Đồng Hành Với Giới Trẻ Hướng Tới Sự Trưởng Thành…


ĐỒNG HÀNH VỚI GIỚI TRẺ HƯỚNG TỚI SỰ TRƯỞNG THÀNH…

Sr. Thecla Trần Thị Giồng

 

Tuổi trẻ còn là một phúc lành cho Giáo hội và thế giới” (Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 134)

WHĐ (24.7.2020) – Giáo hội dành cho giới trẻ một chỗ quan trọng, một sự ưu ái đặc biệt. Vì thế trong Thư Chung 10/2019, HĐGMVN đã bày tỏ: “Các Kitô hữu trẻ luôn là mối quan tâm đặc biệt của toàn thể Giáo hội. Để thể hiện mối quan tâm này, Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XV họp tại Rôma vào tháng 10 năm 2018 đã bàn về chủ đề “Giới trẻ, đức tin và việc phân định ơn gọi”… Từ những kinh nghiệm, suy tư và đề nghị trong Thượng Hội đồng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành tông huấn Chúa Kitô đang sống” (Christus vivit), trong đó ngài khắc họa Dung nhan sống động, tươi trẻ và gần gũi của Chúa Kitô Phục sinh đang sống giữa chúng taNgười là bạn của người trẻ và mong ước kết thân với họ để giúp họ sống tuổi trẻ cách sung mãn, lớn lên trong sự thánh thiện, dấn thân phục vụ xã hội và Giáo hội.”

Cùng chung những thao thức ấy, Hội đồng Giám mục Việt Nam trong kỳ họp tháng 10/2019 vừa qua đã quyết định chọn chủ đề Mục vụ Giới trẻ cho Giáo hội Việt Nam trong ba năm tới (2020 – 2022). Các giám mục đề nghị các mục tử, những người làm công tác mục vụ giới trẻ, đặc biệt là cha mẹ, đồng hành để giúp các thanh thiếu niên lớn lên và trưởng thành. Và chủ đề năm nay là: “Đồng hành với ngưi trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.” (Thư Chung HĐGMVN 10/2019)

Thật ra, nói đến trưởng thành, một đề tài quá lớn và có lẽ suốt đời tập luyện mà không biết sẽ đi đến đâu vì thế mà nhà thơ Minh Đức đã nói lên thao thức của mình “Chữ nhân viết mãi vẫn run tay”. Khi đang bước vào tuổi hoàng hôn cuộc đời, tôi thấy điều này khá đúng. Đó là chỉ nói đến khía cạnh thành nhân thôi chưa nói đến sự trưởng thành tâm linh hay sự “trưởng thành toàn diện” như HĐGMVN mong muốn. Một con đường dài cần sự chung tay của nhiều giới, nhất là sự cố gắng tối đa của chính bản thân các bạn trẻ là đối tượng đang được Giáo hội và các vị chủ chăn quan tâm, thao thức…

Giáo hội làm sao không lo lắng cho giới trẻ con cái mình chứ? khi mà tuổi trẻ là giai đoạn có nhiều thách đố và khủng hoảng cũng như là ngưỡng của cuộc đời. Tương lai mỗi người tùy thuộc chính yếu vào cái “buổi ban đầu” này. Hơn nữa, ngày nay “người trẻ cũng phải đối diện với những thách thức của thời đại mới”

Phẩm chất và chuẩn mực của ngưi trưởng thành

Xã hội ngày nay chờ đợi gì nơi người trẻ? Chắc chắn là rất nhiều và 3 điểm nổi bật đó là: Tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn . Còn Giáo hội lại mong giới trẻ lớn lên và trưởng thành theo năm khía cạnh: thể lý, tâm lý, tâm linh, văn hoá và phân định ơn gọi (Thư Chung HĐGMVN 10/2019).

Giá trị của một người hay một cuộc đời tùy thuộc vào PHẨM CHẤT của CON NGƯỜI ấy, vì chính họ sống cuộc đời của mình. Nên để có một cuộc đời thành tựu và có giá trị, căn bản vẫn là xây dựng con ngườiMột con người trưởng thành, và theo thiển ý, điều cơ bản của người trưởng thành là người biết làm chủ bản thân, làm chủ tư tưởng, tình cảm và hành vi của mình. Xây dựng con người không phải chỉ thành công mà quan trọng hơn là thành nhân và với người Kitô hữu chúng ta phải cố gắng để thành thánh nữa.

Những người khôn ngoan nói rằng: “Tuổi trẻ không lo. Tuổi già những ngậm ngùi nuối tiếc.” Quả thật, điều này khá đúng trong nhiều trường hợp. Vậy tuổi trẻ cần “lo” gì? Thật ra cái lo không phải chỉ đến từ phía người trẻ, mà còn đến từ gia đình, cha mẹ, từ xã hội và giới trẻ còn là thao thức, ưu tư của Giáo hội nữa. Vì nói đến tuổi trẻ là nói đến hiện tại, và hiện tại chính là nền móng cho TƯƠNG LAI của họ. Giáo hội luôn xác tín rằng: “người trẻ không chỉ là đối tượng phục vụ của Giáo hội, mà còn là chủ thể phản ảnh Đức Giêsu Kitô giữa lòng nhân thế; không chỉ là tương lai mà còn là hiện tại của thế giới, họ đã và đang góp phần làm phong phú thế giới” (x. Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 64).

Nói cách khác, sự nghiệp, tình yêu, gia đình, lý tưởng… lệ thuộc khá nhiều vào: cách sống, thái độ sống, và cách ứng xử, nhân cách của mình, cách học, cách yêu và xử lý tình huống… Cuộc đời mỗi người được xây dựng bằng BÀN TAY, KHỐI ÓC và sự kiên trì, hết mình trong mọi việc, mọi sự và có kế hoạch ngắn hạn, dài hạn… Thật ra, tiêu chuẩn của một người trưởng thành nhiều vô kể. Trong khuôn khổ của bài này, xin chỉ nêu lên một số điểm mà theo thiển ý là điều cơ bản của một người trưởng thành. Đó là: Làm chủ bản thân, điều khiển và là tác giả đời mình – Tự trọng, trách nhiệm, sáng tạo, nắm vận mệnh đời mình…

Làm chủ bản thân là một đặc nét của ngưi trưởng thành, biết lèo lái đời mình theo ý muốn và hướng về CHÂN THIỆN MỸ. Và đây là điểm nhấn của bài này.

  1. Làm chủ bản thân

“Chiến thắng là một bông hoa khắt khe không dành cho tất cả các mảnh đất, nó chỉ nở dưới ánh nắng mặt trời của ý chí.

Raymond de Saint-Laurent

Ngựa có cương. Thuyền có lái. Xe có thắng. Chúng ta có gìBiết làm chủ bản thân mới có thể điều khiển đời mình theo ý muốn được.

Mỗi người đều cần biết mình muốn gì, đâu là thế mạnh, thế yếu của mình và cần luôn tự chất vấn bản thân xem đời mình sẽ đi về đâu. Ước muốn vẫn luôn tốt lành và cao đẹp, nhưng không phải cứ muốn là có thể làm được mọi sự, vì chính trong bản thân mình, chúng ta còn có nhiều lực đối kháng.

Tự bản chất, thân phận làm người chúng ta vừa là “con” vừa là “người”. Lực của nhân tính luôn đôi co với luật của thú tính. Chúng ta vừa là thánh nhân vừa là tội nhân. Cái xấu, cái tốt hay điều thiện, điều ác vẫn luôn tranh chấp từ bên trong mỗi người. Thánh Phaolô, một vị tông đồ siêu quần bạt chúng như thế mà vẫn phải trăn trở chiến đấu với bản thân và Ngài đã nói lên một điều mà ai trong chúng ta cũng đã từng cảm nghiệm:

“Điều tôi muốn, tôi lại không làm, mà tôi lại làm điều tôi không muốn…” (Rm 7,15).

Thật vậy, con người có thể làm chủ phần nào thiên nhiên, thống trị người khác, nhưng thắng bản thân mình, làm chủ và điều khiển nó có lẽ là điều cần nhiều quyết tâm và nỗ lực nhất.

  • Làm chủ bản thân là biết điều khiển đời mình, biết điều tiết mọi sự cho quân bình, đúng mức, biết khi nào cần tiến hay lúc nào nên lùi, biếtdừng đúng lúc hay khi nào khoan, khi nào nhặt, khi nào cần chậm lại. Làm chủ bản thân là đôi khi tạm dừng nhưng nhiều phen chạy nước rút hay trở lui và bắt đầu lại…
  • Làm chủ bản thân là một đặc nét của người trưởng thành, biết lèo lái đời mình theo ý muốn và hướng về CHÂN THIỆN MỸ. Nếu không làm chủ bản thân, chúng ta có thể hành động theo bản năng và vì thế, dễ trở nên một kẻ bốc đồng, sống vô định hướng và sống như những con rối, bị điều khiển bởi nhiều lực nội tại hay ngoại giới tạo nên nhiều mâu thuẫnnơi chính bản thân.
  • Làm chủ bản thân là làm chủ suy nghĩ, cảm xúc và hành vi; làm sao cho có sự hoà hợp cân đối giữa tiếng nói của lý trí và con tim. Cảm xúc được ví như nguồn nước. Một khi dùng đúng nó sẽ đem lại nhiệt điện, sự tươi mát cho con người và hoa màu cây trái. Nếu không điều khiển được, nước sẽ là lực tàn phá, gây lũ lụt hủy hoại sự sống con người và thiên nhiên, công lao vất vả của con người.
  • Người biết làm chủ mình là người có thể chọn cho mình cảm xúc mình muốn, siêu thăng và chuyển hoá cái tầm thường trở nên những điều giá trị cho cuộc sống. Những áng thơ hay, những khúc nhạc tuyệt vời, hay những tác phẩm nghệ thuật lừng danh,há chẳng phải là thành quả của những phút cảm xúc dâng trào đó sao?
  • Làm chủ bản thân sẽ giúp chúng ta sử dụng tối đa những tiềm năng của mình để đem lại lợi ích trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, những khả năng mà trời đã phú cho con người một cách hào phóng, mà cho đến nay chúng ta có thể còn đang để nó ngủ yên.
  • Làm chủ bản thân là có thể chế ngự được các sự kiện trong cuộc sống thay vì để cho hoàn cảnh và các sự kiện chế ngự mình.

Lắm lúc trong đời chúng ta có những cơ may, hay hoàn cảnh thuận lợi. Những người bản lãnh thường nắm bắt ngay được nó, còn những người yếu đuối thì để cho nó qua đi. Những người không làm chủ bản thân thì cũng sẽ không làm chủ được số phận, trái lại đôi khi còn tự biến mình thành nạn nhân của chính mình. Những người biết làm chủ bản thân thường sống với ý chí, nghị lực, họ đấu tranh với những khó khăn và vượt qua trở ngại, nhờ làm chủ chính mình.

Nếu tỉnh thức và suy ngẫm chúng ta có thể nhận ra rằng trong nhiều tình huống, chúng ta có thể làm tốt hơn, nhưng vì thiếu sức mạnh của ý chí, vì bị sự kìm hãm của bản năng, của tự ái, của lười biếng cộng với áp lực bên ngoài, chúng ta gặp khó khăn, thất bại. Lắm phen chúng ta không thắng được tính nhút nhát, mặc cảm hoặc những nỗi sợ hãi do định kiến, do kinh nghiệm thất bại trước đó làm ta tê liệt và yếu mềm. Chúng ta không tự chủ được mình và để cho những lực tiêu cực ấy cuốn hút mình theo.

Trở về với tuổi trẻ. Biết bao nhiêu người đã đánh mất, bán rẻ hay làm hỏng đời mình vì:

  • Lao vào con đường nghiện hút chỉ vì không thắng nổi bản tính tìm sự dễ dãi, nhất là những lời mời mọc, khích bác, thách thức của bạn bè.
  • Lao vào tình dục vì không thắng nổi những sự tò mò hay cảm xúc dâng trào hoặc những ham muốn nhất thời.
  • Bỏ bê việc học vì không thắng nổi tính ươn lười, sự mời mọc của các trò giải trí khác và sự chán nản mệt mỏi khi phải cố gắng.
  • Không làm việc hay học hành, bỏ cuộc trước những thách đố của trách nhiệm vì không thắng nổi những tháng ngày kham khổ hoặc sự đơn điệu và độ dài của thời gian.
  • Dễ dàng buông xuôi trước những khó khăn, nghịch cảnh hay thất bại, hoặc những đòi hỏi của bổn phận, của chữ nhân, chữ tín…

Chúng ta cần bắt đầu sớm tiến trình giáo dục chính mình, càng sớm càng tốt. Chúng ta cần chuẩn bị cho mình một đời sống kỷ luật và điều độ. Một sự tập luyện bền bỉ sẽ tạo những nếp sống, nếp nghĩ và hành động vững chắc và tích cực. Làm chủ bản thân bắt đầu bằng làm chủ những cách nghĩ của mình, là tạo cho mình một cái “thắng” hay cái “phanh”, đồng thời tập:

  • Biết suy nghĩ trước mỗi chọn lựa lớn nhỏ trong ngày và trong đời, biết dừng khi thấy mình lạc lối.
  • Biết thôi không nói thêm một lời, không hút thêm một điếu thuốc hay uống một ly bia.
  • Biết từ chối một cuộc hẹn hò hay một lời mời mọc mà chúng ta cảm thấy bất an.
  • Có thể ngưng một cuộc trò chuyện vô bổ hay dừng xem truyền hình đang đến hồi gay cấn để học bài hay làm một bổn phận cần thiết.
  • Suy nghĩ, hình thành thói quen phân tích lợi – hại khi làm hay nói một điều gì.

Làm chủ bản thân là tập ý thức và điều khiển những cảm xúc đang tràn ngập trí lòng:

– Trước những cơn xúc động mạnh mẽ, đừng nói gì hết, đừng viết gì hết, đừng quyết định điều gì. Nói cách khác, tạm thời ngưng lại những hành vi cụ thể đang bị ảnh hưởng tai hại của những cơn xúc động…

– Sự thinh lặng giúp ổn định, thăng bằng nội tâm, làm cho trí phán đoán sẽ khách quan hơn. Khi đó, tâm trí chúng ta sẽ trở nên sáng suốt hơn.

– Vận dụng năng khiếu và tâm lý, chịu khó suy nghĩ, ta sẽ tìm được cho mình một cảm giác tự tin.

Làm chủ bản thân đòi buộc mỗi người

Cần phải suy nghĩ, và đừng vội gặt lúa non, để phải cầm chắc sự thất bại. Đối với những người không làm chủ được bản thân, họ dễ thất bại, và rồi sự thất bại ấy sẽ dìm họ vào sự suy sụp tinh thần.”

(Raymond de St-Laurent)

Tập làm chủ bản thân là tập sự trầm tĩnh vì trong trầm tĩnh chúng ta có thể dễ nhận thấy bản thân và kiểm soát mình hơn. Sự trầm tĩnh chính là một sức mạnh lớn lao đủ để ngăn không cho nguồn nghị lực của chúng ta bị phân tán và tiêu hao một cách vô ích.

Kẻ nào có sự trầm tĩnh và sự suy nghĩ, kẻ ấy luôn chiến thắng”

Hãy làm chủ bản thân qua việc tập luyện cho mình thói quen như R de St-Laurent nhắc nhở: “Luôn chuẩn bị sẵn cho mình những điều kiện để đối phó với những khó khăn có thể gặp phải, vạch cho mình thái độ ứng xử phù hợp với mỗi tình thế .” Tập làm chủ bản thân là tập cho mình sự chịu đựng những trái ý, những thiếu thốn; chấp nhận những điều không thuận lợi; kiên trì làm việc đến cùng với tinh thần trách nhiệm dù sự việc xảy ra không như dự tính hay lòng mong muốn.

Những gương sống sau đây và biết bao gương sống khác từ những người thân, từ những người mà ta yêu mến, kính phục, có thể là một động lực giúp chúng ta xoay chuyển và thắng được những áp lực nặng nề của bản thân.

  • Garcia Morenođã đến ngồi trên những tảng đá nhô ra thẳng đứng trên cao có nguy cơ bị sụp đổ để rèn luyện lòng can đảm.
  • Gueslinkiên trì khổ luyện xoá bỏ những cơn bộc phát của cảm tính.
  • Desmostheneđến bên bờ biển, ngậm những hòn sỏi trong miệng để sửa chữa cách nói năng tồi tệ của mình.

Còn các bạn trẻ, bạn đang cần tập luyện gì đây để có thể trở nên những ngưi biết làm chủ bản thân? Biết mình muốn gì và đi đâu có nghĩa là chủ động về đời mình chứ không như câu chuyện “Lúng túng của Alice” sau đây:

“Trong tác phẩm nổi tiếng “Cuộc phiêu lưu của Alice vào xứ sở thần tiên” của Lewis Carroll, có một đoạn kể về cô bé Alice khi bị lạc vào xứ sở thần tiên, cô sợ hãi bỏ chạy, chạy mãi cho đến khi gặp một con mèo. Alice hỏi con mèo: Tớ đi đường nào bây giờ?

Con mèo trả lời: Điều đó tùy thuộc vào việc cậu muốn đến đâu chứ? Alice đáp lại: Tớ thật sự chẳng quan tâm lắm về cái nơi mà mình muốn đến.

– Thế thì cậu cũng không cần quan tâm là nên đi đường nào! Một khi mà cậu đã không quan tâm đến cái nơi mà mình tới thì đi đường nào mà chẳng được!

Sự lúng túng của Alice có làm ta phải suy nghĩ: mình sống để làm gì, ý nghĩa của cuộc đời mình nằm ở nơi đâu?

Tôi phải làm chủ cuộc đời tôi chứ, tôi biết mình đang đi đâu!
  1. Làm chủ bản thân là Vượt thắng thói quen xấu bằng liên lỉ tập luyện

“Chúng ta là những gì mà chúng ta thưng xuyên làm. Vì vậy sự hoàn hảo là thói quen chứ không phải hành động.”

Aristotle

“Ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân và trào lưu hưởng thụ đã làm cho nhiều người trẻ lạc hướng và rơi vào lối sống buông thả, sống ảo, sống vội, sống dửng dưng vô cảm và vô trách nhiệm.” (Thư Chung HĐGMVN 10/2019)

Nỗi nặng lòng vì những ảnh hưởng tiêu cực của xã hội hiện đại đè lên giới trẻ quả không ít. Có lẽ một trong những điều giới trẻ cần là xây dựng cho mình một nhân cách lành mạnh. Để có được nó, con đưng cần phải đi qua chính là thói quen tập luyện, liên lỉ tập luyện cách bền bỉ và kiên trì. Các nhà tâm lý đã chẳng nói: “thói quen lâu ngày tạo nên tính cách” đó sao?

“Loài người đúng là những sinh vật làm việc theo thói quen.” Qua sóng điện thoại di động, một nhóm nghiên cứu đã theo dõi chuyển động của 100.000 người và họ đã rút ra kết luận như thế. Nhóm này còn cho biết là “đa số chúng ta đều tuân theo những mô hình định sẵn mỗi khi đi làm, đến trường, hoặc trở về nhà.” Ngoài ra, Cesar Hidalgo, Đại học Northeastern ở Boston, Mỹ, nói:

Cho dù lịch sử di chuyển phong phú từ trước tới nay nhưng con người vẫn tuân theo những mô hình hoạt động vô cùng đơn giản”. Hơn nữa, “là những sinh vật của thói quen, hầu hết mọi người thường xuyên di chuyển đến một số điểm quen thuộc nhất định, thi thoảng mới làm cuộc nhảy vọt đến những nơi xa hơn.” (Nguồn vnexpress.net)

Những khám phá khoa học này giúp chúng ta xác tín hơn sự quan trọng của tập luyện. Nếu những việc thường làm, những nơi chúng ta thường đến đều lành mạnh, thì tương lai cuộc đời chúng ta không phải lo vì “thói quen -> tính cách, và tính cách -> định mệnh” mà! Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhắc lại nguyên tắc sống này như sau:

Hãy suy tư cẩn thận, vì Tư Tưởng sẽ biến thành Lời Nói.

Hãy ăn nói cẩn thận, vì Lời Nói sẽ biến thành Hành Động.

Hãy hành xử cẩn thận, vì Hành Động sẽ biến thành Thói Quen.

Hãy chú trọng Thói Quen, vì chúng hình thành Nhân Cách.

Hãy chú trọng Nhân Cách, vì nó hình thành Số Mệnh.

Đó là tiến trình cuộc sống, tiến trình của thành bại. Thật ra ý nghĩa của những câu nói trên chúng ta đã biết từ lâu. Riêng tôi đã quan sát nhiều người và chú ý đến diễn tiến của đời họ, và cả đời mình nữa, thì thấy rằng Tính cách và định mệnh dường như song hành rất mật thiết với nhau. Vì thế chúng ta cần thận trọng, phải rất thận trọng với những thói quen. Mỗi ngày mở báo hay vào mạng, chúng ta thấy bao nhiêu án mạng, bao nhiêu chuyện đau lòng như cha nóng nảy đánh con đến chết. Chỉ một chút va quẹt nhẹ hay một chút lỡ tay, lỡ miệng cũng đủ tạo nên những cuộc xung đột gây thương tích hoặc án mạng. Nhất là những thói quen ăn nhậu tạo nên biết bao cảnh tang thương. Phải, hiện tại là kết quả của những hành vi chúng ta đã thực hiện trong quá khứ. Những gì cao cả, tốt đẹp chúng ta đang có chính là do những nỗ lực tập luyện lâu ngày, chứ không phải là những hành động mang tính ngẫu nhiên. Vì vậy, cần phát triển những thói quen tốt mới mong cuộc đời chúng ta khởi sắc lên được. Thực tế thật đáng tiếc là phần lớn những thói quen của chúng ta đều do các phản ứng từ những kinh nghiệm bản thân. Những thói quen xấu hình thành từ những xu hướng, những phản ứng tiêu cực của chúng ta. Trái lại, những người có tư duy tích cực sẽ có động lực sống lành mạnh và họ sẽ biết nắm bắt mọi cơ hội để thăng tiến đời mình.

“Một thói quen bắt đầu giống như một sợi chỉ vô hình, nhưng mỗi lần chúng ta lặp lại hành động là chúng ta làm cho sợi chỉ dày lên, thêm một sợi vào trước, rồi thành một cuộn dây thừng cột chặt tư tưởng và hành động của chúng ta mà không thể nào tháo gỡ”. (Orison Swett Marden)

  1. Phương pháp giúp vượt qua thói quen tiêu cực
  • Trước hết cần ý thức thói quen nào đang gây trở ngại cho mình.
  • Niềm ước mong đạt mục tiêu sẽ trở thành nguồn động lực thúc đẩy giúp chúng ta cố gắng.
  • Khi đã đề ra những mục tiêu, cần đưa ra kế hoạch để thực hiện một bước mỗi ngày, dù lớn hay nhỏ.
  • Chia ra nhiều bước nhỏ để dễ áp dụng. Mỗi bước nhỏ này sẽ đưa chúng ta đến gần mục tiêu của bản thân hơn, thúc đẩy vươn lên cao hơn.
  • Một việc nếu được hành động đều đặn mỗi ngày sẽ hình thành một thói quen.
  • Kết quả là chúng ta sẽ hành động một cách tự nhiên mà không cần phải suy nghĩ nữa.
  1. Thói quen và cảm xúc

Cố gắng tạo ra những cảm giác vui, thích, hài lòng, phấn khích… vì cảm xúc tích cực sẽ giúp chúng ta hành động mau mắn và hiệu quả hơn.

  • Chúng ta là những tạo vật của lý trí và có tình cảm. Nếu lý trí giúp chúng ta đưa ra kế hoạch công việc thì chính tình cảm ao ước thực hiện kế hoạch đó.
  • Mỗi khi đạt được thành công, dù lớn hay nhỏ, hãy cảm nhận cảm giác mình đang tiến gần hơn đến mục tiêu đề ra.
  • Ghi ra những lý do tích cực tại sao chúng ta muốn đạt được mục tiêu cụ thể nào đó.
  • Ghi ra những việc mà chính mình sẽ bỏ qua hay buộc phải làm nếu không đạt được mục tiêu đó.
  • Luôn nhớ rằng cả hai loại cảm xúc khao khát và sợ hãi mà chúng ta có đều có ích, cần vận dụng chúng tối đa.
  1. Trách nhiệm về những gì mình làm
  • Tránh tối đa thói quen tự bào chữa hay đổ lỗi cho hoàn cảnh, người thân hay tuổi thơ, nền kinh tế, thủ trưởng hay bất kỳ ai hoặc sự việc nào khác.
  • Sử dụng sức mạnh của ngôn ngữ. Tránh nói những điều tiêu cực, nhưng dùng những lời tích cực để tự động viên mình như: “tôi có thể và tôi sẽ làm,” “tôi sẽ cố gắng” thay vì nói “không được, không thể.”

Chúng ta thường viện cớ để chần chừ. Hãy coi chừng bản thân mình!

Cùng một ý nghĩa với lời của Đức Đạt Lai Lạt Ma, Oprah Winfrey lại cho rằng: “Triết lý sống của tôi là bạn không chỉ chịu trách nhiệm về cuộc đời mình, mà cố gắng hết sức trong giây phút hiện tại sẽ giúp bạn đứng ở vị trí tốt nhất trong giây phút kế tiếp”.

Xiềng xích của thói quen thường quá yếu khiến ta không cảm nhận được, cho tới khi chúng quá mạnh khiến ta không thể thoát ra.”

Samuel Johnson

III. Làm chủ bản thân bằng cách vượt thắng cám dỗ

Có những sự quyến rũ chỉ nên đứng từ xa mà ngắm.”

Samuel Johnson

“Thế giới kỹ thuật số vừa là một phương thế rất hữu hiệu cho việc truyền thông và thiết lập các mối tương quan, nhưng cũng là nguyên nhân gây nên nhiều tác hại cho bản thân người trẻ.”  (Thư Chung HĐGMVN 10/2019)

Những phương tiện kỹ thuật và truyền thông hiện đại là phương tiện giúp ta thăng tiến, nhưng đồng thời là một cạm bẫy có thể làm lệch lạc hay chôn vùi biết bao người trẻ. Mong người trẻ tỉnh thức và cố gắng vượt qua bản thân, hay nói cách khác là vượt qua những CÁM DỖ của bản năng, của con người tự nhiên dễ nghiêng chiều về những gì tầm thường, vật chất, dễ dãi, xác thịt… Nếu sống theo những xu hướng tự nhiên này, chúng ta chỉ có thể có một cuộc đời tầm thường, có khi còn chôn vùi trong những tệ nạn xã hội hay ngụp lặn trong tội lỗi, làm mất phẩm giá “làm người” vốn có của mình nữa.

Cám dỗ nói nôm na là cái gì đó thôi thúc bên trong gợi lòng ham muốn, dẫn đến những việc làm không hay.

Muốn vượt qua bản thân, chúng ta phải tỉnh thức để có thể nhận ra những khuôn mặt của cám dỗ. Dường như cám dỗ là một trong những đặc nét của kiếp người. Trước hết nó rất thích hợp với xu hướng của con người, nó vuốt ve lòng tự ái và ham thích nổi trội, thích cho mình là quan trọng, thích thoải mái và dễ dãi. Phải, cám dỗ mang nhiều bộ mặt khác nhau và hiện ra dưới những chủ đích khá hấp dẫn như: Triển nở, thăng tiến, tự do, nhu cầu, trọng nể, thành đạt, hạnh phúc, tình yêu… Đúng, cám dỗ là một kẻ dối gạt dưới những chiêu bài hoa mỹ và ăn khớp với khát vọng của chúng ta. Có thể nói rằng cám dỗ là vị khách thường xuyên trong cuộc sống, chực sẵn trước thềm để bước vào nhà, vào con người chúng ta ngay bất cứ khi nào chúng ta mất cảnh giác. Đó là một vị khách không mời mà đến, và đặc biệt nó có đặc nét là sẽ thăm viếng thường xuyên hơn những người có tính tự mãn, đam mê và cả những ai quá tự tin nữa. Nhưng may thay, chúng sẽ bớt ảnh hưởng, bớt hiệu lực đối với những tâm hồn khiêm tốn, trong suốt và có nội lực.

Vì những lý do trên, chúng ta đừng quên rằng cám dỗ vào dễ, ra khó, và nó không dành cho riêng ai. Kẻ sang, người hèn; kẻ giàu, người nghèo; người có học thức hay không; địa vị cao hay thấp trong xã hội, kể cả tuổi tác, già trẻ lớn bé đều khó lòng tránh nó. Vì thế, có người còn hài hước cho rằng “Cám dỗ chỉ rời chúng ta mười lăm phút sau khi chết!”. Thực tế là có người trong phút hấp hối vẫn còn ôm một bọc tiền. Người khác còn trợn mắt nguyền rủa kẻ thù. Lại có kẻ ra đi trong tâm trạng nuối tiếc địa vị giàu sang. Vì thế, nếu không vượt qua bản thân được mà rơi vào cạm bẫy của cám dỗ, sự băng hoại và mất mát là con đường khó tránh!

  1. Cám dỗ tìm kiếm con đưng dễ dãi

Trong xã hội ngày nay, con đường dễ dãi được giăng ra và mời mọc người ta đi vào. Nhan nhản nạn mua bán chức tước, chỗ làm, thậm chí cả công chức nhà nước cũng vậy. Báo chí vẫn đang bàn tán nhiều về vấn đề chạy chức. Để được vào công chức nhà nước phải mất hàng trăm triệu? Có lẽ cái giá có thay đổi chút ít tùy địa phương và chỗ làm. Bao nhiêu người học giả, bằng giả nhưng cũng không ít người học giả nhưng bằng thật vì bản thân không hy vọng vượt qua các kỳ thi hoặc ngồi nhầm lớp nên lo lắng chạy chọt. Sự kiện này gây đau lòng không ít vì việc học là con đường giúp mỗi người cũng như đất nước tiến lên vững chắc an toàn, giúp cho lớp trẻ lớn lên có thể đứng thẳng, nhìn thẳng vào tương lai với lòng tự trọng thì ngày nay lại có đầy rẫy những “đường tắt”. Học ít, bằng cao, làm ít, lương nhiều. Nhưng may thay, còn một số các bạn trẻ đã chiến đấu với bản thân để có thể giữ lương tâm mình trong sáng, và tự tin bước vào đời. Báo Người Lao Động đã đăng tải bức thư của em Hồ thị Phương Mai, lớp Báo chí 2 trường Đại học KHXH&NV, viết cho mẹ. Một bức thư trải lòng với mẹ thật cảm động, và chắc chắn đây cũng là sự chiến đấu của nhiều bạn trẻ khác. Có chăng điểm khác biệt là bản thân người đó có vượt qua được cám dỗ hay không thôi. Ngoài ra, xin được chia vui và chúc mừng với mẹ của em Phương Mai, về thành quả của những năm tháng chăm lo giáo dục con của bà.

“Sau những tháng ngày miệt mài học tập, cuối cùng, con đã cầm được trên tay tấm bằng C Anh văn. Nó không quan trọng bằng bằng đại học, cao học. Nhưng đối với con, nó mang một ý nghĩa đặc biệt.

Tấm bằng ấy là cả quá trình con học tập và đấu tranh giành giật giữa phần “con” với phần “người” để chống lại những cám dỗ của cuộc đời.

Trước kỳ thi, người ta bảo con hãy đưa cho họ vài trăm ngàn để biết đề thi hay nói một cách khác: mua đề! Vài trăm ngàn không phải là số tiền lớn. Vả lại con nghe nói đề thi rất khó, con sợ với trình độ của mình thì cố gắng mấy cũng không đậu. Con không đủ tự tin. Và con… con đã có ý định đó. Con thật là xấu, phải không mẹ?

Con nghĩ ra đủ lý do để biện hộ cho ý định tồi tệ của mình. Con nghĩ thật là bất công nếu mình phải vất vả học bài trong khi người ta chỉ cần bỏ ra vài trăm ngàn – cái giá quá rẻ để có được tấm bằng. Nếu có được bằng C con sẽ yên tâm học những cái khác hoặc học cao hơn nữa… Cứ như thế, suy nghĩ của con chìm dần trong những cám dỗ và con đã chuẩn bị tiền đi nộp.

Đột nhiên, con nghĩ đến mẹ, con nghĩ đến nụ cười hiền từ của mẹ. Rồi con ghê tởm chính bản thân mình. Phải, mẹ cho con ăn học, nhưng mẹ đâu dạy con làm những điều tồi tệ như thế? Bây giờ, chỉ là số tiền nhỏ, nhưng thói quen ấy, tính ỷ lại vào đồng tiền ấy mai sau sẽ ngấm dần vào con, 1 lần… 2 lần… Cứ thế, con trượt sâu vào lối mòn mà không hay biết. Cầm cái bằng trên tay, đó đâu phải là công sức của con? Bằng cấp, tri thức được đánh đổi bằng đồng tiền, con cũng sẽ bị xã hội đào thải.

Rồi con sẽ ra sao đây khi tất cả mọi người đều nhìn con bằng ánh mắt khinh bỉ: “Nó có giỏi giang gì đâu, chỉ giỏi đi mua đề!” Lúc ấy, chắc con chẳng còn mặt mũi nào để quay về nhìn mẹ nữa. Nghĩ đến đấy, con chợt rùng mình vì hổ thẹn. Thà thi rớt nhưng lòng thanh thản còn hơn là đậu mà bạn bè xa lánh mình. Và con tìm mọi cách để quên đi cái ý nghĩ đen tối.

Cho đến hôm nay, bằng chính sức lực bản thân, con đã làm được điều mà con mong muốn, mẹ ạ! Tấm bằng con cầm trên tay là minh chứng cho sự trưởng thành của con gái mẹ. Là cuộc đấu tranh giữa cái xấu và cái tốt trong con. Phải, mẹ ơi, con gái mẹ đã vượt qua chính mình, vượt qua được khoảnh khắc mà con thấy lòng mình yếu đuối nhất. Điều quan trọng hơn cả là con đã vượt qua được những cám dỗ đầu tiên trong đời rồi đấy…

Những người con thắng vượt được cám dỗ nhờ nghĩ đến tình cha, nghĩa mẹ. Còn chúng ta những Kitô hữu thì sao? Tình yêu Chúa dành cho ta, niềm tin vào Ngài có đủ để chúng ta vượt thắng cám dỗ chăng?

Cám dỗ có nhiều hình thức, nhiều thể loại và nhiều mức độ. Ở đây chỉ xin nêu một số loại mà giới trẻ thường vấp phải nhất.

  1. Cám dỗ của thi hiện đại – lướt Facebook, games, tình dục…

Những cám dỗ thường tình muôn đời của con người, không phân biệt văn hóa hay màu da, giai cấp hoặc cơ chế xã hội, là tiền, quyền, danh, lợi… và cám dỗ do những yếu đuối của phận người. Bên cạnh đó, ngày nay, với sự bùng nổ của khoa học, con người của thế kỷ 21 còn phải đối đầu với những cám dỗ của nền “văn minh mạng”. Đây là con dao hai lưỡi. Nó phục vụ rất tuyệt vời cho những ai biết cách dùng nó đúng mực nhưng lại chôn vùi nhiều cuộc đời của những con nghiện mới. Ngày trước chỉ có người lớn mới nghiện: “Một trà, một rượu, một đàn bà. Ba cái lăng nhăng nó quấy ta.” (Trần Tế Xương). Nhưng ngày nay, một học sinh tiểu học cũng có thể sa vào cơn nghiện games, nói gì đến người lớn. Và những cơn nghiện khác phát sinh từ việc vào mạng cũng không ít.

Theo cuộc thăm dò trực tuyến với 250 tình nguyện viên tại Đức, người ta thấy: Lướt mạng xã hội, cập nhật các thông tin, ảnh, lời bình, Tweet trên Facebook và Twitter còn gây nghiện hơn cả sex và thuốc lá. Ngoài ra, kết quả còn cho thấy Facebook, Twitter và các mạng xã hội được xếp vào nhóm “nhu cầu khó cưỡng lại nhất”.

Chuyên gia Wilhelm Hofmann, tác giả nghiên cứu, giải thích rằng: chính vì truyền thông xã hội luôn sẵn sàng và dễ truy cập nên càng khó từ chối nó hơn. Hơn nữa, so với thuốc lá và rượu thì mạng xã hội rất rẻ, thậm chí miễn phí. Người dùng có thể thỏa mãn ham muốn của họ mà không phải chịu sức ép gì. Hofmann còn chia sẻ trên Telegraph: “Rất khó để cưỡng lại sức hút của mạng xã hội vì chúng luôn vận hành 24/24 giờ và lại chẳng đòi hỏi gì nhiều khi tham giaTheo thói thường, các tình nguyện viên càng cố cưỡng lại việc truy cập mạng xã hội thì họ lại càng bị cuốn hút vào nó nhiều hơn.”

  1. Vượt thắng cám dỗ của tình dục

“Người ta khổ vì yêu không phải chỗ,
Mơ sai duyên và mến đã lầm người…

Và rồi:

“…Vì thả lòng không kềm chế dây cương,
Người ta khổ vì lui không được nữa…”

Xuân Diệu

Đặc biệt trong khi yêu đương, người ta thường bị cảm xúc dẫn dụ làm cho mình bay bổng nên dễ mất đề cao cảnh giác.

Trong quá trình dạy học và làm tư vấn, tôi nhận thấy biết bao nhiêu người đã không cưỡng nổi cơn cám dỗ tình dục làm cho đời mình lỡ làng và nuối tiếc khổ đau… Điều tôi muốn chia sẻ ở đây là chúng ta cần chú ý cám dỗ về tình dục thật ra không chỉ đơn thuần là vấn đề của xác thịt mà là vấn đề của con timNếu thật sự chúng ta yêu thích cuộc sống của mình, hay đam mê một công việc, thương yêu tha thiết một người, hay toàn tâm toàn ý vào thực thi hay tìm kiếm một điều có ý nghĩa và giá trị, sức mạnh của cám dỗ về tình dục sẽ yếu đi. Thật ra, thứ chúng ta cần tìm là thỏa mãn của con tim hơn là nhu cầu sinh lý. Khi chữa trị cho những người bị cám dỗ thiên về tình dục, tôi đã thử áp dụng liệu pháp này không ít: Khuyến khích người bị cám dỗ dồn sức, tập trung cao độ vào một điều gì và làm điều đó với lòng say mê, thích thú như học hay nghiên cứu về một chủ đề mình thích hay thấy có ích, tập trung tìm ra giải pháp cho một vấn đề qua sáng tạo hoặc dấn thân sâu vào nghệ thuật như mê vẽ, mê sáng tác nhạc hay điêu khắc, mê thơ, mê viết hoặc mê đọc… mê phục vụ…

Thật ra “sex” cho chúng ta những sảng khoái, hưng phấn và thỏa mãn, nhưng không bền vững. Mặt khác nó có thể cuốn hút, thúc đẩy chúng ta phải liên tục tìm kiếm nó, đưa đến tâm chẳng an, xác chẳng lành. Dần dà chúng ta có thể trở thành những con nghiện. Mà đã nghiện rồi thì rất khó để thoát ra. Cám dỗ nào ngay từ đầu cũng khó chối từ, nhưng khi vượt qua được nó, chúng ta sẽ sống trong bình an và mạnh khỏe hơn về mặt tinh thần lẫn thể chất.

Ngoài ra, để giúp vượt thắng cám dỗ, chúng ta cũng cần nghĩ nhiều đến hậu quả. Cường điệu hậu quả lên một chút cũng làm cho chúng ta sợ, và e ngại, giúp dễ làm chủ bản thân hơn.

Như đã đề cập ở trên, không hẳn tình dục làm chúng ta thỏa mãn, mà là những cảm xúc yêu thương. Quan tâm và được quan tâm, hiểu và được hiểu, yêu và được yêu là những cảm nhận khiến con người gần gũi nhau hơn, hài lòng cũng như cảm thấy tâm hồn được nâng cao hơn. Khi lòng khát khao mong chờ những cuộc gặp gỡ thâm sâu được thỏa lòng thì những nhu cầu khác sẽ trở nên thứ yếu.

  1. Làm chủ bản thân qua việc vượt thắng ham muốn và lòng tham

“Tham vọng là cái hố không đáy làm kiệt sức con người trong nỗ lực bất tận tìm cách thỏa mãn nhu cầu, mà không bao giờ chạm tới được sự thỏa mãn.”

Erich Fromm

“Ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân và trào lưu hưởng thụ đã làm cho nhiều người trẻ lạc hướng và rơi vào lối sống buông thả, sống ảo, sống vội, sống dửng dưng vô cảm và vô trách nhiệm.”

“Một số khác lại lún sâu vào những cám dỗ của thời đại như nghiện ngập, buôn bán ma túy, hôn nhân thử, đồng tính, phá thai. Bạo lực ngày càng gia tăng với mức độ nguy hiểm nghiêm trọng.” (Thư Chung HĐGMVN 10/2019)

Có thể nói rằng lòng ham muốn là một trong những bản năng của con người. Ham muốn có thể hiểu theo nghĩa: thèm, muốn, ham… Cũng có thể hiểu rộng ra là tham lam và tham vọng. Tham lam có tính chiếm hữu, là vơ vét về cho mình, còn tham vọng là lòng ham muốn quá lớn, nhiều lúc vượt quá khả năng, khó có thể thực hiện được.

Không ai có thể vỗ ngực tự hào “tôi không có chút ham muốn, tham lam nào”. Trong ba điều huý kỵ “tham – sân – si”, chữ “tham” được đặt ở vị trí đầu tiên. Ngoài ra, con người chúng ta thường hay chìm đắm trong ngũ dục (tài, sắc, danh, thực, thùy). Có thể tóm như sau:

  1. Người ham muốn về tiền của thì mong sao có thật nhiều tiền càng nhiều lại càng muốn thêm.
  2. Người ham muốn về sắc đẹp, suốt đời rong ruổi đi “tìm hoa”. Thấy ai có sắc đẹp là “chân đi không rời”
  3. Người ham muốn về danh vọng thì suốt đời mãi đi tìm kiếm quyền cao, chức trọng.
  4. Người ham muốn ăn ngon thì suốt đời lân la bên những cao lương mỹ vị, quanh quẩn bên những bàn tiệc.
  5. Người ham muốn ngủ nghỉ thì quá nửa đời mình lẩn quẩn trên những chiếc giường, mất thì giờ và không làm được gì khác.
  6. Nguyên nhân của ham muốn

Ham muốn có nhiều mức độ khác nhau, từ một mơ ước tầm thường, một khao khát nồng nàn cho đến sự đam mê nghiện ngập, tất cả đều là những biểu hiện của lòng ham muốn.

Ai trong chúng ta cũng có những ham muốn và khát khao cho riêng mình. Khát khao nếu quá mạnh, quá cao, quá khó so với thực chất của mình, chúng ta gọi là tham vọng. Vấn đề là tham vọng đó tích cực hay tiêu cực mà thôi. Có người muốn kiếm thật nhiều tiền, có người khát khao thành công, có người đam mê quyền lực, có người muốn có vốn tri thức hơn người…

Lòng ham muốn sẽ đưa đến hành động để đạt được cái mà mình muốn sở hữu. Bản chất của ham muốn không mang tính tốt hay xấu mà chính cái đối tượng mà nó ham muốn, cái hành động để thỏa lòng ham có chính đáng hay không mới định tốt hay xấu. Ví dụ ham giàu là điều thường tình nhưng hành vi tham nhũng, gian xảo để giàu thì đó là điều xấu. Và khi ham muốn quá độ thì có thể nói đó là tham. Tham sẽ đưa đến dục. Khi đó trí tuệ và lương tâm bị che mờ và người đó có thể làm bất cứ điều gì để thỏa mãn. Có thể nói tham là khởi điểm của những điều tệ hại xấu xa. Tuy vậy, nếu con người còn biết làm chủ bản thân, trí tuệ và lương tâm còn sáng suốt để hướng dẫn lòng tham thì sẽ chuyển hướng cái tham đó theo con đường tốt. Khi đó nó biến thành năng lực giúp chúng ta đạt được mục tiêu chính đáng. Điều đáng nói là khi thỏa mãn được rồi thì chúng ta có thấy hạnh phúc và hết tham không? Dân gian thường nói “lòng tham vô đáy”. Đó là một thực tế dựa trên kinh nghiệm của bao đời người. Tục ngữ có câu “tham thì thâm”. Quá tham có nghĩa là kết cuộc sẽ đưa đến sự hư hại. Câu chuyện sau đây sẽ giúp chúng ta suy nghĩ thêm về vấn đề này.

“Ngày xưa, có vị Hoàng Đế nọ muốn ban trọng ân cho một người cận thần. Nhà vua phán: “Ngươi có công lao rất lớn với ta. Kể từ cổng thành trở đi, ngươi phóng ngựa đi tới nơi nào ngươi dừng lại thì khoảng đất đó ta sẽ ban cho ngươi”.

Viên cận thần nhảy lên ngựa phóng đi, ra sức phóng ngựa để có được càng nhiều đất càng tốt. Người đó đi suốt ngày đêm, khi mệt và đói cũng không dám ngừng nghỉ vì muốn có nhiều đất. Tới một ngày kia, sức khoẻ kiệt quệ vì đói và mệt, lả đi gần chết ở trong rừng. Ông ta lẩm bẩm: “Tại sao ta tham lam quá độ vậy, ta tận sức để có được nhiều đất đai. Bây giờ thì gần chết rồi ta chỉ mong có được một thước đất để được chôn cất mà thôi!”

Trông người mà ngẫm đến ta. Bao phen chúng ta gắng sức làm việc để mong có tiền tài, danh vọng và quyền thế. Chúng ta đã quên sức khoẻ, đôi khi quên cả cuộc sống với gia đình, quên những cảnh đẹp thiên nhiên, quên bạn bè, có khi quên cả danh dự và những giá trị đạo đức… Nhiều người khi tỉnh giấc thì không thể quay ngược kim đồng hồ được nữa. Tiếc nuối và mất mát!!!

Ngay từ khi vừa ra khỏi lòng mẹ, chúng ta đã có những ham muốn, chúng đơn giản tự nhiên theo bản năng để tồn tại. Lớn lên, chúng ta ngày càng có nhiều nhu cầu hơn, và ham muốn cũng tăng theo. Có thể nói lòng ham muốn không giới hạn. Chúng ta cứ “đứng núi này trông núi nọ”. Thật ra, ham muốn là lẽ thường tình. Điều quan trọng là bản năng của chúng ta sẽ không phân biệt được đâu là ham muốn lành mạnh và thiếu lành mạnh, tích cực hay tiêu cực. Vì thế, chúng ta cần lý trí hỗ trợ, cần học hỏi, nhất là các bạn trẻ cần được dẫn dắt để có một nhận thức đúng đắn mới có thể phân biệt được chúng. Chúng ta biết rằng về khía cạnh tích cực, ham muốn là một động lực giúp chúng ta phấn đấu để vươn lên, nhưng nó lại trở thành tiêu cực nếu chúng ta không biết dừng mà để mình vượt qua khỏi giới hạn của đạo đức, luân lý xã hội, tôn giáo, và của tình thương nữa. Thánh Phaolô nói “Mọi sự đều có thể, nhưng không phải cái nào cũng đem lại lợi ích. Được phép làm mọi sự, nhưng không phải mọi sự đều có tính cách xây dựng” 1Cr 10,23. Như vậy, chúng ta cần học chế ngự được lòng ham muốn của mình sao cho chúng ở một mức độ quân bình, thích hợp.

Trong hành trình cuộc sống, nhiều lúc chúng ta cũng nên dừng lại, quay về với bản thân và tự hỏi điều đáng sợ nhất trong đời là gì, là ma quỷ, chiến tranh hay là ốm đau bệnh tật? là mất người yêu, là nghèo đói…? Không hẳn là những thứ đó đâu. Điều đáng sợ nhất đối với con người chính là lòng tham, là tham vọng. Tham vọng rất nhẫn tâm, nó có thể đưa con người đến những hành vi mất nhân tính. Nó biến một người bình thường thành một kẻ đầy thủ đoạn và âm mưu. Nó khiến cho cuộc sống yên ấm của một gia đình tan vỡ. Có những người, không kiềm chế được tham vọng của bản thân, để lòng tham chế ngự và điều khiển bản thân, bị người đời lên án, phỉ báng. Trên báo chí hằng ngày chúng ta đều thấy nhan nhản những hành vi vô nhân, biến chất như thế. Rõ nét nhất là trường hợp của Lê văn Luyện. Thật đáng lo cho giới trẻ nói riêng và xã hội chúng ta đang sống. Nỗi lòng chúng ta sẽ được đồng cảm hơn qua lời chia sẻ của luật sư Võ Thị Kim Nga (SGTT.VN) sau đây:

Hơn 20 năm đứng trước tòa bào chữa, tôi từng gặp nhiều người là con ngoan, hiếu thảo, từng là những mẫu mực để người khác ngưỡng mộ nhưng rồi chỉ vì lòng tham, họ biến mình thành người khác hẳn: mưu mô, gian xảo và tìm mọi cách để đoạt được điều mình muốn dù phải giẫm đạp lên người khác. Họ đánh mất lòng nhân, sự trắc ẩn bởi sức mạnh đồng tiền. Tàn nhẫn và lạnh lùng…”

Ngay đến cha mẹ, bạn bè và anh em ruột thịt, họ cũng không buông tay. Kết quả họ nhận được là những gì? “Giết người đi thì ta ở với ai ?” Rốt cuộc họ sống với ai? Có lẽ chung quanh những người chạy theo lòng tham chỉ là những tên ton hót, nịnh bợ, là những người thích lợi dụng và dựa dẫm vào họ mà thôi. Sự nhẫn tâm đã giết chết tình yêu thương mà người thân và xã hội dành cho mình. Cái giá đó không gì có thể bù đắp được.

Làm gì có được điều mình muốn dễ dàng nếu không phải trả một cái giá nào đó. Một khi lòng tham không có điểm dừng, thì chúng ta khó mà rút chân ra được. Người tham biến mình thành kẻ đáng sợ, là hung thần trong mắt người khác.

Nếu như tham vọng không có điểm dừng, chúng ta sẽ như những con thiêu thân sẵn sàng lao vào ánh sáng dù bỏ mạng cũng không hối tiếc. Với hai tay trắng chúng ta đến với đời, cuối đời cũng ra đi với hai bàn tay không. Hãy nhớ rằng, dù chúng ta có làm gì, bí mật đến đâu rồi cũng có lúc sẽ được phơi bày ra ánh sáng. Hậu quả không chỉ mình gánh chịu mà còn cả cha mẹ, vợ/chồng cùng những đứa con thơ vô tội, những người mà chúng ta yêu thương bị vạ lây. Đừng đánh mất cuộc đời bởi tham vọng không có điểm dừng. Chuyện ngụ ngôn sau đây thật ý vị, đáng cho chúng ta suy nghĩ:

“Một con chồn muốn vào một vườn nho, nhưng vườn nho lại được rào giậu cẩn thận. Tìm được một chỗ trống, nó muốn chui vào nhưng không thể được. Nó mới nghĩ ra một cách: nhịn đói để gầy bớt đi.

Sau mấy ngày nhịn ăn, con chồn chui qua lỗ hổng một cách dễ dàng. Nó vào được trong vườn nho. Sau khi ăn uống no nê, con chồn mới khám phá rằng nó đã trở nên quá mập nên không thể chui qua lỗ hổng trở lại. Thế là nó phải tuyệt thực một lần nữa.

Thoát ra khỏi vườn nho, nó nhìn và suy nghĩ: “Hỡi vườn nho, vào trong nhà ngươi để được gì bởi vì ta đã đi vào với hai bàn tay không, ta cũng trở ra với hai bàn tay trắng.

Lòng tham muốn quá độ làm cho người ta xao xuyến, nô lệ, mất hết tự chủ. Một khi đã bị lòng tham điều khiển thì con người sẽ gây ra không biết bao nhiêu tội lỗi. Lòng tham muốn quá độ còn làm cho con người tối mắt với những sự phải trái. Ðã tham muốn, thì không bao giờ thấy mình đầy đủ cả. Ngạn ngữ có câu: “Biển kia dễ lấp, túi tham khó đầy”. Thật đúng như thế, khi lòng tham, sự ham muốn là cái thùng không đáy thì làm sao có thể lấp đầy được.

“Trái tim thật nhỏ, nhưng lại khao khát những điều to lớn. Nó chẳng đủ để làm bữa tối của một chú diều hâu, thế nhưng toàn bộ thế giới đều không đủ đối với nó.”

Francis Quarles

“Tham lam” là tâm lý chung của phận người. Số người kiềm chế được lòng tham trong cuộc sống rất hiếm. Tính tham cũng sản sinh ra nhiều đàn con có bộ mặt bủn xỉn, keo kiệt, hà tiện, “trùm sò”… và rồi dễ trở nên người bần tiện. Hệ quả của lòng tham chính là sự bất an, lo sợ. Dù là quan hay dân, tham thì lúc nào cũng lo sợ bị tố cáo, bị trị tội vì vậy phải che đậy bằng mọi cách như chối quanh, đổ thừa… rồi đi từ sai lầm này đến sai lầm khác, từ cái họa nhỏ đến cái họa lớn hơn.

  1. Khắc phục lòng tham lam, ham muốn

                2.1. Chế ngự ham muốn

Chế ngự lòng ham muốn đồng nghĩa với việc thắng được chính mình! Nếu như có những ham muốn có thể thúc đẩy chúng ta sống vươn lên thì cũng có những ham muốn lệch lạc, vô bổ là nguyên nhân của hầu hết những tai ương, khổ đau, mất mát trong cuộc đời. Nói đến khổ đau chắc không ai thoát được cái gánh ấy. Nhưng nếu biết chế ngự những ham muốn của mình, chúng ta có thể giảm thiểu được phần lớn những khổ đau đó. Cần phải từ bỏ, loại đi những ham muốn không lành mạnh như người làm vườn tiêu diệt cỏ dại. Điều quan trọng và khó khăn đó là liệu chúng ta có đủ sức mạnh, ý chí để từ bỏ nó không. Thông thường bác sĩ khuyên bệnh nhân đừng hút thuốc, nhưng mấy ai từ bỏ được ham muốn này. Những người không biết dừng những ham muốn quá độ của mình, cũng sớm muộn gì họ sẽ rơi vào những cơn nghiện, mà đã nghiện thì thật sự rất khó bỏ. Nghiện rượu, nghiện cờ bạc, nghiện cá độ, nghiện ma túy, nghiện games online, nghiện lướt Web, nghiện tình dục và ngay cả nghiện việc nữa có dễ gì từ bỏ đâu. Đời nào thì cũng bấy nhiêu cám dỗ: tình, tiền, quyền… và dẫu biết, biết rất rõ nữa là đàng khác rằng “Chừa được thứ nào hay thứ đó” nhưng rồi thì “Có chăng chừa rượu với chừa trà.” Điều này cho thấy, tự thắng được những ham muốn của chính mình thật không đơn giản. Tuy nhiên, không gì là không thể làm được nếu có quyết tâm cao, nghị lực và ý chí lớn, bền bỉ… Khó nhưng mọi sự đều có thể nếu chúng ta có đủ quyết tâm và kiên trì.

Nói thế không có nghĩa là chúng ta không cần sức mạnh bên ngoài trợ giúp, nhất là các bạn trẻ. Một môi trường lành mạnh, những người chung quanh động viên, hỗ trợ và thừa nhận những nỗ lực của mình thật đáng quý. Bên cạnh đó, chúng ta đừng quên hệ lụy của những ham muốn quá độ. Khi có được điều mình muốn rồi, điều còn lại trong lòng chúng ta là gì? Có lẽ là sự dằn vặt, hối hận và nuối tiếc. Nếu cứ buông mình theo những ham muốn quá độ như thế thì ta thật vô trách nhiệm với bản thân, làm mất đi những phẩm chất tốt đẹp của mình, cũng như mất đi điều kiện để phát triển. Về một phương diện nào đó chúng ta có thể nói người không chế ngự được ham muốn của mình là đang phản bội lại chính mình!

Trong Khế Kinh có nói: Người biết đủ, dù nằm trên đất cát vẫn an lạc, trái lại, người không biết đủ, dù ở cung trời cũng không vừa ý”Vì thế các vị thánh hiền có khuyên chúng ta bốn chữ thật là quý giá: Thiểu dục và tri túc”. Thiểu Dục là muốn ít; tri túc là biết đủ. Nếu lòng tham làm cho chúng ta khổ sở, bất an bao nhiêu thì thiểu dục tri túc lại đem lại an bình bấy nhiêu. Nhờ thiểu dục tri túc mà chúng ta biết chia sẻ, giúp đỡ những ai cần khi có thể, biết trải lòng mình ra để cho và đón nhận tình yêu thương. Nhờ thiểu dục tri túc mà con quỷ dục vọng và tham lam mất hết quyền hành. Chúng không điều khiển, sai khiến được mình nữa. Một khi con người không còn làm nô lệ cho vật chất tham muốn nữa thì lòng người bắt đầu được tự do giải thoát.

                    2.2. Biết dừng là biết sống

Trong cuộc sống, đừng để công việc và những ham muốn cuốn mình đi. Dừng là thượng sách! Cố tìm những niềm vui bình dị. Quanh chúng ta không thiếu đâu! Chỉ khi biết tiết chế lòng tham, hoá giải sự cố chấp trong lòng và vơi bớt đi niềm si mê của bản thân, cuộc sống mới nhẹ nhàng hơn. Những người có lửa tham nung nấu trong đầu thì lúc nào cũng luôn thấy mình thiếu thốn, thiếu món này lại thấy thiếu món khác, thèm khát mãi không lúc nào được toại ý cả, không toại ý lại càng thêm đau khổ. Vì vậy chúng ta phải biết tạo cho mình một nếp sống lành mạnh. Điều này được chứng nghiệm qua cuộc đổi đời của nghệ sĩ Tô Thanh Tùng khi ông đối diện trước bịnh nan y. Sau đây là trích đoạn những nhận định và cuộc phỏng vấn của PGS TS Nguyễn Hoài Nam mà báo Tuổi Trẻ đã ghi lại:

“Hơn một năm tôi mới gặp lại nhạc sĩ Tô Thanh Tùng – tác giả của những ca khúc Xót xa, Tình cây và đất, Đi giăng câu… Trông ông khỏe, nhanh nhẹn hơn lần gặp trước rất nhiều và trẻ hơn cái tuổi gần 70.”

PGS Nguyễn Hoài Nam: Tôi ngạc nhiên về sự thay đổi này, ông có bí quyết gì mà thay đổi ngoạn mục vậy?

Nhạc sĩ Tô Thanh TùngMuốn được khỏe mạnh chúng ta phải bỏ bớt lo âu, suy nghĩ tính toán của đời thường, giảm bớt stress, những ham muốn tham vọng… để cuộc sống thêm phần an lành, giấc ngủ không còn mộng mị trằn trọc. Nói thì dễ nhưng làm thì khó, tùy thuộc rất nhiều vào cái tôi của mỗi người và tùy thuộc hoàn cảnh. Nhưng nếu chúng ta làm được như vậy thì cuộc sống là thần tiên và sức khỏe sẽ được viên mãn.

Tôi từng có tiền tài, danh vọng và nhiều thứ khác nữa, nhưng vì quá đam mê những chuyện phù du đó mà tôi cũng mất hết tất cả, kể cả sức khỏe. Lang thang mãi trên đường đời, nuối tiếc thời oanh liệt nên làm đủ mọi chuyện để níu kéo nó. Nhưng rồi cả sức khỏe cũng đội nón ra đi. Bây giờ mình ngộ ra rồi, mọi chuyện cũng ổn từ khi ngộ ra.”

May mà nhạc sĩ Thanh Tùng còn có cơ hội “ngộ ra”: Càng ít tham vọng, cuộc sống càng hạnh phúc!

Hạnh phúc là trạng thái thỏa mãn tâm lý bắt nguồn từ mảnh đất nhu cầu của con người. Platon đã từng nói rằng dục vọng được chia làm 3 loại:

  1. Có loại dục vọng là tất yếu, là tự nhiên
  2. Có loại dục vọng là tự nhiên nhưng không tất yếu
  3. Có loại dục vọng không tự nhiên cũng không tất yếu.

Ông còn cho thấy rằng chỉ có dục vọng tự nhiên và cần thiết mới có liên quan tương ứng với hạnh phúc. Hay nói cách khác nhu cầu của con người ngày càng nhỏ thì càng dễ được thỏa mãn.” Trích sách: “Làm thế nào khi lựa chọn sai”.

“Tham vọng là cái hố không đáy làm kiệt sức, con người trong nỗ lực bất tận tìm cách thỏa mãn nhu cầu, mà không bao giờ chạm tới được sự thỏa mãn.”

Erich Fromm

Tóm lại, những ai bị lửa tham muốn nung nấu trong đầu, thì lúc nào cũng thấy mình thiếu thốn, thèm khát mãi không lúc nào được toại ý cả. Vì vậy mà chúng ta phải biết tạo cho mình một nếp sống lành mạnh. Thích nghi với mọi hoàn cảnh. Bằng lòng với những gì mình đang có, dù bất kỳ trong hoàn cảnh nào ta cũng luôn làm chủ mình để không bị nô lệ dục vọng, Thực tế cho thấy lòng ham muốn nhiều không mang lại hạnh phúc chân thật mà chỉ là khổ đau. Cần sống thiểu dục tri túc mới mang lại cho chúng ta niềm vui chân thật và đích thực.

  1. Làm chủ bản thân, không chỉ sống cho riêng mình

“Chúng ta không thể chỉ sống cho bản thân. Có hàng ngàn sợi dây buộc ta với đồng loại.”

Herman Melville

Giáo hội luôn thừa nhận: “Người trẻ làm phong phú Giáo hội và thế giới bằng nhiều cách”

Trước hết bằng việc nên thánh: “Hương thơm thánh thiện tỏa ra từ đời sống lành thánh của biết bao người trẻ có thể băng bó các vết thương của Giáo hội và của thế giới, và đưa chúng ta trở lại với tình yêu viên mãn mà chúng ta đã được kêu gọi từ thuở đời đời” (Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 50).

“Đồng thời, các bạn trẻ cũng thể hiện sự thánh thiện qua việc sống đức ái trong gia đình và trong xã hội. Nhiều người trẻ tham gia tích cực vào các hoạt động giáo xứ hoặc dấn thân vào các hoạt động bác ái xã hội.”

“Các phong trào vì môi trường ngày càng phổ biến mà thành phần đông đảo là người trẻ. Tất cả làm nên sức sống trẻ trung của Giáo hội, đồng thời là sự dấn thân cụ thể để Phúc âm hóa xã hội và thế giới, mở rộng Triều đại của Thiên Chúa” (x. Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 168).

Mạnh Tử đã cho chúng ta lời nhận định về triết lý nhân sinh của mình như sau: “Trọn hết cái tâm của mình thì biết cái tính của mình. Biết được cái tính của mình thì biết đến Trời vậy. Giữ được cái tâm của mình, nuôi được tính của mình là để phụng sự Trời vậy.

Nếu “cái Tâm” của chúng ta không được hun đúc tu luyện và làm trong sáng, nhạy bén theo thời gian, thì con người chúng ta dần trở nên tối tăm, khô cằn, què quặt. Thật ra, giữ được cái tâm, nuôi được cái tính là chuyện không dễ dàng chút nào giữa cảnh đời muôn mặt đổi thay nhất là giữa các thế lực của “bóng tối” là dục vọng nằm sâu bên trong mỗi người. “Cái tâm” của chúng ta có thể trở nên tồi tệ hơn nếu chúng ta không có nhận thức đúng đắn về mình.

Truyện cổ Ấn Độ kể rằng có một chú chuột nhắt bị trầm uất thê thảm vì lúc nào cũng phập phồng lo sợ các chú mèo. Một pháp sư thấy vậy nên thương tình biến nó thành mèo. Thế nhưng chú mèo đó lại sợ chó.

Pháp sư lại hóa phép cho nó thành chó. Sau khi đã thành chó, nó đâm ra sợ con báo. Thế là pháp sư phải biến nó thành một con báo.

Bấy giờ nó lại sợ đám thợ săn. Tới như vậy rồi thì vị pháp sư cũng đành bó tay. Ông suy nghĩ và biến nó trở lại thành chú chuột nhắt như trước kia, và nói: “Tao có biến mày thành giống gì đi nữa thì cũng vô ích thôi, bởi vì cái tâm của mày vẫn là cái tâm con chuột”.

Cuộc sống của chúng ta cũng không khác gì. Thay đổi hình thức hay tính cách bên ngoài cũng chẳng đi đến đâu. Điều quan trọng là trở nên chính mình như mình đã được sinh ra với “tính bản thiện” .

Giữ vững và phát sáng cái chân tâm của mình giữa cuộc sống “ba chìm bảy nổi” này đó mới là làm nên chính mìnhBiết tận dụng mọi cảnh đời mà chúng ta đã, đang và sẽ trải qua như những chất liệu để xây dựng bản thân mình, để trở nên chính mình. Đó mới là con đường chúng ta phải đi, cái đích chúng ta nhắm đến!

Không phải những thay đổi bên ngoài làm cho chúng ta đạt tới phẩm chất làm người mà là những thay đổi bên trong từ chính thâm tâm của mình, một cái tâm được khơi trong gạn đục để trở nên sáng và nên cao quý giữa cuộc đời tục lụy này. Để làm được như thế, mỗi ngày chúng ta cần đối diện với chính mình. Điều này đòi hỏi chúng ta biết nhận định về bản thân và làm sáng tỏ cái tâm thiện của mình, cái tâm nhạy bén với nỗi đau của đồng loại và với cả muông thú, cỏ cây nữa, và dám sống là chính mình với một tâm hồn đơn sơ, hồn nhiên trong sáng và an bình.

Có lẽ trong con người, điều quý giá nhất chính là Lòng nhân. Lòng nhân ái là sự thể hiện của “tính bản thiện” nơi mỗi người. Lòng nhân chính là gốc rễ của các hành vi khác. Hãy để những gì chúng ta làm đều phát xuất từ lòng trắc ẩn, từ lòng yêu thương người khác, từ cái tâm. Cái tâm trong mỗi người cần được nuôi dưỡng, phát huy, giữ cho sáng, và cần phải được xem lại thường xuyên để giữ độ nhạy bén, trong sáng trước cám dỗ và bụi bặm của bên ngoài xã hội. Những thế lực đen tối, xu hướng quay về những điều dễ dãi, lòng tham và dục vọng… đang chực sẵn trong lòng mỗi người.

Kinh nghiệm sau đây nói lên bài học về lòng nhân ái tuyệt diệu của sư thầy Sri Yukteswar. Có lẽ dư âm của nó khó phai trong cuộc đời của nhà sư trẻ Mukunda. Một gương sống cụ thể, tốt lành của thầy đã lay động lòng người môn đệ còn hơn nhiều năm đèn sách, tu luyện. Chính người môn đệ ấy đã ghi lại như sau:

Chỉ những ai biết cống hiến chân tình và vị tha, biết từ bỏ và cho đi mới trải nghiệm niềm vui sâu xa của cuộc sống và sự sung mãn thật sự. Theo Lưu Dung, “Xã hội này thật có nhiều điều, nhiều nơi để cống hiến. Ngoài những vật hữu hình, chúng ta còn cung cấp cho mọi người sự cổ vũ, khích lệ tinh thần khiến cho thế giới này đâu đâu cũng tràn đầy niềm vui.”

Hiện nay, đời sống vật chất ở thành thị hay thôn quê, ít nhiều đều được cải thiện, nhưng đời sống tinh thần lắm khi lại bị tụt hậu. Bao nhiêu người nhận xét về sự băng hoại trong thực tế về mặt đạo đức và giá trị tinh thần. Một tác giả vô danh đã đề nghị chúng ta “nên suy nghĩ lại” vì:

  • Chúng ta ngày càng có nhiều cao ốc hơn, và nhiều xa lộ rộng hơn, nhưng lòng khoan dung lại thấp đi và tinh thần hẹp hòi hơn…
  • Chúng ta nói năng nhiều hơn, nhưng yêu mến ít và lòng thù ghét quá nhiều…
  • Chúng ta có của cải tăng nhiều lần, nhưng giá trị mình giảm lại…
  • Chúng ta có thu nhập cao hơn, nhưng luân lý đạo đức kém đi…
  • Chúng ta đã lên mặt trăng và trở về trái đất, nhưng lại cảm thấy khó khăn khi băng qua đường để thăm người hàng xóm…

Niềm vui thanh nhã và sâu lắng chính là những lúc quên mình và sống cho người khác. Chúng ta rất cần giúp nhau mở lòng, mở hầu bao, mở cửa nhà mình để chia sẻ, và để làm sao cho:

  • “Hương thơm trong nhà nho nhỏ của mình lan tỏa đến nhà bên cạnh và đến nhiều người càng tốt;
  • Niềm vui chật hẹp của mình lan rộng tới mọi ngõ ngách của xã hội;
  • Lò lửa trong nhà chúng ta sưởi ấm mọi trái tim lạnh giá;
  • Ngọn đèn trước thềm nhà chiếu sáng đường đi cho người về khuya…”

Sống cho người khác lại làm cho cuộc sống chúng ta trở nên sung mãn hơn, nhẹ nhàng hơn, ý nghĩa và phong phú hơn.

“Chính lúc hiến thân là lúc nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân…”

Francis Assisi

Chúng ta cần chia, cần cho, cần cống hiến những gì mình có, và rồi chúng ta sẽ nhận lại niềm vui tinh thần. Người ta thường nói rằng: Khi xức nước hoa cho người khác, chúng ta cũng được thơm lây. Thật ra, đây không phải là điều chúng ta tìm kiếm, không phải vì lợi lộc cho chính mình, nhưng thực tế đã cho thấy, người đầu tiên nhận hoa trái của sự tốt lành, quảng đại chính lại là bản thân người đã cho đi vì thường khi: “Từ nụ cười của người khác, ta nhìn thấy nụ cười của chính ta.” (Lưu Dung)

Trong Đạo Đức Kinh, Thầy Khổng Tử đã nhắc nhở chúng ta: “Sở dĩ trời đất trường cửu được là vì chúng không sống cho riêng mình, mà sống cho vạn vật nên mới trường cửu.” Các thánh hiền xưa cũng đã răn dạy chúng ta luôn để ý đến cái ích lợi cho người khác. Cụ Nguyễn Công Trứ đã thao thức và căn dặn hậu thế:

Làm quan cốt để giúp đời,
phải đâu riêng hưởng một đời ấm no.”

Những người sống cho người khác đều đáng kính, và nhất là đáng tin. Sách Luận Ngữ đã nhắc nhở: “Người nào coi trọng sự hy sinh cho thiên hạ, thì có thể giao thiên hạ cho người đó được. Người nào đem thân mình vui vẻ phục vụ thiên hạ, thì có thể gởi thiên hạ cho người đó được.”

Tinh thần vì người khác, vì ích chung luôn được các tôn giáo chú trọng. Trong bất cứ xã hội nào, các nhà hiền triết và thánh hiền cũng như hàng lê thứ đều giáo dục thế hệ trẻ biết sống và thực thi tinh thần “mình vì mọi người”. Tuy thế, dường như trong xã hội ngày nay, điểm son của tính vị tha và hướng tha bị phai mờ vì chủ trương lợi nhuận của kinh tế thị trường. Chủ nghĩa cá nhân đã và đang ảnh hưởng lên cách sống, cách ứng xử của nhiều người, nhất là giới trẻ. Ước mong những người lớn tìm cách chuyển tải và duy trì những giá trị truyền thống cao cả này cho thế hệ mai sau.

Tuổi trẻ chưa có bạc vàng hay của cải gì, nhưng có tấm lòng. Lòng tốt luôn có phản hồi, vì những gì đã gieo, chúng ta sẽ gặt lại. Hoa quả đầu tiên là sự kính trọng, niềm vui sâu xa và an bình nội tâm của kẻ không chỉ sống cho riêng mình. Dân gian thường nói:

“Người ta kính trọng bạn
không phải vì những gì bạn đã nhận được,
sự kính trọng là phần thưởng
dành cho những gì bạn đã cho đi.”

Dòng đời luôn chảy theo hướngCho là nhận – và nhận là để cho đi như:

Tất cả dòng sông rồi sẽ đi về biển, từ biển bao la sẽ rót vào những dòng sông mênh mông tràn đầy, mạch luân lưu không ngơi nghỉ ấy là cuộc sống.”

Hương Bình

Chính khi chúng ta tạo cho người khác cơ hội thì đừng cho rằng đó chỉ là đem lại lợi ích cho người khác, mà kỳ thực cũng là đem lại một cơ hội cho bản thân ta. Về phương diện này, Anthony de Mello có kể câu chuyện rằng:

“Một nông gia trồng bắp có thói quen đem giống bắp tốt nhất của mình biếu không cho bà con lối xóm, nhưng năm nào ông cũng giựt giải nhất ở hội chợ nông sản của toàn tiểu bang.

Khi có người hỏi nguyên do, ông giải thích, “Thật ra cũng vì lợi ích của mình thôi. Gió thường thổi phấn hoa bay tứ tán từ cánh đồng này sang cánh đồng khác. Vì vậy, nếu hàng xóm trồng giống xấu, thì hiện tượng thụ phấn hỗn hợp sẽ làm giảm phẩm chất thứ bắp của tôi. Do đó, tôi cũng phải liệu cho họ trồng giống bắp hảo hạng như tôi”.

Những gì chúng ta tặng cho tha nhân là tặng cho chính mình vậy! Thường thì không mấy ai nghĩ đến những gì sẽ xảy ra khi mình chia sẻ, hay làm gì cho người khác. Chúng ta làm theo sự mách bảo của con tim, theo những gì mình cảm thấy cần làm, vì nhu cầu của người anh em đồng loại. Nhưng chuyện đời thường cho chúng ta thấy: những gì mình gieo vãi, mình sẽ gặt được, và được gấp bội. Chính lúc không chờ, nhiều chuyện bất ngờ có lợi cho chúng ta xảy đến.

Những người có lòng cảm thương, con tim nhạy bén trước nỗi đau của người khác thường có những phản xạ rất chính xác. Trực giác sẽ mách bảo cho chúng ta những gì cần làm. Chúng ta cần tỉnh thức và lắng nghe tiếng lòng mình. Đó là những lời mách bảo đầy tình và ý nghĩa. Xin đừng bỏ qua. Câu chuyện sau đây sẽ chứng minh điều này.

“Chị tôi dành dụm vốn liếng định mua một mảnh đất ở ngoại thành. Hẹn được với người ta mang tiền đến đặt cọc, chị vội vã gọi taxi. Dọc đường, chị bắt gặp một đoàn nam phụ lão ấu hớt hơ hớt hải bồng một cô bé bị trâu húc vẫy xe xin đi nhờ lên Hà Nội cấp cứu. Chị tôi lập tức bảo anh lái xe quay xe, đưa cô bé con, người mẹ, và cả chị thẳng về Hà Nội. Mẹ cô bé tê liệt vì sợ hãi, chỉ biết ôm con khóc ròng. Một mình chị lo toan cho cô bé vào phòng cấp cứu, nhập viện, thậm chí đóng luôn cả tiền viện phí khi biết người mẹ không có nổi 100 nghìn trong túi. Khi chắc chắn là cô bé an toàn, chị mới trở về nhà, không bao giờ nhắc đến chuyến xe ấy tốn kém bao nhiêu, tiền viện phí thế nào, hay buồn vì mảnh đất ưng ý kia không kịp đặt cọc đã qua tay người khác. Và cứ đến Tết, nhà chị lại có thêm những người khách từ quê ra.

Sự bình an, những quyết định đơn giản mà quyết liệt, đó là dấu hiệu của những người có trái tim to trong lồng ngực nhỏ, những người luôn ý thức những gì nhận được là để sẻ chia!

Có khi nào trên đường đời tấp nập,
Ta vô tình đi lướt qua nhau,
Bước lơ đãng chẳng ngờ đang để mất,
Một tâm hồn ta đợi đã từ lâu!

“Vô Tình” – Bùi Minh Quốc

Có lẽ “Một tâm hồn đang đợi đã từ lâu” để được giúp đỡ là chú bé Lula sau đây. Ai ngờ được cái duyên giữa chú bé đánh giày Lula và ông chủ tiệm giặt ủi thuở nào đã làm nên một sự kiện đáng nhớ cho cuộc đời Lula và đất nước Ba Tây được khởi đầu với 2 đồng bạc chia đôi.

“Chú bé Lula, sinh ra vào tháng 10 năm 1945, tại một gia đình nông dân ở Ba-Tây (Brazil). Vì nhà nghèo, nên từ lúc mới 4 tuổi, thằng nhỏ đã phải đi bán đậu phụng ngoài đường, nhưng vẫn quần áo tả tơi, và thiếu ăn. Khi được lên tiểu học, lúc đó đã dọn lên thủ đô Rio de Janeiro, sau buổi học chú bé thường hay cùng với 2 người bạn cùng lứa đi đánh giầy ở đầu đường, hôm nào không có khách, thì coi như là nhịn đói.

Năm 12 tuổi, vào 1 buổi xế chiều, có 1 người khách là chủ 1 tiệm giặt ủi và nhuộm áo quần đến chiếu cố. Ba đứa trẻ chạy lại chào hàng. Ông chủ tiệm nhìn vào 3 cặp mắt van xin khẩn khoản đó, không biết quyết định chọn đứa nào. Cuối cùng ông ta nói: “Đứa nào cần tiền nhất, thì tôi cho nó đánh giầy, và sẽ trả công 2 đồng”.

Công đánh 1 đôi giầy chỉ có 20 xu, 2 đồng đúng là 1 món tiền rất lớn. 3 cặp mắt đều sáng lên. Một đứa nhỏ nói: “Từ sáng đến giờ cháu chưa được ăn gì cả, nếu không kiếm được tiền hôm nay, cháu sẽ chết đói!“ Đứa khác nói: “Nhà cháu đã hết thức ăn từ 3 ngày nay, mẹ cháu lại đang bệnh, cháu phải mua thức ăn cho cả nhà tối nay, nếu không thì lại bị ăn đòn.”

Cậu Lula nhìn vào 2 đồng bạc trong tay ông chủ tiệm, nghĩ ngợi một lúc, rồi nói: “Nếu cháu được ông cho kiếm 2 đồng này, thì cháu sẽ chia cho 2 đứa đó mỗi đứa 1 đồng!”

Câu nói của Lula làm ông chủ tiệm và 2 đứa nhỏ kia rất là ngạc nhiên.

Cậu giải thích thêm: “Tụi nó là bạn thân nhất của cháu, đã nhịn đói hết 1 ngày rồi, còn cháu thì hồi trưa còn ăn được ít đậu phụng, nên có sức đánh giầy hơn chúng nó. Ông cứ để cháu đánh đi, chắc chắn ông sẽ hài lòng”

Cảm động trước câu nói của thằng nhỏ, ông chủ tiệm đã trả cho hắn 2 đồng bạc, sau khi được hắn đánh bóng đôi giầy. Và thằng nhỏ Lula giữ đúng lời, đã đưa ngay cho 2 đứa bạn mỗi đứa 1 đồng. 

Vài ngày sau, ông chủ tiệm đã tìm đến thằng nhỏ Lula, nhận chú bé cứ sau buổi tan học là đến học nghề ở tiệm giặt nhuộm của ông ta, và bao cả bữa cơm tối. Tiền lương lúc học nghề tuy là rất thấp, nhưng so với đánh giầy thì khá hơn rất nhiều.

Thằng bé hiểu rằng: Chính vì mình đã đưa tay giúp đỡ những người khốn đốn, nên Trời mới đem đến cho mình cơ hội làm thay đổi cuộc đời.

Từ đó, miễn là có khả năng, chú bé Lula không ngần ngại giúp đỡ những người sống khốn khổ hơn mình.

Sau Lula nghỉ học đi làm thợ trong một nhà máy. Để bênh vực cho quyền lợi của những người thợ, cậu ta tham gia vào công đoàn. Năm 45 tuổi, Lula lập ra đảng Lao Công.

Năm 2002, trong cuộc ứng cử tổng thống, khẩu hiệu của Lula là: Ba bữa cơm no cho tất cả những người trong quốc gia này. Và ông đắc cử làm Tổng Thống xứ Brazil. Năm 2006 ông đắc cử nhiệm kỳ 2, cho 4 năm tới . Trong 8 năm tại chức, ông ta đã thực hiện đúng lời mình đã hứa: 93% trẻ em và 83% người lớn ở nước này được no ấm. Ông đã thực hành đúng tâm niệm: giúp đời!!

Và nước Ba-Tây dưới sự lãnh đạo của ông đã không còn là “con khủng long nhai cỏ” mà đã trở nên “Con mãnh sư Mỹ Châu” và xây nên nền kinh tế đứng thứ 10 trên thế giới. Luiz Inácio Lula da Silva đó là tên của vị tổng thống vừa giải nhiệm vào 31.12.2010.”

Sống cho người khác không phải chỉ là giúp đỡ vật chất, chăm sóc tận tình khi cần nhưng có khi chỉ là lắng nghe chân thành, hay dành một chút thì giờ cho ai đó. Thậm chí một nụ cười cũng làm thay đổi nhiều chuyện như câu chuyện thật đơn giản và ý vị sau đây:

“Có một cô gái cười với một người xa lạ rầu rĩ. Nụ cười làm cho anh ta cảm thấy phấn chấn hơn. Anh nhớ đến sự tử tế của một người bạn cũ và viết cho người ấy một lá thư cảm ơn.

Người bạn này vui sướng vì nhận được thư của người bạn cũ lâu ngày không gặp đến nỗi, sau bữa trưa anh boa một món tiền lớn cho chị hầu bàn.

Chị hầu bàn ngạc nhiên vì món tiền boa quá lớn, đã quyết định mang tất cả đi mua xổ số và trúng số. Ngày hôm sau chị đi nhận giải và cho một người ăn mày trên phố một ít tiền lẻ.

Người ăn mày rất biết ơn vì đã hai ngày nay anh ta chẳng được ăn gì. Sau bữa tối anh ta trở về căn phòng tối tăm của mình. Trên đường về, anh ta thấy một chú chó con đang rét run cầm cập, anh mang nó về để sưởi ấm cho nó.

Chú chó rất vui mừng vì được cứu khỏi cơn bão tuyết sắp đến gần. Ðêm ấy, trong khi mọi người đang ngủ say thì ngôi nhà bốc cháy, chú chó con sủa róng riết. Chú sủa cho đến khi đánh thức tất cả mọi người trong nhà dậy và cứu tất cả mọi người thoát chết.

Một trong những chú bé được cứu thoát đêm ấy sau này trở thành bác sĩ tìm ra một loại vắc-xin chữa khỏi một căn bệnh vô cùng nguy hiểm cho loài người. Tất cả là nhờ một nụ cười.”

Cuộc sống của chúng ta ngày nay quá vội vàng, tất bật, ngắn ngủi. Tình người thường mong manh, dễ vỡ. Giữa vòng xoáy cuộc sống bon chen, ồn ào này, nhiều lúc chúng ta quên đi người bên cạnh, có khi cả người thân yêu nhất. Có lẽ thỉnh thoảng chúng ta cần dừng lại để yêu thương hay để cảm nhận sự yêu thương; dừng lại để soi lòng, để nhìn lại xem có phải chúng ta đã quá vô cảm, quá lạnh lùng; dừng lại để xem từ bao lâu rồi chúng ta đã không còn rung cảm, nhói đau vì vết thương của một ai đó, bao lâu rồi chúng ta chỉ biết yêu mình! Bao nhiêu lần chúng ta đã không sẵn sàng đưa tay cho người đang chìm nắm lấy hoặc lờ đi trước nhu cầu của một ai trong lúc chúng ta có thể giúp họ? Thật vậy, “Tình yêu và lòng tốt không hề bị lãng phí. Chúng luôn tạo nên một ý nghĩa nào đó. Chúng ban phước cho người nhận được, và chúng cũng ban phước cho bạn, người trao tặng” (Barbara De Angelis).

Nếu nói đến những câu chuyện đầy tình, ấm lòng, hay những hành vi vô tâm vô cảm của con người thì vô số kể. Chúng ta chỉ cùng nhau nhìn lại như một cách hâm nóng trái tim mình, để đừng quên rằng “Khi tôi nằm xuống, tôi chỉ đem theo những gì tôi đã cho đi” thôi!

“Không sống cho riêng mình” hay sống cho người khác đã được nhà thơ Tố Hữu thi vị hóa bằng những lối ví von duyên dáng như sau:

“Nếu là con chim, chiếc lá,
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh.
Lẽ nào vay mà không có trả,
Sống là cho, đâu chỉ nhận cho riêng mình?

Khi một người sống hết mình vì người khác, thì cũng đồng nghĩa với việc người đó đã đi qua chính bản thân mình. Đây là một trong những dấu hiệu chắc chắn của người trưởng thành rồi vậy!

  1. Làm chủ bản thân và tạo một cuộc sống đầy ý nghĩa

“Chỉ khi nào chúng ta hiểu được giá trị và ý nghĩa cuộc sống, thì ta mới thực sự có được niềm vui sống”

Lưu Dung

“Giúp người trẻ tập luyện các đức tính nhân bản, đặc biệt tính trung thực, ý thức công bằng, lương tâm ngay thẳng, tinh thần trách nhiệm… Tập sống chung và làm việc chung với tinh thần liên đới, quảng đại, vị tha; mở các lớp kỹ năng sống về nhận diện giá trị bản thân, trưởng thành tâm lý và tính dục, phát triển tương quan hài hòa với mọi người.” (Thư Chung HĐGMVN 10/2019)

Cuộc đời mỗi người hàm chứa biết bao giá trị tiềm ẩn, bao ý nghĩa cao đẹp. Điều quan trọng vẫn là nghệ thuật khám phá những “viên ngọc quý chôn giấu, trong thửa ruộng” đời mình. Có người biết tìm cách để tậu cho được nó. Có người hời hợt, chỉ thấy những vẻ sần sùi, hay bùn đất bao quanh viên ngọc mà thôi!

Có lẽ một trong những thao thức lớn của mỗi người, đặc biệt các phụ huynh và các bạn trẻ là làm sao nhận ra những giá trị thật trong cuộc đời, và có đủ nghị lực để tìm kiếm, để theo đuổi và để dựng xây. Giá trị cuộc sống muôn mặt, nhưng có những điều thật cơ bản, đem lại chất lượng cho đời sống chúng ta: Ý nghĩa. Phải, một cuộc đời có ý nghĩa khác với một cuộc đời hạnh phúc.

Hạnh phúc, có người xem đó chỉ là một cánh hoa nở, là kết quả của một tiến trình dài vun quén, làm chủ bản thân và vượt qua bản thân… Nếu hạnh phúc chỉ như một cánh hoa nở rộ thì nó mong manh và ngắn ngủi lắm vì hoa đâu có nở mãi trong đời mình hoặc có hoa nào nở mà không tàn? Nếu có, đó chỉ là hoa giả mà thôi.

Cuộc đời có ý nghĩa thì khác. Cuộc đời có ý nghĩa đem lại những “lý do” cho những hành động. Như người trồng hoa cảm thấy vui với cái ý nghĩ tại sao mình trồng hoa, tại sao lại là loại hoa này, tại sao lại trồng nơi này và lúc này, trả lời được hai chữ TẠI SAO giúp chúng ta phần nào sống ý nghĩa của những việc mình làm. Niềm vui đã khởi sự từ lúc manh nha trồng hoa, niềm vui còn tiếp tục trong việc tại sao tôi phải chăm bón cho cây tươi tốt, tại sao tôi phải tỉa cành cắt ngọn. Niềm vui còn ở trong sự khám phá mỗi ngày hoa, lá lớn lên, thay sắc đổi màu. Ý nghĩa cuộc đời là tìm lời giải thích về những việc mình làm, làm với ý thức, với tự do và làm với hết sức mình vì mình đã chọn, đã biết cái lý của những chọn lựa và hành động của mình.

Mỗi người đặt ý nghĩa đời mình trên nhiều lãnh vực khác nhau: Tình yêu, sự nghiệp, gia đình, khám phá, phục vụ, thực hiện ước mơ, đạt đến một giá trị… Thật ra, những điều có lẽ vô nghĩa hay thường tình đối với người này lại có thể rất có giá trị đối với người khác. Ví dụ một thanh niên có thể thích làm một quân nhân để bảo vệ tổ quốc, nhưng có thanh niên khác tìm cách chạy chọt để khỏi vào quân ngũ. Có người xem việc sống ngay thẳng, trung thực là một giá trị, trái lại có kẻ thấy rằng thẳng ngay chẳng có nghĩa gì, miễn sao đạt được điều mình muốn!

Khi thực hiện được ước mơ hay sống theo giá trị mình muốn, người trẻ sẽ thấy đời mình có ý nghĩa. Những gì có giá trị thường mang tính tích cực. Nó nâng tinh thần lên cao, đem đến cho con người sự hài lòng, thanh thản, và niềm vui; một thứ niềm vui thanh tao, nhẹ nhàng, tiềm tàng và sâu lắng, không xáo động nhưng dai dẳng không để lại di chứng hoặc có “phản ứng phụ”. Tuy nhiên, những gì có giá trị thường không dễ có được. Nó đòi hỏi trả giá bằng cố gắng, kiên tâm, bằng hy sinh và tự chủ…

Không phải hạnh phúc nào cũng phát xuất từ những gì có giá trị. Hạnh phúc có thể làm cho lòng phấn khởi và bay bổng nhưng cũng không thiếu những điều có thể đem lại hạnh phúc tạm bợ. Như cái vỏ ngọt của một quả đắng, như một liều á phiện, hạnh phúc có thể đưa người dùng lên cao, ngất ngây trong giây lát nhưng cái vị mà nó đem lại về sau thì khó mà nuốt nổi.

Ví dụ: một người rất hạnh phúc vì đã có một việc làm sau bao năm vất vả học hành. Có người cảm thấy hạnh phúc khi mua được một chiếc xe gắn máy sau nhiều năm tháng tiết kiệm. Cũng có những người hạnh phúc vì vừa trả được một mối thù hoặc vừa kiếm được một số tiền lớn do mánh mung đem lại. Có những đôi bạn trẻ chưa có đủ thời gian tìm hiểu hay chỉ mới biết nhau đã trao gởi thân xác để rồi nếm những quả đắng không thể nào quên. Hạnh phúc mong manh, chóng qua. Hạnh phúc đích thật thường “chắt lọc từ nỗi đau…” nghĩa là hạnh phúc thật chỉ đạt được từ nỗ lực, từ cố gắng và phải trả giá bằng thời gian, bằng khổ nhọc và hy sinh… Nhưng có bạn trẻ không đủ kiên nhẫn để chờ, để đợi, để xây đắp, mà chỉ thích ăn quả non, vậy làm sao tránh được vị chua, vị chát…

Thử hỏi với một người lương tâm còn nhạy bén, sau khi trả được thù rồi hay kiếm được nhiều tiền rồi, lòng mình sẽ cảm thấy như thế nào? Đôi bạn trẻ kia rồi sẽ ra sao nếu sau đó không được cưới nhau hay có một “nhóc con” không chờ, không đợi mà lại ra đời hay bị vướng một thứ bệnh truyền nhiễm? Nhiều người cảm thấy rất thoải mái và hạnh phúc sau những ngụm rượu hay khói thuốc, sau những ngày lang thang làm theo ý muốn riêng… Hạnh phúc có thật đấy, nhưng khó mà tránh khỏi những hệ quả đau lòng và mất mát.

Còn sống có ý nghĩa thì khác. Có người tìm ý nghĩa đời mình trong một phát minh hữu ích cho đời như một số nông dân đã tự sáng chế ra máy tuốt lúa hay cải tiến cây ăn trái thêm ngon, thêm ngọt và thêm quả… Những gì góp ích lớn, nhỏ cho đời đã là có ý nghĩa rồi. Không cần phải lớn lao như phát minh của các nhà bác học, hy sinh của các vị anh hùng hay các tác phẩm của những nhà đại trí thức đâu!

Bạn trẻ đầy nhiệt huyết, dấn thân vào những việc giúp đỡ người khác trong nhiều lãnh vực và nhiều mức độ khác nhau, không quản ngại công lao, khó nhọc để góp phần cho người khác bớt khổ hoặc thêm vui, đó là sống có ý nghĩa. Tận tụy lo cho mẹ cha hay cho những ai không cửa không nhà, đau khổ thể xác hoặc tinh thần, hiến máu nhân đạo, tình nguyện tham gia chiến dịch “Mùa hè xanh” làm công tác xoá mù chữ, góp phần xây dựng cộng đồng… là đem lại ý nghĩa cho cuộc đời mình và bao cuộc đời khác nữa.

Cuộc đời đầy ý nghĩa không vì có đầy đủ về vật chất hay tình cảm, thành đạt hay giàu sang, lành mạnh hay tài năng. Cuộc đời đầy ý nghĩa chỉ khi ta tìm ra một giá trị, một lý giải cho những gì ta làm, ta sống hay đang trải qua.

Những bạn trẻ thao thức về ý nghĩa đời mình thân mến, ý nghĩa không khó tìm, không đắt tiền hay đòi hỏi một sự trả giá khá cao. Ý nghĩa có thể tìm thấy trên nhiều lãnh vực, trong nhiều thời điểm và nơi nhiều cảnh đời khác nhau. Hãy tìm, bạn sẽ gặp.

Trong thực tế, thanh thiếu niên nhận ra niềm vui khi học hành, chơi banh, ca hát… và hàng chục điều thích thú khác. Điều cần chú ý đó là làm thế nào để sống hòa hợp giữa nhiều lãnh vực khác nhau, giữa các mục tiêu, tư tưởng, cảm xúc và hoạt động cũng như những năng lực nội tại. Quan trọng là dùng mọi sự như thế nào để có hiệu quả hay làm cho bản thân “LỚN LÊN” và phát triển.

Khả năng yêu thích và thưởng thức những kinh nghiệm trong cuộc sống hằng ngày là cần thiết nhưng cũng cần tránh những hao mòn tinh thần về lâu về dài. Nhiều bạn trẻ tìm thấy niềm vui trong hoạt động nhưng lại không tiết độ, sống thiếu kỷ luật nên tiêu hao năng lực vào quá nhiều sinh hoạt gây mất sức hoặc những sinh hoạt vô bổ và tiêu cực.

Người trẻ không chỉ cần phải học để vui sống mà còn tìm cách kiểm soát những gì tạo sự nhàm chán, thất vọng… Làm thế nào để chuyển bại thành thắng, làm cho những gì vô nghĩa thành ý nghĩa và có ích?

Con người luôn có nhu cầu đi tìm ý nghĩa cho cuộc sống. Con người vượt xa các thụ tạo khác nhờ có đời sống tâm linh. Chính đời sống tâm linh và tinh thần giúp chúng ta vượt qua hoàn cảnh và tạo ý nghĩa cho hoàn cảnh. Chúng ta có thể gán cho sự vật một ý tưởng để tạo ra những điều hữu ích hay gây hứng thú cho cuộc sống. Ta có khả năng biến điều tầm thường thành những gì có giá trị.

Những gì dệt nên cuộc đời chúng ta hôm nay và ngày mai không phải là hoàn cảnh, mà chính là ý nghĩa mà chúng ta gán cho những hoàn cảnh mình đã trải quaÝ nghĩa do niềm tin của chúng ta gán cho hoàn cảnh sẽ tạo ra sự khác biệt giữa thái độ và quan điểm sống – lạc quan hay bi quan, buồn khổ hay vui sống. Chính niềm tin ảnh hưởng đến hệ thống miễn nhiễm trong cơ thể, ảnh hưởng đến tinh thần, sức khoẻ và định hướng cho hành vi. Niềm tin tích cực vào bản thân giúp chúng ta sử dụng hết năng lực tiềm ẩn.

Khi tìm cách mở mang trí tuệ, chúng ta cũng mở tâm hồn. Hai yếu tố này phải hài hoà. Cuộc đời sẽ có ý nghĩa biết bao khi tâm hồn luôn tìm hướng về những điều thiện hảo và các giá trị như: Khoan dung, cam đảm, kiên trì, trung thực… với bản thân và người khác. Điều này giúp chúng ta sống và làm việc chung với những người có lối suy tư, hành động khác với mình hay những người mình không thích.

Tự tìm ra một ý nghĩa cho đời mình đó là hành trang vào đời. Một cuộc đời thành công hay thành nhân cũng cần phải có ý nghĩa nữa, đó là yếu tố giúp cho cuộc đời thêm sung mãn và ý vị.

Nỗi lo cho tương lai, cho ngày mai sẽ không còn là nỗi bận tâm với những ai sống có định hướng, có mục tiêu và nhất là có ý nghĩa. Trái lại, dù sống thọ và giàu có sung túc mấy đi nữa mà thiếu vắng ý nghĩa và mục tiêu sống trong đời thì cuộc đời vẫn trống rỗng, bồn chồn không yên. Họa sĩ phim hoạt hình Ralph Barton đã trao lại cho chúng ta một kinh nghiệm sống qua bức thư được tìm thấy trên gối của ông trước khi ông lìa đời:

“Tôi đã gặp một ít khó khăn, có nhiều bạn bè, những thành công lớn; tôi đã cưới hết người vợ này đến người vợ khác, dọn hết ngôi nhà này đến ngôi nhà khác, đã từng đến nhiều quốc gia vĩ đại trên thế giới. Nhưng tôi chán ngán việc phải bày ra những thứ giúp ta lấp đầy hai mươi bốn giờ trong ngày.”

Người họa sĩ đó đã cố lấp đầy bằng vật chất, bằng tình cảm, bằng quan hệ, bằng công việc… Ông có những thành công nhưng lòng vẫn luôn thấy trống vắng vì cuộc đời thiếu ý nghĩa.

Trong tác phẩm của mình Mitch Albom đã kể lại câu chuyện về Morrie, một nhà giáo dục cuối đời mắc một căn bệnh gây đau đớn nhưng vẫn luôn tìm được ý nghĩa cuộc sống. Morrie đã từng nói:

“Có nhiều người trên đời này sống cuộc đời vô nghĩa. Họ dường như bị mê hoặc bởi những điều mà họ cho là quan trọng. Cách duy nhất để làm cho cuộc sống có ý nghĩa là dành cuộc đời mình để yêu thương những người chung quanh, để tạo ra một điều gì đó có thể mang lại hạnh phúc và sự bình an trong tim”

Thật ra, ai cũng biết rằng cuộc sống không phải luôn luôn hoàn hảo nhưng nó là kết quả của những gì chúng ta tạo ra. Vì thế hãy cố gắng làm nó có giá trị, có ý nghĩa, đáng nhớ và đừng bao giờ để ai đó đánh cắp hạnh phúc mà mình đã nhọc công tạo ra.

Để trở thành một ngôi sao,
bạn phải tự tỏa ánh sáng của riêng mình,
đi theo con đường của riêng mình,
và đừng lo lắng về bóng tối, bởi đó là khi sao sáng nhất.

Khuyết danh

Với người Kitô hữu, chúng ta cần phải trở nên một ánh sao. Các bạn an tâm vì chúng ta luôn có một ánh sao dẫn đường, một gương mẫu để noi theo đó là Đức Kitô. Ngài sẽ đồng hành và dẫn dắt các bạn tìm ra ý nghĩa của đời mình. Hãy chọn Ngài, tìm Ngài và nắm lấy tay Ngài mà bước vào tương lai. Vững tin mà tiến bước vì:

Đời có Chúa êm trôi êm trôi,
Chúa dắt dìu con luôn luôn không thôi,
Có Chúa cùng đi con không đơn côi…”

Lời bài hát: Bao la tình Chúa

Kết luận

“Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét: “Người trẻ cảm thấy có một khoảng cách vời vợi giữa những gì họ được học và thế giới họ đang sống. Những gì họ được dạy về các giá trị tôn giáo và luân lý không hề chuẩn bị cho họ khả năng chống đỡ trước một thế giới chế nhạo các giá trị ấy, họ cũng không học được cách cầu nguyện và thực hành đức tin khả dĩ đứng vững giữa nhịp sống vội vã của xã hội” (Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 221).

Vì thế, thay vì áp đặt lên người trẻ một chương trình có sẵn, cần phải đồng hành và lắng nghe các bạn trẻ, giúp họ khám phá những khả năng và các đặc sủng Chúa Thánh Thần đã ban, và tạo điều kiện thích hợp để người trẻ phát huy những khả năng đó.“

“Nếu biết quan tâm đúng mức và hướng dẫn đúng cách, Giáo hội sẽ có những người trẻ vui tươi, can đảm, nhiệt tâm dấn thân cống hiến cho công cuộc Phúc âm hóa.” (Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 206).

Ngoài những gì mà Đức Thánh Cha bày tỏ qua Tông huấn Chúa Kitô đang sống, xin được chia sẻ một chút kinh nghiệm sống cũng như 25 năm làm việc với các bạn trẻ ở một số đại học và các lớp Liên Dòng về sự trưởng thành. Thật sự nói đến trưởng thành là một con đường dài, và dường như không mấy ai đạt được, riêng bản thân mình vẫn còn chiến đấu và vẫn “chưa thuộc bài”. Đó là chỉ nói về mặt nhân bản chứ còn trưởng thành về mặt tâm linh lại còn là con đường muôn phần gay go hơn nữa.

Ngoài những gì đã chia sẻ ở trên, và để đơn giản hóa giúp các bạn trẻ dễ nhớ, xin được đưa ra ba chữ K nói lên ba điều cốt lõi giúp tiến tới sự trưởng thành hay là một cuộc đời có giá trị mà mỗi người trẻ tự đáy lòng vẫn ước mơ. Đó là:

K – Kiên nhẫn

K – Khiêm tốn

K – Kitô

K – Kiên nhẫn. Tại sao lại kiên nhẫn? Thật sự không có gì thành tựu và có giá trị mà không kinh qua nỗ lực, nhưng quan trọng là vấn đề lâu dài. Có lẽ giới trẻ chưa cảm nhận được sự quan trọng của nó, nhưng các bạn lại cần nó hơn cả đấy. Nếu muốn trưởng thành, yếu tố đầu tiên là phải xây dựng CON NGƯỜI của các bạn. Trước khi nói đến trưởng thành, làm sao để các bạn có một nhân cách LÀNH MẠNH. Nhân cách là yếu tố nói lên giá trị của mỗi người. Các nhà tâm lý luôn cho rằng: “…Những thói quen được tập luyện lâu ngày sẽ trở nên tính cách, và tính cách sẽ tạo nên định mệnh của mỗi người”. Thật sự chỉ những người có ý chí, có sức mạnh nội lực, nội tâm mới có được sự kiên trì. Vì sống được chữ NHẪN không phải dễ. Nhẫn thường đi với nhục. Điều này đi ngược với bản chất của con người luôn quan trọng hóa bản thân hay CÁI TÔI. Đây là yếu tố khó thắng nhất của chúng ta, vì thế việc kiên trì tập luyện là yếu tố then chốt. Người xưa đề cao chữ Nhẫn và cho rằng “nhất tự thiên kim” một chữ đáng ngàn vàng. Thực tế cho thấy mọi khía cạnh cuộc đời cần phải kiên trì mới đạt kết quả. Đó là nói đến chuyện công việc… còn việc xây dựng một con người, một cuộc đời trưởng thành lại còn cần sự kiên nhẫn biết bao?

Thật ra, Kiên nhẫn và khiêm tốn thường song hành mật thiết với nhau. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu thêm qua chữ K thứ hai sau đây.

  1. Khiêm tốn.Đây là đức tính ngược với xu hướng xem cái TÔI là quan trọng mà mỗi người ít nhiều đều vướng phải, đặc biệt đối với người trẻ chưa kinh qua những kinh nghiệm sống và hiểu biết rõ về bản thân. Để có thể làm chủ bản thân, để có thể tránh những tranh chấp không cần thiết, để cảm xúc không dâng lên tạo nên những hành vi thiếu kiểm soát gây ra những rạn nứt hay đổ vỡ các mối liên hệ hoặc những hành vi làm hạ giá chính mình hay phương hại đến người khác. Nhịn nhục một chút có thể tránh những xung đột không cần thiết. Tiếng Việt chúng ta thật có ý nghĩa khi nói “một sự nhịn bằng chín sự lành” hay khi ghép chữ nhịn với chữ nhục. Phải, nhịn chắc chắn phải chịu nhục, chịu thua một chút, chịu lùi một bước… Còn chữ nhẫn vẫn thường đi đôi với chữ nhục.Nhẫn hay nhịn cũng đều đi với nhục. Đây là một thực tế cho thấy để giữ an hòa, để làm chủ bản thân điều này thật khó khi quá quan trọng hóa cái tôi, khi thiếu sự khiêm tốn. Riêng với kinh nghiệm bản thân, tôi rất xác tín về điều này.

“Chịu thua mà được, mất – còn, biết đâu?”

(Thơ Hoa Dại)

Tại sao chịu thua mà được, chịu mất mà còn? Đó là sự nghịch lý của đức khiêm tốn. Có thể là khi chịu thua tức là chịu nhịn, và đồng thời chấp nhận chịu mất mặt, chịu lùi bước, chịu mất quyền lợi… Nhưng cái được ở đây chính là giữ được sự an hòa, duy trì được mối quan hệ, tránh được sự căng thẳng, đổ vỡ… không bị cảm xúc trấn áp, lôi cuốn hay chi phối hành động và tư duy của mình. Cái được lớn hơn cả là có được tâm an và nhất là làm chủ được bản thân. Để minh họa thêm xin được kể câu chuyện sau đây:

“Một ngày nọ có vị vua kéo quân đi xâm chiếm nước láng giềng. Khi Vua kéo quân đi xâm lấn thì có một chàng thanh niên trẻ bất mãn với vua nước mình nên đến tình nguyện tiếp tay với vua địch. Anh ta tự giới thiệu mình có tài bắn cung rất siêu đẳng rằng “Tôi có thể bắn trúng một con chim sẻ đang bay”. Vua bèn trả lời: “khi nào đi đánh giặc với se sẻ tôi sẽ mời anh.”. Thay vì dùng hay từ chối người ta. Vua đã nói lên một câu thật sự mang tính ngạo nghễ và đã làm tổn thương đến cái tôi của anh ấy. Anh trở về với một cảm xúc dâng trào, một nỗi tức giận và nỗi hận sâu xa. Thế là anh bèn lấy cung tên để chứng tỏ cái tôi và đồng thời giải tỏa nỗi hận, kèm với mũi tên là tấm giấy với lời ghi chú: “xin con mắt phải của vua” anh chờ lúc vua đi và đã bắn mũi tên đúng vào con mắt là cái đích mà anh muốn. Vua đau đớn, nhưng cơn tức giận còn đau hơn nỗi đau thể xác. Thế là vua tuyên bố: “Nếu lấy được thành này, mày là người đầu tiên tao xử trảm” và sự thể đã xảy ra như thế. Không ai chịu thua ai và kết quả là cả hai đều mất: Vua mất một con mắt và người trai trẻ mất mạng.

Kết quả của việc thiếu làm chủ cảm xúc, và làm chủ chính mình. Trên đời không thiếu những hoàn cảnh tương tự. Sự mất mát trên nhiều lãnh vực khác nhau và có những lúc hủy hoại cả một tương lai hay cả cuộc đời. Trong câu chuyện này xin được nhắc cho những bạn trẻ là người nhỏ, người yếu, nghèo… thì mất mát nhiều hơn. Vua chỉ mất một con mắt còn anh ấy mất cả mạng sống đấy! Các bạn trẻ đừng quên rằng thái độ thường để lộ bản chất thật của mình. Giống như những bông lúa lép thường kiêu ngạo mà chĩa thẳng đầu lên trời, còn những bông lúa chắc hạt thường cúi đầu xuống đất. Thật ra, trên thế gian này, có những người có chút tiền, chút quyền hay chút học vấn… nhưng đã vội vàng kiêu ngạo, luôn tự cho mình là nhất. Các người khôn ngoan chân chính, càng tu luyện đến cảnh giới cao thâm, họ càng nhìn thấy những thiếu sót của bản thân mình, càng thấy mình vô cùng nhỏ bé. Tả Tông Đường nhận ra rằng:

“Cao nhân thực sự là người có tấm lòng khoan dung, biết khiêm nhường, không xem trọng được – mất hay thắng – thua. Sự khôn ngoan của trí tuệ nằm ở chỗ tỉnh táo, nhìn nhận được thiệt – hơn để từ đó dũng cảm buông bỏ và vượt qua, có thể thắng nhưng lại không nhất định phải thắng.”

Theo lẽ thường ai cũng thừa nhận người trưởng thành thực sự chính là người hiểu được những lúc có thể thắng mà không nhất định phải thắng, có tấm lòng khiêm nhường trước người khác, có thể hiểu ý nguyện lòng người. Người xưa có câu rằng: “Trời trên cao không nói mình cao nhưng thực rất cao. Đất ở dưới không nói mình sâu nhưng thực rất sâu”. Người quân tử cư xử khiêm nhường nhưng luôn được người khác kính trọng, nể phục.

Có thể ví: Khiêm nhường như dòng nước, không ngại hạ mình chảy xuống chỗ thấp để dung nạp mọi thứ như biển dung nạp trăm sông. Còn chúng ta, hạ thấp bản thân là để vượt qua sự kiêu ngạo trong tâm.

Người tu tâm dưỡng tính phải khiêm tốn, vì khiêm tốn cho phép người ta chấp nhận ý kiến và phê bình của người khác, và chỉ khi đó ta mới có thể quay về bên trong, suy xét lại bản thân mình và thay đổi nếu cần. Khiêm tốn không có nghĩa là không biết đến những giá trị của mình mà biết nhận chân những giá trị ấy. Người khiêm nhường cũng như người trưởng thành, thường chiến đấu với chính mình để nhường nhịn người khác.

Khiêm tốn giúp cho tâm trí của con người được thanh tỉnh, an bình, đồng thời cũng tăng cường ý thức, vượt qua tính kiêu ngạo bằng ý chí mạnh mẽ. Khiêm tốn thể hiện qua sự tử tế và khoan dung, là biểu hiện của sự tôn trọng thực sự đối với người khác. Đây chính là mẫu người mà Thánh Phaolô mong ước và dạy dỗ chúng ta:

“Anh em hãy hết lòng khiêm tốn, hiền hậu, nhẫn nại, chịu đựng nhau trong đức ái;hãy lo bảo vệ sự hợp nhất do Thần khí mang lại, lấy bình an hoà thuận làm dây ràng buộc.” (Ep 4, 2-3)

Có chuyện ở Việt Nam ta mà ít ai ngờ đó là: không có nơi nào mà chúng ta bắt gặp chữ “Khiêm” nhiều cho bằng ở lăng vua Tự Đức. Từ nhà cửa, ao hồ, cầu thuyền… đều có chữ “Khiêm”. (Nếu muốn ta có thể nghiên cứu thêm vì bài này có hạn).

Cúi đầu không phải là không có năng lực, khoan dung không phải là yếu đuối. Tô Đông Pha cho rằng, khoan dung độ lượng, chí hướng đặt ở nơi xa, lặng lẽ tu luyện bản thân là đạo xử thế cao minh nhấtNgười khiêm tốn luôn có ý thức và thái độ đúng mực trong việc đánh giá bản thân, không tự mãn, tự kiêu. Họ luôn thành kính, biết tôn trọng lẫn nhau, để có thể học hỏi được từ người khác.

Bây giờ xin được nói đến chữ K thứ ba:

  1. Kitô. Một Kitô hữu là người thuộc về Đức Kitô nên làm sao mà cuộc đời chúng ta không liên quan đến Chúa? Các bạn trẻ thường có những câu hát rất ý nghĩa nói lên vai trò của Chúa trong đời mình. Đức Kitô là Đấng mà chúng ta đã Tin, Yêu mến và đời chúng ta chỉ có ý nghĩa khi kết hợp, khi sống với Ngài. Thánh vịnh sau đây đã nói lên ý nghĩa của cuộc đời chúng ta:

Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi,
Hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn” (Tv 62,2).

Kinh nghiệm của thánh Augustinô sau những năm tháng đi hoang, chạy theo danh vọng, chạy theo đam mê xác thịt, cuối cùng ngài cũng nhận ra một thực tế đời người: “Tâm hồn con khắc khoải ưu tư cho đến khi được nghỉ an trong Chúa”.

Sau đây là những gì các vị mục tử của chúng ta đã nhắc nhở giới trẻ. Chúng ta cùng lắng nghe.

Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huấn “Chúa Kitô đang sống” Ngài mời gọi các bạn trẻ chiêm ngắm tuổi trẻ của Đức Giêsu để lớn lên và trưởng thành cách toàn diện theo gương của Người: Trong thời gian sống tại Nadarét, Đức Giêsu vâng lời cha mẹ, “lớn lên, thêm khôn ngoan và đầy ân sủng trước mặt Thiên Chúa và người ta” (Lc 2, 52)… Đức Giêsu đang ở trong thời gian chuẩn bị, và trong giai đoạn này, Người đi sâu vào mối tương quan với Chúa Cha và với tha nhânNgười không chỉ lớn lên về mặt thể lý, mà còn về tâm linh nữa. Trong những năm tuổi trẻ, Người đã ‘tự rèn luyện’, chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện kế hoạch của Chúa Cha. Người đã hướng tuổi niên thiếu và tuổi trẻ của mình theo sứ mạng cao cả ấy”. (số 26-27),

Ngoài ra, cũng qua tông huấn “Chúa Kitô đang sống” (Christus vivit), Đức Thánh Cha còn nhắc nhở giới trẻ rằng: “Người là bạn của người trẻ và mong ước kết thân với họ để giúp họ sống tuổi trẻ cách sung mãn, lớn lên trong sự thánh thiện, dấn thân phục vụ xã hội và Giáo hội.” (Trích Thư Chung HĐGMVN 10/2019).

Còn các vị chủ chăn của chúng ta thì sao? Các ngài đã cùng với Đức Thánh Cha trong Tông huấn Christus Vivit “mi gọi các bạn trẻ chiêm ngắm tuổi trẻ của Đức Giêsu để lớn lên và trưởng thành cách toàn diện theo gương của Người.”

Thật sự, trong bối cảnh xã hội và đất nước chúng ta, không ít người trẻ băn khoăn đi tìm ý nghĩa và hướng đi đích thực cho đời sống. Các giám mục đã hướng các bạn trẻ luôn hướng nhìn về Đức Kitô: Cũng như Chúa Kitô đã công bố Tin Mừng cho những người trẻ Emmaus, ngày nay Giáo hội cũng muốn gửi đến các bạn trẻ sứ điệp cao cả của Tin Mừng:

  • Thiên Chúa là Cha luôn yêu thương các bạn,
  • Chúa Kitô đã cứu độ các bạn,
  • ngày hôm nay Người vẫn đang sống, vẫn đồng hành với các bạn như một người Bạn thân thiết.
  • Tuổi trẻ là ân sủng và quà tặng mà các bạn cần đón nhận với lòng biết ơn và sống sung mãn chứ không lãng phí,
  • Hãy phát huy các khả năng Chúa ban để trở nên một người trưởng thành toàn diện. (Thư Chung HĐGMVN 10/2019)

Kết thúc Thư Chung, các giám mục Việt Nam ngỏ lời với các bạn trẻ Công giáo với hình ảnh của hai người trẻ trên đường Emmaus như những lời dạy dỗ, dặn dò, đồng thời nói lên sự quan tâm và lòng ưu ái của các ngài đối với những bạn trẻ, những đứa con đầy sức sống nhưng còn rất mong manh…

Các con rất thân mến,

“Khi chiêm ngắm hai người trẻ trong hành trình Emmaus, Đức Thánh Cha Phanxicô viết như sau: “Chúa Giêsu cùng đi với hai môn đệ… Người bước vào trong đêm tối của họ. Khi lắng nghe Người, họ cảm thấy lòng ấm lên và trí sáng ra; khi Người bẻ bánh, mắt họ mở ra. Chính họ chọn đi trở lại ngay lập tức con đường vừa đi, để về với cộng đoàn và chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ Đấng Phục Sinh” (Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 237).

Như hai người trẻ trên đường Emmaus, các con hãy đến với Chúa Giêsu,

  • tâm sự với Người trong cầu nguyện, lắng nghe lời Người trong Sách Thánh, đón nhận sức sống của Người trong Thánh Thể, nhờ đó biết nhìn cuộc đời với cặp mắt mới và nhận ra Chúa luôn đồng hành với các con.
  • các con hãy đến với cộng đoàn Giáo hội ở nơi các con đang sinh sống, học hành, làm việc. Đức tin Kitô giáo luôn mang chiều kích cộng đoàn. Các con không sống đức tin một mình nhưng với cộng đoàn và trong cộng đoàn.
  • hãy tích cực tham gia các sinh hoạt của giáo xứ, hội đoàn, hoặc cộng đoàn Kitô hữu nhỏ; nhờ đó các con cảm nhận được sự nâng đỡ trong những lúc khó khăn, đồng thời học mở lòng ra trước nhu cầu của tha nhân.
  • các con hãy mạnh dạn kể lại cho các bạn trẻ khác về kinh nghiệm đức tin của mình, kể bằng lời và bằng chính cuộc sống tốt lành của các con. Hơn ai hết, chính các con phải là tông đồ cho người trẻ, những người cùng trang lứa, sống trong cùng một thời đại và môi trường với các con.
  • các con sẽ trở thành những sứ giả loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô Phục Sinh cho mọi người, đồng thời góp phần dựng xây quê hương và dân tộc Việt Nam thịnh vượng, công bằng và hạnh phúc. (Thư Chung HĐGMVN 10/2019)

Các Giám mục của chúng ta còn nhắc nhở các bạn trẻ quảng đại đáp lại tiếng Chúa kêu gọi: như Đức Mẹ một khi đã thưa ‘Xin vâng’, Mẹ dấn bước với tất cả tình yêu trung tín, kể cả trong những lúc khó khăn và thử thách nhất. Mẹ thực sự là mẫu gương và hơn nữa, là Ngôi Sao Hy Vọng, dẫn bước chúng ta vượt qua mọi gian nan thử thách để bước đi trên con đường của Tin Mừng. Chúng ta cùng hướng về Đức Maria với tâm tình cậy trông và yêu mến. Nguyện xin Mẹ luôn đồng hành và chúc phúc cho chúng ta. (Thư Chung HĐGMVN 10/2019)

Nếu các bạn trẻ muốn tiến đến sự trưởng thành, xin đừng quên bền tâm kiên trì tập luyện với thái độ và tâm hồn luôn khiêm tốn mở lòng học hỏi từ những biến cố cuộc sống, từ những người xa, kẻ gần, người thân cũng như người không thiện cảm với ta… Và điều quan trọng nhất vẫn luôn nhìn lên Đức Kitô, Ngài vừa là CHA, là ANH cả, là BẠN và là THẦY…

Ngài bên ta, Ngài trong ta, Ngài luôn “có đó”!

Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, số 117 (tháng 3 & 4 năm 2020)