ĐTC Phanxicô: Yêu Thương Thì Vượt Qua Nỗi Sợ Hãi Đón Tiếp Người Đến Biên Giới


Nhân Ngày Xã hội Công giáo châu Âu lần thứ ba được tổ chức ở Bratislava, thủ đô Slovakia, Đức Thánh Cha gửi sứ điệp cho Đức Tổng Giám mục Gintaras Grušas của Vilnius, Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Châu Âu, cám ơn các Giáo hội địa phương đã đáp ứng kịp thời trong việc đón tiếp những người tị nạn chiến tranh ở Ucraina, và nhấn mạnh “ai yêu thương thì vượt qua nỗi sợ hãi và hoài nghi đối với những người đến biên giới để tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Ngày Xã hội Công giáo châu Âu được tổ chức bởi Liên Hội đồng Giám mục châu Âu (CCEE), Uỷ ban các Hội đồng Giám mục của Liên minh châu Âu (COMECE), và Hội đồng Giám mục Slovakia, diễn ra từ ngày 17 đến 20/3/2022, với mục đích “để chỉ ra rằng các Kitô hữu đang sống ở châu Âu làm việc cho một tương lai liên đới”.

Trong sứ điệp gửi đến sự kiện này, trước hết Đức Thánh Cha nói đến thảm trạng đang diễn ra giữa lòng châu Âu, làm cho mọi người sửng sốt. Vì không ai nghĩ mình sẽ nhìn thấy những cảnh gợi nhớ những cuộc xung đột chiến tranh lớn của thế kỷ trước. Một lần nữa nhân loại bị đe doạ bởi sự lạm dụng xấu xa của quyền lực và lợi ích đảng phái, khiến những người không có khả năng tự vệ phải chịu mọi hình thức bạo lực tàn bạo.

Ở điểm này, Đức Thánh Cha cám ơn các Hội đồng Giám mục đã đưa ra những đáp ứng nhanh chóng và đồng thuận trong việc giúp đỡ dân chúng. Ngài nói: “Chúng ta đừng mệt mỏi vì điều này, và không ngừng khẩn cầu sự bình an của Chúa. Chúng ta tiếp tục cầu nguyện để những người nắm giữ vận mệnh các quốc gia tiếp tục nỗ lực làm mọi cách để chấm dứt chiến tranh và mở ra một cuộc đối thoại xây dựng, chấm dứt thảm kịch nhân đạo đang xảy ra”.

Theo Đức Thánh Cha, ngày nay hơn bao giờ hết, việc xét lại phong cách và hiệu quả của các nhà chính trị là cấp thiết. Trước những thay đổi mà chúng ta đang chứng kiến ở cấp độ quốc tế, nhiệm vụ của chúng ta là tạo ra khả năng phát triển cho một cộng đồng thế giới, có khả năng hiện thực tình huynh đệ bắt đầu từ các dân tộc và quốc gia.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh thêm: “Là Kitô hữu và công dân châu Âu, chúng ta được kêu gọi can đảm thực hiện những gì vị sáng lập châu Âu Alcide De Gasperi đã nói: Vì công ích của quê hương châu Âu chúng ta. Đúng vậy, châu Âu và các quốc gia tạo nên châu Âu không được đối nghịch nhau, và xây dựng tương lai không có nghĩa là đồng nhất hoá, nhưng liên kết trong sự tôn trọng những khác biệt. Đối với Kitô hữu, tái xây dựng ngôi nhà chung có nghĩa là trở thành những nghệ nhân của sự hiệp thông, những người dệt nên sự hiệp nhất ở mọi cấp độ: không phải bằng chiến lược, nhưng bằng Tin Mừng”.

Đề cập đến logo của Ngày Xã hội Công giáo châu Âu lần thứ ba, hình Thánh Martinô thành Tours cắt áo choàng cho người nghèo, Đức Thánh Cha nói: “Hình ảnh này nhắc nhở chúng ta rằng tình yêu là sự gần gũi cụ thể, chia sẻ, quan tâm đến người khác. Ai yêu thương thì vượt qua nỗi sợ hãi và hoài nghi đối với những người đến biên giới của chúng ta để tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn”. Ngài kết luận: “Cầu mong những bức tường vẫn còn hiện diện ở châu Âu trở thành những cánh cửa tiếp cận với di sản lịch sử, đức tin, nghệ thuật và văn hóa của nó; đối thoại và tình bạn xã hội được thúc đẩy, để sự chung sống nhân loại dựa trên tình huynh đệ có thể phát triển”.

Nguồn: Vatican News Tiếng Việt