ĐTC Phanxicô: Hãy Lắng Nghe Lời Chúa Và Xin Ơn Chữa Lành
Trưa Chúa Nhật 31/01/2021, từ Thư viện dinh Tông tòa, Đức Thánh Cha đọc kinh Truyền Tin trực tuyến với các tín hữu. Trước đó, Đức Thánh Cha đã có bài giáo lý ngắn dựa theo Tin Mừng Chúa nhật IV Thường niên, nói về việc Chúa Giêsu đến giảng dạy tại hội đường Caphácnaum. Mọi người kinh ngạc và thán phục về uy quyền của Chúa trong cách Chúa giảng dạy và trục xuất thần ô uế.
Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh Cha tóm tắt đoạn Tin Mừng theo Thánh Máccô: “Đoạn Tin Mừng hôm nay (Mc 1, 21-28) thuật lại một ngày điển hình trong sứ vụ của Chúa Giêsu, đặc biệt đó là ngày thứ Bảy, một ngày dành để nghỉ ngơi và cầu nguyện. Trong hội đường Caphácnaum, Chúa Giêsu đọc và diễn giải về Sách Thánh. Cách nói của Chúa thu hút mọi người. Họ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư (câu 22). Hơn nữa, Chúa Giêsu còn tỏ quyền năng trong việc Người làm. Thực vậy, lúc đó, trong hội đường, một người lên tiếng chất vấn chống lại Chúa, nhằm thử xem Chúa có phải là Đấng Thánh của Thiên Chúa không. Chúa Giêsu nhận ra người này bị thần ô uế nhập, nên đã ra lệnh thần ô uế xuất ra khỏi người này” (câu 23-26).
Đức Thánh Cha giải thích: “Ở đây chúng ta thấy hai yếu tố đặc trưng trong hành động của Chúa Giêsu: rao giảng và chữa bệnh. Cả hai khía cạnh này đều nổi bật trong đoạn Tin Mừng Thánh Máccô, nhưng nổi bật nhất là khía cạnh rao giảng. Còn việc trừ quỷ của Chúa được trình bày nhằm xác nhận ‘uy quyền’ đặc biệt và lời giảng dạy của Chúa Giêsu. Chúa giảng dạy với uy quyền của chính Người, như một người có một giáo huấn riêng, và không giống như những kinh sư lặp lại những truyền thống và luật lệ được truyền lại. Lời giảng dạy của Chúa Giêsu có uy quyền như chính uy quyền của Thiên Chúa phán. Thực tế, với một mệnh lệnh duy nhất, Chúa dễ dàng giải thoát người bị thần ô uế nhập và chữa lành người đó”.
Đức Thánh Cha nói tiếp: “Khía cạnh thứ hai là sự chữa lành, cho thấy rằng lời rao giảng của Đức Kitô nhằm mục đích đánh bại sự dữ hiện diện trong con người và trong thế giới. Lời của Người chỉ thẳng vào vương quốc của Satan, khiến nó rơi vào khủng hoảng và phải rút lui, buộc nó phải rời bỏ thế giới. Theo lệnh của Chúa, người bị thần ô uế nhập được giải thoát và biến đổi thành một người mới. Hơn nữa, lời rao giảng của Chúa Giêsu đối lập với kiểu lý luận của thế gian và ma quỷ. Thật vậy, ma quỷ hiện diện trong người bị thần ô uế nhập, kêu lên khi Chúa Giêsu đến gần: Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? (câu 24). Những biểu hiện này cho thấy giữa Chúa và Satan hoàn toàn xa lạ: hai bên ở trên những bình diện hoàn toàn khác nhau; không có điểm chung; đối lập với nhau”.
Liên quan đến bài học rút ra từ Tin Mừng, Đức Thánh Cha nhắc nhớ rằng, Chúa Giêsu, Đấng thu hút mọi người bằng uy quyền của Người và cũng là vị ngôn sứ giải thoát, ngôn sứ của lời hứa là Con Thiên Chúa, Đấng chữa lành. Vì vậy, chúng ta hãy lắng nghe những lời uy quyền của Chúa Giêsu. Hãy luôn mang theo bên mình một cuốn Tin Mừng nhỏ để đọc trong ngày, để lắng nghe lời uy quyền của Chúa Giêsu. Và rồi, tất cả chúng ta đều có những vấn đề, tất cả chúng ta đều có tội; hãy cầu xin Chúa: “Lạy Chúa Giêsu, Chúa là vị ngôn sứ, Con Thiên Chúa, là Đấng của lời hứa để chữa lành chúng con . Xin chữa lãnh chúng con”. Hãy cầu xin Chúa Giêsu chữa lành tội lỗi, bệnh tật của chúng ta.
Đức Thánh Cha kết thúc bài giáo lý mời gọi mọi người hướng về Đức Maria. Mẹ luôn ghi nhớ trong lòng những lời nói và cử chỉ của Chúa Giêsu, và theo Chúa với sự sẵn sàng và trung thành tuyệt đối. Xin Mẹ cũng giúp chúng ta lắng nghe và đi theo Chúa, để cảm nghiệm những dấu hiệu của ơn cứu độ của Chúa trong cuộc sống của chúng ta.
Nguồn: Vatican News Tiếng Việt