ĐTC Phanxicô: Sự Kiên Nhẫn Của Chúa Mở Ra Cho Chúng Ta Niềm Hy Vọng


Hành động của người môn đệ phải là “không phải hủy diệt người xấu, nhưng cứu họ”. Đây là con đường Đức Thánh Cha đã chỉ ra trong buổi đọc Kinh Truyền Tin, ngài nhắc nhở rằng điều này không phải sự khoan dung giả hình nhưng là công bằng được lòng thương xót nâng đỡ.

Trưa Chúa nhật XVI thường niên, vào lúc 12 giờ trưa, tại cửa sổ Dinh Tông tòa Đức Thánh Cha cầu nguyện cùng với các tín hữu và du khách hành hương. Cũng như mọi khi, trước khi đọc Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha có bài huấn dụ ngắn.

Dụ ngôn cỏ lùng: sự kiên nhẫn của Thiên Chúa mở ra niềm hy vọng

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha dựa theo Tin Mừng Chúa nhật, Tin Mừng Thánh Matthêu (Mt 13, 24-43). Trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu dùng ba dụ ngôn để giảng dạy dân chúng, nhưng Đức Thánh Cha chỉ tập trung vào dụ ngôn đầu tiên: dụ ngôn cỏ lùng. Theo Đức Thánh Cha, qua dụ ngôn cỏ lùng, Chúa Giêsu giúp chúng ta biết sự kiên nhẫn của Thiên Chúa, và như thế tâm hồn chúng ta sẽ rộng mở với niềm hy vọng.

Đức Thánh Cha nói: “Chúa Giêsu kể rằng: trong ruộng, nơi những hạt giống tốt đã được gieo, cỏ lùng cũng mọc lên. Thuật ngữ cỏ lùng muốn nói đến tất cả những loại thực vật gây hại cho đất. Các đầy tớ đến gặp ông chủ để hỏi xem cỏ lùng từ đâu ra. Ông chủ trả lời: ‘Kẻ thù đã làm như thế!’ (câu 28). Ngay lập tức, các đầy tớ muốn ra ruộng nhổ hết cỏ lùng đang lớn lên. Nhưng trái lại, ông chủ nói không, bởi vì khi nhổ cỏ họ cũng có thể nhổ luôn cả lúa. Vì vậy, cần phải chờ đợi tới mùa gặt. Chỉ khi đó cỏ lùng sẽ bị tách ra và đem đi đốt”.

Thiên Chúa luôn gieo điều tốt, ma quỷ gieo điều xấu

Đức Thánh Cha giải thích: “Khi đọc dụ ngôn này cũng là cách chúng ta nhìn lại lịch sử. Thiên Chúa-Ông chủ của đồng ruộng chỉ gieo và luôn luôn gieo giống tốt, kẻ thù đã gieo cỏ lùng để cản trở sự phát triển của lúa. Ông chủ làm việc cách công khai, giữa ban ngày, và mục đích của ông là một mùa thu hoạch tốt. Kẻ thù lợi dụng đêm tối để thực hiện những hành động xuất phát từ sự đố kỵ, ganh tị, và thù nghịch để hủy hoại mọi thứ. Kẻ thù đó có tên là ma quỷ, đối thủ thực sự của Thiên Chúa. Mục đích của ma quỷ là gây trở ngại cho công trình cứu độ của Thiên Chúa, ngăn chặn Nước Trời qua những người làm việc và gieo giống xấu xa độc ác. Thực tế, hạt giống tốt và cỏ lùng không phải đại diện cho điều tốt và xấu cách trừu tượng, nhưng là chính chúng ta, những con người; chúng ta theo Chúa hay theo ma quỷ”.

Đức Thánh Cha đưa ra những ví dụ cụ thể trong đời sống xã hội: “Nhiều lần, chúng ta nghe nói về một gia đình trước đó đang sống trong bình an, sau đó chiến tranh bắt đầu, ghen tị … một khu phố đang sống hòa bình, rồi những điều tồi tệ bắt đầu … Và chúng ta thường nói: Có người đến gieo cỏ lùng, hoặc đó chính là thành viên của gia đình, với việc nói xấu, gieo cỏ lùng. Những người này luôn gieo điều xấu để phá hủy. Đây là điều do ma quỷ thực hiện hoặc do cám dỗ của chúng ta: khi chúng ta rơi vào cám dỗ nói xấu để tiêu diệt người khác”.

Phải loại trừ sự dữ, nhưng cần kiên nhẫn với người xấu

Từ thực tế, Đức Thánh Cha giải thích tiếp về thái độ của ông chủ và các tôi tớ trong Tin Mừng: “Ý định của các tôi tớ là muốn loại trừ sự xấu ngay lập tức, loại trừ những người xấu. Nhưng ông chủ khôn ngoan hơn, ông nhìn xa hơn. Các tôi tớ phải học cách chờ đợi bởi vì sự bách hại và thù địch là một phần của ơn gọi Kitô Hữu. Dĩ nhiên sự dữ phải bị loại trừ, nhưng với người xấu chúng ta cần phải kiên nhẫn. Điều này không có nghĩa là sự khoan dung giả hình nó hàm chứa một sự mơ hồ; đúng hơn là công lý được thực hiện với lòng thương xót. Nếu Chúa Giêsu đến để tìm những người tội lỗi hơn là những người công chính, để chữa lành những bệnh nhân trước rồi mới đến với người mạnh khỏe (Mt 9,12-13), thì hành động của chúng ta, các môn đệ của Ngài không phải hủy diệt người xấu, nhưng là cứu họ. Và đó là sự kiên nhẫn”.

Biết nhận ra những điều tốt đang phát triển âm thầm trong cánh đồng của Giáo Hội

Từ bài học về sự kiên nhẫn Đức Thánh Cha giải thích tiếp: “Tin Mừng chỉ cho thấy hai đường lối hành động và lịch sử đang tồn tại: một mặt là cái nhìn của ông chủ, nhìn xa; mặt khác là cái nhìn của các tôi tớ, nhìn vào những vấn đề. Điều mà các tôi tớ quan tâm là cánh đồng không có cỏ lùng; Ông chủ thì quan tâm đến lúa tốt. Thiên Chúa mời gọi chúng ta học cách nhìn của Ngài, tập trung vào lúa tốt, để biết cách bảo vệ chúng ngay cả khi chúng ở giữa đám cỏ. Những ai chỉ tìm kiếm những nhược điểm và thiếu sót của người khác thì không cộng tác tốt với Chúa, nhưng đúng hơn là những người biết cách nhận ra những điều tốt lành đang phát triển âm thầm trong cánh đồng của Giáo Hội và của lịch sử, nuôi dưỡng chúng cho đến khi trưởng thành. Và rồi chính Thiên Chúa sẽ thưởng những điều tốt lành và phạt những điều xấu xa”.

Đức Thánh Cha kết thúc bài giáo lý với lời mời gọi: “Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta hiểu và noi gương sự kiên nhẫn của Thiên Chúa, Ngài không muốn một người con nào phải hư mất, những người được Thiên Chúa yêu thương với tình phụ tử”.

Nguồn: Vatican News Tiếng Việt