ĐTC Phanxicô: Con Người Là “Hành Khất Của Thiên Chúa”


Trong loạt bài giáo lý mới về chủ đề cầu nguyện, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cầu nguyện. Cầu nguyện là hơi thở của đức tin. Người có đức tin là người không tập quen với sự ác nhưng phản kháng, kêu gào với hy vọng được cứu độ.

Trong buổi tiếp kiến chung trực tuyến từ Dinh Tông Tòa vào sáng thứ Tư 06/05, Đức Thánh Cha bắt đầu loạt bài giáo lý mới về chủ đề cầu nguyện. Từ câu chuyện của Ba-ti-mê, người mù thành Giê-ri-cô, Đức Thánh Cha nhận định rằng cầu nguyện là hơi thở của đức tin, là tiếng kêu phát ra từ trái tim của người tin tưởng vào Thiên Chúa. Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu kiên trì cầu nguyện, đặc biệt là trong những thời khắc khó khăn, và tin tưởng cầu xin với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con!”

Cầu nguyện là hơi thở của đức tin

 Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

 Hôm nay chúng ta bẳt đầu loạt bài giáo lý mới về chủ đề cầu nguyện. Cầu nguyện là hơi thở của đức tin, là cách diễn tả đúng nhất của đức tin; nó giống như tiếng kêu phát xuất từ trái tim của người tin và tín thác vào Thiên Chúa.

Tiếng kêu của anh mù Ba-ti-mê

Chúng ta hãy nghĩ về câu chuyện của anh Ba-ti-mê, một nhân vật trong Tin Mừng (x. Mc 10,46-52) và tôi thú nhận với anh chị em, đối với tôi, đây là nhân vật dễ thương nhất trong tất cả . Anh ta bị mù và ngồi ăn xin bên vệ đường ở ngoại ô thành phố Giê-ri-cô. Anh ta không phải là một nhân vật vô danh, anh ta có một khuôn mặt, một cái tên: Ba-ti-mê, nghĩa là “con của ông Ti-mê”. Một ngày nọ, ông nghe nói rằng Chúa Giêsu sẽ đi qua. Trên thực tế, Giê-ri-cô là một ngã tư, nơi những người hành hương và thương nhân liên tục đi ngang qua. Rồi Ba-ti-mê làm mọi cách để có thể gặp Chúa Giêsu. Nhiều người cũng làm giống như vậy: chúng ta hãy nhớ đến ông Gia-kêu leo lên cây. Rất nhiều người muốn nhìn thấy Chúa Giêsu, và anh ta cũng thế.

Như thế, người đàn ông này bước vào Tin Mừng như một tiếng kêu lớn. Anh không nhìn thấy, không biết Chúa Giêsu ở gần hay ở xa, nhưng anh nghe, anh biết được nhờ đám đông, khi tiếng ồn tăng lên và đến gần … Nhưng anh hoàn toàn cô độc, và không ai quan tâm đến anh. Ba-ti-me làm gì? Kêu lớn. Gào lên, và tiếp tục hét lên. Anh sử dụng vũ khí duy nhất mình đang có: đó là tiếng nói. Anh bắt đầu hét to lên: “Lạy ông Giêsu, Con Vua David, xin rủ lòng thương tôi!” (c. 47). Cứ thế, anh tiếp tục hét to lên.

Tiếng kêu thét lặp đi lặp lại của anh gây phiền phức, và nhiều người mắng anh, bảo anh im lặng: “Này, cư xử có giáo dục đi, đừng làm như thế!”. Nhưng Ba-ti-mê không im lặng, ngược lại, anh còn hét to hơn: “Lạy ông Giêsu, Con Vua David, xin rủ lòng thương tôi!” (c. 47). Sự bướng bỉnh rất dễ thương của những người tìm kiếm ơn lành và gõ cửa trái tim của Thiên Chúa. Anh kêu to, gõ cửa. Câu nói “Con Vua David” rất quan trọng; nó có nghĩa là “Đấng Thiên Sai” – tuyên xưng Đấng Thiên Sai –, đó là một lời tuyên xưng đức tin xuất phát từ miệng của người bị mọi người khinh bỉ coi thường.

Lời cầu nguyện của anh Ba-ti-mê chạm đến trái tim của Chúa

Và Chúa Giêsu lắng nghe tiếng kêu của anh. Lời cầu nguyện của anh Ba-ti-mê chạm đến trái tim của Chúa, trái tim của Thiên Chúa và cánh cửa cứu độ được mở ra cho anh. Chúa Giêsu gọi anh. Anh nhảy lên và những người trước đây bảo anh giữ im lặng thì giờ đây dẫn anh ta đến với vị Tôn sư. Chúa Giêsu nói chuyện với anh, yêu cầu anh giải bày mong muốn của mình – điều này rất quan trọng – và sau đó tiếng kêu trở thành một lời cầu xin: “Xin cho tôi nhìn thấy lại!” (x. 51).

Cầu nguyện xuất phát từ sự khiêm nhường

Chúa Giêsu nói với anh: “Anh hãy đi, đức tin của anh đã cứu anh” (c. 52). Chúa nhận ra nơi người đàn ông đáng thương, bất lực, bị coi thường đó, tất cả sức mạnh của đức tin của anh, điều thu hút lòng thương xót và quyền năng của Thiên Chúa. Đức tin là giơ hai tay lên trời và kêu lớn cầu xin ơn cứu độ. Giáo lý nói rằng “khiêm tốn là nền tảng của cầu nguyện” (Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2559). Lời cầu nguyện phát sinh từ sự khiêm hạ. Từ humus trong tiếng Latinh có nghĩa là bùn, từ từ này xuất phát từ “khiêm tốn”, “khiêm nhường” trong tiếng Ý; Như thế, cầu nguyện xuất phát từ trạng thái bấp bênh của chúng ta, từ nỗi khao khát Thiên Chúa không nguôi của chúng ta (x. Ibid., 2560-2561).

Đức tin thì phản kháng và hy vọng, còn “phi đức tin” thì chịu đựng

Đức tin, như chúng ta thấy nơi anh Ba-ti-mê, là một tiếng kêu gào; điều không có đức tin thì bóp nghẹt tiếng kêu đó. Đó là thái độ của dân chúng khi bảo anh mù im lặng: họ không phải là người của đức tin, nhưng anh mù thì ngược lại. Bóp nghẹt tiếng kêu là một loại “bưng bít “. Đức tin là sự phản kháng lại một tình cảnh đau đớn mà chúng ta không hiểu tại sao; còn không có đức tin thì bị giới hạn trong việc chịu đựng một tình huống mà chúng ta đã thích nghi. Đức tin là hy vọng được cứu; phi đức tin thì dần quen với sự ác áp bức chúng ta.

Anh chị em thân mến, chúng ta bắt đầu loạt bài giáo lý này bằng tiếng kêu của anh Ba-ti-mê, bởi vì có lẽ mọi thứ đã được viết trong một nhân vật như anh. Anh Ba-ti-mê là một con người kiên trì. Xung quanh anh có những người giải thích rằng cầu xin là vô ích, đó là tiếng kêu không được đáp lại, đó là một tiếng ồn làm phiền và đó là tất cả: nhưng anh không im lặng. Và cuối cùng anh đã có được thứ mình muốn.

Tiếng nói khẩn cầu trong lòng người

Mạnh mẽ hơn bất kỳ lý lẽ trái ngược nào, trong lòng con người có một tiếng nói khẩn cầu. Một tiếng nói phát ra một cách tự nhiên, không có ai ra lệnh cho nó, một tiếng nói đặt câu hỏi về ý nghĩa của hành trình của chúng ta trên trái đất này, đặc biệt là khi chúng ta đang gặp hoàn cảnh tăm tối: “Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con! Lạy Chúa Giêsu thương xót tất cả chúng con!”. Một lời cầu nguyện tuyệt vời!

Con người là “hành khất của Chúa”

Nhưng có phải những từ này không được khắc sâu trong mọi loài thụ tạo? Tất cả cầu khẩn và cầu xin để mầu nhiệm của lòng thương xót hoàn thành trọn vẹn. Không chỉ các Kitô hữu cầu nguyện: họ chia sẻ tiếng kêu cứu cầu nguyện với tất cả mọi người nam nữ. Nhưng thánh Phaolô nói rằng muôn loài thụ tạo “cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 8,22). Các nghệ sĩ thường trở thành người phiên dịch cho tiếng kêu khóc thầm lặng của thụ tạo, điều in dấu nơi mọi sinh vật và đặc biệt trong trái tim con người, bởi vì con người là một ” hành khất của Thiên Chúa” (x. GLHTCG, 2559). Một định nghĩa thật hay về con người: “người hành khất của Chúa.”

Nguồn: Vatican News Tiếng Việt