ĐTC Phanxicô: Giáo Hội Phải Làm Chứng Cho Tầm Quan Trọng Của Vẻ Đẹp Và Văn Hóa
Phát biểu tại lễ khánh thành Phòng triển lãm của Thư viện Vatican, vào chiều thứ Sáu, 05/11/2021, đi từ cội nguồn chung của hai từ “đẹp” và “tốt”, Đức Thánh Cha nói: “Giáo hội phải làm chứng cho tầm quan trọng của vẻ đẹp và văn hóa”.
Để quảng diễn hai từ trên, Đức Thánh Cha trích một câu trong Tin Mừng Gioan “Tôi là Mục Tử tốt lành” (Ga 10,11). Theo Đức Thánh Cha, câu này cũng có nghĩa là “Tôi là Mục Tử đẹp”. Và trong Tin Mừng Mátthêu, Chúa Giêsu cũng nói đến vẻ đẹp của các môn đệ: Ngài thách thức các ông chiếu sáng, làm cho người ta thấy nét đẹp công việc của các ông như một cách thức ngợi khen Thiên Chúa: ‘Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời’(Mt 5,16)”.
Đức Thánh Cha mong ước ánh sáng của Thư viện toả sáng, không chỉ nhờ khoa học, nhưng còn nhờ vẻ đẹp. Ngài chỉ rõ rằng nét đẹp không phải là ảo ảnh thoáng qua bề ngoài hay một vật trang trí, trái lại nét đẹp phải xuất phát từ cội nguồn của sự tốt lành, sự thật và công lý, là những từ đồng nghĩa với từ vẻ đẹp.
Đức Thánh Cha nói thêm: “Nhưng chúng ta không được quên suy nghĩ và nói về cái đẹp, bởi vì tâm hồn con người không chỉ cần cơm bánh, không chỉ cần những gì đảm bảo sự tồn tại trước mắt. Tâm hồn còn cần văn hóa, điều chạm đến tâm hồn, đưa con người đến gần hơn phẩm giá sâu sắc của mình. Vì điều này, Giáo hội phải làm chứng cho tầm quan trọng của vẻ đẹp và văn hóa”.
Ca ngợi công việc tốt đẹp của Thư viện Vatican, Đức Thánh Cha tập trung vào cuộc triển lãm của hoạ sĩ người Ý Pietro Ruffo, một con đường suy tư về thông điệp Fratelli tutti. Tất cả được hình thành như một cuộc đối thoại giữa cổ xưa và hiện tại, giữa một di sản vô giá được lưu giữ trong năm thế kỷ lịch sử và nghệ thuật biểu diễn hiện nay. Đức Thánh Cha nói rằng: “Tôi thích cuộc đánh cược này về sự đối thoại”. Ngài nói: “Cuộc sống là nghệ thuật gặp gỡ. Các nền văn hóa bị bệnh khi chúng trở nên tự tham chiếu, khi chúng mất đi sự ham hiểu biết và mở ra với người khác”.