phần của mật nghị bầu chọn Đức Giáo hoàng Phanxicô. Toàn thể sự kiện tạo thành một kinh nghiệm đơn nhất nhưng đa diện. Trong số nhiều kỷ niệm về ngày 13/03/2013, tôi muốn chia sẻ hai điều. Thứ nhất, khi Đức Hồng y Bergoglio đạt được số phiếu cần thiết để một người được chọn làm Giáo hoàng, các Hồng y vỡ òa trong vui mừng, vỗ tay và ngợi khen Thiên Chúa, Đấng bảo đảm với chúng ta rằng Ngài sẽ không bỏ rơi Giáo hội của Ngài. Nhưng khi tôi nhìn vào Đức Hồng y Bergoglio, tôi thấy ngài ngồi cúi đầu. Sự hồ hởi của tôi đột nhiên trở thành thương hại. Nơi tư thế ngồi cúi đầu của vị tân Giáo hoàng, tôi cảm thấy gánh nặng của sự vâng phục hay cúi đầu trước ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa. Tôi cũng cảm thấy sự cần thiết cúi đầu trong cầu nguyện, một hành động tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng là Mục tử thật của Giáo hội.
Thứ hai, khi chúng tôi cùng với Đức Giáo hoàng Phanxicô chào đám đông tụ họp ở quảng trường thánh Phêrô, tôi nhận ra rằng mỗi vị Giáo hoàng mới là một món quà mà Thiên Chúa từ từ “mở ra” qua những năm trong sứ vụ giáo hoàng của ngài, hay là một lời hứa mà Thiên Chúa sẽ hoàn thành trước dân Ngài. Khi tôi tạ ơn Chúa về món quà Giáo hoàng Phanxicô vào ngày 13/03/2013, tôi đã nôn nóng nhìn xem món quà và lời hứa mà Thiên Chúa bắt đầu chia sẻ với Giáo hội và thế giới trong những năm đang đến.
2. Điều gì triều đại Giáo hoàng mang đến cho ĐHY cách cá nhân và như là mục tử của một giáo phận lớn như Manila?
Bên cạnh sự phong phú về giáo huấn và các cử chỉ mà chúng ta đang nhận từ Đức Giáo hoàng Phanxicô 7 năm qua, tôi vui mừng về những bài học mà tấm gương của ngài đã cho tôi, đặc biệt như mục tử ở Manila: chú ý đến từng cá nhân ở giữa đám đông, duy trì liên lạc cá nhân ở giữa một tổ chức lớn hoặc một cơ quan của giáo hội, chấp nhận những hạn chế của bạn và cần những cộng tác viên giữa những kỳ vọng “siêu nhân”, biết rằng bạn là một đầy tớ, chứ không phải là Đấng Cứu Thế.
3. ĐHY có nhiều cơ hội gặp gỡ Đức Giáo hoàng Phanxicô. Điều gì nơi con người và chứng tá của ngài gây ấn tượng với ĐHY nhất?
ĐHY Bergoglio và tôi đã cùng nhau làm việc như là thành viên của Hội đồng Thư ký của Thượng Hội đồng giám mục từ năm 2005 đến 2008. Tôi có ấn tượng rằng ngài đã mang đến chức Giáo hoàng con người đơn giản, hài hước và biết quan sát của ngài mà tôi luôn từng biết. Trong thực tế, tất cả các cuộc họp của tôi với ngài khi là Giáo hoàng Phanxicô, câu hỏi đầu tiên ngài đặt ra không phải là về công việc trong ngày mà là cha mẹ ĐHY khỏe không? Trong khi nhiều người xem ngài là một trong những người di chuyển và định hình có ảnh hưởng nhất của dòng lịch sử và nhân loại đương đại, thì tôi thấy nơi ngài và những cuộc trò chuyện của chúng tôi dụ ngôn đơn giản về sự gần gũi và lòng trắc ẩn của Thiên Chúa. Và bằng cách là một dụ ngôn như thế, Đức Giáo hoàng Phanxicô có thể di chuyển và định hình lịch sử.
4. Đối với Đức Giáo hoàng, những người bị loại bỏ là những người trước hết: người bệnh, người nghèo, người di dân. Bây giờ hãy nghĩ về những người bị nhiễm virus corona. Tuy thế, một số người cảm thấy khó chấp nhận “chọn lựa ưu tiên” dành cho người rốt cùng. Theo ý ĐHY thì tại sao?
Tôi không muốn phán xét bất kỳ ai, đặc biệt những người mà ông miêu tả là cảm thấy khó chấp nhận “chọn lựa ưu tiên” dành cho những người bị loại bỏ, bao gồm cả thiên nhiên. Tôi chỉ muốn nhắc mọi người rằng, bao gồm chính tôi, tình yêu đặc biệt mà các Kitô hữu phải có đối với người rốt cùng trong xã hội không phải là phát minh của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Kinh Thánh, việc thực hành của Giáo hội từ khi khai sinh, giáo huấn xã hội của Giáo hội, chứng tá của các vị tử đạo và các thánh, sứ vụ kiên trì của Giáo hội qua nhiều thế kỷ đối với người nghèo và người bị lãng quên tạo thành một ban đồng ca và một bản hợp xướng mà chúng ta được mời gọi nghe và tham gia bằng tiếng nói của chúng ta và các “nhạc cụ” mà chúng ta có, cụ thể là con người, thời gian, tài năng, của cải của chúng ta. Tôi đề nghị rằng chúng ta có nhiều liên hệ cá nhân và gặp gỡ hơn với những người không có khả năng và nghèo khó. Nhưng chúng ta phải cho phép những cuộc gặp gỡ như vậy làm xáo trộn trái tim của chúng ta và dẫn chúng ta đến cầu nguyện để chúng ta có thể nghe Chúa Giêsu nói với chúng ta nơi những người nghèo.
5. Đối với Đức Giáo hoàng, lời loan báo truyền giáo là nền tảng. Làm thế nào để ý tưởng về một “Giáo hội đi ra ngoài” có thể được thực hiện cụ thể hơn và điều này truyền cảm hứng cho ĐHY thế nào trong vai trò mới là Tổng trưởng Bộ Truyền giáo?
Đúng thật là theo Đức Giáo hoàng Phanxicô, “Giáo hội đi ra ngoài” là một Giáo hội đến với những con người nam nữ và những tình cảnh cụ thể của thế giới để mang Tin Mừng bằng lời nói và hành động. Truyền giáo hay loan báo Tin Mừng là lý do cho sự tồn tại của Giáo hội. Nhưng chúng ta không nên quên rằng Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng nhấn mạnh một sự thật thiết yếu rằng truyền giáo phải phát sinh từ một cuộc gặp gỡ sâu sắc với Chúa Giêsu, từ một kinh nghiệm đức tin và xác tín rằng Chúa Giêsu yêu thương và cứu độ chúng ta, từ một trái tim tràn đầy niềm vui mà chỉ có Tin Mừng có thể mang lại, từ một trái tim được Chúa Thánh Thần lay động để chia sẻ với người khác, để niềm vui của chúng ta và của họ có thể hoàn toàn (x. 1Ga 1,4). Không có Chúa Giêsu và không có Chúa Thánh Thần, việc truyền giáo không phải là một sự tiến bước từ Chúa Cha. Nó trở thành một chương trình của con người, một chương trình xã hội và dân sự, điều tự nó có thể là tốt nhưng không thể là việc truyền giáo của Kitô giáo hay của Giáo hội theo đúng nghĩa thật của từ truyền giáo. Truyền giáo Kitô giáo thật sự đòi những chứng tá thật. Chúng ta cần là những nhà truyền giáo đích thật, chứ không chỉ là những người thợ. Chúng tôi hy vọng rằng chúng tôi có thể duy trì và phát triển định hướng này trong Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc.
6. Cuối cùng, ĐHY cầu chúc điều gì cho Đức Thánh Cha nhân ngày kỷ niệm triều đại Giáo hoàng của ngài?
Tôi cầu chúc Đức Giáo hoàng Phanxicô có thể tiếp tục khám phá và bày tỏ quà tặng và lời hứa của Thiên Chúa với Giáo hội và nhân loại khi ngài được gọi đến với sứ vụ Phêrô cách đây 7 năm. Cầu chúc ngài được an ủi bởi những lời cầu nguyện và tình yêu của nhiều người. Và tôi muốn nói: “Thưa Đức Thánh Cha, hãy mạnh khỏe và vui tươi!”.
Nguồn: Vatican News Tiếng Việt