Diễn Văn Của ĐTC Trước Đức Thượng Phụ Jeronymos II Và Đoàn Tuỳ Tùng


Diễn văn của ĐTC trước Đức Thượng phụ Jeronymos II và đoàn tuỳ tùng tập trung vào những điểm: Công giáo và Chính thống có chung nền móng là các Tông đồ; Chúa Thánh Thần là dầu hiệp thông, dầu khôn ngoan và dầu an ủi.

“Xin Thiên Chúa ban cho anh em ân sủng và bình an” (Rm 1, 7). Tôi xin chào anh em với những lời của vị Tông đồ vĩ đại Phaolô, chính những lời vị Tông đồ đã nói với các tín hữu Roma. Cuộc gặp gỡ của chúng ta hôm nay canh tân ân sủng và bình an đó. Khi cầu nguyện trước mộ của các Tông đồ và các vị tử đạo ở Roma, tôi cảm thấy được thôi thúc đến đây như một người hành hương, với lòng thành kính và khiêm nhường, để canh tân sự hiệp thông tông đồ và nuôi dưỡng tình bác ái huynh đệ. Theo nghĩa này, xin cám ơn Đức Thượng phụ, vì những lời của ngài dành cho tôi và tôi xin đáp lại bằng sự quý mến. Qua Đức Thượng phụ, tôi cũng gửi lời chào đến các giáo sĩ, các cộng đoàn nữ tu và tất cả các tín hữu Chính thống giáo Hy Lạp.

Cách đây 5 năm, chúng ta đã gặp nhau ở Lesvos, giữa một trong những thảm trạng lớn của thời đại chúng ta: hoàn cảnh của rất nhiều anh chị em di cư, những người không thể bị để lại trong sự dửng dưng, chỉ được coi là một gánh nặng cần phải quản lý hoặc thậm chí tệ hơn, cần phải chuyển giao cho người khác. Giờ đây, chúng ta gặp lại nhau, để chia sẻ niềm vui huynh đệ và để nhìn Địa Trung Hải bao quanh chúng ta không chỉ là nơi làm chúng ta lo lắng và chia rẽ, mà còn là vùng biển gắn kết các dân tộc với nhau. Cách đây không lâu, tôi đã đề cập đến những cây ô liu hàng thế kỷ có liên quan đến những vùng đất này. Nhắc lại những cây gắn kết chúng ta, tôi nghĩ đến những cội rễ mà chúng ta chia sẻ. Chúng nằm bên dưới, bị che khuất và thường bị phớt lờ, nhưng vẫn ở đó và nâng đỡ mọi sự. Cội rễ chung của chúng ta đã tồn tại qua nhiều thế kỷ là gì? Đó là các Tông đồ. Thánh Phaolô nói điều này khi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “được xây dựng trên nền móng là các Tông đồ” (Ep 2, 20). Những nền móng này phát triển từ hạt giống Tin Mừng, đã bắt đầu sinh hoa kết trái dồi dào, trong nền văn hóa Hy Lạp: Tôi nghĩ đến các Giáo phụ tiên khởi của Giáo hội và các Công đồng đại kết đầu tiên.

Sau đó, thật không may, chúng ta ngày càng xa cách. Chúng ta đã bị chất độc thế gian làm ô nhiễm, cỏ dại nghi ngờ đã gia tăng khoảng cách và chúng ta không còn vun trồng sự hiệp thông. Thánh Basiliô Cả đã khẳng định rằng các môn đệ chân chính của Chúa Kitô “chỉ được khuôn đúc theo những gì họ thấy nơi Người” (Moralia, 80, 1). Thật đáng xấu hổ – tôi nhìn nhận điều này đối với Giáo hội Công giáo – về những hành động và lựa chọn ít hoặc không tương thích với Chúa Giêsu và với Tin Mừng, nhưng ghi dấu bằng nỗi thèm khát lợi nhuận và quyền lực, đã làm suy yếu sự hiệp thông. Bằng cách này, chúng ta để cho sự phong nhiêu bị tổn hại bởi sự chia rẽ. Lịch sử có sức nặng của nó, và ở đây, hôm nay, một lần nữa tôi cảm thấy cần phải cầu xin sự tha thứ của Thiên Chúa và của anh chị em đối với những lỗi lầm của nhiều người Công giáo. Tuy nhiên, chúng ta được an ủi bởi chắc chắn rằng nền móng của chúng ta là các Tông đồ và mặc cho thời gian thay đổi, những gì Thiên Chúa đã gieo trồng vẫn tiếp tục phát triển và sinh hoa kết trái trong cùng một Thánh Thần. Đó là một ân sủng để nhận ra hoa trái của nhau và cùng tạ ơn Chúa về điều này.

Hoa trái cuối cùng của cây ô liu là dầu. Dầu ô liu đã từng được chứa đựng trong những chiếc bình quý giá, vốn rất nhiều trong kho tàng khảo cổ của quốc gia này. Dầu cung cấp ánh sáng chiếu rọi đêm tối của thời xa xưa. Trong nhiều thiên niên kỷ, đó là “mặt trời lỏng, trạng thái huyền bí đầu tiên của ngọn lửa đèn” (C. BOUREUX, Les plantes de la Bible et leur Symbolique, Paris 2014, 65). Đối với chúng ta, dầu làm cho chúng ta liên tưởng đến Thánh Thần, Đấng đã sinh ra Giáo hội. Chỉ có Thánh Thần, với vẻ đẹp huy hoàng không phai mờ, mới có thể xua tan bóng tối và soi sáng bước đường chúng ta.

Đúng vậy, vì Chúa Thánh Thần trước hết là dầu của sự hiệp thông. Kinh Thánh nói dầu làm cho gương mặt sáng tươi (Tv 104,15). Ngày nay, chúng ta cần phải nhận ra giá trị độc nhất toả sáng nơi mỗi người, mỗi anh chị em. Nhận ra điều này là điểm khởi đầu để xây dựng sự hiệp thông. Nhưng, thật không may, như một thần học gia vĩ đại đã viết “sự hiệp thông dường như chạm vào một mối dây nhạy cảm”, không chỉ trong xã hội, nhưng còn thường xảy ra giữa các môn đệ Chúa Giêsu “trong một thế giới Kitô giáo được nuôi dưỡng bởi chủ nghĩa cá nhân và sự cứng rắn của thể chế”. Tuy nhiên, nếu những truyền thống và nét đặc thù của mỗi chúng ta đưa đến sự phòng thủ và làm xa cách người khác, nếu “tính đa dạng không phải điều dẫn đến sự hiệp thông, thì nó khó có thể mang lại sức sống cho một nền văn hoá vừa ý” (J. ZIZIOULAS, Comunione e alterità, Roma 2016, 16).

Trái lại, sự hiệp thông huynh đệ mang lại phúc lành của Chúa. Trong Thánh Vịnh, nó được so sánh với “dầu quý đổ trên đầu, chảy xuống râu” (Tv 133,2). Thật vậy, Thánh Thần đổ vào tâm trí thúc giục chúng ta đạt đến tình huynh đệ ngày càng mạnh mẽ hơn, để đặt để chúng ta trong sự hiệp thông. Vì vậy, chúng ta không lo sợ, nhưng giúp nhau thờ phượng Thiên Chúa và phục vụ người thân cận, không chiêu dụ, trong khi hoàn toàn tôn trọng tự do của người khác, vì như Thánh Phaolô đã viết: “Ở đâu có Thần Khí của Chúa, thì ở đó có tự do” (2Cr 3, 17). Tôi cầu nguyện để Thánh Thần bác ái sẽ chiến thắng sự kháng cự của chúng ta và làm cho chúng ta trở thành những người xây dựng sự hiệp thông. Bởi vì, “nếu thực sự tình yêu loại bỏ được nỗi lo sợ và biến đổi nó trong yêu thương, thì chúng ta sẽ khám phá ra rằng cứu độ là sự hiệp nhất” (S. Gregorio di Nissa, Omelia 15 sul Cantico dei Cantici). Mặt khác, làm sao chúng ta có thể làm chứng trước thế giới về sự hài hòa của Tin Mừng, nếu các Kitô hữu vẫn còn chia rẽ? Làm sao chúng ta có thể loan báo tình yêu Chúa Kitô, Đấng quy tụ các dân nước, nếu giữa chúng ta không hiệp nhất? Nhiều bước đã được thực hiện để đưa chúng ta lại với nhau. Chúng ta hãy cầu xin Thánh Thần hiệp thông thúc đẩy chúng ta đi theo sự dẫn dắt của Người và giúp chúng ta không xây dựng hiệp thông dựa trên những tính toán, chiến lược và tiện lợi, nhưng dựa trên một mẫu gương duy nhất mà chúng ta phải noi theo: Ba Ngôi Cực Thánh.

Thứ hai, Thánh Thần cũng là dầu khôn ngoan. Thánh Thần đã xức dầu cho Chúa Kitô và Người mong muốn truyền cảm hứng cho các Kitô hữu. Ngoan nguỳ trước sự khôn ngoan dịu dàng của Người, chúng ta lớn lên trong sự hiểu biết Thiên Chúa và mở lòng ra với người khác. Theo nghĩa này, tôi muốn bày tỏ sự đánh giá cao của tôi đối với tầm quan trọng của Giáo hội Chính thống này, thừa kế sự tiếp thu văn hóa vĩ đại đầu tiên của đức tin, với nền văn hóa Hy Lạp, dành cho việc đào tạo và chuẩn bị thần học. Tôi cũng muốn nhắc lại sự hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực văn hóa giữa Apostolikί Diakonίa của Giáo hội Hy Lạp – tôi rất vui được gặp đại diện trong cuộc gặp gỡ vào năm 2019 – và Hội đồng Toà Thánh Thúc Cổ võ Hiệp nhất các Kitô hữu, cũng như tầm quan trọng của Hội nghị chuyên đề liên Kitô giáo do Khoa Thần học Chính thống của Đại học Salonicco cùng với Đại học Giáo hoàng Antonianum ở Roma tổ chức. Những dịp này đã giúp chúng ta có thể thiết lập các mối quan hệ thân ái và bắt đầu các cuộc trao đổi hữu ích giữa các học giả của chúng ta. Tôi cũng cám ơn sự tham gia tích cực của Giáo hội Chính thống Hy Lạp trong Ủy ban Hỗn hợp Quốc tế về Đối thoại Thần học. Xin Thánh Thần giúp chúng ta kiên trì trong sự khôn ngoan trên những con đường này!

Cuối cùng, cũng chính Thánh Thần là dầu an ủi, Đấng Phù trợ luôn ở bên chúng ta, xoa dịu tâm hồn và chữa lành vết thương. Thánh Thần đã thánh hiến Chúa Kitô bằng việc xức dầu, để Chúa Kitô loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, mang sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, sự tự do cho người bị áp bức (x. Lc 4,18). Và Thánh Thần vẫn thúc giục chúng ta quan tâm đến những người yếu đuối và nghèo khó. Ở đây, cũng như những nơi khác, sự hỗ trợ dành cho những người nghèo khổ trong những thời điểm khó khăn nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế là rất cần thiết. Chúng ta hãy cùng phát triển các hình thức hợp tác trong đức ái, mở lòng và hợp tác trong các vấn đề đạo đức và xã hội, để phục vụ mọi người trong thời đại chúng ta và mang lại cho họ niềm an ủi Tin Mừng. Thật vậy, hơn bao giờ hết, ngày nay Thánh Thần đang kêu gọi chúng ta, để chữa lành vết thương của nhân loại bằng dầu bác ái.

Trong lúc đau khổ, Chúa Giêsu đã xin các môn đệ của Người sự an ủi bằng sự gần gũi và cầu nguyện. Do đó, hình ảnh của dầu dẫn chúng ta đến Vườn ôliu. Chúa Giêsu nói: “Anh em ở lại đây mà canh thức” (Mc 14, 34). Lời cầu xin của Chúa ở số nhiều. Ngày nay, Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta tỉnh thức và cầu nguyện. Chúng ta cần cầu nguyện cho nhau để mang đến cho thế giới sự an ủi của Chúa và chữa lành các tương quan bị tổn thương của chúng ta. Đây là điều không thể thiếu để đạt được “sự thanh tẩy cần thiết của những ký ức lịch sử. Với ân sủng Thánh Thần, các môn đệ của Chúa, được thúc đẩy bởi tình yêu, lòng can đảm của sự thật và một ước muốn chân thành về sự tha thứ và hòa giải, được kêu gọi để cùng nhau nhìn lại quá khứ đau buồn và những tổn thương mà ngày nay vẫn còn gợi lên”. (S. Giovanni Paolo II, Thông điệp Ut unum sint, 2).

Chúng ta được thúc đẩy để làm điều này, cách đặc biệt, bởi đức tin vào sự Phục sinh. Các Tông đồ, sợ hãi và do dự, đã được hòa giải với nỗi thất vọng cay đắng về cuộc Khổ nạn khi họ thấy Chúa Phục sinh hiện ra trước mặt. Chính từ những vết thương tưởng như không thể chữa lành, các ông tìm thấy niềm hy vọng mới, lòng thương xót chưa từng có, một tình yêu lớn hơn những sai lầm và thất bại của họ; điều này đã biến các ông thành một Thân Thể duy nhất, được Thánh Thần hợp nhất trong sự đa dạng của nhiều chi thể khác nhau. Xin Thánh Thần của Đấng Bị Đóng Đinh và Phục sinh đến trên chúng ta và ban cho chúng ta “một cái nhìn bình tĩnh, trong suốt của sự thật, được sống động bởi lòng thương xót Chúa, có khả năng giải phóng tâm trí và khơi dậy trong mọi người một sự sẵn lòng đổi mới”. Xin Người giúp chúng ta không bị tê liệt bởi những kinh nghiệm và định kiến ​​tiêu cực của quá khứ, nhưng nhìn thực tế bằng con mắt mới. Bằng cách này, những đau khổ trong quá khứ sẽ nhường chỗ cho niềm an ủi hiện tại, và chúng ta sẽ được an ủi bởi những kho tàng ân sủng mà chúng ta sẽ khám phá lại nơi anh chị em. Giáo hội Công giáo vừa đặt ra một hành trình nhằm mục đích đào sâu tính hiệp hành và chúng tôi cảm thấy mình có nhiều điều để học hỏi từ anh em. Đây là điều chúng tôi chân thành mong muốn, chắc chắn rằng khi anh em trong đức tin xích lại gần nhau hơn, thì sự an ủi của Thánh Thần sẽ tràn ngập tâm hồn chúng ta.

Thưa Đức Thượng phụ, trong hành trình này, ước mong chúng ta được đồng hành bởi các thánh của vùng đất này, và các vị tử đạo, mà thật không may, ở thời nay trên thế giới còn nhiều hơn cả trong quá khứ. Các thánh, thuộc các hệ phái Kitô khác nhau trên mặt đất, đang ở cùng một Thiên đàng. Xin các thánh cầu bầu cho chúng ta, để Thánh Thần, dầu thánh của Thiên Chúa, đổ tràn trên chúng ta, trong một Lễ Ngũ Tuần được đổi mới, như trên các Tông đồ, mà chúng ta là hậu duệ. Xin Người khơi dậy trong lòng chúng ta ước muốn hiệp thông, soi sáng chúng ta bằng sự khôn ngoan của Người và xức dầu an ủi của Người cho chúng ta.

Nguồn: Vatican News Tiếng Việt