ĐTC Phanxicô: Nhiều Kitô Hữu Bị Bách Hại Và Hy Sinh Vì Đức Tin


Trong bài giáo lý nói về những bắt bớ tù đày thánh Phaolô phải chịu khi rao giảng Tin Mừng và làm chứng về Chúa Kitô, Đức Thánh Cha nhận định rằng ngày nay có nhiều Kitô hữu bị bách hại và hy sinh vì đức tin. Tử đạo là không khí của Kitô hữu, của các cộng đoàn Kitô giáo.

Roma đã vào đông nên khí hậu cũng lạnh hơn. Do đó, từ sáng thứ Tư 11/12 hôm nay cho đến hết mùa đông, các buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha sẽ được tổ chức tại đại thính đường Phaolô VI.

Có khoảng 8000 người tham dự buổi tiếp kiến hôm nay, đặc biệt có phái đoàn hành hương 1000 người của giáo phận Mukachevo nghi lễ Bizantin của Ucraina, được Đức Thánh Cha gặp riêng tại đền thờ thánh Phêrô trước khi gặp các tín hữu tại đại thính đường Phaolô VI.

Trong bài giáo lý, Đức Thánh Cha trình bày về chứng tá của thánh Phaolô, được ghi dấu với đau khổ mà ngài phải chịu, như được thuật lại trong sách Công vụ Tông đồ. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng xiềng xích của thánh Phaolô đã trở thành khí cụ loan báo Tin Mừng nhờ tình yêu của ngài dành cho Chúa Kitô. Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu theo gương thánh nhân, kiên vững trong đức tin, nhìn mọi sự với đôi mắt đức tin và là môn đệ truyền giáo, chứng nhân của niềm vui Tin Mừng.

Thánh Phaolô, chứng nhân đau khổ của Chúa Phục sinh

Mở đầu bài giáo lý, Đức Thánh Cha nhận định: “Thánh Phaolô không chỉ là người rao giảng Tin Mừng đầy nhiệt huyết, nhà truyền giáo gan dạ giữa những người ngoại giáo, mang lại sự sống cho các cộng đoàn Kitô giáo mới, nhưng còn là chứng nhân đau khổ của Chúa Phục sinh (x. Cv 9,15-16).

Chứng tá đau khổ của thánh Phaolô lớn lên theo dòng thời gian của cuộc đời ngài. Đức Thánh Cha giải thích: Việc thánh tông đồ đến Giêrusalem, được mô tả trong chương 21 của sách Công vụ, tạo nên sự thù ghét dữ dội đối với ngài. Như đối với Chúa Giêsu, Giêrusalem cũng là thành phố thù địch đối với ngài. Ngài đi đến đền thờ, bị nhận diện, bị đưa ra ngoài để hành hình và đã được những người lính Roma cứu trong đường tơ kẽ tóc. Bị buộc tội giảng dạy chống lại Lề luật và đền thờ, ngài bị bắt và bắt đầu hành trình ngục tù; trước tiên là ra trước Thượng hội đồng, rồi đến trước công tố viên Roma tại Caesarea, và cuối cùng là trước vua Agrippa. Thánh Luca nhấn mạnh sự tương đồng giữa thánh Phaolô và Chúa Giêsu, cả hai đều bị những kẻ đối nghịch thù ghét, bị buộc tội công khai và được chính quyền đế quốc công nhận là vô tội; và vì thế thánh Phaolô được liên kết với cuộc thương khó của Thầy mình, và cuộc thương khó của ngài trở thành một phúc âm sống động.

Ngày nay, rất nhiều Kitô hữu bị bách hại và hy sinh mạng sống vì đức tin

Đức Thánh Cha chia sẻ với các tín hữu: Tôi vừa từ đền thờ thánh Phêrô đến, ở đó tôi đã tiếp các tín hữu hành hương của một giáo phận Ucraina. Dân tộc này đã bị bách hại, họ đã đau khổ rất nhiều vì Tin Mừng! Nhưng họ không thỏa hiệp về đức tin. Họ là một gương mẫu. Ngày nay, trên thế giới, tại châu Âu, rất nhiều Kitô hữu bị bách hại và hy sinh mạng sống vì đức tin, hay bị bách hại bởi những người mang găng tay trắng, nghĩa là bị loại ra, gạt ra bên lề. Tử đạo là không khí của cuộc sống Kitô hữu, của cộng đoàn Kitô giáo. Luôn luôn có những vị tử đạo ở giữa chúng ta: điều này là dấu hiệu chúng ta đang đi trên con đường của Chúa Giêsu. Thật là phúc lành của Chúa khi có người nào đó trong cộng đồng dân Chúa làm chứng tá tử đạo này.

Nhà truyền giáo đích thực không chú trọng vào chính mình, nhưng luôn hướng về Chúa

Đức Thánh Cha tiếp tục bài giáo lý: thánh Phaolô được yêu cầu tự bào chữa cho mình trước những lời buộc tội và cuối cùng, trước sự chứng kiến của vua Agrippa II, lời biện luận của ngài trở thành một chứng tá hiệu quả của đức tin (x. Cv 26,1-23). Ngay cả khi nói về chính mình, thánh Phaolô loan báo và bày tỏ về Chúa của mình. Thật vậy, nhà truyền giáo đích thực không chú trọng vào chính mình, mà tất cả đều hướng về Chúa, Đấng là trung tâm của mọi điều, đặc biệt là của tâm hồn ngài.

Sứ mạng truyền giáo giữa các dân tộc

Sau đó, thánh Phaolô kể lại cuộc hoán cải của chính mình: Chúa Kitô Phục sinh đã biến ngài trở thành Kitô hữu và giao cho ngài sứ mạng truyền giáo giữa các dân tộc, “khiến họ rời bóng tối mà trở về cùng ánh sáng, thoát khỏi quyền lực Satan mà trở về cùng Thiên Chúa. Như vậy, nhờ tin vào Ta, họ sẽ được ơn tha tội và được hưởng phần gia tài cùng với các người đã được thánh hiến.” (Cv 26,18). Thánh Phaolô vâng theo sứ vụ này và không làm gì khác hơn là tỏ cho thấy các tiên tri và Môsê đã báo trước điều mà bây giờ ông loan báo: ” Đấng Kitô sẽ chịu đau khổ và là người đầu tiên sống lại từ cõi chết, để loan báo ánh sáng cho dân Do thái cũng như cho các dân ngoại” (câu 23). Chứng tá nhiệt thành của thánh Phaolô chạm đến con tim của vua Agrippa, người chỉ thiếu bước quyết định: “Chút nữa là ông thuyết phục được tôi trở thành Kitô hữu rồi đấy!” (câu 28). Thánh Phaolô được tuyên bố vô tội, nhưng không thể được phóng thích vì ngài đã kháng cáo lên hoàng đế. Và cứ thế, cuộc hành trình không thể bị ngăn cản của Lời Chúa đã tiếp tục đến Roma.

Xiềng xích của thánh Phaolô là dấu hiệu của lòng trung thành

Đức Thánh Cha nhận xét: Kể từ giây phút này, chân dung của Phaolô là chân dung của một tù nhân và xiềng xích là dấu hiệu của lòng trung thành của ngài với Tin Mừng và chứng tá về Đấng Phục sinh.

Xiềng xích chắc chắn là một thử nghiệm nhục nhã đối với thánh tông đồ, xuất hiện trước mắt thế gian như một “tên tội phạm” (2 Tm 2,9). Nhưng tình yêu của ngài dành cho Chúa Kitô mạnh đến nỗi ngay cả những xiềng xích này cũng được đọc với con mắt đức tin; niềm tin đối với thánh Phaolô không phải là “một lý thuyết, một ý kiến ​​về Thiên Chúa và thế giới”, mà là “tác động của tình yêu của Thiên Chúa đối với trái tim ngài, […] là tình yêu dành cho Chúa Giêsu Kitô” (Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI, bài giảng nhân dịp Năm Thánh Phaolô, 28/06/2008).

Cuối cùng, Đức Thánh Cha nhắn nhủ các tín hữu: Anh chị em thân mến, thánh Phaolô dạy chúng ta kiên trì trong thử thách và khả năng đọc mọi sự với con mắt đức tin. Hôm nay chúng ta cầu xin Chúa, qua lời chuyển cầu của thánh tông đồ, làm sống lại đức tin của chúng ta và giúp chúng ta trở thành các tín hữu cho đến tận căn của ơn gọi trở thành các môn đệ truyền giáo.

Hồng Thủy

Nguồn: Vatican News Tiếng Việt