ĐTC Phanxicô: Nếu Thiếu Cầu Nguyện Giáo Hội Không Thể Truyền Giáo Và Phục Vụ Tha Nhân


Trong buổi tiếp kiến chung trực tuyến sáng ngày 14/4/2021, tiếp tục bài giáo lý về việc cầu nguyện của người Kitô hữu, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng lời cầu nguyện thuộc về chính bản chất của Giáo hội;nếu thiếu cầu nguyện thì Giáo hội không thể thực hiện sứ mệnh truyền giáo và phục vụ người khác.

Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung trực tuyến sáng thứ Tư 14/04 Đức Thánh Cha suy tư về vai trò của Giáo hội như trường học tuyệt vời của việc cầu nguyện.

Bắt đầu từ cha mẹ chúng ta, những người dạy chúng ta cầu nguyện, gieo vào tâm hồn chúng ta hạt giống được chín mùi qua đời sống của Ki-tô hữu. Bên cạnh đó, gương sáng của những tín hữu sống đức tin, việc tham dự vào đời sống của giáo xứ và Thánh lễ, giúp chúng ta không chỉ phát triển đời sống cầu nguyện ở mức độ cá nhân nhưng còn được đón nhận di sản cầu nguyện và tu đức phong phú của Giáo hội.

Đặc biệt trong những thời điểm khó khăn, chúng ta nhận ra tầm quan trọng của cầu nguyện trong việc củng cố đức tin và đức cậy của chúng ta. Lịch sử cho thấy tầm quan trọng của các cộng đoàn cầu nguyện – các đan viện và tu viện – đối với việc canh tân Giáo hội và xã hội. Cầu nguyện là nguồn mạch của đời sống Giáo hội và là nguồn sức mạnh thực sự giúp Giáo hội làm chứng cho Chúa Phục sinh.

Đức Thánh Cha cảnh giác rằng khi Kẻ thù, Ma quỷ muốn gây chiến với Giáo hội, chúng ngăn cản Giáo hội cầu nguyện, làm cạn nguồn mạch của Giáo hội.  Vì lý do này, Chúa Giê-su nhấn mạnh rằng các môn đệ cần phải cầu nguyện không mệt mỏi và không ngừng. Do đó, cầu nguyện và dạy người khác cầu nguyện là điều cần thiết đối với sứ mệnh loan báo Tin Mừng của Giáo Hội, phục vụ Chúa Ki-tô trong anh chị em của chúng ta, và đưa mọi người vào sự hiệp nhất của vương quốc của Người.

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Mở đầu bài giáo lý, Đức Thánh Cha giải thích rằng Giáo hội là một trường học cầu nguyện tuyệt vời. Nhiều người trong chúng ta đã học cách bập bẹ những lời cầu nguyện đầu tiên khi ở trong lòng cha mẹ hoặc ông bà của mình. Có lẽ chúng ta trân trọng ký ức về cha mẹ, những người đã dạy chúng ta cầu nguyện trước khi đi ngủ. Những khoảnh khắc suy tư đó thường là những lúc các bậc cha mẹ lắng nghe một sự tin tưởng gắn bó của con cái họ và có thể đưa ra những lời khuyên được linh hứng bởi Phúc âm. Sau đó, trên hành trình trưởng thành, có những cuộc gặp gỡ khác, với những chứng nhân khác và những thầy dạy cầu nguyện (xem Giáo lý Công giáo, 2686-2687).

Cầu nguyện là sức mạnh trợ giúp chúng ta

Đời sống của một giáo xứ và của mỗi cộng đoàn Kitô hữu được đánh dấu bằng những giây phút cử hành phụng vụ và cầu nguyện của cộng đoàn. Chúng ta nhận ra rằng món quà mà chúng ta đã nhận được trong thời thơ ấu với sự đơn sơ là một di sản to lớn và phong phú nhất, và kinh nghiệm cầu nguyện đáng được đào sâu hơn nữa (x. Sđd, 2688). Tấm áo của đức tin không bị hồ cứng, nhưng phát triển cùng với chúng ta, ngay cả khi trải qua những khoảnh khắc khủng hoảng và hồi sinh.

Đức Thánh Cha nhận định: Chúng ta không thể phát triển nếu không có những khoảnh khắc khủng hoảng, bởi vì khủng hoảng làm cho bạn phát triển. Đối mặt với khủng hoảng là một cách cần thiết để phát triển. Và hơi thở của đức tin là sự cầu nguyện: chúng ta càng phát triển trong đức tin khi chúng ta học cách cầu nguyện. Sau những giai đoạn nhất định trong cuộc sống, chúng ta nhận ra rằng nếu không có đức tin, chúng ta sẽ không thể làm được điều đó, và lời cầu nguyện chính là sức mạnh của chúng ta. Không chỉ lời cầu nguyện cá nhân, mà cả lời cầu nguyện của các anh chị em, và của cộng đồng đã đồng hành và hỗ trợ chúng ta, của những người biết chúng ta, của những người chúng ta xin cầu nguyện cho chúng ta.

Cầu nguyện xây dựng Giáo hội và xã hội

Đức Thánh Cha giải thích: Đây cũng là lý do tại sao các cộng đoàn và nhóm dấn thân cầu nguyện phát triển liên tục trong Giáo hội. Một số Ki-tô hữu thậm chí cảm thấy lời kêu gọi biến cầu nguyện trở thành hành động chính trong ngày của họ. Trong Giáo hội có các đan viện, tu viện, nơi ẩn tu, nơi những người được thánh hiến cho Thiên Chúa sống và thường trở thành những trung tâm chiếu tỏa ánh sáng thiêng liêng. Đó là những ốc đảo nhỏ, nơi chia sẻ đời sống cầu nguyện mãnh liệt và tình hiệp thông huynh đệ được xây dựng từng ngày. Chúng là những tế bào quan trọng không chỉ đối với cơ cấu Giáo hội mà cho chính xã hội. Chúng ta hãy nghĩ về vai trò của đời sống đan tu đối với sự ra đời và phát triển của nền văn minh châu Âu, và cả trong các nền văn hóa khác. Cầu nguyện và làm việc trong cộng đoàn giúp thế giới tiếp tục phát triển.

Cầu nguyện và cộng đồng

Đức Thánh Cha khẳng định: Mọi thứ trong Giáo hội đều phát sinh từ cầu nguyện, và mọi thứ phát triển nhờ cầu nguyện. Ngài đưa ra ví dụ: trong khi tiến hành một số cải cách và thay đổi trong Giáo hội, người ta đã nỗ lực rất nhiều về mặt tổ chức và phương tiện truyền thông nhưng đôi khi lại thiếu cầu nguyện. Theo Đức Thánh Cha, cầu nguyện mở cánh cửa cho Chúa Thánh Thần, Đấng linh hứng cho chúng ta tiến bước. Ngài nhận định: Không có cầu nguyện thì những thay đổi trong Giáo hội không phải là thay đổi của Giáo hội, nhưng là của nhóm. Nếu ngừng cầu nguyện, có vẻ như mọi thứ vẫn có thể tiếp diễn bình thường trong chốc lát, nhưng sau một thời gian ngắn, Giáo hội nhận ra rằng nó đã trở nên giống như cái vỏ sò rỗng, đã mất trục nâng đỡ, không còn có nguồn năng lượng và tình yêu.

Cầu nguyện – dầu của ngọn đèn đức tin

Các thánh cho thấy điều này. Đức Thánh Cha giải thích: Những người nam nữ thánh thiện không có cuộc sống dễ dàng hơn những người khác, ngược lại, họ cũng có những vấn đề phải đối mặt và hơn nữa, họ thường là đối tượng của sự chống đối. Nhưng sức mạnh của họ là kinh nguyện, điều họ luôn rút ra từ “giếng” không bao giờ cạn của Giáo hội mẹ. Với kinh nguyện, họ thắp lên ngọn lửa đức tin của họ, như người ta dùng dầu để đốt các ngọn đèn. Và vì vậy họ tiếp tục bước đi trong đức tin và hy vọng. Các vị thánh, những người thường bị thế gian xem thường, thực ra là những người nâng đỡ thế gian, không phải bằng vũ khí tiền bạc và quyền lực, nhưng bằng vũ khí cầu nguyện.

Đức tin vẫn còn khi còn cầu nguyện

Đức Thánh Cha nhắc lại câu hỏi của Chúa Giêsu trong Tin Mừng thánh Luca, một câu hỏi đầy kịch tính luôn khiến chúng ta phải suy tư: “Khi Con Người đến, liệu có còn thấy đức tin trên mặt đất này nữa không?”, hay chỉ còn thấy những tổ chức, như một nhóm các doanh nhân của đức tin, được tổ chức đàng hoàng, làm các việc từ thiện? (Lc 18,8). Đức Thánh Cha lưu ý rằng câu hỏi này nằm ở cuối một dụ ngôn cho thấy sự cần thiết phải cầu nguyện một cách kiên trì, không mệt mỏi (xem cc 1-8). Vì vậy, chúng ta có thể kết luận rằng ngọn đèn đức tin sẽ luôn được thắp sáng trên trái đất chừng nào còn có dầu cầu nguyện. Nó giúp thăng tiến đức tin và phát triển cuộc sống khốn khổ, yếu đuối, tội lỗi của chúng ta.

Tôi có cầu nguyện không?

Đức Thánh Cha cũng mời gọi các Ki-tô hữu tự hỏi: Tôi có cầu nguyện không? Tôi cầu nguyện thế nào? Giống những con vẹt? Hay với tâm hồn? Tôi có chắc chắn cầu nguyện rằng tôi đang ở trong Giáo hội và cầu nguyện với Giáo hội hay tôi cầu nguyện theo ý tưởng của mình một chút và làm cho ý tưởng của tôi trở thành lời cầu nguyện? Đây là một lời cầu nguyện ngoại giáo, không phải là Ki-tô giáo. Và Đức Thánh Cha khẳng định lại: chúng ta có thể kết luận rằng ngọn đèn đức tin sẽ luôn được thắp sáng trên trái đất chừng nào còn có dầu cầu nguyện.

Sứ mệnh của Giáo hội: Cầu nguyện và giáo dục cầu nguyện

Kết thúc bài giáo lý Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến nhiệm vụ quan trọng của Giáo hội: cầu nguyện và giáo dục cầu nguyện. Chuyển trao ngọn đèn đức tin với dầu cầu nguyện từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ngài nói: Không có ánh sáng của ngọn đèn này, chúng ta không thể nhìn thấy con đường loan báo Tin Mừng; chúng ta không thể nhìn thấy khuôn mặt của các anh chị em để đến gần và phục vụ; chúng ta không thể thắp sáng căn phòng nơi chúng ta có thể gặp gỡ nhau trong cộng đoàn… Không có đức tin, mọi thứ sụp đổ; và nếu ngừng cầu nguyện, đức tin tin bị dập tắt. Đức tin và cầu nguyện đi đôi với nhau. Vì thế, Giáo hội, ngôi nhà và trường học của sự hiệp thông, là ngôi nhà và trường học của cầu nguyện.

Nguồn: Vatican News Tiếng Việt