ĐTC Phanxicô: Yêu Thương Là Hoa Trái Của Việc Ở Lại Trong Thầy


Trưa Chúa Nhật 9/5, ĐTC Phanxicô đã đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha nhắc rằng: “Yêu như Chúa Giêsu yêu có nghĩa là đặt mình phục vụ anh em mình” và “tôn trọng tự do của người được yêu.”

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha trước khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần này (Ga 15,9-17), sau khi ví mình với cây nho và chúng ta với cành nho, Chúa Giêsu giải thích những ai ở lại trong Người sẽ sinh hoa kết quả nào: là tình yêu. Ở đây có động từ quan trọng: ở lại. Người mời chúng ta ở lại trong tình yêu của Người để niềm vui của Người ở trong chúng ta và niềm vui của chúng ta được trọn vẹn (câu 9-11). Ở lại trong tình yêu của Chúa Giêsu.

Chúng ta tự hỏi: tình yêu mà Chúa Giêsu nói với chúng ta hãy ở lại để có được niềm vui của Người, là gì? Tình yêu này là gì? Đó là tình yêu bắt nguồn từ Chúa Cha, vì “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4, 8). Tình yêu này của Thiên Chúa, của Chúa Cha, như một dòng sông chảy nơi Chúa Con và qua Người đến với chúng ta, các thụ tạo của Người. Thật vậy, Chúa Giêsu nói: “Như Chúa Cha đã yêu mến Thầy, thì Thầy cũng yêu mến anh em” (Ga 15, 9). Tình yêu mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta cũng giống như tình yêu của Chúa Cha: tình yêu tinh tuyền, vô điều kiện, tình yêu nhưng không. Bạn không thể mua nó vì nó miễn phí. Khi trao tình yêu cho chúng ta, Chúa Giêsu coi chúng ta như những người bạn – với tình yêu thương này -, khiến chúng ta nhận biết Chúa Cha, và cho chúng ta tham dự vào chính sứ mạng của Người đối với sự sống của thế giới.

Và khi đó, chúng ta có thể tự đặt ra câu hỏi, làm thế nào để bạn ở lại trong tình yêu này? Chúa Giê-su nói: “Nếu anh em tuân giữ các điều răn của Thầy, thì anh em sẽ ở lại trong tình yêu của Thầy” (câu 10). Chúa Giê-su đã tóm tắt các điều răn của Người trong một điều này: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (câu 12). Yêu như Chúa Giêsu yêu có nghĩa là đặt mình phục vụ anh em, như Người đã rửa chân cho các môn đệ. Nó cũng có nghĩa là thoát ra khỏi chính mình, tách mình khỏi sự an toàn của con người, khỏi những tiện nghi của thế gian, để mở lòng với người khác, đặc biệt là những người túng thiếu hơn. Nó có nghĩa là để cho mình luôn sẵn sàng, với những gì chúng ta là và những gì chúng ta có. Điều này có nghĩa là yêu không phải bằng lời nói mà bằng hành động.

Yêu như Chúa Kitô có nghĩa là nói không với những thứ “yêu” khác mà thế gian dành cho chúng ta: yêu tiền – những người yêu tiền không yêu như Chúa Giê-su yêu -, yêu thành công, phù phiếm, quyền lực…. Những nẻo đường lừa bịp này của “tình yêu” đưa chúng ta xa rời tình yêu của Chúa và làm cho chúng ta ngày càng trở nên ích kỷ, tự ái và hống hách. Và sự kiêu ngạo làm thoái hóa tình yêu, lạm dụng người khác, làm cho người mình yêu đau khổ. Tôi nghĩ đến tình yêu bệnh hoạn biến thành bạo lực – và bao nhiêu phụ nữ là nạn nhân của bạo lực ngày nay. Đây không phải là tình yêu. Yêu thương như Chúa yêu thương chúng ta có nghĩa là đánh giá cao người xung quanh chúng ta, và tôn trọng tự do của người ấy, yêu người ấy như chính người ấy là, chứ không phải như chúng ta muốn người ấy trở thành; như người ấy là, một cách nhưng không. Cuối cùng, Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta ở lại trong tình yêu của Người, ở trong tình yêu của Người, không phải trong ý tưởng của chúng ta, không phải trong sự sùng bái chính mình. Ai sống trong sự sùng bái bản thân, sống trong gương thì luôn nhìn vào chính mình. Người yêu cầu chúng ta thoát ra khỏi ước muốn kiểm soát và quản lý người khác. Đừng kiểm soát, nhưng hãy phục vụ họ. Mở lòng với người khác, đây là tình yêu, và trao ban chính mình cho người khác.

Anh chị em thân mến, việc ở lại này trong tình yêu của Chúa sẽ dẫn chúng ta đến đâu? Chúa Giê-su nói với chúng ta: “Để niềm vui của Thầy ở trong anh em và niềm vui của anh em được trọn vẹn” (câu 11). Và niềm vui của Chúa, vì được hiệp thông hoàn toàn với Chúa Cha, ước muốn ở trong chúng ta cũng như hiệp nhất với Người. Là niềm vui khi biết rằng, bất chấp sự bất trung của chúng ta, chúng ta vẫn được Thiên Chúa yêu thương, giúp chúng ta với đức tin, đối diện với những thử thách của cuộc sống, giúp chúng ta bước qua những khủng hoảng để tiến đến cuộc sống tốt hơn. Khi sống niềm vui này, chúng ta mới trở thành những chứng nhân đích thực, bởi vì niềm vui là dấu chỉ của một Kitô hữu đích thực. Kitô hữu đích thực thì không buồn, và luôn có niềm vui bên trong ngay cả trong những thời điểm đen tối.

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta luôn ở trong tình yêu của Chúa Giêsu và lớn lên trong tình yêu đối với mọi người, làm chứng cho niềm vui của Chúa Phục Sinh.

Nguồn: Vatican News Tiếng Việt