ĐTC Phanxicô: Sứ Vụ Của Giáo Hội Là Chăm Sóc Bệnh Nhân Cách Gần Gũi Và Cảm Thông


Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa ngày 7/2/2021, dựa trên đoạn Tin Mừng thuật lại cách Chúa Giê-su cầm tay và nâng dậy mẹ vợ thánh Phê-rô và chữa lành bệnh sốt cho bà, Đức Thánh Cha nhận định rằng chăm sóc các bệnh nhân là sứ vụ của Giáo hội, như nó từng là sứ vụ của Chúa Giê-su. Và cách thế của Thiên Chúa là cúi xuống, nâng dậy, chăm sóc với sự dịu dàng và cảm thông. Nhưng để thực hiện điều này cần phải có mối tương quan mật thiết với Chúa qua cầu nguyện.

Trưa Chúa Nhật 7/2/2021, từ cửa sổ Dinh Tông Tòa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phê-rô. Đây là buổi đọc kinh đầu tiên có giáo dân diễn ra tại quảng trường sau 7 tuần lễ Roma lockdown vì đại dịch và các buổi đọc kinh chỉ được truyền chiếu trực tiếp từ Thư viện Dinh Tông Tòa. Trước khi bắt đầu bài huấn dụ, Đức Thánh Cha đã nói: “Một lần nữa chúng ta lại ở tại quảng trường!”

Vì thời tiết Roma mưa nhiều và gió lạnh nên chỉ có vài trăm tín hữu hiện diện đọc kinh với Đức Thánh Cha. Đức Thánh Cha vui khi thấy dân chúng lại có thể quy tụ tại quảng trường, trong đó có các nữ tu Tây Ban Nha, những người mà Đức Thánh Cha khen ngợi là can đảm, luôn hiện diện khi nắng cũng như lúc mưa.

Huấn dụ của Đức Thánh Cha

Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Đoạn Tin Mừng hôm nay (x. Mc 1,29-39) thuật lại việc Chúa Giê-su chữa lành mẹ vợ của thánh Phê-rô và sau đó chữa lành nhiều người bệnh và đau khổ khác quy tụ xung quanh Người. Việc chữa lành mẹ vợ thánh Phê-rô là việc chữa lành thể lý đầu tiên được thánh Marco thuật lại: người phụ nữ đang bị sốt nằm trên giường; thái độ và cử chỉ của Chúa Giê-su đối với bà có ý nghĩa biểu tượng: thánh sử miêu tả rằng “Người lại gần, cầm lấy tay bà (c. 31). Hành động đơn giản này rất dịu dàng, có vẻ như hoàn toàn tự nhiên: “Cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài” (ibid). Sức mạnh của Chúa Giê-su không gặp phải sự phản kháng nào; và người được chữa lành bắt đầu lại cuộc sống bình thường, nghĩ ngay đến người khác, chứ không phải nghĩ đến mình – và điều này thật ý nghĩa, nó là dấu chỉ của “sự khỏe mạnh” thật sự!

Hôm đó là ngày Sa-bát. Người dân trong làng chờ đợi mặt trời lặn và khi thời gian buộc phải nghỉ ngơi theo lề luật đã chấm dứt, họ mang đến cho Chúa Giêsu tất cả những người bị bệnh và bị quỷ ám. Và Người chữa lành họ, nhưng không cho phép ma quỷ tiết lộ rằng Ngài là Đức Ki-tô (xem cc. 32-34). Như vậy, ngay từ ban đầu, Chúa Giêsu đã cho thấy sự ưu ái của Người đối với những người đau khổ về thể xác và tinh thần: đó là sự ưu ái của Chúa Cha mà Người là hiện thân và biểu lộ bằng việc làm và lời nói.

Chăm sóc bệnh nhân là sứ mệnh thiết yếu của Giáo hội

Các môn đệ của Người là chứng tá trực tiếp, họ đã tận mắt nhìn thấy ​​điều này và làm chứng. Nhưng Chúa Giê-su không muốn họ chỉ là những khán giả trong sứ mệnh của Người: Người cho họ tham gia vào sứ mệnh đó; Người đã sai họ đi; Người còn ban cho họ quyền năng chữa lành bệnh tật và trừ quỷ (x. Mt 10,1; Mc 6,7). Và cho đến ngày nay điều này vẫn tiếp tục, không bị gián đoạn trong đời sống của Giáo Hội. Chăm sóc cho các bệnh nhân không phải là một “hoạt động tùy chọn” đối với Giáo hội. Không, nó không phải là một điều gì đó thứ yếu. Chăm sóc các bệnh nhân của mọi thứ bệnh là một phần không thể thiếu trong sứ mệnh của Giáo hội, như nó đã là sứ mệnh của Chúa Giê-su: mang sự dịu dàng của Thiên Chúa Trời đến với nhân loại đang đau khổ. Chúng ta sẽ được nhắc nhở về điều này trong một vài ngày nữa, vào ngày 11/2, Ngày Thế giới các bệnh nhân.

Thực tế mà chúng ta đang trải qua trên khắp thế giới do đại dịch khiến sứ điệp này, sứ vụ thiết yếu của Giáo hội trở nên hiện thực cách đặc biệt. Tiếng nói của ông Gióp, vang vọng trong phụng vụ ngày nay, một lần nữa giải thích thân phận con người của chúng ta, có phẩm giá cao quý nhưng đồng thời cũng rất mong manh. Trước thực tế này, trong lòng chúng ta luôn nảy sinh câu hỏi “tại sao?”.

Gần gũi, dịu dàng, cảm thông

Chúa Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể, không trả lời câu hỏi tại sao chúng ta có phẩm giá cao cả và lại ở trong tình trạng mong manh như thế bằng một lời giải thích, nhưng bằng một sự hiện diện yêu thương, cúi xuống, cầm tay nâng dậy, như Người đã làm với mẹ vợ thánh Phê-rô (x. Mc 1,31 ). Cúi người để nâng người khác lên. Chúng ta đừng quên rằng hình thức hợp pháp duy nhất, cách hợp pháp duy nhất để từ trên cao nhìn xuống một người dưới thấp là khi bạn đưa tay ra để giúp họ đứng lên. Và đây là sứ mệnh duy nhất Chúa Giêsu đã trao cho Giáo hội. Con Thiên Chúa bày tỏ Quyền Chủ tể của Người không phải “từ trên xuống dưới”, không phải từ xa, nhưng cúi xuống, nắm tay, biểu hiện Quyền Chủ tể của Người trong sự gần gũi, dịu dàng, cảm thông. Gần gũi, dịu dàng, cảm thông là cách thức của Thiên Chúa. Thiên Chúa đến gần và đến gần cách dịu dàng và cảm thông.

Kết hiệp mật thiết với Chúa Cha trong cầu nguyện

Bao nhiêu lần chúng ta đọc thấy trong Tin Mừng rằng đứng trước một vấn đề sức khỏe hay bất cứ loại vấn đề nào, “Chúa chạnh lòng thương”. Và đoạn Tin Mừng hôm nay cũng nhắc nhở chúng ta rằng lòng cảm thông trắc ẩn này đâm rễ sâu trong mối quan hệ mật thiết với Chúa Cha: Trước khi trời sáng và sau khi mặt trời lặn, Chúa Giê-su lui vào nơi thanh vắng và ở lại đó một mình để cầu nguyện (c. 35). Từ đó Người tìm được sức mạnh để hoàn thành sứ mệnh của mình, rao giảng và thực hiện các việc chữa bệnh.

Xin Đức Thánh Trinh nữ giúp chúng ta để cho mình được Chúa Giê-su chữa lành – mỗi người chúng ta đều cần điều này – để đến lượt mình, chúng ta có thể là chứng nhân của sự chữa lành dịu dàng của Thiên Chúa.

Nguồn: Vatican News Tiếng Việt