ĐTC gặp gỡ ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh
Hồng Thủy – Vatican News
Hiện nay có 183 quốc gia có quan hệ ngoại giao với Toà Thánh; bên cạnh đó còn có các tổ chức quốc tế như Liên minh Châu Âu và Hội Hiệp sĩ Malta. Trong số này có 91 quốc gia và tổ chức có trụ sở chính tại Rô-ma. Một số tổ chức khác có quan hệ ngoại giao với Toà Thánh cũng có trụ sở ở Rôma như Liên minh các nước Ả-rập, Tổ chức Quốc tế về Di dân và Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp quốc.
Lời chào của đại diện ngoại giao đoàn
Mở đầu cuộc gặp gỡ, niên trưởng ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh là đại sứ George Poulides của Cộng hoà Sýp đã thay mặt mọi người chào và chúc sức khoẻ Đức Thánh Cha.
Trước hết ông Poulides chia buồn về sự qua đi của Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI. Ông nói: “Tất cả chúng tôi đều nhớ đến ngài với lòng kính trọng và yêu mến, không chỉ vì sự cống hiến của ngài cho Giáo hội và văn hóa sâu sắc của ngài, mà còn vì sự dịu dàng và sẵn sàng của ngài đối với các nhà ngoại giao chúng tôi. Hơn nữa, trong tám năm dưới triều đại giáo hoàng của mình, Đức Biển Đức XVI đã thực hiện rất nhiều việc mục vụ và giảng dạy. Ngài cũng đã đến thăm nhiều quốc gia của chúng tôi.”
Đại sứ của Cộng hoà Sýp cũng đề cập đến một thứ virus mới đang hoành hành, đó là virus chiến tranh, với nhân loại bị thương tổn bởi bi kịch chiến tranh, bạo lực, đau khổ và tàn phá, chết chóc, di tản và tị nạn. Và nhắc lại lời của Đức Thánh Cha trong những dịp khác nhau, ông khẳng định: “Hoà bình là điều sống còn không chỉ đối với các quốc gia đang gặp khủng hoảng nhưng cả cho các quốc gia đang chịu những hậu quả bất hạnh này cách trực tiếp hay gián tiếp.”
Tiếp đến ông cảm ơn Đức Thánh Cha về các chuyến tông du viếng thăm các nước Malta, Canada, Kazakhstan và Bahrain, những nơi mà Đức Thánh Cha đã đưa ra những thông điệp liên đới, gặp gỡ, xây dựng xã hội và chung sống hoà bình.
Cuối cùng, ông cầu chúc Đức Thánh Cha chuyến hành hương hoà bình và hoà giải tại Cộng hoà Dân chủ Congo và Nam Sudan được tốt đẹp. Ông cảm ơn Đức Thánh Cha vì những hoạt động không mệt mỏi để mang lại hy vọng cho nhiều người trên thế giới.
Diễn văn của Đức Thánh Cha
Đức Thánh Cha bắt đầu diễn văn của mình, Đức Thánh Cha nói rằng cuộc gặp gỡ hôm nay được mong muốn là lời kêu gọi hoà bình cho một thế giới đang chứng kiến sự chia rẽ và chiến tranh ngày càng gia tăng.
Trước hết Đức Thánh Cha cảm ơn những lời chia buồn về sự ra đi của Đức cố Giáo hoàng Biển Đức và sự gần gũi của các quốc gia trong thời gian tang lễ.
Tiếp đến Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của các đại diện ngoại giao như là dấu chỉ của tình huynh đệ để giúp xây dựng hoà bình. “Nhiệm vụ của ngoại giao chính là giải quyết các xung đột và do đó thúc đẩy bầu không khí hợp tác và tin tưởng lẫn nhau vì các nhu cầu chung. Có thể nói, ngoại giao là một bài tập khiêm tốn, vì nó đòi hỏi chúng ta phải hy sinh một chút gì đó về bản thân để xây dựng mối quan hệ với người khác, để hiểu suy nghĩ và quan điểm của họ, từ đó chống lại sự kiêu ngạo và tự cao của con người, điều là nguyên nhân của mọi ý muốn gây chiến.”
Mối đe doạ của chiến tranh hạt nhân
Nhắc lại Thông điệp “Hoà bình dưới thế” của Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII được ban hành cách đây 60 năm, trong bối cảnh của mối đe doạ của chiến tranh hạt nhân, Đức Thánh Cha lưu ý rằng thế giới một lần nữa lại cảm thấy sợ hãi và đau khổ.
Đức Thánh Cha cũng nhận định rằng chiến tranh thế giới thứ ba đang xảy ra trên toàn cầu với những cuộc xung đột ảnh hưởng đến tất cả, điển hình là cuộc chiến tại Ucraina. Ngài nhắc lại hiến chế Vui mừng và Hy vọng: “Mọi hành động chiến tranh nhằm phá hủy bừa bãi toàn bộ thành phố hoặc khu vực rộng lớn cùng với cư dân của chúng là tội ác chống lại Thiên Chúa và nhân loại đáng bị lên án kiên quyết và dứt khoát.” Và ngài nói rằng ngài cảm thấy buộc phải lập lại lời kêu gọi chấm dứt ngay lập tức cuộc xung đột vô nghĩa này.
Bốn điều thiện cơ bản cần cho hoà bình
Sau khi đề cập đến các cuộc chiến ở Syria, giữa Palestine và Israel, ở miền đông Congo, vùng Cau-ca-dơ, ở Yemen, Ethiopia, tình trạng bất ổn ở Tây Phi… và bán đảo Triều Tiên, Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: Làm thế nào chúng ta có thể dệt lại những sợi chỉ hòa bình? Chúng ta bắt đầu từ đâu?
Đức Thánh Cha phác hoạ câu trả lời dựa trên Thông điệp Hoà bình dưới thế, trong đó Thánh Gioan XXIII xác tín rằng hòa bình có thể thực hiện được khi tôn trọng bốn điều thiện cơ bản: sự thật, công lý, liên đới và tự do. Chúng đóng vai trò là trụ cột điều chỉnh mối quan hệ giữa các cá nhân và cộng đồng chính trị.
Tình yêu phải chi phối các mối quan hệ
Đức Thánh Cha kết thúc diễn văn với mong ước có một lần cuộc gặp gỡ với các nhà ngoại giao không phải liệt kê lại các sự kiện bi thảm đang hoành hành trên thế giới của chúng ta. Tuy nhiên, ngài cũng hy vọng rằng mọi người sẽ nhận thức rằng “nhiệm vụ chính của mình xuất phát từ bản chất chung của chúng ta: đó là tình yêu, chứ không phải sự sợ hãi, phải chi phối mối quan hệ giữa các cá nhân và giữa các quốc gia. Đặc điểm cơ bản của tình yêu là nó kéo con người lại với nhau bằng mọi cách, hiệp nhất chân thành với nhau trong mối quan hệ của tinh thần và vật chất; và đây là sự kết hợp mà từ đó xuất phát muôn vàn phúc lành” (PT 129).