ĐTC Phanxicô: Môn Đệ Tốt Của Chúa Là Người Luôn Tỉnh Thức


Sáng thứ Tư ngày 14 tháng 12, trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về sự phân định. Trong bài giáo lý thứ 12 về chủ đề phân định, Đức Thánh Cha đã trình bày một thái độ căn bản hướng dẫn toàn bộ tiến trình phân định, đó là thái độ tỉnh thức. Ngài nhắc lại lời Chúa Giêsu, người môn đệ tốt phải tỉnh thức, không mê ngủ, không để mình trở nên quá tự tin khi mọi việc đang diễn ra tốt đẹp, nhưng luôn chú tâm và sẵn sàng thi hành bổn phận của mình.

Hồng Thủy – Vatican News
Đức Thánh Cha nhắc lại rằng Chúa Giêsu thường cảnh báo các môn đệ về việc cần phải tỉnh thức, kẻo kẻ thù lợi dụng sự sao nhãng của chúng ta và làm cho những nỗ lực tốt đẹp của chúng ta trở nên vô nghĩa. Chúa đã đưa ra ví dụ về một thần ô uế bị đuổi khỏi một ngôi nhà, sau đó, khi trở lại, nó thấy ngôi nhà sạch sẽ nhưng trống rỗng vì chủ nhân đi vắng, nó liền trở lại với bảy đồng đảng của nó.
Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng, giống như người chủ đó, chúng ta cũng có thể không canh giữ nhà mình và giữ tâm hồn trong sạch để làm nơi cho Chúa cư ngụ. Khi chúng ta tin tưởng quá mức vào chính mình mà không tin vào ân sủng của Chúa, thì tính tự phụ của chúng ta có thể mở cửa cho ma quỷ và tình cảnh của chúng ta sẽ trở nên “tồi tệ hơn trước” (x. Mt 12,45). Và Đức Thánh Cha mong ước rằng khi thực hành sự phân định, chúng ta cần luôn tỉnh thức, vì tỉnh thức là dấu hiệu của sự khôn ngoan thiêng liêng và của lòng khiêm nhường, điều vốn là tâm điểm của đời sống Kitô hữu.
Như thường lệ, buổi tiếp kiến được bắt đầu với phần công bố Lời Chúa. Dụ ngôn ngắn trích từ Tin Mừng thánh Mát-thêu (12, 43-45) được công bố bằng một số ngôn ngữ chính:
[Chúa Giêsu nói:] Khi thần ô uế xuất khỏi một người, thì nó đi rảo qua những nơi khô cháy, tìm chốn nghỉ ngơi mà tìm không ra. Bấy giờ nó nói: ‘Ta sẽ trở về nhà ta, nơi ta đã bỏ ra đi. Khi đến nơi, nó thấy nhà để trống, lại được quét tước, trang hoàng hẳn hoi. Nó liền đi kéo thêm bảy thần khác dữ hơn nó, và chúng vào ở đó. Rốt cuộc, tình trạng của người ấy lại còn tệ hơn trước. Thế hệ gian ác này rồi cũng sẽ bị như vậy.
Sau đó Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý như sau:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Giờ đây chúng ta đang bước vào giai đoạn cuối cùng của loạt bài giáo lý về sự phân định. Chúng ta đã bắt đầu từ gương của Thánh Inhaxiô thành Loyola; sau đó chúng ta đã xem xét các yếu tố của sự phân định, cụ thể là cầu nguyện, biết chính mình, ước muốn và “cuốn sách cuộc đời”; chúng ta đã tập trung vào sự sầu khổ và sự an ủi, những điều tạo thành “chất liệu” của sự phân định; và rồi chúng ta đã đi đến việc xác nhận lựa chọn được thực hiện.
Tôi nghĩ rằng lúc này cần phải thêm một lời nhắc nhở về một thái độ thiết yếu để toàn bộ công việc được thực hiện để phân định điều tốt nhất và đưa ra quyết định đúng đắn không bị trở nên vô nghĩa; đó là thái độ tỉnh thức… Bởi vì trong thực tế có một nguy hiểm, như chúng ta đã nghe trong đoạn Tin Mừng vừa được công bố. Có một nguy hiểm, và đó là “kẻ phá rối”, tức là ma quỷ, có thể phá hỏng mọi thứ, khiến chúng ta phải trở lại từ đầu, thực ra, trong một tình trạng thậm chí còn tồi tệ hơn. Đây là lý do tại sao tỉnh thức là điều cần thiết. Do đó, hôm nay, dường như là thích hợp khi nhấn mạnh thái độ này, điều mà tất cả chúng ta đều cần để tiến trình phân định được thành công.
Thật vậy, trong lời rao giảng của mình, Chúa Giêsu nhấn mạnh rất nhiều đến việc người môn đệ tốt phải tỉnh thức, không mê ngủ, không để mình trở nên quá tự tin khi mọi việc đang diễn ra tốt đẹp, nhưng luôn chú tâm và sẵn sàng thi hành bổn phận của mình.
Ví dụ, trong Tin Mừng theo thánh Luca, Chúa Giêsu nói: “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ” (12,35-37).
Tỉnh thức để gìn giữ trái tim chúng ta và hiểu điều đang xảy ra trong nội tâm.
Đó là trạng thái tinh thần của các Kitô hữu đang chờ đợi Chúa đến lần cuối; nhưng nó cũng có thể được hiểu là thái độ thông thường trong cách cư xử trong cuộc sống, để những lựa chọn tốt của chúng ta, đôi khi được thực hiện sau khi phân định kỹ càng, có thể tiếp tục một cách kiên trì và nhất quán và đơm hoa kết trái.
Đức Thánh Cha giải thích thêm: Nếu thiếu cảnh giác, như chúng ta đã nói, sẽ có nguy cơ rất lớn là tất cả sẽ trở nên vô nghĩa. Vấn đề không phải là sự nguy hiểm của một trật tự tâm lý, nhưng là của một trật tự thiêng liêng, một cạm bẫy thực sự của ma quỷ. Trên thực tế, ma quỷ chờ đợi chính thời điểm mà chúng ta quá tự tin về bản thân, khi mọi thứ diễn ra tốt đẹp, khi mọi thứ đang diễn ra “suôn sẻ” và như người ta nói, chúng ta đang “thuận buồm xuôi gió”. Thật vậy, dụ ngôn ngắn trong Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe thuật lại rằng thần ô uế khi quay trở lại ngôi nhà thì “thấy nhà để trống, lại được quét tước, trang hoàng hẳn hoi” (Mt 12,44). Mọi thứ đã sẵn sàng, mọi thứ đều theo thứ tự, nhưng chủ nhà ở đâu? Không có. Không có ai canh chừng và bảo vệ ngôi nhà. Đó là vấn đề. Chủ nhà không có ở đó, ông đã ra ngoài, ông bị phân tâm; hoặc ông đang ở nhà nhưng đang ngủ, và do đó giống như ông không đang ở đó. Ông không tỉnh thức, ông không chú ý, bởi vì ông quá tự tin và đã mất đi sự khiêm tốn để bảo vệ trái tim mình. Chúng ta phải luôn luôn bảo vệ ngôi nhà của chúng ta, tâm hồn của chúng ta và không lơ là.
Khi đó, ma quỷ có thể lợi dụng nó và quay trở lại ngôi nhà đó. Tin Mừng nói rằng tuy nhiên nó không trở lại một mình, nhưng cùng với “bảy thần khác dữ hơn nó” (c. 45). Một bè lũ bất lương, một băng nhóm tội phạm. Nhưng – chúng ta tự hỏi – làm sao chúng có thể ngang nhiên vào nhà mà không bị ngăn chặn? Sao chủ nhà lại không nhận ra? Chẳng phải là ông rất giỏi phân định sao? Chẳng phải ông cũng đã nhận được lời khen từ bạn bè và hàng xóm về ngôi nhà đó thật đẹp và trang nhã, thật ngăn nắp và sạch sẽ đó sao? Phải, nhưng có lẽ chính vì lý do này mà ông đã quá yêu ngôi nhà, nghĩa là yêu chính mình, và đã thôi chờ đợi Chúa, không còn chờ đợi Chàng rể đến; có lẽ vì sợ làm rối loạn trật tự đó, ông không tiếp đón ai nữa, ông không mời những người nghèo, những người vô gia cư, những người làm phiền… Có một điều chắc chắn: ở đây có tính kiêu ngạo xấu xa, tự cho mình là công chính, là người giỏi giang, là người đúng đắn, đâu ra đó. Nhiều lần chúng ta nghe có người nói: “Đúng, trước đây tôi xấu xa, tôi đã hoán cải và giờ đây, ngôi nhà ngăn nắp nhờ ơn Chúa, và bạn hãy an tâm về điều này…” Khi chúng ta tin tưởng quá nhiều vào chính mình mà không tin vào ân sủng của Thiên Chúa, thì thần dữ sẽ tìm thấy cánh cửa mở. Sau đó nó tổ chức cuộc thám hiểm và chiếm hữu ngôi nhà đó. Và Chúa Giêsu kết luận: “Tình trạng của người ấy trở nên tồi tệ hơn trước” (c.45).
Nhưng chủ nhân không nhận ra sao? Không, bởi vì đây là những con quỷ tinh tế: chúng bước vào mà bạn không nhận ra, chúng gõ cửa, chúng lịch sự và rồi cuối cùng chúng điều khiển tâm hồn bạn… Hãy bảo vệ ngôi nhà khỏi sự lừa dối này, những con quỷ tinh tế.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha nói với các tín hữu: Anh chị em thân mến, nó tưởng chừng như không thể nhưng đó là sự thật. Nhiều khi chúng ta bị thua, bị đánh bại trong các trận chiến, vì chúng ta thiếu sự tỉnh thức. Có lẽ nhiều khi Chúa đã ban nhiều ân sủng, nhiều ân sủng và cuối cùng chúng ta không thể kiên trì trong ân sủng này và chúng ta mất tất cả, vì chúng ta thiếu tỉnh thức: chúng ta đã không canh giữ các cửa. Và rồi chúng ta đã bị lừa gạt bởi một con quỷ tinh tế, và chúng ta cho nó vào và chào đón nó…
Mỗi người cũng có thể xác minh điều này bằng cách nghĩ lại lịch sử cá nhân của họ. Chỉ phân định tốt và đưa ra một lựa chọn tốt thôi thì chưa đủ. Không, như thế chưa đủ: chúng ta phải tỉnh thức, bảo vệ ân sủng mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, nhưng hãy tỉnh thức, bởi vì bạn có thể nói với tôi: “Nhưng khi tôi thấy một sự lộn xộn nào đó, tôi nhận ra ngay rằng đó là ma quỷ, đó là một sự cám dỗ…” Đúng, nhưng lần này nó cải trang thành thiên thần: ma quỷ biết cách cải trang thành thiên thần, nó bước vào với những lời lẽ lịch sự, và hắn thuyết phục bạn… Chúng ta phải luôn tỉnh thức, canh giữ trái tim. Nếu hôm nay tôi hỏi mỗi người chúng ta và cả chính tôi: “Điều gì đang xảy ra trong tâm hồn bạn?” Chúng ta có thể không nói được tất cả: chúng ta sẽ nói một hoặc hai điều, nhưng không phải tất cả. Hãy canh giữ trái tim, bởi vì tỉnh thức là dấu hiệu của sự khôn ngoan, trên hết là dấu hiệu của sự khiêm nhường, bởi vì chúng ta sợ sa ngã và khiêm nhường là con đường chính của đời sống Kitô hữu. Cảm ơn anh chị em.

Trong lời chào các tín hữu thuộc các nhóm ngôn ngữ khác nhau, Đức Thánh Cha liên kết chủ đề tỉnh thức với Mùa Vọng. Ngài nhắn nhủ các tín hữu nói tiếng Pháp: “Thời gian Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta về thái độ cơ bản này của người Kitô hữu: tỉnh thức. Chúng ta chờ đợi Chúa đến và chúng ta sống sự chờ đợi này bằng cách quan tâm đến những người anh chị em yếu đuối nhất đang gõ cửa trái tim chúng ta. Bằng cách này, chúng ta xây dựng cuộc sống của mình bằng sự phân định, theo Tin Mừng. Chúng ta xin Chúa gìn giữ chúng ta luôn tỉnh thức trong sự khiêm nhường và sẵn sàng.”
Đức Thánh Cha nhắn nhủ thêm trong lời chào các tín hữu nói tiếng Ba Lan: “Mùa Vọng, thời gian chờ đợi lễ Giáng Sinh, là thời gian để chia sẻ. Nhiều người trong anh chị em nhớ đến điều này khi tham gia sáng kiến của Caritas: ‘Từ gia đình đến gia đình’, nhờ đó hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang và khủng hoảng nhân đạo trên toàn thế giới. Năm nay viện trợ cũng sẽ được giúp cho các gia đình Ucraina. Tôi khuyến khích anh chị em hãy kiên trì chia sẻ với những người đang gặp khó khăn.”
Buổi tiếp kiến kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành Đức Thánh Cha ban cho mọi người.