ĐTC Phanxicô: Đừng Để Mình Bị Sự Vô Cảm, Ích Kỷ Lôi Kéo


Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa nhật 14/7, dựa trên đoạn Tin Mừng về người Samari nhân hậu, ĐTC đề cao tấm gương của lòng thương xót của người Samari này và mời gọi các tín hữu hãy trở nên môn đệ của Chúa qua việc yêu thương anh em, vì yêu tha nhân là yêu Chúa. ĐTC cũng nhắc các tín hữu đừng để mình bị sự vô cảm ích kỷ lôi kéo.

Huấn dụ của ĐTC

Anh chị em thân mến,

Hôm nay, Tin Mừng thuật lại với chúng ta dụ ngôn nổi tiếng về “người Samari nhân hậu” (x. Lc10,25-37). Được một tiến sĩ luật hỏi về điều cần thiết phải làm để được hưởng sự sống đời đời, Chúa Giêsu đã mời ông ta tìm câu trả lời trong Kinh Thánh: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình” (c. 27). Tuy nhiên, có những cách giải thích khác nhau về việc ai được xem là “người thân cận”. Thật sự là người đó còn hỏi: “Và ai là người thân cận của tôi?” (c. 29). Về điểm này, Chúa Giêsu trả lời bằng một dụ ngôn, một dụ ngôn rất đẹp. Tôi mời gọi anh chị em, hôm nay, cầm sách Tin Mừng Luca và đọc dụ ngôn ở chương 10 câu 25, là một trong những dụ ngôn hay nhất. Dụ ngôn này đã trở thành mô thức cho đời sống Kitô hữu và thành gương mẫu cho cách hành xử của một Kitô hữu. Nhờ thánh sử Luca chúng ta có được kho báu này.

Người dân ngoại cũng có thể sống theo ý Chúa

Nhân vật chính trong trình thuật ngắn là một người xứ Samaria. Trên đường đi, ông đã gặp một người bị những tên cướp cướp của và đánh đập. Chúng ta biết rằng người Do thái khinh khi người Samaria, xem họ là dân ngoại bang so với dân tộc được tuyển chọn. Do đó không phải tình cờ mà Chúa Giêsu đã chọn chính người Samari như nhân vật chính diện của dụ ngôn. Bằng cách này, Chúa muốn vượt qua định kiến, chỉ cho thấy rằng ngay cả một người dân ngoại, ngay cả một người không biết Thiên Chúa thật và không đến đền thờ, có thể hành xử theo ý Chúa khi bày tỏ lòng xót thương đối với người anh em khốn khổ và cứu giúp anh ta với tất cả điều kiện mà ông có thể.

Trên con đường ấy, trước người Samaritano, đã có một tư tế và một thầy Lêvi đi ngang qua. Họ nhìn thấy con người đáng thương nằm trên đất, họ đã đi ngang qua mà không dừng lại, có thể là để không bị ô uế bởi máu của người bị nạn. Họ đã đặt luật con người, bị trói buộc với nghi lễ, lên trên trước giới răn quan trọng của Chúa, là giới răn muốn lòng thương xót trước hết.

Yêu thương anh em là yêu mến Thiên Chúa

Do đó, Chúa Giêsu đã xem người Samari như là gương mẫu, một người không có đức tin! Chúng ta cũng hãy nghĩ đến rất nhiều người mà chúng ta biết, họ làm điều tốt. Chúa Giêsu đã chọn một người không có đức tin để làm gương mẫu. Người này, khi yêu thương anh em như chính mình, chứng tỏ mình yêu mến Thiên Chúa với tất cả tâm hồn và sức lực và đồng thời, vừa diễn tả tinh thần tôn giáo thật sự vừa diễn tả tấm lòng hết sức nhân đạo.

Khả năng thương xót: phép thử của Kitô hữu

Sau khi đã kể dụ ngôn rất hay này, Chúa Giêsu lại hướng về vị tiến sĩ luật đã hỏi Chúa “ai là người thân cận của tôi?”, và nói với ông: “Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” (c. 36). Bằng cách này, Chúa đã đảo lộn câu hỏi của người hỏi và cũng là đảo lộn lối lý luận của tất cả chúng ta. Nó giúp chúng ta hiểu rằng không phải chúng ta, dựa trên những tiêu chuẩn của chúng ta, định nghĩa ai là người thân cận và ai không phải, nhưng chính người ở trong hoàn cảnh hoạn nạn là người phải có thể nhận biết ai là người thân cận của mình, nghĩa là “người có lòng thương xót với mình” (c. 37). Có khả năng thương xót: đây là chìa khóa.

Đừng để chúng ta bị sự vô cảm ích kỷ lôi kéo

Nếu bạn đứng trước một người hoạn nạn mà bạn không có lòng thương xót, nếu trái tim bạn không rung động, thì có nghĩa là có điều gì đó không ổn. Bạn hãy chú ý, chúng ta phải để ý. Đừng để chúng ta bị sự vô cảm ích kỷ lôi kéo. Khả năng thương xót trở thành hòn đá thử vàng của Kitô hữu, đó là giáo huấn của Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu là lòng trắc ẩn của Chúa Cha đối với chúng ta. Nếu bạn đi xuống phố và thấy một người đàn ông vô gia cư đang nằm đó, và bạn đi qua mà không hề nhìn anh ta, hoặc có lẽ bạn nghĩ: “Chà, tác dụng của rượu. Một người say rượu”. Đừng tự hỏi xem người đàn ông đó có say không; hãy tự hỏi xem trái tim bạn có bị chai cứng không, trái tim bạn có trở thành băng giá không.

Lòng thương xót là gương mặt thật sự của tình yêu

Kết luận này chứng tỏ rằng lòng thương xót đối với cuộc sống con người đang khốn khổ là gương mặt thật sự của tình yêu. Và như thế họ trở thành các môn đệ thật sự của Chúa Giêsu và tỏ bày gương mặt của Chúa Cha: “Các con hãy có lòng thương xót, như Cha các con là đấng thương xót” (Lc 6,36). Thiên Chúa, Cha của chúng ta có lòng thương xót, bởi vì Người cảm thương; Người có khả năng thương xót, đến gần với nỗi đau của chúng ta, với tội lỗi, tính xấu và sự khốn cùng của chúng ta.

Xin Đức Maria giúp chúng ta hiểu và nhất là luôn sống hơn nữa mối liên kết không thể phá vỡ giữa tình yêu dành cho Thiên Chúa, Cha của chúng ta, và tình yêu cụ thể và quảng đại đối với anh em của chúng ta và xin Người ban cho chúng ta có lòng thương xót và lớn lên trong sự cảm thương.

Cầu nguyện cho Venezuela

Sau Kinh Truyền Tin, ĐTC bày tỏ sự gần gũi của ngài với nhân dân Venezuela, đặc biệt là họ đang chịu cuộc khủng hoảng dai dẳng. ĐTC mời gọi các tín hữu cầu nguyện, xin Chúa hướng dẫn và soi sáng các phe liên quan, để họ có thể sớm đi đến một thỏa thuận, chấm dứt việc gây đau khổ cho dân chúng, vì thiện ích của đất nước và của toàn vùng.

Hồng Thủy

Nguồn: Vatican News