ĐTC làm phép quả chuông “Tiếng nói của người không được chào đời”
Trước buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 22/3/2023, Đức Thánh Cha đã long trọng làm phép quả chuông “Tiếng nói của người không được chào đời”. Chuông này sẽ được trao cho Nhà thờ chính tòa Lusaka của Zambia.
Hồng Thủy – Vatican News
Nghi thức làm phép chuông được thực hiện bên ngoài Đại thính đường Phaolô VI, có sự tham dự của Đức Tổng Giám mục Alick Banda của Lusaka và ông Bogdan Romaniuk, Phó Chủ tịch của Tổ chức “Yes To Life”.
Sự Thánh thiêng của Sự Sống
Sau đó, trong buổi tiếp kiến chung, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Lễ Thiên thần Truyền Tin, được cử hành vào ngày 25/3, được nhớ đến ở Ba Lan như là Ngày Sự Thánh thiêng của Sự Sống.
Đức Thánh Cha cũng chỉ ra rằng chuông “Tiếng nói của người không được chào đời” là một lời nhắc nhở về sự cần thiết phải bảo vệ sự sống từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên.
Ngài nói: “Như một dấu hiệu cho thấy sự cần thiết phải bảo vệ sự sống của con người từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên, Tổ chức ‘Yes to Life’ đang tặng cho Zambia chuông ‘Tiếng nói của người không được chào đời,’ một quả chuông mà tôi đã làm phép. Mong rằng âm thanh của nó mang thông điệp rằng mọi sự sống đều thánh thiêng và bất khả xâm phạm.”
Nâng cao nhận thức về vấn đề bảo vệ sự sống
Quả Chuông đặc biệt này sẽ được chuyển đến Nhà thờ Chính tòa Chúa Hài Đồng ở Lusaka, Zambia. Nó cũng sẽ được đưa đến nhiều thị trấn và thành phố của Zambia trước khi được đưa lên tháp chuông Nhà thờ Chính toà.
Đức Tổng Giám mục Banda của Lusaka cho biết, sáng kiến này “là một phần của một loạt các chương trình do chính Tổng Giáo phận tổ chức và được hỗ trợ bởi Giáo hội Công giáo ở Ba Lan, nhằm nâng cao nhận thức, cũng nhờ sự chúc lành của Đức Thánh Cha Phanxicô, người dân của quốc gia châu Phi về chủ đề bảo vệ sự sống, từ khi được thụ thai.”
Các quả chuông “Tiếng nói của người không được chào đời” đã vang lên ở Ba Lan, Ucraina và Ecuador. Đức Thánh Cha Phanxicô là người đầu tiên gióng lên tiếng chuông của những quả chuông này. Các quốc gia khác – Pháp, Mexico và Nicaragua – cũng bày tỏ sự quan tâm đến sáng kiến này.