Dịch Virus Covid-19 Có Phải Là Dấu Chỉ Của Thời Đại?


Nhiều người có thể ngạc nhiên: Vì sao trước đại dịch virus Corona, Giáo Hội Công Giáo thường mời gọi tín hữu tin vào Thiên Chúa? Đó là thái độ cần thiết, bởi trải qua dòng lịch sử với nhiều biến cố, Giáo Hội nhận ra được dấu chỉ của thời đại (the signs of the times). Nơi đó, Giáo Hội đọc thấy những thông điệp Thiên Chúa đang nói với con người. Trước diễn biến phức tạp của virus Covid-19 đang bùng phát mạnh hơn trên toàn cầu, chúng ta thử xem đó có phải là dấu chỉ của thời đại.

  1. Thuật ngữ

Với nhiều tín hữu, có thể cụm từ trên đây nghe rất lạ tai. Để tiếp cận từ này, chúng ta khởi đi từ câu đúc kết dân gian: “Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa”. Hoặc, “Cơn đằng đông vừa trông vừa chạy, cơn đằng nam vừa làm vừa chơi.” Dân Việt Nam mình có biết bao câu như thế để nói về hiện tượng thời tiết, báo hiệu cho chúng ta nên ứng xử như thế nào.

Trong đời sống đức tin cũng thế, dấu chỉ là một thực tại có thể thấy được, để hướng đến một thực tại khác. Dấu chỉ thời đại là những sự kiện hay hiện tượng văn hóa, xã hội, biến cố nói lên tính chất đặc thù của thời đại. Qua đó, chúng ta có thể thấy những khát vọng và nhu cầu của con người. [1] Quan trọng hơn, nơi đó người Công Giáo có thể đọc ra sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa.

Nếu mở từng trang Kinh Thánh, chúng ta có thể thấy biết bao dấu chỉ thời cuộc trong cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Đó có thể là những chiến thắng vẻ vang của dân Chúa trước quân xâm lăng. Cuộc xuất hành thành công dưới sự lãnh đạo của Môsê cũng là dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa luôn đồng hành với dân Người. Khi cả dân quay về với Thiên Chúa, đó là dấu chỉ cho thấy họ thực sự ăn năn. Ngược lại, khi dân xa rời Thiên Chúa, thờ thần ngoại bang, đó là dấu chỉ cho thấy dân sắp rơi vào cảnh lầm than.

Sang thời Tân Ước, mỗi sách Tin Mừng đều cho thấy những dấu chỉ cần được nhận ra [2]. Chúng ta nhớ có lần Tin Mừng ghi lại đoạn Chúa Giêsu khuyên người ta cần nhận ra dấu chỉ của thời đại: “Bấy giờ, có những người thuộc phái Pharisêu và phái Xađốc lại gần Đức Giêsu, và để thử Người, thì xin Người cho thấy một dấu lạ từ trời. Người đáp: ‘Chiều đến, các ông nói: Ráng vàng thì nắng’, rồi sớm mai, các ông nói: ‘Ráng trắng thì mưa’. Cảnh sắc bầu trời thì các ông biết cắt nghĩa, còn thời điềm thì các ông lại không cắt nghĩa nổi.” (Mt 16,1–3).

Thực ra cụm từ trên chỉ được nhắc đến vào thế kỷ XVII, nhà thần học kinh viện người Tây Ban Nha, Melchior Cano nói về lịch sử như một “nơi chốn thần học”. Sau này đức Hồng y Michael von Faulhaber (1869–1952) đã từng dùng kiểu nói: “Tiếng của thời đại, tiếng của Chúa”. Nhất là sau hai cuộc thế chiến, “dấu chỉ thời đại” trở thành cụm từ then chốt. Chẳng hạn, trong thông điệp đầu tiên của mình nơi Công Đồng Vaticano II (1962–1965), Đức Phaolô VI viết: “Phải kích thích trong Giáo Hội sự chờ đợi trong sự tỉnh thức kiên trì đối với những dấu chỉ thời đại… xác nhận tất cả những sự vật và gìn giữ điều gì là tốt trong mọi thời, cũng như trong mọi hoàn cảnh.” [3] Đòi hỏi đó không chỉ dành cho các nhà thần học, hoặc những chủ chăn của Giáo Hội; đó còn là lời mời dành cho mỗi giáo dân để biến dấu chỉ thời đại thành một khát vọng chân thành và thiết thực. (x. Sắc Lệnh Tông Đồ Giáo Dân, số 14).

Ví dụ Công Đồng Vaticano II cho chúng ta một vài dấu chỉ tiêu biểu của thời đại như: khát vọng hiệp nhất (x. HN 4); vai trò của người giáo dân (x. LM 9); tình liên đới giữa các dân tộc (x. TĐ 14); quyền tự do tôn giáo (x. TD 15); lòng nhiệt thành với phụng vụ (x. PV 43).

  1. Dịch virus Covid-19 có phải là dấu chỉ thời đại?

Nếu đọc qua những lá thư của Giáo Hội liên quan đến lần đại dịch này, chúng ta dễ dàng nghe được những lời mời gọi nguyện cầu và trở về với Thiên Chúa. Nhất là mùa dịch đang diễn ra trong Mùa Chay, lời gọi ấy lại càng thống thiết hơn. Hẳn nhiên, đó luôn là sứ mạng của Giáo Hội, để giúp con người trung tín vào Thiên Chúa. Trong cảnh dịch lan tràn như hiện nay, Giáo Hội càng nhìn thấy nơi đó một dấu chỉ lớn lao. Vì trong đau khổ và nghịch cảnh, một mặt người tín hữu dễ phớt lờ tiếng nói của Thiên Chúa trong biến cố này; mặt khác, Giáo Hội luôn giúp con người trở về với Thiên Chúa. Hoặc nói như Clive Staples Lewis [4]: “Thiên Chúa thì thầm trong những lúc ta vui, Người thì thầm trong lương tâm ta. Nhưng Người nói lớn mạnh trong những đau khổ của ta. Những đau khổ đó là cái loa tăng âm để làm thức tỉnh một thế giới ngủ mê.” (x. Youcat số 51).

Chắc chắn virus Corona đang ảnh hưởng không chỉ đến tính mạng nhiều người, nó còn tác động đến hầu hết khía cạnh của đời sống. Có người ví đó như cuộc chiến tranh mà toàn thế giới phải chống chọi. Mỗi tín hữu cũng không miễn nhiễm với con virus này. Cứ nhìn thành đô Rôma tráng lệ, đông đúc người hành hương, thì trước virus Corona, mọi chương trình, thánh lễ công cộng đều tạm ngưng. Điều ấy có nghĩa là người ta đang có biện pháp cực mạnh để hy vọng ngăn ngừa được sức công phá của virus.

Trong bầu không khí ấy, dĩ nhiên, Giáo Hội thấy được nỗi đau đớn, hoảng sợ của người dân. Giáo Hội thấy nơi đó một lời mời gọi để con người cần hoán cải, sám hối và ăn năn nhiều hơn. Giáo Hội đang tiếp tục lắng nghe tiếng Chúa trong những biến cố của thế giới, nhất là lần đại dịch này. Phải chăng Thiên Chúa muốn nhắc cho con người về thân phận mỏng dòn, mong manh và phải chết? Phải chăng con người toàn năng có thể làm được mọi thứ, có thể tiêu diệt được địch thù đang tấn công nhân loại? Phải chăng virus Covid-19 là hệ quả của những lầm lạc và kiêu ngạo của con người? Hình như con người chia phe nhóm đấu đá, đến nỗi hậu quả là chết chóc tang thương? Hoặc là, virus này khiến thế giới bừng tỉnh về một viễn tượng thiên đường do chính con người có thể tạo nên bằng quyền lực, tranh giành và cố chấp? v.v.

Danh sách câu hỏi trên đây có thể dài vô tận mà mỗi người có thể đặt ra trước con virus này. Đừng quên, Giáo Hội luôn nhớ sứ mạng của mình là chăm chú tìm kiếm, lắng nghe, khám phá tiếng nói, cũng như hoạt động của Thiên Chúa trong dòng lịch sử qua những dấu chỉ thời đại. Sẽ không thừa khi Giáo Hội thống thiết nhắc con cái mình về một dấu chỉ đang diễn ra trước mắt chúng ta. Đó là thời cơ để con người khiêm tốn hơn, nhìn nhận thân phận và vị trí của mình trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

Một cách cụ thể, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhiều lần chỉ cho chúng ta nhận ra dấu chỉ của thời đại. Chẳng hạn ngài nói: “Mỗi người chúng ta đều có tự do để phân định. Nhưng để có thể phân định được, chúng ta phải biết rõ điều gì đang diễn ra.” [5] Hẳn nhiên mỗi người đều thấy điều gì đang diễn ra quanh con virus kinh khủng này. Trên mạng Internet, môi trường xung quanh, đâu đâu cũng đầy những thông tin về con virus Covid-19. Tôi phòng dịch và nhìn nhận về dịch bệnh này như thế nào?

Giáo Hoàng Phanxicô chỉ cho ta một chìa khóa để nghe được dấu chỉ: “Trước hết là phải biết thinh lặng: hãy thinh lặng và quan sát. Sau đó, hãy suy tư và phản tỉnh.” [6] Đó là không gian nguyện cầu, là nhìn những gì đang diễn ra để lắng nghe tiếng Chúa. Chúa vẫn ở đó, và muốn nói nhiều điều với con người trong biến cố này. Với sự đơn sơ, chân thành cộng với việc thinh lặng, suy tư phản tỉnh và cầu nguyện, hy vọng mỗi người đọc được thông điệp của Chúa nơi hoàn cảnh không mấy yên bình này.

Điều tuyệt vời cho những ai nhận ra chút dấu chỉ của thời đại là: họ không hoang mang, hoảng sợ. Ngược lại họ xác tín: “Chính Tin Mừng là Lời của Chúa Giêsu đã làm thay đổi thế giới và tâm hồn chúng ta. Do đó, chúng ta được mời gọi tín thác vào Lời của Chúa Kitô, để mở tâm hồn đón nhận Lòng thương xót của Chúa Cha và để cho bản thân mình được biến đổi nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần.” [7] Gần hơn, sau khi đưa ra những chỉ dẫn cụ thể cho giáo dân trước dịch Covid-19, đức cha Giuse Nguyễn Năng mời gọi giáo dân “xin Thiên Chúa giàu lòng thương xót chữa lành và ban bình an cho nhân loại.” [8]

Với quan điểm cá nhân, tôi thấy đại dịch lần này thực sự là dấu chỉ của thời đại. Nơi đó, mỗi người có thể hiểu hơn về cách Thiên Chúa nói với con người. Thiên Chúa có thể tỏ lộ nhiều điều qua biến cố lay động toàn cầu lần này. Hay nói như Đức Giáo Hoàng Phanxicô ngày 11 tháng 3, khi ngài cầu nguyện trong biến cố này: “Lạy Mẹ Maria, Mẹ luôn tỏa sáng trên hành trình của chúng con như dấu chỉ của ơn cứu độ và niềm hy vọng… xin giúp đỡ chúng con biết vâng theo thánh ý Chúa Cha.” [9]

  1. Vài điều cần tránh khi đọc dấu chỉ thời đại

Khi nói về dấu chỉ thời đại, các nghị phụ Công Đồng Vaticano II nhấn mạnh đến “sự hiện diện của Thiên Chúa và về hoạt động của Ngài.” Thật không chính xác khi thấy những dấu chỉ để quy gán cho Thiên Chúa đang trừng phạt dân. Chúa không làm ra con virus Covid-19. Ngài không tạo ra sự dữ. Xin đừng nhìn dấu chỉ thời đại này để nói rằng Chúa không thương xót con người.

Covid-19 không phải là dấu chỉ cánh chung. Con người không thể biết lúc nào đến ngày cánh chung. Dấu chỉ thời đại giúp con người có thêm lý do để tin tưởng vào Thiên Chúa nhiều hơn. Thiên Chúa luôn quan phòng mọi sự. Mỗi người đều sống trong tình yêu của Ngài. Nếu hiện tại con người tin yêu Chúa, thì tương lai sẽ tốt đẹp hơn.

Chiêm ngắm những gì đang diễn ra để thấy được bàn tay của Thiên Chúa. Trước dấu chỉ thời đại, người ta lại có nguy cơ đi vào lối dẫn dắt của sự dữ. Họ bi quan và thấy tuyệt vọng. Trong khi đó, Thiên Chúa mời gọi họ nhìn vào cuộc sống với niềm hy vọng lớn lao. Có Chúa là có tương lai, có bình an. Do đó, đừng để dấu chỉ thời đại dẫn bạn vào ngõ cụt.

Khi đọc dấu chỉ, chúng ta không thể đọc một mình. Chúng ta có Giáo Hội, có Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Xin đừng liều lĩnh suy đoán một mình. Ngược lại trong Giáo Hội, chúng ta được hướng dẫn để thấy dấu chỉ thời đại rõ hơn, khách quan hơn. Đối với Kitô hữu, để nhận ra các dấu chỉ thời đại, họ cần được Giáo Hội hướng dẫn để biết lắng nghe tiếng nói của Thần Khí và quy chiếu về Chúa Kitô [10].

Đừng để tâm lý hoảng sợ, hoang mang chi phối việc đọc dấu chỉ của chúng ta. Nhất là trước biết bao thông tin tiêu cực về Covid-19, một tâm hồn bình an trong Chúa mới có thể nhận ra Chúa đang muốn nói với tôi điều gì.

Khi viết về chủ đề này, Lm. Nguyễn Trọng Viễn, dòng Đa Minh, nhắc chúng ta nhớ đến sự thật này: “Nếu Thiên Chúa trong quá khứ, đã yêu thương những người thuộc về Ngài; thì Ngài không thể không yêu thương họ ngày hôm nay.”[11] Do đó, đọc dấu chỉ thời đại đòi người ta đặt cuộc đời vào vòng tay yêu thương của Thiên Chúa. Sẽ là sai lầm nếu thấy đau khổ hoặc sự dữ mà lãng quên tình yêu của Chúa.

Tạm kết

Có lẽ đề tài này quá rộng so với một bài viết ngắn trên đây. Hy vọng chút gợi ý trên để mỗi người nhìn đại dịch Covid-19 với lòng tin tưởng và hy vọng. Thiên Chúa thực sự đang “vặn loa” thật to để mời gọi con người trở về với Ngài. “Liệu tôi có biết rằng lịch sử của Chúa vẫn đang tiếp diễn hôm nay, và mãi cho đến ngày Ngài ngự đến trong vinh quang không? Tôi có đọc được các dấu chỉ thời đại và sống kiên trung với tiếng gọi của Chúa không?”[12]

Dù trong hoàn cảnh thuận lợi hoặc khó khăn, khỏe mạnh hay dịch bệnh, Giáo Hội, Thiên Chúa vẫn luôn mời gọi mỗi người nhạy bén nhận ra dấu chỉ thời đại. Nó đang diễn ra trước mắt chúng ta. Ước gì mỗi người lắng nghe được tiếng nói của Chúa Thánh Thần đang lớn tiếng trong cơn dịch này.

Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J.
Nguồn: dongten.net

______________

[1] X. Từ Điển Công Giáo, mục từ Dấu Chỉ và Dấu Chỉ Thời Đại.

[2] Đặc biệt thánh Gioan thích dùng dấu lạ thay vì phép lạ. Theo Giuse Lê Minh Thông, O.P., điều này có ý nghĩa quan trọng trong thần học Tin Mừng Gioan: Đức Giê-su là người thực hiện các dấu lạ, và chính Người cho biết ý nghĩa của dấu lạ. Chẳng hạn ý nghĩa của dấu lạ bánh hoá nhiều (Ga 6,1-15) sẽ được Đức Giê-su giải thích trong diễn từ bánh sự sống (Ga 6,25-59), v.v.

[3] Thông điệp  Ecclesiam suam – Giáo Hội của Chúa, công bố ngày 6–8–1964.

[4] 1898–1963, văn sĩ Anh, tác giả cuốn Ký sự Narnia.

[5] Bài giảng Đức Thánh Cha Phanxicô, ngày 23 tháng 10 năm 2015 tại nhà nguyện thánh Marta.

[6] Như trên

[7] Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các nạn nhân nhiễm virus corona

 [8] X. Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về dịch bệnh Covid-19 ngày 06.03.2020

[9] Đọc thêm bài Đức Thánh Cha Phanxicô xin Đức Mẹ bảo vệ thế giới khỏi virus corona

[10] X. Hiến chế mục vụ về giáo hội trong thế giới ngày nay, số 44.

[11] Giuse Nguyễn Trọng Viễn OP., Dấu Chỉ Thời Đại

[12] Xem Tông Đồ Cầu Nguyện, ngày 25-10-2019